“Phép màu” trên những trang thơ viết cho các em
(Đọc tập thơ “Phép màu”- Nxb Kim Đồng, 2024 và những bài thơ viết cho thiếu nhi của Trương Thiếu Huyền)
Là người cùng quê hương Trạng Trình – huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, tôi đọc thơ Trương Thiếu Huyền đã lâu. Được ông trời phú cho một “con tim thi sĩ”, con tim dễ run rẩy, chênh chao, Trương Thiếu Huyền yêu thơ và say mê sáng tác thơ từ còn thuở thiếu thời.
Điều dễ thấy ở thơ Trương Thiếu Huyền, là sức rung, là khả năng tinh nhạy trong cảm nhận, nghĩ suy và phát hiện, là sự nhập hòa, ăn khớp giữa “thơ và người thơ”, là những tia sáng lấp lánh có được ở độc thoại từ rất nhiều va đập, diện kiến quanh mình.
Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Trương Thiếu Huyền càng thấy yêu hơn, anh thực sự là nhà thơ của các em yêu quý. Bởi, trong anh luôn sẵn chứa trong mình một thế giới trong xanh. Thế giới hồn nhiên, tươi vui, ngộ nghĩnh. Thế giới của “Tuổi thơ - Nước Thánh”… để rồi, ngỡ như, bất kỳ một va chạm nhỏ nào, qua “con mắt xanh” của Trương Thiếu Huyền đều đem về cho các em cái bất ngờ ở cái “gặp”, cái “thấy”. Và, sâu sắc hơn, thú vị hơn, là cái “biết”. Cái cho thêm những lần mở mắt nhìn đời.
Cùng với tập thơ “Tập đếm”, “Phép màu” là tập thơ thứ hai. Đây là sự nối dài, sự chuyển tiếp, sự đắp dày một giọng điệu thơ Trương Thiếu Huyền ở quá trình kiếm tìm và khai sáng.
Bởi luôn yêu quý trẻ thơ, đằm mình trong thế giới tươi non này, thơ Trương Thiếu Huyền luôn bám vào “cảnh” vào “sự” để khơi dậy cái “tình”. Khơi dậy cái “cao hơn” tất cả, là tia sáng “hồn mình”.
Thơ Trương Thiếu Huyền không sa vào mô tả thiên nhiên, cảnh vật, cũng ít khi tách mình ra khỏi ngoại giới để chỉ riêng mình với tiếng lòng độc thoại trong ngẫm suy, chiêm nghiệm. Mà, với thơ, trong ba vế của điểm tựa (cảnh - sự - tình), Trương Thiếu Huyền luôn quan tâm đến “sự”.
“Sự” là “việc”, là “chuyện”, là cái “gốc” đẻ ra bao nhiêu liên tưởng để dẫn đến kết cục: Nó là gì trong cái “nó đã khác nó”? Trong cái lung linh, cái hoài nghi… chỉ thi nhân mới nhìn ra qua phát hiện, khám phá.
Dường như, trên mạch đi của thơ Trương Thiếu Huyền, là “chuyện”, là cảnh huống, là cả một sự phong phú, sinh động của những gì là chuyện kể, được đẻ ra từ cái “sinh sự” (mà) - Sự (nó) sinh” qua lối kể tươi vui, ngộ nghĩnh.
Từ Chuyện Chuột xù, Gió, Chú gà, Tập đếm, Cuộc đua, Trời rất nhỏ… đến chuyện Bé học bài, Chân, Chuột và Mèo, Chị Hằng, Chú Cuội, Bức tranh, Núi… v.v..
Ví như, dẫu chỉ từ một “vết bẩn”, “chuyện” gặp ở trên gương thế này:
“Gương có một vết bẩn!
Chó cãi Mèo là hai
Cả hai cùng tức giận
Vì ai đúng, ai sai
Cùng soi gương, nghiêng ngó
Ba vết bẩn động theo
Hai vết trên mặt Chó!
Một vết trên mặt Mèo!”
Hoặc: Chuyện từ một cuộc đua, do sự ranh mãnh, láu cá, Rùa luôn giành phần thắng. Và, bài thơ khép lại với cái lý thật hay ở sự lý giải:
“Sên nói lên sự thật
Chạy kiểu Rùa là sai
Cuộc đua không chấp nhận
Vì vắng mặt trọng tài!”
