Tác phẩm đỉnh cao
Nền và đỉnh
Có nền thì mới có đỉnh, đó là một quy luật thông thường. Nền càng vững chắc thì dễ tạo được đỉnh cao đồ sộ, và ngược lại đã có đỉnh cao thì không thể trên một nền mềm yếu. Đó là quy luật của vật chất, của kinh tế, của các phong trào xã hội... Còn văn hóa, văn học nghệ thuật thì quy luật này có chi phối? Nói chung đã là quy luật thì hầu hết các lĩnh vực đều không thể nằm ngoài. Nhưng dẫu là quy luật thì trong từng thời điểm, từng giai đoạn vẫn có ngoại lệ. Hay nói cách khác là những ngoại lệ nằm trong quy luật nên khi xem xét không thể nhìn nhận máy móc.
Văn chương Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê phát triển trên một nền tảng khá vững chắc của ba cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Mông, đã sản sinh ra các thiên cổ hùng văn Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Thuật hoài, Phò giá về kinh, Bạch đằng giang phú, mà đỉnh cao là Bình Ngô đại cáo.
Còn văn chương giai đoạn thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, đến nay vẫn được đánh giá là thời kỳ phục hưng rực rỡ nhất của văn chương dân tộc với các tên tuổi: Lê Hữu Trác, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, và đỉnh cao nhất là Nguyễn Du và Truyện Kiều. Văn chương thế kỷ XX với các biến động lớn của lịch sử nửa đầu thế kỷ, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập thế giới cuối thế kỷ, đã tạo nên những tên tuổi lớn: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi...
Tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
Đấy là nhìn một cách khái quát. Nếu nhìn cụ thể, cũng có những điều nằm ngoài quy luật. Như văn chương thế kỷ XVII trên một nền bình thường lại có đỉnh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm. Văn chương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX chủ yếu là thơ Đường luật, ca dao hò vè đuổi giặc, lại có đỉnh cao Nguyễn Đình Chiểu. Nền phê bình văn chương mới mẻ đầu thế kỷ XX lại sinh ra nhà phê bình kiệt xuất Hoài Thanh. Ở một chừng mực nào đó, văn chương đổi mới non trẻ của chúng ta ngay thời kỳ đầu lại sinh ra được một Nguyễn Huy Thiệp!...
Và văn chương thiếu nhi nước ta do các em sáng tác thời kỳ chống Mỹ, nay nhìn lại tuy có phong trào nhưng cái nền cũng rất thấp, lại sinh ra đỉnh cao Góc sân và khoảng trời. Trên thế giới cũng vậy thôi, có những dân tộc nhỏ đã sản sinh ra các nhà văn, nhà thơ lớn. Nền văn học của Liên bang Xô Viết trước đây, nửa cuối của nó tuy có nhiều nhà văn nhà thơ nổi lên, nhưng nay nhìn lại thì chỉ có hai người có sự nghiệp độc đáo vững chắc là nhà thơ Rasul Gamzatov của nước cộng hòa nhỏ bé Dagestan và nhà văn Aitmatov ở miền núi nước cộng hòa Kyrgyzstan... Vậy chúng ta phải dùng quy luật nào để lý giải?
Tác phẩm "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa.
Văn chương nghệ thuật vừa có quy luật chung lại vừa có quy luật riêng. Quy luật chung là nền càng vững chắc thì đỉnh càng cao. Quy luật riêng là những đột biến bất ngờ. Có đột biến bất ngờ mới thành nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã rất bực mình khi người ta cứ nhìn vào thành phần xuất thân của ông là trí thức tiểu tư sản thành thị để nói rằng ông viết về nông thôn không hay. Đấy là một quan niệm rất trực quan. Danh họa Picasso từng nói: “Tôi vẽ những điều tôi nghĩ chứ không phải những điều tôi thấy”. Văn học nghệ thuật là tuân theo quy luật của trí tưởng tượng, mà trí tưởng tượng thì không thể nhìn thấy đáp án có sẵn.
Đối với văn chương nghệ thuật, quy luật về nền và đỉnh chỉ là tương đối. Bởi sáng tạo nghệ thuật là công việc độc lập của mỗi cá nhân. Đỉnh cao nghệ thuật, đấy là những tài năng lớn thì lại càng có những bất ngờ mà đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng nhiệm vụ xây nền vẫn là những công việc cần thiết của các thế hệ có trách nhiệm xưa nay. Ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX, văn hào Lỗ Tấn cũng từng hô hào phải chuẩn bị cho các thiên tài xuất hiện. Ở Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ta hãy rèn khối óc/ Để xúc tiến việc xuất hiện hàng loạt nhân tài cho ngàn vạn năm sau”. Và khi nhà thơ Chế Lan Viên qua đời, thi sĩ Tố Hữu đã viết về một quy luật sâu sắc: “Mai sau những cánh đồng thơ lớn/ Chắc có tro anh bón sắc hồng”... Hiểu quan hệ giữa nền và đỉnh là phải hiểu xa và rộng như vậy.
Tác phẩm đỉnh cao
Tác phẩm đỉnh cao luôn là ước mơ của mỗi nhà văn và của cả xã hội qua tất cả mọi thời đại. Nhưng thế nào là tác phẩm đỉnh cao và làm thế nào để có được nó thì có rất nhiều câu trả lời khác nhau, không dễ thống nhất.
