Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác nghiên cứu văn học

LTS: Giáo sư, nhà văn Đặng Thai Mai - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam các khóa II, III, IV (1957 - 1984), đồng thời là Viện trưởng Viện Văn học (1960 - 1984), sinh thời có bài viết về việc cần quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác nghiên cứu văn học, đăng trên Tạp chí Văn học số tháng 10/1969. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), Thời báo Văn học nghệ thuật xin được trích đăng một phần bài viết này.

Những người làm công tác nghiên cứu văn học chúng ta cần đọc lại kỹ hơn nữa những tác phẩm của Bác.

Để thấm nhuần tư tưởng và đạo đức của Người.

Và cũng để học tập tác phong và phương pháp - phương pháp bồi dưỡng trí thức văn học, phương pháp viết của Người.

Nhiều tập hồi ký, xuất bản trong thời gian qua, đã nói đến tinh thần học tập và phương pháp rèn luyện cách viết của Bác.

Bác biết rất nhiều ngoại ngữ. Bác nói thạo, viết thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Bác viết thạo văn Trung-quốc (văn ngôn và cả tiếng phổ thông). Từ ngày còn ở Pháp, vào thời kỳ thanh niên, trong khi hoạt động chính trị ở Pa-ri, Bác đã có thể diễn thuyết bằng tiếng Pháp, viết bài đăng trên các báo tiến bộ Pa-ri. Bác đã tham gia những buổi thảo luận chính trị, khoa học, văn hóa tại các câu lạc bộ thủ đô Pháp. Bác đã sử dụng tiếng Pháp viết thời sự, viết văn chính luận, viết truyện ngắn, và viết kịch nữa. Kịch của Bác cũng đã được dựng trên sân khấu ngay bên Pháp. Bác dùng tiếng Anh trong những buổi tiếp xúc với người Anh, người Mỹ. Năm 1945 một số người Mỹ đã tới thăm Hà-nội, và đã được Bác tiếp. Họ đều rất sung sướng và kính phục khi được nghe Bác sử dựng tiếng Anh một cách rất lão luyện để nói về những vấn đề quan trọng: chính trị, kinh tế, văn hóa. Bác đã viết những bài báo bằng tiếng Hán phổ thông. Bác cũng đã đọc khá nhiều cổ văn Trung-quốc và còn có thể viết thạo lối văn ngôn. Và Bác còn để lại cho ta những bài thơ luật Đường bằng chữ Hán mà nhiều độc giả Trung-quốc và thế giới đánh giá rất cao.

Khi nói đến học ngoại ngữ, người ta thường nói đến biệt tài, đến năng khiếu. Cố nhiên trong lĩnh vực này cũng cần có ít nhiều “khiếu”, cần có tài. Nhưng trong trường hợp học ngoại ngữ của Bác phải nói rằng trước hết là phải có rất nhiều can đảm, siêng năng và có phương pháp. Thiên tài là câu chuyện trí tuệ, nghị lực, tình cảm và cũng là câu chuyện chuyên cần, biết quý, biết dùng thời giờ của mình.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác nghiên cứu văn học - 1

Bác Hồ trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Bác Hồ đã bẩm sinh với một khối óc thông minh hơn người. Đó là một điều chắc chắn. Nhiều người đồng thời với Bác có thể chứng thực điều đó. Từ ngày còn bé Bác đi học chữ Hán, nhưng có phần chắc là cũng chỉ học đến năm lên mười, mười lăm tuổi rồi là chuyển sang học chữ Pháp. Tuy vậy rõ ràng là vào lứa tuổi đó, Bác đã thông chữ Hán. Cụ Phan Bội Châu, trước đây nhiều năm, đã cho biết rằng từ ngày còn bé, khi nghe cụ đọc hai câu thơ của Viên Mai:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,

