Tám nữ sĩ đương đại hàng đầu Ba Lan với tôi

Trong số trên 30 đầu sách dịch văn học Ba Lan đã ấn hành của tôi, có nhiều tác giả là các nữ sĩ đương đại hàng đầu của đất nước Phượng hoàng trắng này. Đó là Dorota Terakowska: “Hoang thai” (tiểu thuyết), “Quà của Chúa”, (tiểu thuyết); Katarzyna Grochola: “Xin cạch đàn ông!”, “Các người khắc biết tay tôi!” (tiểu thuyết); Katarzyna Michalak: “Hy vọng” (tiểu thuyết); “Người đàn bà vô gia cư” (tiểu thuyết); Hanna Samson: “Vợ chưa cưới chủ nhật” (tập truyện ngắn); Olga Tokarczuk: “Người đàn bà xấu nhất hành tinh”;  Monika Warnenska: “Cầu trên sông Bến Hải”; Wislawa Szymborska - thơ; Maria Kruger: “Vì sao không nghe thấy giọng cá”. Phải chăng đây là cơ duyên?

Thực ra tôi mến mộ các tác phẩm của họ là vì đó là những tác phẩm hay, giá trị văn học nghệ thuật cao, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng thích. Họ là những nhà văn thuộc phái nữ quyền, các tác phẩm của họ đậm chất nữ quyền, khẳng định vai trò, vị trí của nữ giới trong xã hội và đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Đặc biệt nữ nhà văn - nhà báo Monika Warnenska và nữ nhà thơ Wislawa Szymborska là những nữ sĩ Ba Lan đã từng hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân ta, điều được thể hiện rõ trong các tác phẩm của họ.

Monika Warnenska

Có một người phụ nữ Ba Lan từng tuyên bố: “Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi”. Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan, bà Monika Warnenska. Mùa xuân năm 1962 bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam Bắc và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm “Cầu trên sông Bến Hải”.

Sau chuyến đi năm đó bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. Một người phụ nữ châu Âu nhỏ nhắn như bà mà dám lặn lội tới những vùng chiến sự ác liệt nhất, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất ở Việt Nam. Bà đã từng ngồi trong địa đạo Vĩnh Linh viết bài dưới làn pháo địch, đi khắp vùng khu bốn ngổn ngang đổ nát do bom thù gây nên. Năm 1965 bà vượt tuyến (sông Bến Hải) vào Nam, bà đi xuyên rừng, bất chấp bom rải thảm của pháo đài bay B52, coi khinh muỗi vắt và gai nhọn của cây rừng, thăm vùng giải phóng.

Bà táo bạo tới độ, có lần từ rừng sâu bà đi cùng các chiến sĩ quân giải phóng đột nhập vào tận cửa ngõ Sài Gòn. Chưa hết, năm 1969 bà đổi họ tên Ba Lan, mang danh một nhà báo Pháp, thâm nhập vào tận Đô thành Sài Gòn để săn tin, viết bài. Đối phương chẳng hề hay biết, người nữ phóng viên ngoại quốc này cách đó không lâu đã từng hiện diện ở Hà Nội, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi từ Bắc đã vượt tuyến vào Nam, đi khắp vùng giải phóng.

Không kể một số lượng lớn các bài báo, tin tức cập nhật tình hình Việt Nam mà bà đã gửi về nước cho báo chí Ba Lan và cả châu Âu, bà Monika Warnenska đã viết hàng chục cuốn sách về Việt Nam, trong số đó phải kể đến “Cầu trên sông Bến Hải” (1962), “Việt Nam trong trái tim tôi”, “Mặt trận trong rừng” (1965), “Khu Bốn” (1967), “Con gái Ngài thượng quan” (1975), “Không có hòa bình cho đồng quê” (1987)… Khi tuổi cao sức yếu bà vẫn không dừng tay viết về Việt Nam. Cuốn sách cuối cùng về Việt Nam của bà có tiêu đề: “Vương quốc bị lãng quên” - viết về Vương quốc Champa từng tồn tại ở vùng đất phía nam nước ta.

Wislawa Szymborska (Nobel Văn học 1996)

Trong thời gian trên năm mươi năm cầm bút, W. Szymborska chỉ sáng tác trên 200 bài thơ, nhưng đó là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lựa vô cùng khắt khe của tác giả. Bà là một nhà thơ cực kỳ khiêm tốn, bà không thích xuất hiện trên tivi, trên báo chí, không thích xuất hiện trước đám đông. Nếu chúng ta muốn biết về bản thân bà thì chỉ còn có cách phải đọc ra ở trong thơ bà, bởi không bao giờ bà thổ lộ hoặc giải thích tiểu sử của mình. Khi rất cần thiết, như khi nhận giải thưởng Nobel, thì bà mới đọc một bài phát biểu không dài, chỉ đề cập đến thi ca và sự nghiệp sáng tác của bà.

