Stefan Zweig - Người vẽ những cảnh đời ô trọc
Stefan Zweig (1881 - 1942) là nhà văn, nhà báo và người viết tiểu sử người Áo, viết bằng tiếng Đức. Nổi tiếng với các truyện ngắn phân tích tâm lý nhân vật một cách sâu sắc, toàn diện, Zweig đến với độc giả Việt Nam đã từ rất sớm. Có thể nói rằng hiếm có nhà văn nước ngoài nào đã được xuất bản một cách phong phú, liên tục mà vẫn giữ được sức nóng mỗi lần trở lại như Zweig, khi mà di sản của ông đã được yêu mến cũng như đón nhận nhiều thập kỷ qua.
Tác phẩm tiêu biểu của vị nhà văn có thể kể đến như tập truyện ngắn Bức thư của người đàn bà không quen, Hai mươi tư giờ trong đời người đàn bà, tiểu thuyết dài duy nhất Khát vọng đổi đời, các tập tiểu luận, chân dung văn học, du ký, hồi ký… Thời gian gần đây, Zweig cũng trở lại với độc giả Việt Nam qua tiểu thuyết ngắn Bí mật thiêu đốt tâm can (Sao Mai dịch), hồi ký Thế giới ngày hôm qua (có 2 bản dịch của Phùng Đệ - Trần Nam Lương và Phan Ba), cũng như tuyển tập chân dung nhân vật Những khoảnh khắc sao sáng của nhân loại (Phan Ba dịch).
Điều này cũng thật dễ hiểu khi văn chương của Zweig không hề khó đọc. Với lượng tác phẩm vô cùng đồ sộ, ông luôn biết cách xoay chuyển góc nhìn, từ đó mang đến kết cấu thật sự ấn tượng, không bị trùng lắp hay là một màu. Đánh giá về ông, lúc còn sinh thời, văn hào Maxim Gorky đã từng nhận định: “Stefan Zweig - đó là sự kết hợp hiếm hoi nhất giữa tài năng của một nhà tư tưởng sâu sắc với tài năng của một nghệ sĩ hạng nhất”.
Dù vậy cuộc đời của ông có nhiều nốt trầm, khi cả đời mình ông đã sống như một nhà nhân văn, một người yêu nước và không chấp nhận làm kẻ nô bộc. Tuy qua đời vì quá chán chường trước sự khát máu và cơn điên loạn của Đệ nhị Thế chiến, thế nhưng tài năng và nguồn cảm hứng của Stefan Zweig sẽ mãi còn đó trong lòng độc giả.
Không chỉ trong mỗi văn chương, mà ông cũng là “ngọn lửa” truyền đi cảm hứng ở nhiều lĩnh vực bao gồm thơ ca cũng như điện ảnh. Năm 2014, bộ phim The Grand Budapest Hotel của đạo diễn Wes Anderson có nhiều dấu ấn của tiểu thuyết ngắn Bí mật thiêu đốt tâm can đã từng chiến thắng nhiều giải Oscar, và được ngợi ca là một trong nhiều bộ phim hay nhất trong lịch điện ảnh. Hai năm sau đó, bộ phim tiểu sử về cuộc đời ông - Stefan Zweig: Farewell to Europe (tựa Việt: Trước bình minh) cũng được ra mắt, nhận được đánh giá tương đối tích cực.
Stefan Zweig năm 1925
Một nhà nhân văn
Sinh trưởng trong đế quốc Áo - Hung già cỗi với sự kìm nén văn hóa và ngại thay đổi, nên các tác phẩm của Stefan Zweig thường được kết hợp giữa hai khuynh hướng: là cái toàn diện - gồm khuôn thước của văn chương cổ điển và hình mẫu của chủ nghĩa lãng mạn; cũng như có sự đổi mới - khát khao mô tả nội tâm thầm kín, thông qua tình thế có phần tréo ngoe cũng như lệch lạc của số phận người. Trong các tác phẩm, Zweig đứng khiêm nhường như một nhân chứng bóc tách sự thật, từ đó vén lớp màn nhung phủ trước mắt người để những sự thật như nó vốn là.
Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà các truyện ngắn hay tiểu thuyết ngắn của ông khi được chuyển ngữ thì đa số đều hàm chứa hai từ “bí mật”. Đó Bí mật khủng khiếp, Bí mật day dứt, Bí mật thiêu đốt tâm can hay thậm chí là Bí mật tày trời... Trong các truyện ngắn - “lãnh địa” được đánh giá cao nhất của ông, hầu như độc giả luôn thấy có một ẩn ức hay một sự kiện “thâm cung bí sử” nào đó vẫn đang ẩn hiện, để ông dần khai thác nó bằng cách khắc họa tâm lý nhân vật đạt đến trình độ bậc thầy.