Lập thân tối hạ thị văn chương

Bác đã thích và mãi tới sau này vẫn còn nhớ. Một cậu học sinh lứa tuổi nhi đồng, nghe đọc hai câu thơ trên đây mà hiểu được (có hiểu mới thích được) thì cũng phải nói là một khối óc thông minh. Và thời gian này cũng là thời gian duy nhất mà Bác có thể đọc nhiều sách chữ Hán cổ, từ nội thư cho đến ngoại thư. Điều lạ là Bác nhớ rất nhiều, nhớ rất lâu. Mấy năm gần đây, mỗi một lúc nghe Bác dẫn một câu thơ cổ, một câu danh ngôn, kể lại một câu chuyện chép trong sử sách Trung-quốc ngày xưa, chúng ta đều cảm thấy là Bác quả có một trí nhớ phi thường và bao giờ cũng có một cách hiểu rất độc đáo. Nếu không thật sự yêu văn chương, yêu tư tưởng, yêu cái đẹp trong văn học, không chú ý ghi nhớ, không cố gắng suy nghĩ thì quyết không thể hiểu biết văn học Trung-quốc một cách bền bỉ, sâu sắc như vậy.

Các bạn cán bộ thanh niên chúng ta ngày nay nên đọc lại tập tiểu sử của Bác và các bài hồi ký, để biết cách Bác học tiếng nước ngoài thế nào. Hồi ở Xiêm, Bác cũng đã cùng mấy đồng chí bên ấy học tiếng Thái. Bác chỉ bắt đầu học mỗi ngày mười chữ. Có đồng chí cho là học ít quá! Nhưng Bác bảo là cứ học từ từ chứ, rồi tăng dần dần... Anh em nóng ruột nhiều. Nhưng Bác chỉ học dần dần. Thế mà mấy tháng sau, Bác đã nói được tiếng Thái, đọc được báo Thái. Còn mấy vị nhất định học nước rút ngay từ đầu thì... chưa đi tới đâu!

Về vấn đề viết văn cũng vậy. Qua các tài liệu vừa nhắc tới trên đây, các đồng chí cán bộ nghiên cứu chúng ta cũng thấy Bác Hồ đã tập viết cần cù và chuyên chú ngần nào. Hồi mới hoạt động chính trị ở Pa-ri, Bác đã bắt đầu tập viết những bài báo tiếng Pháp dài chỉ năm bảy dòng - tiến dần dần tới giai đoạn viết mười lăm, hai mươi dòng rồi viết cả một cột báo và dài hơn nửa rồi lại viết rút ngắn lại. Và, trong lúc đó, Bác so sánh, ghi nhớ những chỗ đã được các đồng chí Đảng Cộng sản Pháp góp ý sửa chữa. Một mặt nữa, Bác cũng luôn luôn sắp xếp thì giờ để đọc báo, đọc sách văn học cổ điển Tây Âu. Bác thích đọc A-na-tôn Fơ-răng-xơ (Ana-tole France), Vích-to Huy-gô (Victo Hugo), Mô-li-e (Moli-ère), Sếch-xpia (Shakespeare), Xéc-văng-tét (Cervantès) cũng như L.Tôn-xtôi (Lev Tolstoï)... Bác cũng luôn luôn tìm cách tự học rất nhiều ngành văn hóa khác. Bác là người quý thì giờ, tiết kiệm thì giờ và không bao giờ bỏ lẵng một dịp có thể học tập, mở rộng cái biết của mình. Hồi ở nước ngoài, Bác theo học những lớp bổ túc, đi nghe những buổi diễn thuyết ngoại khóa, đọc báo, đọc sách, đi tham quan các viện bảo tàng lịch sử, mỹ thuật, gặp bạn bè, đồng chí, học hỏi với nhân dân. Sau này về nước cũng vậy. Ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người luôn luôn lắng nghe, đọc báo cáo, hỏi những người gần gũi, tiếp xúc với nhân dân, bộ đội, công nhân, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi, giỏi văn hóa... Và Bác ghi nhớ... bằng nhiều phương pháp hết sức giản dị mà cũng rất thuận tiện. Vì vậy mà Bác nhớ, nhớ rất nhiều. Từ một câu thơ, một lời nói, một sự việc, cho đến một con số, một tên người, tên đất. Những tập sổ tay của Bác - chắc là khá nhiều - hiện còn lại, rồi đây nếu một Viện Bảo tàng sớm có thể xây dựng được trình bày cho công chúng xem sẽ là những văn kiện rất phong phú và đồng thời rất cảm động để cho anh chị em thanh niên học tập, noi gương.

