Tản văn viết bằng bút chì

Đọc “Những mảnh ký ức viết bằng bút chì”, Nxb Phụ nữ, 2022

Thời nay, chọn bút chì làm công cụ viết quả là xa xỉ, khá nhiều bất lợi nhưng được cái luyện sự mềm mỏng và chín chắn, bởi “dục tốc bất đạt”. Người viết bằng bút chì không thể vội vàng, viết rồi lại tẩy; không thể “mắm môi mắm lợi”, đè tì khiến lõi chì gãy rồi ngồi gọt đi gọt lại…, thời ấy xa rồi, xa lắm rồi, ngay cả bút sắt, bút máy người ta cũng chẳng màng, gõ bàn phím tiện lợi gấp cả ngàn lần…

Chẳng biết tác giả tập tản văn Những mảnh ký ức viết bằng bút chì - Lê Hồng Lam (không phải một yểu điệu thục nữ, mà đích thực một trang tuấn tú), trong bốn mươi lăm “mảnh”, tập hợp trong gần hai trăm bảy mươi trang viết (khổ 13,5x20,5cm), thì có bao nhiêu “mảnh” viết bằng bút chì (thậm chí chả có mảnh nào), nhưng tất cả đều toát lên “tinh thần” mềm mỏng và chín chắn của người viết.

Cái giọng cái điệu của người “chỉ muốn yên thân”, như Lam dãi bày trong Tự bạch (bài thơ tự do gồm năm khổ bốn dòng), dẫn dụ người đọc nhẩn nha, nhâm nhi những “mảnh” mà mỗi mảnh “Nhìn qua thì thấy chẳng có gì là khó, nhưng chúng ta lại không thể biến những cái không khó ấy thành dễ được, vì nó là một cái gì đó tiếng Việt gọi là ‘tất yếu’”.

Và tiếp ngay sau đó: “Tới bây giờ, những giờ phút bên em anh vẫn thấy mình được sống thật nhất, đúng là mình nhất. Và cũng chẳng rõ lòng mình nó ra sao nữa, nhưng anh thấy thanh thản và mênh mang lạ thường” (tr.108). Tôi thích những cái “tất yếu” ấy của Lam, không phải chàng trai cố tình mà cái duyên tự nó bong ra qua từng câu chữ, cái tình tự nó lắng lại trong từng ý, từng lời.

Tản văn viết bằng bút chì - 1

Tản văn "Những mảnh ký ức viết bằng bút chì" của Lê Hồng Lam

Hãy đọc tác phẩm của Lam bằng tâm thế người phiêu lãng: bồng bềnh cùng gió lên mây, để rồi chìm vào mơ màng đắm đuối; đừng vội vàng tin ngay cái nổi nênh bập bềnh, hãy đợi sợi tơ sau guồng se cho mịn mạng tấm vải; tôi bị trôi, bị cuốn theo sự chuyển động của từng con chữ, của những từ quyện vào nhau trong dòng chảy của câu, không chậm cũng chẳng nhanh, với tiết tấu vừa phải của giọng thứ nhịp 3/4 đậm chất trữ tình, từ đó toát ra cái hồn tình tứ, pha trộn màu sắc và âm thanh, của một người trai chất chứa trong lòng đủ thứ, chưa kịp sắp xếp lớp lang thứ tự, thuận gì thì lôi ra, nào là mộng mơ, khát vọng, nào là yêu đương, hờn giận, nào là những chiêm nghiệm, những hoài niệm dang dở, tạo ra đúng là những “mảnh”, ghép lại nhau cho những ấn tượng khá đa chiều, ấn tượng về đường nét, màu sắc, bố cục; ấn tượng về một bản tổng phổ những âm giai êm đềm, gợi nhớ; ấn tượng về “bóng chữ” xô nhau, đuổi nhau, thật hồn nhiên mà vẫn chấp chới cái dáng dấp của người sắp bước qua ngưỡng tuổi “tam thập nhi lập”, mặc dù theo năm tháng đã đến nửa hạn “tứ thập nhi bất hoặc” (chàng trai Xứ Thanh, tuổi Mậu Ngọ), kiểu: “Sắp Tết rồi, quán được khoác một không khí rộn ràng với màu vàng rực của mai, màu xanh của bánh chưng bánh tét, màu đỏ của tràng pháo giấy đung đưa trong gió sớm cao nguyên. Thực ra thì không có những thứ đó, tôi thấy sẽ đẹp đẽ thơ mộng và gần gũi như mong đợi hơn. Nhưng biết sao được, xu thế đại chúng mà” (tr.120).

Đọc Lam theo sự vận động của từ, của ngữ sẽ cảm nhận được mối quan hệ của ý, của tứ ẩn sau những con chữ, đại loại: “Bút chì viết khó quá, viết ngòi mảnh thì dễ gãy mà ngòi to thì két két không trơn. Thực ra giờ viết bút nào thì ý nghĩ của anh cũng bàng bạc vậy thôi” (tr.109); nhưng, đâu có vậy, mặc dầu “chưa đủ kinh nghiệm sống để chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời, nhưng những lúc như thế này chắc chẳng ai khỏi nghĩ ngợi mà ý nghĩ không mang theo một niềm hoài vọng nhớ mong, thêm chút thở than…” (tr.107).

Cứ như vậy, bốn mươi lăm “mảnh ký ức” của Lam là bốn mươi lăm đoản văn cảm xúc về cảnh sắc “nói hộ” tâm trạng mải miết dọc ngang những miền quê, những vùng đất thân quen của Tổ quốc hay xứ sở đất khách xa lạ - những cảm xúc hoàn toàn mang tâm hồn và tâm thế một người Việt Nam sinh ra và lớn lên gần như ở bản lề của sự biến đổi mau lẹ của thời đại, của sự chuyển giao thế kỷ với vô vàn cơ hội lẫn thách thức, rằng: “Thiên nhiên và những giá trị cao quý thường chậm rãi và lâu biến chuyển, được tạo ra sau hàng vạn hàng triệu năm chắt chiu gom góp mới thành lấp lánh vững bền. Nhưng dưới sự tàn phá của con người, dù vô tình hay cố ý…” (tr.154); đó là những suy tư của người thuộc những “công dân có trách nhiệm”, không chỉ với hiện thực của tồn tại mà cả với tương lai của sự sống.

Những mảnh ký ức viết bằng bút chì của Lê Hồng Lam thể hiện khá rõ khả năng quan sát cũng như khả năng thẩm thấu sự sống bằng con mắt và trái tim của người trực giác mẫn cảm; điều mà không cần đến phân tích, lý giải, thì tản văn, với tư cách là một thể loại văn chương, thông qua dòng chảy cảm xúc của người viết, cho thấy bất kỳ một hiện tượng hay sự vật nào muốn tồn tại đều phải tham gia vào các mối liên hệ, quan hệ có tính phổ biến, để không ngừng vận động; tản văn của Lam đã bắt đầu chạm tới cái chân - thiện - mỹ của thể loại này…                

Cao Ngọc Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Thời báo Văn học nghệ thuật trân trọng giới t