Trong các truyện ngắn, có thể thấy được khả năng quan sát vô cùng tinh vi của bản thân ông, khi chỉ cần một cuộc gặp gỡ thoáng qua, chỉ một mồi lửa hay một ánh mắt… thì cũng đủ sức thổi bùng lên thành chiếc lồng giam hãm con tim, biến các nhân vật trở thành nô lệ hoặc loại đĩ điếm trong cuộc tình mình. Văn chương của Stefan Zweig như một tia sáng lóe qua một phút huy hoàng rồi vào thinh không, bất khả nắm bắt. Nhưng đó là thứ văn đẹp của cảm xúc, của tình người, và của con chim ẩn mình chờ chết.
Một điều cũng dễ thấy khác là những tình cảm và các bí mật dưới ngòi bút của ông thường không đơn chiếc hay chỉ duy nhất có một tầng nghĩa, mà đó là sự đan xen của những cảm giác không thể phân tích, không thể tách bạch, bởi chúng nhập nhằng với nhiều sức kéo và quá chóng vánh trong khoảnh khắc ngắn. Đó là phức cảm có tính lớp lang, mà càng đi sâu ta sẽ nhận thấy ông đã bao trọn cả một não trạng vô cùng phức tạp.
Chẳng hạn như trong cuốn tiểu thuyết ngắn Bí mật thiêu đốt tâm can kể về người mẹ của một cậu bé đến nghỉ dưỡng trong một dưỡng trí viện ở miền cao núi Alps, sau đó phải lòng một vị Công tước có phần hào hoa, đương lúc cha cậu không có ở đó. Với việc nhìn thấy một mối thịnh tình đang dần phát triển, cậu bé bắt đầu căm ghét hai người trưởng thành. Thế nhưng cái cảm giác ấy bắt nguồn từ đâu? Có phải vì thương xót cha đã bị phản bội? Bởi vì ghen tức khi mẹ dành hết tình cảm cho người đàn ông? Hay là cuối cùng bởi có tồn tại phức cảm Oedipus mà Sigmund Freud - một đồng hương khác của Zweig - đã từng khơi ra, vốn luôn nằm trong suy tính mỗi người?
Dễ thấy trong cậu có 3 cảm xúc tranh đấu lẫn nhau, liên tục thay đổi, có lúc tách rời có lúc tổng hòa, để rồi chỉ qua một đêm cậu không đã còn ấu thơ mà đã chạm chân vào tuổi trưởng thành. Do đó có thể thấy rằng khả năng miêu tả tâm lý của Zweig là sự tổng hợp của nhiều lĩnh vực, từ việc quan sát, tái hiện, bắt chước… của người vốn thích suy ngẫm, cho đến sâu hơn là đi vào trong bề mặt tâm lý, cảm xúc cũng như chất vấn bản thể nguyên thủy của một bộ óc mang tính bách khoa.
Điều này ta rồi cũng thấy ở những nhân vật trong truyện ngắn khác, như bà Henriette trong Hai mươi tư giờ trong đời người đàn bà, như người đàn ông không có danh tính trong Trò chơi nguy hiểm, vị bác sĩ trong truyện Amok hay Cơn điên Malaysia hay là nhân vật Christina Hoflehner trong cuốn tiểu thuyết Khát vọng đổi đời… Họ đều đứng trước ngã ba buộc phải lựa chọn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì mỗi ngả rẽ và mỗi con đường đều có lý do làm chệch hướng đường đời của họ. Cuối cùng thì họ cũng chọn, nhưng đó lại là con đường nước mắt với đầy chông gai. Và Zweig mượn họ như một hình mẫu cho những nỗi đau, từ đó thể hiện được tính nhân văn mà suốt đời mình ông đã theo đuổi.
Cuốn hồi ký “Thế giới những ngày qua” của Stefan Zweig
Nghiêng xuống dòng đời
Trong một tác phẩm tương đối đặc biệt của bản thân mình là tập phê bình Ba bậc thầy, Zweig đã chọn 3 cái tên lớn: Balzac, Hugo và Dostoievski như những hình tượng mà mình theo đuổi, coi như chuẩn mực. Nhìn vào cả 3 văn hào, có thể thấy rằng tiêu chí lựa chọn của Zweig nghiêng về khuynh hướng hiện thực, bởi lẽ ai viết về tấn trò đời hay hơn Balzac? Ai đứng về phía khốn cùng hợp hơn Hugo? Và ai tả những tội ác bất khả vãn hồi thấm hơn là Dos?