Thế đó. Mỗi bài thơ, mỗi một chuyện kể nào, cái thú vị có được ở thơ Trương Thiếu Huyền đều trụ về “cái kết”. Cái kết bất ngờ. Cái kết làm nên cái “đế” cho thơ mở ra cái “động”, mở ra vệt loang thấm chảy dài.
Trong chuyện kể, Trương Thiếu Huyền có nhiều phát hiện, thông qua hình ảnh, hình tượng tạo cho các em một năng lực liên tưởng, tư duy kỳ diệu, khi đứng trước một đại giác rộng lớn:
“Na đây có mắt
Mít đây có gai
Bầu đây có ruột
Hồng đây có tai”
Hoặc:
“Vỏ xanh lòng đỏ
Là trái dưa hấu
Vỏ đen ruột trắng
Là ấu sừng trâu”
(Như đồng dao)
Đấy là cái “tinh” của cái “nhìn”. Còn đây là sự tinh tế của cái “nghe” qua cái “rung”, cái “cảm”:
“Đêm, nếu ai cũng ngủ
Thì sáng mai thế nào?”
Đấy là câu tự vấn, trước vạn vật đang không ngừng vận động, khi:
“Cau vặn mình nở bẹ
Dạ hương thầm đưa hương
Bầu trời tia chớp loé
Mở ra bao con đường...”
(Đêm, nếu ai cũng ngủ)
Cùng cái “nhìn”, với cái “nghe” như thế. Và, đây nữa, điều hệ trọng là chiều sâu của cái “nghĩ”:
“Chim nhờ cây làm tổ
Cây nhờ đất ươm mầm…”
Rồi :
“Dòng sông nhờ cửa bể
Mới dẫn tới chân trời
Chân trời nhờ tay bé
Tô một màu hồng tươi!”
Viết cho các em, Trương Thiếu Huyền luôn mở rộng biên độ khai thác. Từ tạo dựng những bức tranh thiên nhiên, cảnh vật đến những chuyện vui trong đời sống sinh hoạt trẻ thơ. Trương Thiếu Huyền còn ý thức đem đến cho các em những kiến văn về lịch sử, văn hóa. Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, và niềm tự hào truyền thống dân tộc được Trương Thiếu Huyền khai thác và biểu hiện khá hay.
Ví như, trong bài Tập đếm:
...
“Một Kim Quy nỏ thần
Hai Bà Trưng khởi nghĩa
Ba lần thắng Nguyên - Mông
Bốn phương trời Đất nước
Năm cánh sao Tổ quốc
Sáu chữ vàng cờ thêu”
Hoặc, trong Bài học của em:
…
“Học Đinh Bộ Lĩnh
Phất cờ bông lau
Học Trần Quốc Toản
Đánh giặc, đi đầu
Học Mạc Đĩnh Chi
Trạng nguyên lưỡng quốc
Ngoại bang thị uy
Không hề khiếp nhược
Âu Cơ, Long Quân
Xuống xuôi, lên ngược
Học theo Diên Hồng
Một lòng “Sát Thát”!”
Hoặc:
“Mời bạn nhanh trí
Với từng quốc kỳ
Đọc ngay tên nước
Thủ đô tên gì”
Rồi:
““Nền đỏ sao vàng”
Tất cả cùng nói:
- Quốc kỳ Việt Nam…”
(Từ từ biết hết)
Gần bốn mươi năm cầm bút, Trương Thiếu Huyền viết đều, viết chắc, viết tinh lọc, chọn lựa.
Trương Thiếu Huyền không ham in nhiều. Với mảng thơ khá dày dặn viết cho người lớn, biểu hiện: Thơ giàu chất trữ tình, thi sĩ. Thơ sâu sắc. Thơ nồng đượm tình người.
Hai tập thơ viết cho các em của anh, lần nữa, khẳng định: “Trương Thiếu Huyền, nhà thơ quý yêu và ngưỡng mộ của các em thiếu nhi.
Nhà thơ của những trang viết tươi non, trong trẻo, ngộ nghĩnh, mát lành và hữu ích.
Nhà thơ của rất nhiều niềm tin yêu, hẹn đợi trước đông đảo công chúng bạn đọc, bạn viết.
Ấn tượng "Thơ và cảnh sắc quanh ta", thơ của tác giả Nguyễn Thị Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2023. "Cảm nghĩ thi nhân không...
Bình luận