Tám nữ sĩ đương đại hàng đầu Ba Lan với tôi - 1

Wislawa Szymborska 

Đối với Việt Nam, từ lâu nữ nhà thơ Wislawa Szymborska đã là một người bạn chân tình. Những tình cảm của bà dành cho Việt Nam, nhất là những người mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, đã được thể hiện rất xúc động trong hai bài thơ “Việt Nam” và “Lá chắn” do bà sáng tác.

Năm 2005, trong thời gian dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan trên thế giới, tại nhà hát Slowacki cổ kính ở cố đô Krakow, tôi có cơ hội được gặp bà trong buổi lễ trao giải thưởng Transatlantyk - Con tàu xuyên Đại Tây Dương cho dịch giả văn học Ba Lan xuất sắc nhất. Tôi tự giới thiệu, tôi là dịch giả Việt Nam, bà thốt lên: “Việt Nam! Tôi biết Việt Nam từ lâu, và tôi còn làm thơ về Việt Nam nữa đấy”. Bà cảm ơn về việc các dịch giả Việt Nam đã dịch thơ của bà sang tiếng Việt và bà đề nghị tôi chụp ảnh chung với bà. Tấm ảnh đầy kỷ niệm này tôi đang treo trang trọng tại nhà tôi.

Dorota Terakowska    

Tiểu thuyết “Hoang thai” là cuốn tiểu thuyết Ba Lan đầu tiên tôi đã chọn dịch, năm 2007, dày gần 600 trang, tác giả là nữ nhà văn Dorota Terakowska. Trong một bài phỏng vấn, phóng viên báo Văn nghệ Trẻ (số 4, ra ngày 28.01.2007) đã hỏi tôi: “Lại nói về tác phẩm “Hoang thai”, tại sao ông chọn dịch tác phẩm này mà không phải là những tác phẩm ăn khách, sốt độc giả khác?”. Tôi đã trả lời: Tôi chọn tác phẩm “Hoang thai” vì tác phẩm này mang tính thời sự và tính nhân văn rất cao. Tôi nghĩ, sẽ rất hợp với bạn đọc Việt Nam.

Câu chuyện mà tiểu thuyết “Hoang thai” đề cập vừa mới xảy ra trong năm đầu tiên của thế kỷ này, năm 2001, tại một thị trấn nghèo ở phía Nam Ba Lan, trong một gia đình của đôi vợ chồng ở tuổi trung niên, Teresa và Jan. Ewa cô con gái đầu lòng của họ, nhân vật chính của tiểu thuyết, ao ước được lên thành phố lớn sinh sống, thoát khỏi cái nghèo tỉnh lẻ, mơ ước về một mối tình  có thể đổi đời mình như trong phim Mỹ.

Sau những giây phút ngộ nhận, trẻ người non dạ, trong đêm giao thừa, cô gái mười chín tuổi đầu đã bị cưỡng dâm và mang thai. Cô gái đã không phá thai theo lời khuyên của mẹ. Trái lại, cô coi cái thai là của riêng của mình, để tâm tình, trò chuyện, cùng thai khám phá thế giới. Ba lần lặn lội đi tìm người cha của đứa bé cho thấy tính cách, cái tâm và cái tình của Ewa đối với thai của mình.

Tám nữ sĩ đương đại hàng đầu Ba Lan với tôi - 2

Dorota Terakowska

“Hoang thai” mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, là bức thông điệp dành riêng cho các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ ở tuổi mười tám đôi mươi, theo đó họ cần nhìn nhận thế giới một cách tích cực, phải thực tế, hai chân luôn luôn phải đạp đất mỗi khi kỳ vọng điều gì, không nên viển vông, ảo tưởng, để tránh phải trả giá khôn lường. Mặt khác cũng phải biết đương đầu với những biến cố, cam go của cuộc đời và mạnh mẽ vươn lên. Đọc “Hoang thai” chắc các bạn trẻ ở tuổi vào đời sẽ có lắm nỗi niềm.

