“Sống” – Những khoảnh khắc giao cảm
Những khoảnh khắc giao cảm của mẹ và con gái, đồng thời cũng là những giao cảm thế hệ, của quá khứ – hiện tại, của sự kết nối hai nền văn hóa Việt Nam – Pháp đã được gói ghém đầy tinh tế trong tác phẩm “Sống” – một cuốn tiểu thuyết bằng tranh đặc sắc.
Nhân dịp cuốn sách “Sống” ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Sống – Những khoảnh khắc giao cảm” để chia sẻ những câu chuyện rung động đã kết nối quá khứ và hiện tại và tìm hiểu về chặng hành trình của “Sống” từ những trang phác thảo đầu tiên cho đến khi cuốn sách ra mắt bạn đọc Pháp và xuất bản tại Việt Nam.
Chương trình giao lưu ra mắt tác phẩm "Sống" có sự tham gia của đông đảo độc giả.
Một thời hoa lửa nơi chiến khu kháng chiến
Cuốn sách là câu chuyện của 3 người, của đạo diễn Việt Linh, của tác giả Hải Anh và của họa sĩ Pauline Guitton. Nội dung cuốn sách là câu chuyện về một người mẹ (đạo diễn Việt Linh) kể cho con gái (tác giả Hải Anh) về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Những câu chuyện đó được tác giả Hải Anh chắp vá lại qua những lời mẹ kể suốt nhiều năm, chính đạo diễn Việt Linh cũng bất ngờ và chẳng thể biết đó là điều thu hút của Hải Anh từ bao giờ. Còn những bức tranh trong cuốn sách được họa sĩ Pauline Guitton vẽ sau thời gian được trải nghiệm sống tại Việt Nam.
Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là cô thiếu nữ trong ký ức người mẹ, cô gái trẻ ấy cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu. Hai là một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn.
"Sống" - Một tiểu thuyết bằng tranh mới lạ và hiện đại.
Tuyến thời gian quá khứ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc từ năm 1969 tới năm 1975. Trong bảy năm sống tại chiến khu, cô thiếu nữ Linh (trong kí ức của người mẹ) đã làm quen các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh.
Những câu chuyện quá khứ trong “Sống” không phải những đối đầu gay cấn mà là những khoảnh khắc ngày thường nơi chiến khu. Lướt qua những khung truyện về quá khứ, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh cô thiếu nữ Linh cùng cha mình và những người đồng đội sống, làm việc, làm phim đầy đam mê trong thiếu thốn đủ bề, trong làn bom rơi bão đạn và trong tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời.
Đạo diễn Việt Linh chia sẻ tại chương trình.
Đạo diễn Việt Linh – nhân vật trong cuốn sách chia sẻ: “Sống với tôi là sự tồn tại có ý nghĩa, khi ở chiến khu, tôi thấy sự sống chết thật mong manh, người ta có thể chết mà không phải vì bom đạn mà có thể bằng bệnh tật, sốt rét và khi luôn luôn phải ở trong cái lằn ranh sống - chết thì người ta bao dung hơn, nhìn cuộc sống một cách sâu lắng hơn. Chính vì thế, tôi thấy điện ảnh rất là thiêng liêng, cũng không hề dễ dàng và trong thời kỳ bom đạn đó, tôi hiểu ra rằng: điện ảnh muốn nói cái gì cũng đều phải bắt nguồn từ con người, phải đặt tính nhân văn lên trước”.
Những giao cảm thế hệ
Đan xen với những kỉ niệm quá khứ đầy rung động của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái. Cô thiếu nữ tên Linh ngày nào giờ đã trở thành một đạo diễn đương đại nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đâu đó bên trong con người bà vẫn chịu ảnh hưởng của quá khứ. Những trải nghiệm ấy tác động lớn đến cuộc sống của bà và mối quan hệ giữa bà và mẹ mình, cũng như bà và con gái.
Đạo diễn Việt Linh tâm sự: “Tôi và mẹ tôi thường không tâm sự với nhau, tôi đã bù lại điều đó cho con tôi và tôi nhận ra rằng trẻ con sẽ lưu hết những gì chúng ta kể. Tôi không quan niệm đây là một hồi ký, mà tôi là cầu nối giữa mẹ tôi và con tôi. Tôi luôn động viên con tôi biết về văn hóa Pháp, cũng như hiểu biết về đất nước Việt Nam. Con cái của chúng ta luôn tạo cho chúng ta sự bất ngờ, đừng vội vàng, đừng áp đặt con cái mà hãy chờ đợi”.
Tác giả Hải Anh chia sẻ tại chương trình.
Tác giả Hải Anh - Người con gái mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp cũng từng gặp rất nhiều khó khăn để có thể kết nối với người mẹ sống trong thời chiến, kết nối với cội nguồn Việt Nam trong mình. Theo từng câu chuyện, người con dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc để từ đó thông cảm, sẻ chia, tạo dựng chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa.
