Triết lý trữ tình và cảm xúc thẩm mỹ qua tập văn thơ của một nhà thơ nữ
Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu cảm hứng sáng tạo, thủ pháp miêu tả. Bài viết này phác thảo đôi nét về một nhà thơ nữ - Hương Nghiêm, vốn làm nghề báo, tài hoa, chân thật, mạnh dạn sáng tạo, thích khám phá những miền thơ, mà một số nhà văn còn rụt rè. Hợp tuyển văn thơ của Hương Nghiêm được ra mắt bạn đọc vào tháng 6 năm 2022, một thi - văn phẩm bề thế, có giá trị nhân văn, triết lý.
Triết lý và trữ tình của chị chịu ảnh hưởng của trí thức và cảm thức triết học đời sống - một xu hướng triết học duy vật xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, gắn liền với sự phát triển khoa học, tâm lý học trên thế giới. Ở phương Đông, triết thuyết này cho rằng, đời sống không chỉ được nhận thức bằng tư duy logic, mà biết được bằng trực giác, cảm xúc, chủ yếu là cảm xúc tôn giáo.
Ở phương Đông, triết lý trữ tình trong thơ hình thành sớm. Nhận thức đời sống không chỉ bằng lý tính mà còn bằng tư duy logic, trực giác, cảm xúc qua các đề tài về tôn giáo, tín ngưỡng… với mục đích nâng cao ý thức đời sống tinh thần. Thơ triết lý trữ tình ở nhiều nước phương Đông được hình thành sớm trên cơ sở triết học Kinh Dịch, lý thuyết âm dương ngũ hành.
Trong Kinh Thi có 105 bài thơ ra đời từ đầu thời Tây Chu đến giao thời Xuân Thu, đều có nội dung khuyên răn đạo lý, ca ngợi kẻ cầm quyền, vua giỏi - tôi hiền, công lao đức lớn của những bậc anh hùng dân tộc, những kẻ sĩ tài năng, đức độ, thường được ghi trên các bức hoành phi, câu đối: Hòa, Vi, Quý, Phúc, Mãn, Đường…
Chân dung nhà thơ Hương Nghiêm
Đọc một số bài thơ của Hương Nghiêm, tôi có thể khái quát lại mấy đề tài được nhà thơ thể hiện, say mê sáng tạo, dồi dào cảm hứng, luôn luôn gắn bó với lòng thành, đức khiêm của con người. Đó trước hết là đề tài về giáo lý Phật giáo và về cái đẹp của thiên nhiên. Về giáo lý Phật giáo, người đọc có thể chiêm nghiệm một dòng giáo lý đạo cao đức trọng, tất cả đều do con người và vì con người: giáo lý Phật giáo từ chối bạo lực, không thích sử dụng chiến tranh chống lại những giáo phái phi nghĩa, phản nhân văn. Điều cảm động nhất của giáo lý nhà Phật là hòa bình, an lạc, quốc thái dân an. Bài thơ ngắn Nguyện cầu Đức Phật:
Con cầu xin bình yên vĩnh hằng:
Cho con được uống,
Nước nguồn trong sạch,
Hoa rụng cỏ úa
Những quả công bằng…
Một đề tài lớn thứ hai của Hương Nghiêm là vẻ đẹp của thiên nhiên, sự sáng tạo của con người theo lịch sử thời gian, sự vĩnh hằng của các thế hệ theo năm tháng. Thời gian, năm tháng, thiên nhiên vận dụng vào đề tài, những câu thơ, bài thơ về thiên nhiên như Trò chuyện với mùa xuân, Lộc xuân, Ngày xuân đi hội Lim, Lá sen, Đối khúc với hoa hồng, Vầng trăng trên cao…
Cảm hứng trước thiên nhiên, năm tháng, thời gian không phải của nhà thơ, của nhà phê bình mà là ý tưởng, cảm hứng dựa vào câu nói triết lý của nhà triết học Đức P. Nietzal khi cho rằng thời gian, năm tháng, thiên nhiên là ba người thầy của nhân loại, trường tồn với con người - hòa bình, hạnh phúc, không chiến tranh, không bạo lực. Hãy đọc bốn câu thơ ngắn của bài Lộc xuân:
Một bông hồng hé nụ
Ngự trị thiên nhiên
Gió đưa lời đồng dao
Ai gieo nhân lành vào mùa xuân
Sẽ nhận quả ngọt vào mùa thu
Tôi - một nhà văn hóa học với những cảm nghĩ thâm sâu, an lành về các thế hệ hậu sinh trong bài Nói cùng các con:
Người mẹ nào cũng mong con hạnh phúc
Người mẹ nào cũng mong nhà mình sum họp
Nhưng cuộc đời với muôn chông gai
Dù vấp ngã đớn đau
Các con ơi đừng sợ…
Đừng có lỗi với chính mình
Đi hết cuộc đời
Lòng ung dung tự tại
Muôn sự rồi qua đi
Chỉ tình thương còn lại.
Minh triết của Phật giáo được tóm lược trong Mười điều Phật dạy mang đậm triết lý duy vật, lòng thành, đức khiêm, tâm linh duy vật, xa lánh duy tâm, tiếp cận văn minh - văn hiến của dân tộc, của thời đại.