Do đó riêng Zweig cũng tự hướng mình theo con đường này, và là lối rẽ suốt đời ông chọn. Vì vậy phần lớn nhân vật trong các truyện ngắn của bản thân ông đều xuất phát từ tầng lớp nghèo khó, hoặc là những phụ nữ không có quyền lực và bị áp bức. Họ chính là những cá thể hoàn toàn yếm thế trong một xã hội nặng tính gia trưởng. Sinh trưởng từ trong tầng lớp trung lưu, là một tri thức được giáo dục từ sớm trong cái nôi nghệ thuật của đế quốc Áo - Hung, thế nhưng việc tách mình ra để đến gần hơn với những con người dưới đáy xã hội đã cho thấy được bản lĩnh dấn thân trong việc khai thác đề tài của nhà văn lớn.
Ở đó những cá tính như cô gia sư Maan (Người nữ gia sư) hay người hầu gái Leporella trong truyện cùng tên, chính là đại diện cho motif này. Thông qua thân phận những người cùng khổ, Zweig đã châm biếm chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa vật chất đày ải kiếp người, từ đó biến chuyển cái tôi và làm cho các nhân vật thêm phần trầm luân. Vì vậy mà chính cái đói, cái nghèo đã khiến cho cặp nhân vật Christina và Ferdinand trong Khát vọng đổi đời vĩnh viễn xa nhau, và cũng chính nó gây ra bi kịch cho câu truyện ngắn vô cùng ám ảnh Ngõ hẻm dưới ánh trăng.
Khinh ghét vật chất sẽ còn trở đi trở lại trong các truyện ngắn của ông. Ở Một trái tim tan nát, ông lão doanh nhân một đời cặm cụi xách theo vali hàng mẫu dùng để chào hàng hy sinh cho vợ cho con cuộc sống ấm êm, thế rồi cuối cùng nhận lại không có gì hơn ánh mắt khinh khi và bị xem thường bởi người mà mình thương yêu. Những con người ấy ham thích khiêu vũ, tiệc tùng, những thứ văn minh với người văn minh; để rồi bỏ mặc “tấm khiên” đã chịu nỗi đau luôn cả phần họ. Mô tả của Zweig đưa con người ta về một bản tính là chân thật nhất, bởi ngay cả khi là bị xem thường, thì ông lão ấy cũng không đành đoạn cắt nguồn chu cấp cho vợ con mình.
Với nhân vật ấy, quan hệ đã được tạo ra sẽ không bao giờ có thể đứt lìa. Và đó cũng là lý do khiến ông nhân nhượng và sẽ chịu đựng đến khi không thể. Zweig viết: “Trái tim đã chết của ông không còn cảm thấy đau đớn gì nữa. Nhưng trong cơ thể ông, con chuột chũi đen thui vẫn tiếp tục đào bới và chắn sẽ hung dữ lớp da thịt còn xáo động của ông”. Do đó ta có thể thấy cho đến cuối cùng thì họ vẫn là những người thật sự nhân văn, và các bi kịch cũng thật bất khả làm biến chất họ, mà chỉ ngày càng làm phát lộ thêm tính người nơi họ. Đó là người chủ Mendel với căn phòng sách giờ đã không còn (Người bán sách cũ) hay cũng là một người giáo sư dũng cảm đối mặt với một cảm xúc không được chấp nhận (vào thời điểm đó) trong Sự lẫn lộn tình cảm…
Và cũng chẳng phải khi cuộc đời họ đã chạm đến đáy, thì không còn gì để mất đó sao? Vì vậy thì đây cũng chính là lúc mà những cám dỗ bắt đầu xuất hiện. Nhục dục đóng một vai trò có phần quan trọng trong các tác phẩm của Zweig, khi nó chính là trụ cột thứ hai đứng sau kim tiền cũng như văn minh làm nên bộ ba tội ác thách thức con người. Trong Amok hay Bệnh điên xứ Malaysia, chỉ vì bản chất khinh thị và cái lạnh lùng của người phụ nữ, đã làm nổi lên một cơn hứng tình không thể kìm nén nơi vị bác sĩ, dẫn đến có sự đối đầu và một kết quả không thể nào khác. Đó là tội ác không thể biện minh, nhưng cũng đôi khi chính nó lại thể hiện được một sự nhân văn trong cách giải phóng những người phụ nữ ra khỏi gông xiềng.