Bác là người yêu cái biết, thích biết, vận dụng mọi phương pháp để mở rộng cái biết và ghi nhớ rất chu đáo những tri thức thật sự có giá trị khoa học, văn nghệ, để bồi dưỡng tri thức mình và dễ vận dụng lúc cần thiết.

Nhưng điều mà thanh niên chúng ta nên chú ý học tập ở Bác hơn hết là Người rất yêu quý tiếng nói của dân tộc, yêu quý văn học nghệ thuật của dân tộc. Đấy là một khía cạnh nổi bật trong tinh thần yêu nước của Người.

Yêu quý tiếng nói của dân tộc là một tình cảm rất tự nhiên thôi, nhưng Hồ Chủ tịch đã xa nước nhà có đến ba mươi năm. Và Người đã đi khắp năm châu. Chúng ta đã từng thấy những người “xuất dương” chưa bao lâu mà khi trở về nước thì hình như đã quên khá nhiều mẹo luật tiếng Việt rồi! Một cái tật của những người thông thạo nhiều tiếng nước ngoài là thường hay đệm vào trong lời nói, trong câu văn của mình những tiếng xa lạ. Hồ Chủ tịch không bao giờ làm như vậy. Hồ chủ tịch biết rất nhiều tiếng, hiểu khá sâu sắc văn học nước ngoài. Nhưng Người học hỏi nước ngoài trước hết là để về với đất nước Việt-nam, để nói với người Việt-nam những cái hay cái tốt mà người đã lĩnh hội được trong văn học nước ngoài, để phục vụ tổ quốc Việt-nam với những tinh túy tư tưởng thần thái được từ bốn phương trời.

Người không hề tán thành chủ trương “quá tả, không muốn không dùng” tiếng nước ngoài, nhưng Người căn dặn: “Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ” và “chớ ham dùng chữ”. “Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta”. Người cũng nhắc nhở chúng ta “phải học cách nói tiếng nói của quần chúng”. Về cách viết, đây là những định lý, những chân lý cơ bản, quá rõ ràng. Tưởng không cần phải “lý luận” dài dòng thì mọi người mới có thể hiểu được. Học văn phạm, học tu từ học là câu chuyện nhà trường. Nói chuyện với người viết văn, người làm báo về cách viết, Hồ Chủ tịch chỉ nêu nguyên lý, rồi minh họa bằng những thí dụ rõ ràng.

Học tập Hồ Chủ tịch, chúng ta phải yêu quý tiếng Việt, biết rõ đặc tính màu sắc đẹp đẽ và khả năng phong phú của tiếng Việt. Chúng ta cần tôn trọng giá trị của tiếng Việt, hết sức thận trọng trong khi dùng tiếng Việt, trong khi nói, trong khi viết, thực hiện chủ trương “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã đề xướng từ mấy năm nay.

Hồ Chủ tịch yêu tiếng Việt trong tiếng nói chất phác thật thà mà cũng rất mềm mại, rất giàu hình tượng của nhân dân lao động chúng ta. Người yêu cái lối nói giản dị nhưng lắm lúc sâu sắc, rất ý nhị, và thỉnh thoảng còn đượm một ý vị dí dỏm, hóm hỉnh rất dễ yêu trong văn học dân gian nước nhà. Những câu ca dao, tục ngữ, những mẩu chuyện cũ mà đôi lúc Người đệm vào giữa một câu nói, một bài viết, bao giờ cũng rất thú vị và có một ý nghĩa giáo dục phong phú về nhân tình, thế cổ, về tâm lý xã hội, về lòng yêu nước, yêu lao động. Người cũng yêu quý những tác phẩm cổ điển ưu tú của dân tộc. Người nhớ rất nhiều những đoạn thơ ca hay trong các truyện nôm như Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều.

