Thợ trà nổi tiếng viết về thú vui bình dị của người Việt
Sau hơn 10 năm lăn lộn với nghề, anh Nguyễn Việt Bắc, thợ trà nổi tiếng, đã đúc kết những kinh nghiệm, kiến thức của mình trong một cuốn sách.
Dường như, chúng ta có thể tìm thấy trà (hay chè) ở bất cứ gia đình người Việt nào. Đây là món đồ uống phổ biến, có lịch sử lâu đời cũng như phong phú về chủng loại.
Những cuốn sách viết về trà không ít nhưng Thưởng trà dưới mái hiên nhà, cuốn sách của hai người thợ trà 10 đã năm lăn lộn với nghề, đôi vợ chồng Việt Bắc - Ngọc Linh, lại tạo ra ấn tượng khác biệt.
Thoạt nhìn, cuốn sách có vẻ không được chỉn chu cho lắm. Phần mục lục không được đánh số và cũng không viết hoa đầu dòng; các dòng bên trong sách cũng không được căn chỉnh hai bên lề.
Thế nhưng, nếu thực sự chú tâm đọc sách, độc giả sẽ nhận ra ngụ ý đằng sau của tác giả khi chủ động trình bày như vậy.
Qua hơn 250 trang sách, người đọc sẽ có thêm kiến thức cũng như cái nhìn sâu sắc hơn về món thức uống bình dị, dân dã này.
Độc giả sẽ được tác giả chia sẻ tường tận về tác dụng của trà trong cuộc sống gia đình, trong lễ nghi hàng ngày. Thậm chí cả việc dùng trà như một vị thuốc, rồi cách thức chọn ấm, chén cho bàn trà tại gia và cách phân biệt năm loại trà phổ biến ở Việt Nam hiện tại cũng được đề cập rõ ràng.
Bìa của cuốn sách được thiết kế đặc biệt với các tia nắng chiếu xuyên qua tán lá, hiên nhà. Ảnh: Thái Hà Books. |
Ngoài những kiến thức về văn hoá, cuốn sách còn hướng dẫn cách dệt các loại hương đơn giản cho trà với vài loại hoa quen thuộc mà bạn dễ dàng tìm thấy như nhài, cúc, sen…
Đọc xong Thưởng trà dưới mái hiên nhà bạn đọc sẽ hiểu vì sao trà lại quen thuộc với đời sống người dân Việt đến như vậy. Không biết từ khi nào, trà luôn xuất hiện cùng câu chuyện của các thành viên trong gia đình, của những người bạn tâm giao.
Đơn giản hơn, có người chỉ cần một ấm trà ngon, một góc riêng yên tĩnh để tìm chút bình tâm trong nhịp sống vội vã của đô thành hiện đại.
Có lẽ sẽ thật vô vị nếu như cứ để guồng quay hối hả của cuộc sống cuốn đi, đánh mất cơ hội được sống chậm, được thưởng thức những phút giây hạnh phúc một mình hay với những người ta yêu quý. Khi đó, những ấm trà lại lặng lẽ xuất hiện như một người bạn tâm giao của mỗi chúng ta.
Cũng giống như trong âm nhạc, bên cạnh các nốt nhạc luôn luôn tồn tại những quãng lặng. Cái rỗng làm cái đặc phát huy được tác dụng. Cái tĩnh lặng bù cho cái xô bồ.
Khoảng lặng làm cuộc đời ý nghĩa hơn. Dừng lại một chút, đun nước nóng, pha ấm trà thơm và chiều chuộng các giác quan của mình, cũng là một cách tạo ra khoảng lặng cho cuộc sống thú vị hơn.
Và giống như những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, không nhất thiết phải quá cầu toàn, chỉn chu mà hãy uống trà thuận theo tự nhiên, hãy thưởng thức vị trà theo cách mà bản thân mong muốn.
Bình luận