Đọc đi đọc lại, cảm nhận, suy tư về những vần thơ của nữ thi sĩ Hương Nghiêm với nhiều bài thơ về Phật giáo như: Trước tượng Quan Thế Âm, Nguyện cầu, Muốn làm con Thích Ca, Lá sen, Lộc xuân, Bài thơ soi sáng (tặng Thiền sư Thích Nhất Hạnh), tôi nhận ra rằng, Hương Nghiêm đã hiện thực hóa một triết lý nhân văn của người Việt, đã có những bước đi hào hiệp cùng với văn hiến, tâm linh của dân tộc từ các thế kỷ văn hóa Phục Hưng và phát triển. Phật giáo Việt Nam ở gốc sâu, rễ bền từ thời Lý, Trần, được coi là quốc giáo, vua là minh sư. Đến thời Hồng Đức, triều đình mở rộng khoa thi, kén chọn nhân tài, thi sĩ…
Dưới thời Nguyễn, Nho giáo độc tôn, nhưng Phật giáo vẫn thịnh, chùa chiền vẫn phát triển ngay cả trong cung vua, phủ chúa. Các nho sĩ thường lấy đề tài Phật giáo làm cảm hứng sáng tạo. Sự sung hợp giữa các học thuyết phương Đông và Phật giáo là một triết lý sống của con người. Sách Kinh dịch có câu: Đức lớn của trái đất là mang lại sự sống hay có xu hướng đi đến sự sống… Từ đó Kinh Phật trình bày ba con đường để giải phóng con người, đó là: Giới, Định, Tuệ.
Ba thuật ngữ này có vẻ rắc rối, nhưng về thực chất là tính nhân bản của con người. Phật giáo có trăm lần thực tế hơn Thiên chúa giáo. Không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo đã trở thành giáo phái bất tận, minh triết trong lịch sử và văn chương, thơ phú nước Việt từ nhiều thế kỷ. Ở thế kỷ XIX, Bà Huyện Thanh Quan viết: “Bầu trời cảnh Bụt, thú Hương Sơn”, Cao Bá Quát tức cảnh Hương Sơn viết 10 khúc, ca ngợi non nước, trời mây, bóng chiều, rừng, suối, tiếng chuông chùa; Chu Mạnh Trinh với cảnh Hương Sơn.
Từ giữa thế kỷ XX cho đến nay, đề tài Phật giáo vẫn được nhiều nhà thơ chọn lựa và thôi thúc cảm hứng sáng tạo: Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Cô hái mơ của Nguyễn Bính, Ni cô Đàm Vân của Học Phi, Sứ giả và em bé của Kính Dân, 18 vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận… Phật giáo là niềm tin là hình thái văn hóa trí tuệ, cao thượng, nhưng khi đi vào cuộc sống xã hội thì cái thiêng và cái tục, cái đẹp và cái đời, đã trở thành những đề tài hữu ích cho đời sống xã hội, đời sống văn hóa…
Một đề tài lớn thứ hai của thơ Hương Nghiêm được độc giả chia sẻ về lý thuyết và thực tiễn sáng tác thơ ca, đó là đề tài tâm linh, yếu tố phi lý tính trong thơ ca hiện đại. Có con người là có tâm linh. Thời tối cổ, con người run sợ trước những lực lượng hung hãn của thiên nhiên: giông bão, mưa lũ, sấm sét,… con người trở nên nhỏ bé bất lực trước cái đại cực của vũ trụ bao la… người ta tìm đến tín ngưỡng, thờ thần, thờ cây, thờ đá… Về sau, khi đã có ít nhiều kinh nghiệm, con người tìm đến sức mạnh của thần linh như Hercules, Prométhé, những anh hùng văn hóa… Lấy đề tài tâm linh trong đề tài Huyền sử, Hương Nghiêm đã có những thành công nhất định ở những ý thơ về nguyên nhân và kết quả của sự sống. Xin nêu bài Lộc xuân:
Một bông hồng hé nụ
Ngự trị thiên nhiên
Gió đưa lời đồng dao
Ai gieo nhân lành vào mùa xuân
Sẽ nhận quả ngọt vào mùa thu
Em biết
Giọt mồ hôi của anh
Như giọt sương treo trên chiếc lá của em
Chiếc lá lẻ loi
Thêm một chồi xanh biếc
Với mùa xuân này.
Đọc bài Cứ để mùa xuân đi qua:
Cứ để mùa xuân đi qua
Vì mùa hè trăn trở
Đổ nắng gắt gỏng điều chi?!
Làm bỏng rát bông hải đường đỏ thắm…
Trong lịch sử hình thành, các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo… đều lấy lời thơ làm kinh, vì thơ có vần, có điệu, có nhạc tính, dễ lay động lòng người. Nhà thơ Hương Nghiêm đã chiêm nghiệm điều này. Trong quá trình sáng tác, cảm hứng những vẻ đẹp, cái cao cả, sức mạnh của con người, khi phản ánh cuộc đời, sức mạnh của con người bằng những lời thơ tài hoa, minh triết. Thành công của Tuyển tập Văn - Thơ của nhà thơ Hương Nghiêm thật đáng trân trọng.

Bắt đầu bước vào nghiệp văn chương từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà văn Trần Thùy Mai đã có gần bốn...
Bình luận