Người ta thường nói đặc sắc của văn học Trung-quốc là trang trọng, hài hòa; đặc sắc văn học Pháp là rõ ràng, minh bạch, là vui mà tế nhị; và một nét đặc biệt trong văn học Anh là dí dỏm (humour). Trong văn chương của Hồ Chủ tịch, đôi lúc, ta có thể nhận thấy những nét đặc sắc trên đây của văn học nước ngoài. Nhưng điều chắc chắn hơn là mấy đặc sắc trên đây, qua lời văn, lời thơ, lời nói của Hồ Chủ tịch, đã được phát triển trên nền tảng những đặc tính của tiếng Việt và của văn học Việt-nam.

Hồ Chủ tịch cũng đã nhiều lần nói với chúng ta về “cách viết” văn. Người dạy chúng ta là phải viết để phục vụ sự nghiệp cách mạng, để biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu trong xã hội, viết cũng là chiến đấu, là để cho quần chúng công nông binh và cho nhân dân đọc. Cho nên phải điều tra, nghiên cứu trước khi viết. Nắm vững mục tiêu trong khi viết. Nhằm lấy điểm chính mà viết. Viết phải thiết thực, chu đáo, cẩn thận, không sơ hở, và có ý thức chính trị. Phải viết ngắn gọn, rõ ràng và “có đầu có đuôi”. Và “Viết rồi phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại bốn năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”. Hồ Chủ tịch nói rất ít, và rất giản dị. Nhưng muốn thực hiện được những lời dạy trên đây của Người, người viết văn cũng cần phải để rất nhiều thì giờ, công phu để suy nghĩ. Bài học Người dạy cho chúng ta là văn học phải có mục đích, có phương châm, có lập trường chính trị, có giá trị khoa học và văn nghệ; là muốn viết hay, phải cố gắng rất nhiều về mặt chủ quan; nhưng cũng phải hết sức khiêm tốn; đừng quá “cưng” câu văn của mình, ý kiến của mình, và phải lắng nghe, học hỏi quần chúng. Hồ Chủ tịch đã áp dụng những phương pháp rất khoa học vào công tác viết văn của Người.

Sự nghiệp văn chương của Người thật sự có một cơ sở lý luận rất xác đáng. Giá trị các bài Bác viết, các tác phẩm của Bác, là kết quả đẹp đẽ của công trình tu dưỡng, tích lũy vốn sống cực kỳ phong phú trên một quá trình học hỏi khiêm tốn, suy nghĩ, sáng tạo và rút kinh nghiệm thường xuyên.

Nhớ lại vào khoảng 1945 - 1946, khi chúng tôi, một số anh em tri thức thỉnh thoảng được làm việc gần Bác ở dinh Chủ tịch, nhiều hôm, sau lúc Bác vừa viết xong một bài báo, hay một bài diễn văn, có lúc chỉ một lời tuyên bố ngắn, Bác đưa chúng tôi xem và nói:

- Đọc lại xem. Nên sửa chữa, thêm bớt chỗ nào thì góp ý kiến...Chúng tôi xúm nhau lại đọc. Đọc qua một lần rồi đọc kỹ, và cân nhắc từng câu, từng chữ... Cuối cùng, thấy chả thêm bớt được chữ nào, và cũng chả có chỗ nào sửa chữa được! Chúng tôi vui vẻ và vừa cười, vừa bảo nhau: Kỳ! đọc lên chả thấy có gì là hào nhoáng, là văn hóa, là văn chương; câu kéo, chữ nghĩa thì không có chút gì là cầu kỳ; đọc lên ai cũng hiểu... Thế nhưng đố anh chữa lấy được một chữ!