Tác giả Hải Anh chia sẻ: “Sống là từ nảy ra trong tâm trí tôi khi mẹ kể tôi nghe những cuộc phiêu lưu li kì thời niên thiếu của bà và, mặc dù là câu chuyện cá biệt, tôi quyết định tóm tắt mỗi kí ức bằng một động từ tiếng Việt, để có thể ghi khắc những kí ức ấy vào chủ đề phổ quát hơn”.
Những câu chuyện giao cảm thế hệ của hai mẹ con trong “Sống” vừa góp phần tái hiện lịch sử của dân tộc ở một góc nhìn ít được nhắc đến, vừa khắc hoạ mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con gái, cùng mong ước tìm hiểu nguồn cội của một người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy cảm nhận rằng, cuốn sách “Sống” đã khiến tác giả Hải Anh có thêm một tình cảm đặc biệt với mẹ, đó là sự ngưỡng mộ.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận định: “Đây là một cuốn truyện tranh có tinh thần của một tiểu thuyết, câu chuyện trong đó rất lớn, chứa đựng nhiều nhân vật và thông điệp. Chấp niệm ảnh trong cuốn sách này rất rõ, tác giả và họa sĩ hẳn đã nói chuyện với nhau rất nhiều nên ngay cả khi chúng ta bỏ qua các ký tự mà chỉ xem tranh thì chúng ta cũng có thể hình dung khá nhiều về nội dung câu chuyện, đây là điều thú vị, là điều chưa từng gặp ở trong truyện tranh”.
Tác phẩm giúp bạn đọc có thể thấu hiểu hơn về cuộc sống của những thế hệ đi trước, biết thêm về cuộc sống của những người con Việt Nam thế hệ thứ hai ở nước ngoài, từ đây, tiếp thêm lòng tự hào dân tộc.
“Sống” đã phác ra một mảng ký ức lịch sử của dân tộc, phác ra hình ảnh về những người Việt thời kháng chiến và thời nay, cũng đồng thời phác ra những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ mẹ – con; kháng chiến – hoà bình; dân tộc – hội nhập... Cuốn sách là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, kết nối hai nền văn hóa Pháp – Việt Nam.
Lựa chọn hình thức tiểu thuyết bằng tranh mới lạ và hiện đại, “Sống” lần đầu ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuốn sách đã nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả tại Pháp với 8.000 bản phát hành.
Tác giả Hải Anh sinh năm 1993, lớn lên ở quận 13 Paris (Pháp), trong một gia đình luôn hướng về nguồn cội Việt Nam. Cô gặp Pauline năm lên mười và kể từ đó chưa bao giờ thôi ngắm bạn mình vẽ. Sau khi lấy bằng Thạc sĩ kinh tế học văn hóa rồi đến bằng điện ảnh, cô ra mắt cuốn sách “Sống”, tác phẩm đầu tay, với tư cách tác giả - biên kịch. Năm 2020, Hải Anh chuyển về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cô làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản, đi lại giữa Việt Nam và Pháp. Với “Sống” cùng nhiều hoạt động khác, tác giả Trần Hải Anh được tạp chí Forbes vinh danh Những gương mặt trẻ xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á năm 2023. |
Họa sĩ Pauline Guitton sinh năm 1993 tại Paris. Hải Anh là hàng xóm nhà cô, họ lớn lên cùng nhau. Sau khi theo học tại trường Mỹ thuật Caen, cô đến Việt Nam sống một năm cùng Hải Anh. Chính đó là thời gian nhen nhóm một dự án làm chung cho cả hai. Khi trở về Pháp, Pauline tiếp tục học ở trường Gobelins, khoa điện ảnh hoạt hình và tốt nghiệp năm 2021. Hiện cô chủ yếu làm việc với tư cách họa sĩ vẽ bảng phân cảnh hoạt hình. “Sống” là tác phẩm truyện tranh đầu tay của cô. |
Đạo diễn Việt Linh (nhân vật Linh trong “Sống”) sinh năm 1952 tại Sài Gòn, là một đạo diễn và nhà biên kịch người Việt Nam nổi tiếng. Sau bảy năm ở chiến khu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, bà đến Matxcơva theo học tại VGIK - một trong những trường điện ảnh danh giá nhất. Khi trở về Việt Nam, bà đạo diễn sáu bộ phim truyện, nhiều phim trong số này được phát hành và trao thưởng ở nước ngoài: Gánh xiếc rong (1988), Chung cư (1999), Mê Thảo, thời vang bóng (2002). Hiện tại, đạo diễn Việt Linh vẫn tiếp tục làm việc và mở sân khấu kịch Hồng Hạc ở Thành phố Hồ Chí Minh. |
Những kỷ niệm học trò đẹp đẽ như: thư ngăn bàn, sổ bài hát, nhật ký truyền tay, hàng net, thuê truyện cho đến những...
Bình luận