Sau khi ấn hành, tiểu thuyết “Hoang thai” được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc mến mộ, tôi phát hiện ra, nữ nhà văn Dorota Terakowska còn có một tác phẩm khác được người đọc Ba Lan yêu thích, cho đây là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất, được họ thích nhất trong thập niên cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Một số người còn cho đây là một kiệt tác văn chương.

Có một điều chắc chắn, ngay sau khi ấn hành, “Quà của Chúa” đã trở thành thiên tiểu thuyết best-seller hàng đầu, liên tục được tái bản với số lượng bản in rất lớn, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Và thế là tôi hăm hở dịch tác phẩm này, để có thêm một tác phẩm giúp người đọc Việt Nam khẳng định tài năng của nữ nhà văn. Tháng 6 năm 2009 NXB Phụ nữ ấn hành tiểu thuyết “Quà của Chúa”, thì ngay sau đó, quý I năm 2010, đã tái bản tác phẩm này, để đáp lại yêu cầu và sự mến mộ của người đọc nước nhà.

Bản dịch tiểu thuyết “Quà của Chúa” đã được nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, trong khuôn khổ Giải thưởng văn học hàng năm năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm văn học này cũng đã được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng, trong Chương trình đọc truyện đêm khuya dài kỳ.

Katarzyna Grochola         

Xin cạch đàn ông! Nghe câu này chắc giới mày râu hoảng hồn. Thế mà chị Judyta đã tuyên bố xanh rờn như vậy đó. Mà đâu chỉ có vậy. Người đàn bà này còn chua thêm một câu nghe rợn cả tóc gáy: Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc. Chị Judyta là ai mà dám bạo mồm tuyên bố như vậy? Xin thưa: Chị Judyta là nhân vật chính của tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!”.

Tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!” chứng tỏ nghị lực của một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Chồng ruồng bỏ, đau khổ thật đấy, khốn khó thật đấy, nhưng không phải là đời đã nát tan, trái lại một cuộc sống mới bắt đầu. Song để vượt lên chính mình, để có cuộc sống mới, người phụ nữ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, phải tự mình cáng đáng hết thảy mọi việc, kể cả việc xây nhà, vốn là công việc nặng nhọc của đàn ông.

Sau mỗi lần thất bại “quả bom nghị lực” của Judyta lại bùng nổ, đem tới cho chị sức mạnh mới. Chị không sợ thất bại, vẫn không từ bỏ giấc mơ hoàng tử cưỡi ngựa trắng sẽ có ngày xuất hiện trước cửa nhà mình. Tại sao không. Con người ta ai cũng có quyền mơ ước, bởi chính ước mơ cho ta thêm nghị lực, làm cho đời đẹp hơn và thi vị hơn. Nhưng điều quan trọng là phải biết nắm lấy vận mệnh của mình và dám đương đầu với thử thách, cam go. Judyta đã dám làm như vậy và chị đã được đền đáp. Chị xây được nhà mới, lo được cho con gái học hành tử tế, chị thành công trong công tác với tư cách là một biên tập viên, thậm chí còn được khen thưởng, và chị lại làm đẹp, lại yêu...

Tám nữ sĩ đương đại hàng đầu Ba Lan với tôi - 3

Katarzyna Grochola

Judyta đã không “cạch đàn ông”, chị “nói vậy mà không phải vậy”. Cuộc tình với Hieronim đầy rủi ro, nhưng cuộc tình sau đó với Adam thì lại như là trời cho. Cuộc tình của Judyta và Adam là cuộc tình “rổ rá cạp lại”, nhưng vẫn lãng mạn, nhiều nhung nhớ, lắm đợi chờ và có cả giận hờn, tựa mối tình đầu. Tiểu thuyết “Các người khắc biết tay tôi”, của cùng một tác giả, kể tiếp câu chuyện tình này. Tại Việt Nam bản dịch tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!” đã được NXB Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam tái bản nhiều lần.

Tôi cũng xin gửi tới bạn đọc một thông tin thú vị về tác giả này: Năm 2013, trong dịp sang Warszawa dự hội nghị quốc tế về dịch văn học Ba Lan, tôi có cơ hội gặp nữ nhà văn Katarzyna Grochola tại quán cà phê Milano, nơi tôi đã trao tặng bà bản dịch tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!”. Cầm cuốn sách trong tay bà nói: “Tôi vô cùng xúc động và biết ơn dịch giả khi tác phẩm của tôi lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, đến tay bạn đọc Việt Nam”. Bà còn “mách” với tôi, bố bà từng sang Việt Nam công tác với tư cách là thành viên đoàn Ba Lan trong Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát đình chiến tại Việt Nam. Và bà nói: “Nhất định tôi sẽ sang thăm Việt Nam, một đất nước xinh đẹp, nơi bố tôi đã từng đến”.