Và chúng tôi đồng ý với nhau rằng: cái hay trong văn chương của Bác chính là cái hay của sự giản dị, trong sáng. Muốn viết được như Bác, rất khó. Nhưng muốn hiểu được cái hay của sự giản dị và trong sáng cũng không phải là dễ. Học tập Bác, anh chị em cán bộ nghiên cứu văn học chúng ta cần đọc lại và đọc rất kỹ những tác phẩm của Bác, để hiểu và yêu cái đẹp của văn học: giản dị mà phong phú, vui vẻ mà sâu sắc.Bác Hồ chúng ta cũng quan tâm nhiều tới công tác nghiên cứu văn học. Giữa bao nhiêu công tác chính trị quan trọng, liên quan với vận mệnh nước nhà, khi có chút nhàn rỗi, Người vẫn đọc tác phẩm và sách, báo văn nghệ và nghiên cứu văn học của chúng ta. Và mỗi một lúc có ý kiến về một tác phẩm, về một công trình sưu tầm, nghiên cứu, là Người góp ý kiến ngay với các đồng chí phụ trách.

Tôi sẽ chỉ nhắc lại đây một việc nhỏ nhưng rất cảm động trong nhiều biểu hiện sự quan tâm của Bác đối với anh chị em làm công tác nghiên cứu văn học.

Cuối tháng 10 năm 1962, một hôm, Viện Văn học tiếp được một bì thư từ Phủ Chủ tịch gửi xuống. Mở ra chỉ có một phần số Nhân dân Nhật báo, chữ Trung-quốc, phát hành ở Bắc-kinh ngày 18-10-1962. Đây là trang 5 và trang 6 của số báo. Trên trang 5, có một mục đánh dấu bằng một khuyên mực đỏ. Rõ ràng là Bác muốn cho anh em trong Viện đọc bài này.

Đề mục: Lương công bất thị nhàn dĩ phác (Người thợ khéo không đưa cho người dùng những sản phẩm vụng về). Bài này chỉ dài độ già hai nửa cột báo, ký tên Chu Minh. Người viết bài báo đã dẫn lại câu nói của Mã Hương viết cho em là Mã Viện, một danh tướng đời Đông Hán (Nước ta biết Mã Viện qua lịch sử cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng). Mã Hương dặn em: “Em là người có tài để dùng vào những sự nghiệp lớn. Nên thành công muộn một tí. Người thợ khéo không bao giờ đưa cho người dùng những sản phẩm vụng về”. Đại ý bài báo là câu châm ngôn này áp dụng vào công việc sản xuất rất đúng, và áp dụng vào việc “làm người”, vào việc nghiên cứu, vào công phu viết văn cũng vẫn rất đúng. “Từ xưa tới nay, ở trong nước cũng như ở các nước ngoài, tất cả những người đã có đóng góp những công trình có ích cho loài người, tất cả những người đã đạt tới ít nhiều thành tích về mặt học vấn đều có một đặc điểm chung, là nghiêm túc trong tinh thần học tập và siêng năng, thành khẩn trong thái độ lao động... Tóm lại, không bao giờ nên hiếu danh, mong muốn hấp tấp chóng nổi tiếng để lòe đời”.

Áp dụng vào lĩnh vực sáng tác văn học, nghiên cứu khoa học, tác giả bài báo đã dẫn ra một loạt thí dụ về hoạt động của các nhà văn, các nhà nghiên cứu nổi tiếng phương Tây, phương Đông. L. Tôn-xtôi đã sửa đi sửa lại tập Chiến tranh và hòa bình 7 lần; tập An-na Ka-rê-ni-na 12 lần, tập Sống lại 20 lần; và cuối đời, Tôn-xtôi đã chữa lại một bài tựa cho một tác phẩm của ông đến 105 lần.

