Tình ca mùa xuân
Đọc Tình khúc mùa xuân của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tôi bỗng ngân rung ca từ rộn ràng, mê say, bay bổng của nhạc phẩm Em ơi mùa xuân đến rồi đó của nhạc sỹ Trần Chung.
“Em ơi
Xuân về em có hay
Gió thổi áo em bay
Môi em cười chúm chím
Khiến lòng em mê say
Ô kìa
Hoa Đào nở trên cây
Má em đỏ hây hây
Đưa tay e thẹn đón
Suối tóc thả như mây.
Anh thích mùi hoa ngâu
Quyện trong gió đưa mau
Bản tình ca lưu luyến
Hai ta tựa vào nhau
Em ơi
Tình càng lúc thâm sâu
Mình hò hẹn đã lâu
Hai ta cùng mong ước
Sống đến lúc bạc đầu
Nguyễn Thị Sơn
Doanh nhân, Luật gia, Nhà giáo, Thi nhân Nguyễn Thị Sơn
Lời bình của nhà văn Bùi Việt Thắng
“Em ơi mùa xuân đến rồi đó...”
Đọc Tình khúc mùa xuân của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tôi bỗng ngân rung ca từ rộn ràng, mê say, bay bổng của nhạc phẩm Em ơi mùa xuân đến rồi đó của nhạc sỹ Trần Chung.
Những câu thơ mở đầu giản dị, thiết tha, chân thành “Em ơi/ Xuân về em có hay/ Gió thổi áo em bay/ Môi em cười chúm chím/ Khiến lòng em mê say”. Đây là lời của người nam (anh) nói với người nữ (em) yêu thương trân quý suốt đời hay là lời của gió mơn man những cặp tình nhân đang tình tự trong vẻ hoan ca của mùa xuân đến? Thật khó phân biệt. Nhưng mặc lòng đó là lời của ai (cái gì) thì người nữ (em), vẫn cứ hồi hộp mê say chờ đón như một quà tặng có tính nghi lễ của tình yêu nam nữ, cao hơn là tình yêu cuộc sống, yêu tạo hóa ban tặng cho con người những tinh hoa đất trời. Mùa xuân làm trẻ hóa tự nhiên và con người. Mùa xuân vĩnh cửu cũng như tình yêu vĩnh cửu. Người nữ (em) trong mắt người nam (anh) dường như được thanh xuân hóa tạo nên khoảnh khắc đẹp “môi em cười chúm chím”.
Thường thì hạnh phúc của người này sẽ được tìm thấy ở (trong) người khác, ở (trong) một nửa của mình, dường như do số phận định đoạt. Mặc lòng, người nam (anh) cứ thủ thì chia sẻ “Em ơi/ Tình càng lúc thâm sâu/ Mình hò hẹn đã lâu/ Hai ta cùng mong ước/ Sống đến lúc bạc đầu”. Đúng là lời nguyện cầu của lớp người cao tuổi, không màng giàu sang phú quý, danh vọng, chỉ cầu sức khỏe để sống bền với điều mình yêu quý. Ai đó nói người cao tuổi thường hoài niệm dĩ vãng, nặng lòng với ký ức. Nhưng người cao tuổi ngày nay có liệu pháp tinh thần khác khi dồn tâm trạng cho tương lai, dẫu biết quỹ thời gian của mình hạn hẹp. Nhưng vẫn “Anh đưa em xuống phố/ Ngắm căn hộ trên cao/ Nhìn không gian lý tưởng/ Cùng đếm những vì sao/ Ứ ư...”. Câu thơ “Cùng đếm những vì sao” làm bật lên trong tôi kỷ niệm cách nay sáu mươi năm đọc thiên truyện thấm đẫm chất thơ Những vì sao của Alphonse Daudet.
Với nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn, thơ ca mới là nơi ký thác, nơi phát lộ cá tính và nhân cách của một người phụ nữ can trường, tài ba, hào hoa và nhân ái, mẫu hình nhiều trong một (doanh nhân, truyền nhân, nhà giáo, thi nhân,...). Với chị, mỗi lần làm thơ là thực hành công thức tinh thần “cứ viết, cứ viết, trời xanh thêm”. Trong các tập thơ đã xuất bản của chị những bài thơ Em là hoa giấy, Nhớ vườn xưa, Mình về quê em nhé, Tặng em bài ca quan họ, Thiền, Về quê... được các nhạc sỹ phổ nhạc với nhiều thể loại khác nhau (cải lương, quan họ, bolero...).
Đọc Tình ca mùa xuân, tôi nghĩ tới một “mùa xuân chín” trong lòng nữ sỹ nơi miền đất nhiều nắng gió. Và hy vọng bản nhạc cùng tên sẽ ngân xa trong lòng người yêu thơ và nhạc trong mùa xuân này./.
MV Tình ca mùa xuân (Thơ: Nguyễn Thị Sơn - Nhạc: Kiều Tấn Minh - Trình bày: Trúc Ny - Khánh Dư)

Đầu năm 2022, Nhà xuất bản Nghệ An đã cho ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách "Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát biệt động...
Bình luận