Katarzyna Michalak

“Hy vọng” là câu chuyện tình đẹp nhưng nhiều thăng trầm, lắm trắc trở, của Lila Borowa, cô gái Ba Lan, mồ côi mẹ, bố nhà nông, nghiện rượu và Aleksei Dragonow, người Nga, mồ côi cả cha lẫn mẹ sau vụ nổ tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl năm 1986, phải ở với dì.

Nét độc đáo của cuốn sách này, cuốn tiểu thuyết hiện đại, là ở chỗ, nó thực đến đau lòng và rất đời. Bằng những dòng hồi tưởng giàu nội tâm, nữ nhà văn Katarzyna Michalak đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện đầy tính nhân văn, xúc động đến trào nước mắt, về tình bạn và tình yêu, về giận và thương, về lòng quả cảm và sự hy sinh mà mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy bóng dáng cuộc đời mình trong đó.

Lila tựa hồ ngọn lửa, còn Aleksei như con thiêu thân. Mối tình lắm gian nan và nhiều trắc trở của Lila và Aleksei cũng là định mệnh và lời nguyền của đôi bạn trẻ này. Tình yêu trở thành nỗi ám ảnh, còn định mệnh trở thành nỗi bất hạnh, và cả Lila lẫn Aleksei không thể hoặc không muốn cưỡng lại. Cái còn lại vẫn chỉ là hy vọng. Tiểu thuyết viết về tình yêu có thể chiến thắng tất cả, về lòng căm thù có thể hủy diệt tất cả và về nỗi cô đơn mà không ít người trong chúng ta từng nếm trải. Hãy nghe Lila nói về nỗi cô đơn của mình.

Bản dịch tiểu thuyết “Hy vọng”, NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành hành đã được tặng Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014.

Tiểu thuyết “Người đàn bà vô gia cư” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Katarzyna Michalak tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt, cũng do NXB Phụ nữ ấn hành, năm 2017. Thông điệp của cuốn sách này có tầm vĩ mô, đó là vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, một vấn đề trọng đại không riêng của một quốc gia nào.

Là một tiểu thuyết giàu tính nhân văn, “Người đàn bà vô gia cư” đề cập vấn đề thời đại trong một câu chuyện cụ thể, một câu chuyện có lắm rắc rối trong quan hệ gia đình, nhiều bất ngờ trong tình yêu và tình bạn... Nhiều kịch tính chính là nét đặc trưng của tác phẩm này. Ngay từ những dòng đầu tiên của tiểu thuyết người đọc đã liên tục bị bất ngờ, bị ngạc nhiên, nhiều tình huống khiến cảm xúc dâng trào đến ứa lệ. Câu chuyện này có lẽ không xa lạ với mỗi người chúng ta. Chính yếu tố bất ngờ, lắm khi ly kỳ, xảy ra liên tục, đã khiến cuốn sách có sức cuốn hút mà hễ đã bắt đầu đọc là ta phải đọc đến cùng.

Tiểu thuyết “Người đàn bà vô gia cư” đã đoạt giải cuộc thi “Cuốn sách hay nhất mùa hè 2013” ở Ba Lan, thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội.

Hanna Samson     

Hanna Samson là nữ nhà văn, nhà tâm lý học, nhà nữ quyền Ba Lan. Tiểu thuyết, kịch và truyện ngắn của bà thường viết về những người phụ nữ đi tìm cái tôi của mình, về đề tài tình yêu và tình dục, về cuộc sống vợ chồng, về gia đình và về số phận lắm khi trớ trêu của nữ giới. Đó là những tác phẩm đậm tính nữ quyền, viết khá bạo tay, dám nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật phũ phàng. Các nhân vật nữ biết yêu hết mình, nhưng đồng thời cũng biết “nổi tam bành hết mình”.

Cuốn “Vợ chưa cưới  chủ  nhật”  của bà  khẳng định nhận định nói trên. Đây là một cuốn sách nửa cười nửa khóc, khi cay đắng, lúc ngọt ngào, đi sâu vào mọi ngóc ngách của tâm hồn người. Đọc tập truyện này bạn sẽ thấy chị em phụ nữ thật lắm nỗi niềm, khiến ta phải mủi lòng. Người đàn bà hết thời xuân sắc có biết bao trăn trở, lo toan, thậm chí đau khổ vì cái sự “tàn phai” của chính mình, điều đã khiến không ít chị em cho rằng, đó là nguyên do khiến họ phải đứng nhìn hạnh phúc tuột khỏi tay mình mà đành bất lực, như ý nghĩ của nhân vật nữ trong truyện “Đẹp đôi vợ chồng”.