Tác giả nói đến công phu sửa chữa câu văn của Fờ-lô-be (Flaubert), nhà văn nổi tiếng thế kỉ XIX của nước Pháp. Và rồi nhắc lại sự nghiệp viết văn của Ma-ka-ren-kô (Makarenko - Liên- xô), nhà thơ Trung-quốc Tả Tư, nhà văn Trung-quốc Âu Dương Tu. Tác giả kể thêm tên tuổi một số nhà khoa học và văn học khác của Trung-quốc từ Tư Mã Thiên, Lý Thời Trân, Cố Viêm Võ tới Lỗ Tấn. Và nhiều nhà danh nhân khác trong khoa học và văn học phương Tây như Cô-péc-nic (Copernic), Min-tơn (Milton), Gớt (Goethe), A-lec-xi Tôn-xtôi (A. N. Tolstoï) và Mắc-xim Goóc-ki (Maxime Gorki).

Tác giả đặc biệt nêu gương nghiên cứu của Các Mác khi viết những tác phẩm trường thiên vĩ đại, những tập kinh điển mác-xít, cũng như khi viết một bài chính luận ngắn. Mác đã dành 40 năm để viết tập Tư bản luận là một tác phẩm kinh điển về đường lối đấu tranh của giai cấp công nhân và cũng là một “tác phẩm nghệ thuật” rất “hoàn chỉnh”. Tác giả cũng đã nhắc lại lời của chủ tịch Mao Trạch Đông về vấn đề viết văn trong tập “Phản đối tinh thần văn bát cổ trong Đảng”. Và bài văn kết thúc bằng những lời dặn của Ăng-ghen về công tác nghiên cứu khoa học: “... Nói suông ở đây chả đi tới đâu! Những nhiệm vụ loại này trước hết phải căn cứ vào công trình nghiên cứu, phê phán, thẩm tra và lĩnh hội thấu đáo rất nhiều tài liệu lịch sử, mới có thể giải quyết được”.

Viện Văn học chúng tôi đã thông báo với cán bộ trong Viện về bì thư Bác gửi cho Viện và nội dung bài báo, ngay từ hồi đó.

Nhưng giờ đây, kiểm điểm lại thái độ học tập tinh thần của Bác, chúng tôi thấy rằng về phần lãnh đạo, quả tình chúng tôi đã phạm một khuyết điểm lớn.

Sự quan tâm của Bác đối với công tác nghiên cứu văn học cố nhiên là một niềm vui, một sự cô lệ, hơn thế nữa: một vinh dự cho toàn Viện.

Nhưng chúng tôi chưa kịp thời cùng với cán bộ trong Viện nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung bài báo trên đây. Đáng lý ra là phổ biến nội dung bài báo để giúp đỡ mỗi một bộ phận chuyên môn trong Viện, mỗi tổ, mỗi cán bộ có thể đi sâu vào vấn đề, liên hệ với công tác, tác phong của mình, để làm cho tốt hơn những công trình trong kế hoạch mấy năm vừa qua.

Vấn đề đâu có phải là chỉ nhận lấy trong dịp này một vinh dự. Cũng đâu phải chỉ là cảm ơn sự chú ý của Bác đối với công tác của mình. Mỗi một vinh dự luôn luôn nêu lên cho mình một trách nhiệm, những trách nhiệm mới.

Và nghĩ đến việc cảm ơn Bác, thì chỉ có một cách thiết thực: là làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Viện Văn học, với sự giúp đỡ của Đảng và của tất cả các cơ quan nghiên cứu khoa học khác, mong sẽ có thể sửa chữa khuyết điểm về mặt học tập trong thời gian qua.

Để có thể dần dần thấm nhuần đạo đức, tư tưởng, tác phong và phương pháp của Bác vào hoạt động của mình.

Tạp chí Văn học số 10-19, tháng 10/1969

Đặng Thai Mai

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên

Cuối tháng 3 vừa rồi, nhân chuyến công tác tại Phú Quốc (Kiên Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính có đến kiểm tra công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các ý kiến của Thủ tướng, tôi thấy ông lưu ý cán bộ, công nhân trên công trường phải làm việc “không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim, tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu”.