Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa
Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu và bảo tồn những tài liệu có giá trị trong lịch sử in ấn nước ta.
Đi tìm lịch sử của in ấn sách báo bằng chữ Latinh
Tại tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách do Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội, tác giả Trịnh Hùng Cường đã chia sẻ lý do ra đời của cuốn sách Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920). Theo anh, nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa bản địa ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản. Tác giả đã tìm kiếm khắp nơi và nhận thấy dường như chưa có một cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn Việt Nam thời thuộc địa, ngoài những bài báo rời rạc bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt.
Sự kiện ra mắt cuốn sách “Lần theo dấu chữ” của tác giả Trịnh Hùng Cường. Ảnh: Huyền Thương
“Biết rằng chủ đề này trước đây chưa được nghiên cứu sâu, tôi thấy mình có thể đóng góp một điều gì đó. Đó là lần theo dấu chữ ở đây là những con chữ của nghề in ấn, yếu tố căn bản nhất để cấu thành nên một sản phẩm sách báo (mà ở Việt Nam hầu hết là chữ quốc ngữ).
Quá trình lần tìm này bắt đầu từ những ngày nghề in ấn ở Việt Nam còn phôi thai khi người Pháp mới vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX cho đến năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Kế hoạch của tôi không quá tham vọng, chỉ đơn thuần là ghi lại tên của những nhà in chủ chốt, năm thành lập, quá trình diễn biến hoạt động, cũng như tiểu sử các nhân vật liên quan, phác thảo một vài điều trong cuộc sống của họ, cùng các câu chuyện liên quan đến hoạt động in ấn và xác định một số ấn phẩm tiêu biểu”, tác giả Trịnh Hùng Cường cho biết.
Cuốn sách đã đi từ những ngày sơ khai của nghề in ấn ở Việt Nam, khi người Pháp mới vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, cho đến năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.
Tập hợp và phân tích nhiều nguồn tư liệu quý giá bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Việt, tác giả Trịnh Hùng Cường đã dày công tìm kiếm thông tin từ các công báo, niên giám thời Pháp thuộc, và đặc biệt là các tài liệu thư mục quan trọng như Bibliotheca Indosinica của Henri Cordier hay Bibliographie de L'Indochine Orientale của Landes.
Điểm nổi bật của cuốn sách là cách tiếp cận có hệ thống về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử ngành in ấn Việt Nam. Tác giả không chỉ ghi lại tên tuổi các nhà in chủ chốt, năm thành lập và quá trình hoạt động, mà còn khắc họa sinh động chân dung các nhân vật tiên phong, những câu chuyện đặc sắc về hoạt động in ấn thời kỳ đầu.
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Huyền Thương
Tác giả đã thành công trong việc xác định và ghi lại lịch sử hoạt động của hầu hết các nhà in trong giai đoạn 1862-1920, phác họa quá trình chuyển giao từ các nhà in của người Pháp sang sự xuất hiện của các nhà in do người Việt làm chủ và cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò của ngành in trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa. Cuốn sách cũng khẳng định vai trò của in ấn trong quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ và phát triển văn hóa ở Việt Nam, dù có thể là những đóng góp rất thầm lặng và đôi khi là vô danh.
Tác giả Trịnh Hùng Cường cho biết, ngoài việc tạo ra kinh tế trong vai trò là một ngành công nghiệp mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, ngành in ấn còn có những tác động như: làm tăng về chất và lượng trong khả năng lưu trữ tài liệu, sách báo, tranh ảnh, văn bản hành chính; tác động về mặt truyền bá chữ quốc ngữ; xóa mù chữ và dân chủ hóa việc học hành bởi ngành in đã tạo ra một số lượng lớn sách, rất dễ dàng cho người dân tiếp cận, học tập; thúc đẩy ngành báo chí, nhất là báo chí quốc ngữ.
Qua những tri thức, tư liệu được đề cập đến trong cuốn sách, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn nhận định: “Quá trình tiếp xúc với in ấn thực sự là một cuộc cách mạng ở Việt Nam, nếu không có sự tiếp xúc và kỹ thuật in ấn đó thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể thoát ra khỏi cái ‘từ trường’ thói quen in ấn của Trung Quốc đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam”.
Công trình nghiên cứu kỳ công về ngành in ấn
Nhà báo Yên Ba nhận định, cuốn sách rất có ích trong việc minh định lại một số điều bí ẩn trong lĩnh vực xuất bản của Việt Nam trong quá khứ bằng sự sắp xếp khoa học, có hệ thống.