Bởi lẽ ta thấy những người như bà Harriette, như gia sư Mann, như người phụ nữ giàu sang quý phái trong cả hai truyện Amok và Bí mật thiêu đốt tâm can… dẫu phải chịu đựng đau khổ và nỗi dằn vặt, thế nhưng không thể phủ nhận cũng chính bằng quá trình đó, mà họ như được giải phóng, trở thành những bản thể thật và đến được với bản năng riêng mình. Điều này có thể không được tính trước, thế nhưng nửa thế kỷ sau nó sẽ trở thành một động lực chính cho các làn sóng nữ quyền thế hệ thứ hai, và cũng không ngoa khi ta nói rằng chính Stefan Zweig đã như một nhà tiên tri nhìn trước sự thật.
Lý giải cho xu hướng này, có thể sẽ phải trở lại với cuốn hồi ký sau cùng của ông. Ở đó ông đã trần tình: “Giống như cái thành phố che đậy hệ thống cống rãnh ngầm với cái tuyến phố được quét tước sạch sẽ bằng những cửa hàng sang trọng đẹp đẽ và những đại lộ thanh lịch bên trên, toàn bộ cuộc sống tình dục của giới trẻ cần phải diễn ra ở dưới bề mặt đạo đức của xã hội, không để cho ai nhìn thấy […] Ví dụ như khi một cô gái mại dâm bán món hàng của mình, tức là thân thể của cô, cho một người đàn ông, và ông ta không chịu trả tiền sau đấy, thì cô không được phép kiện ông ta. Bất thình lình, yêu cầu của cô theo luật lệ trở thành một yêu cầu phi đạo đức, không được nhà cầm quyền bảo vệ”.
Vì vậy đối với riêng Zweig, chính những kìm nén đối với dục tình trong một xứ sở có phần cố hữu như đế quốc Áo - Hung đã làm bùng phát một sự nhận thức dẫu cho muộn màng. Với Zweig, dục tình mang đến sự sống nhưng cũng đồng thời chính là cái chết và sự hiến dâng. Qua đó dẫu có đau đớn nhưng họ sẽ được công nhận, và với con người, tự do chính là chìa khóa tối thượng mở ra cánh cửa cho việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.
Bi kịch riêng Zweig cuối cùng cũng sẽ xoay quanh việc tìm lại mình. Bởi lẽ chẳng phải vì không còn nhà để về, quê hương để sống, vì không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, mà phát súng ấy đã cướp hai vợ chồng ông về phía bóng tối trong một đêm Brazil nóng nực trước thềm Đệ nhị thế chiến? Tại đây ông nhập làm một với các nhân vật mình đã viết ra, để họ sống động và trở nên “thật” một cách bất ngờ. Đó là Leporella gieo mình xuống dòng Danube, là gia sư Mann và cuộc bỏ đi không một manh mối, và cũng là người đàn bà chảy máu đến chết vì một tình yêu mà mình đã thử…
Và có hàng hà sa số những câu hỏi tương tự ta có thể hỏi về động cơ của các nhân vật, cho nên các tác phẩm của Stefan Zweig chính là dấu mốc cho cuộc hành trình tìm lại bản thân của những cá thể có phần yếm thế trong lòng xã hội, mà phụ nữ và tầng lớp dưới là những con người nhạy cảm hơn bao giờ hết. Họ muốn ngoi lên giành chút ánh sáng, muốn có được sự công nhận, muốn thoát khỏi cái kiếp nghèo. Và vì thế họ đã hành động không theo chuẩn mực, để rồi cái kết cho họ là cú giậm chân của gã khổng lồ mang tên cố hữu của xã hội già nua.
Sở trường truyện ngắn
Trong các trước tác của bản thân mình, có thể thấy rằng những truyện làm nên tên tuổi của Stefan Zweig thường có dung lượng là không quá dài. Trong đó Bức thư của người đàn bà không quen có thể nói là truyện ngắn hay nhất và đạt đến độ tuyệt bích, khi đã được chọn để lưu trữ lại tại thư viện Mỹ, cũng như được dựng thành phim ngay từ rất sớm. Ngoài tác phẩm này thì các nhà phê bình cũng chọn Amok hay Cơn điên Malaysia vào danh sách 1000 tác phẩm nên đọc trước khi qua đời.
Có sự đa dạng trong các lựa chọn là bởi Zweig luôn cúi mình ngang với nhân quần, để khi ông mô tả những tầng lớp cao quý thì ta thấy họ có sự sang trọng, kiêu kỳ, đài các. Nhưng khi mô phỏng những người sẽ bị chà đạp, ta cũng sẽ thấy được sự cùng khổ và cái rón rén của các nhân vật. Không cần nhân vật biện hộ cho mình theo kiểu kịch nghệ, Zweig có “ngón nghề” riêng trong việc miêu tả gián tiếp, để chỉ với những miêu tả ở mức tối thiểu mà lại họa được một bức tranh chung. Và chẳng phải tài năng của một nhà văn nằm chính ở đó hay sao, trong việc xóa tan hết mọi thử thách?