Truyện Kiều là tác phẩm đỉnh cao của văn học Việt Nam, tất nhiên rồi! Chiến tranh và hòa bình là tác phẩm đỉnh cao của nền văn học Nga, mọi người cũng dễ thống nhất. Hay Cuốn theo chiều gió là tác phẩm đỉnh cao của văn học Mỹ, cũng không mấy ai phản đối... Hình như tác phẩm đỉnh cao trong con mắt của mọi người có gắn với tầm vóc đồ sộ.
Còn thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Phò giá về kinh của Trần Quang Khải, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có phải là những tác phẩm văn chương đỉnh cao của thời đại Lý, Trần, Lê? Không phải tác phẩm đỉnh cao thì sao cứ nhắc về thời đại ấy người ta lại nhắc đến nó? Nếu không có nó thì lấy gì để nhắc về văn chương của các thời đại ấy đây? Thế thì đương nhiên đấy là những tác phẩm đỉnh cao rồi, bởi nó mang được lý tưởng và tâm hồn của các thời đại ấy. Nhưng rõ ràng là dung lượng của những tác phẩm ấy không đồ sộ. Thế thì tác phẩm đỉnh cao phải đo bằng độ cao của trí tuệ và độ sâu của tâm hồn, chứ không thể chỉ đo bằng tầm vóc khối lượng.
Sự đồ sộ của khối lượng không phải là tiêu chí cao nhất để đo nghệ thuật. Ngay trong tác phẩm Truyện Kiều thì dung lượng hiện thực cũng chỉ được xếp hàng sau giá trị nhân văn nhân đạo. Giá trị cao nhất của Truyện Kiều là ở câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Đó là tiếng kêu xé ruột, là câu hỏi của thời đại, nó còn vọng mãi đến ngày hôm nay và nhiều thế kỷ mai sau... Tất nhiên giá trị tư tưởng nhân đạo ấy được cất lên từ nền tảng hiện thực.
Còn Chinh phụ ngâm có phải là tác phẩm đỉnh cao? Câu trả lời còn khó khăn hơn nữa nếu chỉ hiểu nghệ thuật ở mức độ phản ánh hiện thực. Còn nếu hiểu tác phẩm nghệ thuật phải là tấm gương phản chiếu thời đại, thì đây chính là tác phẩm đỉnh cao của văn chương nước nhà.
Phản đối chiến tranh phi nghĩa cũng là một chiều sâu của tư tưởng ca ngợi chiến tranh chính nghĩa. Cùng nói về cuộc chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, nhưng những câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” và “Đường Trường Sơn vui như trẩy hội” phải đứng ở đằng sau các câu thơ “Mười sáu năm rồi, nửa ta máu ứa/ Biết mấy mẹ già chống cửa trông con” và “Xuân về, táo rụng nhớ đàn em...”. Tại sao vậy? Bởi niềm vui và nỗi buồn đều tạo nên sức mạnh. Nhưng sức mạnh của niềm vui là sức mạnh thẳng, còn sức mạnh của nỗi buồn là sức mạnh của sự vùng dậy, tạo thành sức đẩy lớn hơn.
Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tú Xương cũng vậy. Những bức tranh hiện thực nửa Tây nửa ta nhố nhăng đầu thế kỷ XX với những tiếng cười rơi nước mắt, tất nhiên là có giá trị to lớn. Nhưng bài thơ Sông lấp mới là tiếng hồn của thi sĩ Tú Xương, cũng là tiếng hồn của dân tộc nghẹn nấc giữa cảnh nước mất: “Sông kia rày đã lên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”... Với nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng vậy, ông là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” đúng như thi sĩ Xuân Diệu đã gọi ông. Nhưng giá trị cao nhất của thơ Tam Nguyên Yên Đổ lại ở tấm lòng đau đáu vì đất nước còn mãi bâng khuâng giữa đất trời: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”. Và nỗi buồn thời đại đã đông kết ở câu thơ “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo”...
Thế thì tác phẩm đỉnh cao phải hiểu ở chiều cao của trí tuệ và chiều sâu tâm hồn được kết đọng trong những hình tượng nghệ thuật đẹp của mỗi tác phẩm. Nếu chúng ta cùng thống nhất như vậy thì có thể chúng ta đã có những tác phẩm văn chương đỉnh cao rồi. Tác phẩm đỉnh cao có thể vừa cao xa, nhưng cũng vừa gần gũi. Không ít tác phẩm văn chương của chúng ta từ 1945 trở lại đây có tầm cao tư tưởng, chiều sâu tâm hồn và hình tượng nghệ thuật đẹp. Mà chúng ta thì đòi hỏi quá cao, giống như “gần chùa gọi bụt bằng anh” chăng?
Ảnh minh họa.
Hãy biết lùi xa để nhìn nhận. Không được quá tự hào tự mãn, nhưng theo tôi tâm lý tự ti cũng chế ngự rất lớn trong việc đánh giá nền văn chương của chúng ta. Và phải hiểu tác phẩm đỉnh cao cũng có nhiều tầng nấc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có viết một câu rất sâu sắc: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Có thể chúng ta chưa chăm chú nhìn chăng, nên chưa phát hiện ra những đỉnh Fansipan trong dải Hoàng Liên Sơn điệp trùng của nền văn chương Việt Nam hiện đại?
Trong "Ba phút sự thật", Phùng Quán cho biết, sau 30 Tết không đến chúc Tết Tố Hữu, năm 1992 ông cùng vợ đến chúc tết...
Bình luận