Nội dung cuốn sách Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920) được phân chia thành bốn phần, trong đó phần một tập trung phác thảo những đặc trưng trong lịch sử in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa (1862 - 1920), ba phần còn lại của cuốn sách lần lượt đề cập đến: In ấn ở Nam Kỳ, In ấn ở Bắc Kỳ và In ấn của Công giáo.
Bìa cuốn sách "Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)". Ảnh: Nhã Nam
Trong phần đầu tiên của cuốn sách, tác giả Trịnh Hùng Cường đã vẽ lên một bức phác họa toàn cảnh lịch sử in ấn thời kỳ đầu thuộc địa rất đặc biệt khi được tiếp xúc với cả công nghệ in của Trung Quốc và phương Tây.
Bước ngoặt quan trọng đến từ sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây vào đầu thế kỷ XVII. Họ đã sáng tạo chữ quốc ngữ bằng cách sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Đến đầu thế kỷ XX, dưới sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa Pháp, chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành in ấn.
Công nghệ in hiện đại của phương Tây được du nhập vào Việt Nam gắn liền với quá trình xâm lược của Pháp. Nhà in đầu tiên được thiết lập tại Sài Gòn sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ. Đến năm 1884, khi Pháp hoàn tất việc chiếm đóng Việt Nam, công nghệ in được mở rộng ra Bắc Kỳ.
Công nghệ in phương Tây không chỉ là công cụ của chính quyền thực dân mà còn góp phần vào việc phổ biến tư tưởng của giới trí thức bản địa. Đến khoảng năm 1920, công nghệ in phương Tây đã hoàn toàn thay thế kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống và trở thành phương pháp in ấn chính tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm, một số ấn phẩm của các nhà in đầu tiên tại Việt Nam gồm sách, báo, tạp chí, từ điển đã được trưng bày và giới thiệu. Ảnh: Nhã Nam
Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đã kỳ công sắp đặt và đưa vào rất nhiều tài liệu tham khảo, báo chí, trang quảng cáo và nhiều tài liệu quý giá khác với một số lượng đồ sộ để hoàn thiện bức tranh về bối cảnh lịch sử ngành in ấn ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Tác giả đặc biệt dành một phần sách gồm hai chương để đề cập đến in ấn của công giáo.
Ngoài ra, tác giả còn đính kèm ba phụ lục bao gồm: Danh mục các nhà in và hiệu sách khác ở Việt Nam (1862 - 1920), Thuật ngữ in ấn, Sơ đồ mối liên hệ giữa các nhà in ở Việt Nam giai đoạn 1862 - 1920).
Được biết, đây là những ấn phẩm quý giá thuộc sở hữu của nhà báo Yên Ba và tác giả Trịnh Hùng Cường. Ảnh: Nhã Nam
Nhận xét về cuốn sách này, nhà phê bình Lại Nguyên Ân chia sẻ: “Lịch sử vốn đầy nghịch lý và trớ trêu! Cái máy in và kiểu in hoạt bản từ châu Âu đã đến Việt Nam theo cung nghịch lý trớ trêu ấy! Nó đến cùng súng đạn và cuộc xâm chiếm thuộc địa... Xem qua các trang cuốn sách của Trịnh Hùng Cường, tôi nhận thấy, sự nhập khẩu máy in và triển khai kiểu in hoạt bản tại Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX được tác giả trình bày dưới dạng các hoạt động cụ thể nhiều hơn là những thông tin và nhận định bao quát. Tác giả có trong tay khá nhiều cứ liệu hiển thị hiển ngôn, cho nên dù không diễn giải dài dòng vẫn đủ sức thuyết phục”.
Cuốn sách Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920) đã bước đầu đưa ra những tư liệu quý giá về ngành in ấn, theo các diễn giả, để tiếp tục đẩy mạnh ý tưởng của tác giả Trịnh Hùng Cường cần những người có sự nghiên cứu sâu hơn về mảng báo chí, văn học, văn hóa xã hội cũng như quá trình hình thành trí thức ở Việt Nam cuối thế kỷ 19.
Tuy không thể cung cấp một cách toàn diện về ngành in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa nhưng cuốn sách đã mang đến một tài liệu mang tính chất phác thảo, không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu tham khảo có ích cho những ai quan tâm tìm hiểu lịch sử phát triển văn hóa, lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam.
![Dòng chảy tiến hóa: Cách các ý tưởng mới khởi phát trong tiến trình lịch sử loài người](https://cdn.arttimes.vn/upload/4-2024/images/2024-12-06/1733472054-thumbnail-width750height563.jpg)
Từ "tiến hóa" (evolution) nguyên gốc có nghĩa là "mở ra". Tiến hóa là một câu chuyện, một sự tường thuật về cách...
Bình luận