Và hẳn sở hữu điều này bởi Zweig cũng là tác giả đi nhiều hiểu nhiều học nhiều. Trong đó tập truyện Những khoảnh khắc sao sáng của nhân loại nêu gương những người anh hùng dù cho hư cấu hay có là thật, thì ta đều thấy một sự tò mò và lòng ham thích khám phá mở ra những chân trời mới từ vị nhà văn. Có một hiện thực là trong giai đoạn đất nước chiến tranh, Zweig đã đi qua rất nhiều quốc gia, và hành trình đó chính là nguồn cơn cho những mô tả mà ông mang theo suốt văn nghiệp mình.
Ông đã đi rất nhiều nên trên thế giới này, từ gần như Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, đến Italia, Anh, hết cả châu Âu đến với châu Á, có cả Ấn Độ, Đông Dương và nhiều nơi khác ở tại châu Mỹ... Tuy vậy mặc dù cho có đi đâu thì ông một lòng vẫn hướng về Thành Wien nơi mình sinh ra - cái nôi của ngành nghệ thuật, và cũng từ đó nhen nhóm trong ông một sự cô độc bất khả lấp đầy.
Từ ngữ và các hình tượng trong tác phẩm của ông cũng thường đậm chất thơ và nhiều màu sắc. Có thể sinh sống giữa một xã hội đầy các nhà văn - nhà thơ đi theo khuynh hướng lãng mạn mà ông sở hữu cho mình riêng đặc trưng ấy. Ta dễ thấy được điều này ngay cả trong thời bom nổ đạn bay, khi quê hương ông bước vào những ngày chiến sự đầu tiên trước cơn cuồng phong Đệ nhất Thế chiến, thì ông vẫn cảm nhận được “một mùa hè cây cối sum suê um tùm hơn, đẹp hơn, có thể nói “hè” hơn. Trong nhiều ngày bầu trời dệt bằng lụa, không khí dịu mà không ngột ngạt, các cánh đồng cỏ ngát hương, các khu rừng tối tăm và rậm rạp với thảm lá màu lục mới”.
Ngoài ra với một dung lượng luôn chạm đến được mức độ vừa phải, nên từ ngữ trong các truyện ngắn của ông không thừa, không thiếu, và được cân nhắc hết sức kỹ càng. Trong tác phẩm hồi ký của mình, Zweig từng chia sẻ về một phương pháp mà bản thân ông đã rất quán triệt, đó là “vứt chữ khỏi thuyền”. Đó là quy trình sau khi viết xong một câu chuyện dài như một nhà văn, ông sẽ bắt đầu tạo khối, đục đẽo, sắp đặt… như một nghệ sĩ, để những tác phẩm của bản thân mình có thể thật đẹp và thật uyển chuyển mà không làm rối mắt người xem, khiến họ mệt mỏi và phải lê lết qua đoạn đường dài. Và cũng chính bởi điều này đã đưa ông lên tầm vóc của một trong những nhà viết truyện ngắn lừng danh, của cả thời trước và ngay bây giờ.
*
Như vậy ta có thể thấy dẫu cho gần một thế kỷ đã kịp trôi qua, thế nhưng Stefan Zweig vẫn luôn là một trong những nhà văn lớn viết bằng tiếng Đức của giới văn chương. Văn nghiệp của ông ánh lên ánh sáng thiện lành, khi luôn quanh quẩn tìm lại chỗ đứng cho các nhân vật, tìm lại tiếng nói cho bản thân họ… trước cơn phong ba của những nghi kỵ và dưới đáy cùng của sự phán xét.
Là nhà văn, nhà thơ, nhà nhân văn với sự nhạy cảm vô cùng rung động, văn chương của ông là một bức toan phủ đầy màu sắc, từ đó cố gắng lý giải về các cung đường và những lựa chọn mà các cảnh đời ô trọc đã tự vẽ nên. Trước tác của ông là những con chữ vô cùng đẹp đẽ của văn chương tinh gọn, cùng một hành trình vào sâu tâm thức của các nhân vật.

Cùng Mori Ōgai và Ryunosuke Akutagawa; Natsume Sōseki từ lâu được coi như bộ tam trụ của văn chương cận - hiện đại Nhật Bản....
Bình luận