Truyện ngắn “Đẹp đôi vợ chồng” in trong tập truyện này đã được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên sóng, trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của đài.    

Olga Tokarczuk (Nobel Văn học 2018)

Truyện “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” đã được in trên báo Văn nghệ và được diễn đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của VOV2 với lời bình: Bắt đầu nổi tiếng ở Ba Lan từ những năm cuối thập kỷ 90, nữ nhà văn Olga Tokarczuk đã sớm định hình về phong cách viết. Đọc và nghe tác phẩm của bà, người ta dễ bị thu hút bởi một thứ văn phong ma mị, thấm đẫm tinh thần nhân văn và nữ quyền… Dĩ nhiên, truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” cũng không nằm ngoài mạch nguồn đó. Thậm chí, truyện còn tạo ra những chiều kích lạ lùng khi khai thác một cách hiệu quả tính thẩm mĩ của “cái xấu’, “cái dị dạng”.

Sử dụng giọng kể lạnh lùng có phần dửng dưng, đôi khi tàn nhẫn, của nhân vật gã, chồng của “Người đàn bà xấu nhất hành tinh”, cuộc đời ngắn ngủi của nhân vật chính được tái hiện với nhiều bi kịch: không quê hương, không nguồn cội, suốt cả cuộc đời phải đem khiếm khuyết ngoại hình của mình ra để mua vui cho thiên hạ. Thậm chí cái gã đàn ông mà nàng yêu hóa ra cũng chỉ là một kẻ giả dối. Chừng ấy thứ đã là quá nhiều khắc nghiệt, quá nhiều cay đắng và theo logic thông thường người ta chờ đợi “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” sẽ gục ngã trước những ngón đòn ác độc của số phận.

Nhưng lạ lùng thay, sau mỗi câu văn, sự xấu xí về ngoại hình cứ dần mất đi, nhường chỗ cho sự tốt đẹp của một tâm hồn cao thượng và một bản ngã vô cùng mạnh mẽ. Người đời có thể không coi nàng như một đồng loại, nhưng nàng chưa bao giờ quên rằng, mình là một con người. Chính ý thức mạnh mẽ đó đã khiến “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” sau cùng lại trở thành nhân vật người nhất trong truyện ngắn này. Nàng biết yêu, thậm chí yêu một cách say đắm là đằng khác. Nàng biết đau nỗi đau của tình mẫu tử và giàu tự trọng đến mức coi thường đám đông tò mò ác ý, và có lẽ cũng vì thế mà cho đến khi nhắm mắt lìa đời nàng vẫn cứ làm một sinh linh dị dạng, một cá thể đột biến, khi trót là người giữa một thế giới phi nhân chăng?

Maria Kruger     

“Vì sao không nghe thấy giọng cá?” là một cuốn truyện mỏng, dành cho thiếu nhi, in năm 1993, là một trong những cuốn sách dịch đầu tiên của tôi. Tôi đã rất vui khi đọc những lời phát biểu chân tình của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về tác phẩm nhỏ dễ thương này:

“Tác phẩm dịch đầu tiên của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự mà tôi đọc là một cuốn sách cho thiếu nhi. Vào một ngày hè cách đây hơn 20 năm, tôi dẫn hai đứa con đi hiệu sách. Trong rất nhiều những cuốn sách viết cho thiếu nhi tôi đã chọn cuốn “Vì sao không nghe thấy giọng cá”. Cha con tôi chọn cuốn sách này vì cái tên cuốn sách rất hấp dẫn. Đêm ấy, khi hai con tôi đã ngủ, tôi đã lấy cuốn sách và đọc hết trong đêm. Lúc đó thực sự tôi mới biết tên dịch giả Lê Bá Thự. Cũng từ ngày đó, tôi đã chọn ông là một trong những dịch giả của mình. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn đúng. Bởi trong suốt hơn hai mươi năm kể từ ngày đó đến nay, tôi đã được đọc khá nhiều tác phẩm dịch của ông và những tác phẩm dịch ấy đã mang lại cho tôi thêm một con đường đi tới nhận thức cái đẹp và con người”.

Lê Bá Thự

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.