TỰ DO, MÁU, VÀ TÌNH YÊU
(Arttimes) - Ocean (Đại dương), như định mệnh, đã trở thành tên gọi của thi sĩ, tiểu thuyết gia, giáo sư Ocean Vương, khi mẹ của anh không thể phát âm nổi từ “beach” - biển - nỗi ám ảnh khôn nguôi của bà về sự chia cắt và gắn liền những số phận dạt trôi giữa đôi bờ lịch sử.
Cùng gia đình rời Việt Nam khi mới vừa hai tuổi, Ocean Vương mang theo những ký ức đứt đoạn, nhạt nhoà về quê hương - nhạt nhoà như chính tiếng mẹ đẻ của anh. Trong tiểu thuyết đầu tay của mình, Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi, Ocean Vương kể lại cuộc đời mình như một bức thư dài gửi cho người mẹ bất hạnh đầy đau khổ của anh, dù biết rằng bà sẽ chẳng bao giờ đọc được nó. Ngay khi vừa ra mắt vào năm 2019, tiểu thuyết hồi ký của Ocean Vương đã làm chấn động văn đàn của Mỹ; trong sáu tuần liên tiếp đã được tờ New York Times đưa vào danh sách một trong mười tác phẩm bán chạy nhất toàn nước Mỹ, liền sau đó được trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng Mark Twain về văn học Mỹ, giải thưởng dành cho tiểu thuyết của New England, giải thưởng sách hay Massachusetts, giải thưởng sách hay của Mỹ, và giải thưởng sách Stonewall. Không dừng lại ở đó, Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi cũng được rất nhiều nhà văn tên tuổi lớn của Mỹ ngợi ca là một “kiệt tác”, và cũng chính tác phẩm này đã mang lại cho Ocean Vương giải thưởng “thiên tài” MacArthur cùng với rất nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lớn lên ở Hartford, thủ phủ của tiểu bang Connecticut, giữa cộng đồng người da đen và Mỹ La tinh, Ocean Vương say đắm với âm nhạc, văn hoá, và tâm hồn của những người da màu, mặc dù cuộc sống quanh anh vẫn luôn bị bủa vây bởi tệ nạn và bạo lực suốt thời niên thiếu. Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi đã khắc hoạ một bức tranh hiện thực vừa rực rỡ vừa điêu tàn, như những thân phận, cuộc đời rất gần gũi với Ocean Vương, qua ngòi bút “thiên tài” của anh; và những cảm xúc mãnh liệt từ đó đã khiến nhà văn Celeste Ng thổn thức “đến tận xương tuỷ”, hay với nhà văn Jacqueline Woodson, từng câu chữ của Vương đã trở thành “hơi thở”. “Ôi cái tên của anh đã nói lên tất cả - Đại dương,” nhà phê bình văn học Maureen Corrigan đã phải thốt lên, “vì khi đọc tác phẩm của anh, ai cũng chỉ muốn đắm mình trong đó.” Nhân vật chính của tiểu thuyết là Little Dog (Chó con), khi lớn lên cũng là một nhà văn, như chính tác giả, đã không chỉ viết cho mẹ, mà “cho tất cả” những cuộc đời phiêu bạt, tha hương đầy tủi nhục, đắng cay, nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ, như tình yêu và lòng trắc ẩn của con người trong câu chuyện của Ocean Vương. Sống với mẹ và bà ngoại, Lily và Rose - cả hai cùng bị hậu chấn chiến tranh hành hạ đến tê liệt về cả thể xác lẫn tâm hồn, Chó con đã trải qua một tuổi thơ đầy bất trắc. Rose vừa là tên của một loài hoa (Hồng,) vừa là “thì quá khứ từ vượt lên” - một bông hoa vượt lên đạn bom, giông tố của cuộc đời để bừng nở ở một bờ bến lạ mà bà chưa từng thuộc về nó. Nhưng mẹ của Chó con, do vừa phải chịu đựng những ám ảnh về “nỗi buồn chiến tranh,” vừa phải vật lộn mưu sinh đến rã rời theo năm tháng, thỉnh thoảng lại trút hết những điều tồi tệ đó lên con mình. Một lần, khi trở về nhà sau một ngày dài oằn mình trau chuốt, điểm tô những bộ móng chân cho khách hàng ở cửa tiệm làm đẹp, Rose đã không thể kiềm chế được khi thấy con mình bày la liệt đồ chơi trong phòng khách, bà đã ném những miếng legos vào đầu của Chó con, để lại “miếng gỗ loang lổ máu.” Chó con không hờn ghét mẹ vì đã khiến mình đau đớn. Với hình ảnh đó, Ocean Vương đã nói lên suy nghĩ của những người thuộc thế hệ anh, về cha mẹ mình và những đòn roi đôi khi rất tàn nhẫn của họ, bởi anh hiểu, tất cả là do bóng ma chiến tranh đã biến họ thành những con “quái vật”.
Không thể chôn vùi quá khứ buồn bã của biệt ly, tan nát, Rose chính là hiện thân của một thế hệ người Việt tị nạn ở Mỹ. Trôi dạt đến một nơi xa lạ, cô đơn, không tiếng nói, họ như “một đàn bướm chấp chới bay đi khỏi những trận mưa Napalm” của lịch sử, và người sống sót cuối cùng sẽ như “một con bướm chúa còn đậu lại trên cành cây trĩu nặng những bóng ma”. Ocean Vương ngợi ca cuộc sinh tồn khốc liệt đó của những người phụ nữ mà anh yêu dấu. Vượt lên những bạo tàn, Lily và Rose là biểu tượng của sự kiên cường và lòng can đảm. Trong tiểu thuyết của mình, Ocean Vương đã gọi tên điều đẹp đẽ không thể lụi tàn đó - một sức mạnh tinh thần không bạo lực nào có thể vùi dập nổi.
Vẻ đẹp của tình yêu và khát vọng tự do vẫn nảy mầm, lấp lánh, giữa bóng tối của tuyệt vọng trong Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi của Ocean Vương. Spencer Quong, sau khi trò chuyện với Ocean Vương, đã đặt tên bài phỏng vấn của mình là Sống sót là một Sức mạnh của Sáng tạo, vì Ocean Vương đã truyền cảm hứng đẹp đẽ đến người đọc qua hình ảnh của những người bà, người mẹ phải lìa bỏ quê hương và đương đầu với cuộc sống bấp bênh ở một miền đất không chào đón họ, nơi họ mãi mãi vẫn là những con người xa lạ không thể hoà nhập. Rose không thể gọi tên của “một con chim, một bông hoa, hay một cặp màn cửa bằng ren trong siêu thị Walmart.” Thậm chí Chó con đã cố gắng dạy cho mẹ mình tất cả những từ ngữ đó, nhưng bà sẽ quên tất cả ngay ngày hôm sau, vì “những âm tiết luôn trôi tuột khỏi đầu lưỡi mẹ”. Duy chỉ một từ mà Rose có thể giữ lại trong trí nhớ của mình, sau tất cả những sóng gió cuộc đời, như một con chim Ong vẫn hót líu lo trong khu vườn trước sân nhà hàng xóm, là: “It’s beautiful (đẹp quá),” Rose mỉm cười, “đẹp quá”.
Tình yêu và sự chở che của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng của Chó con, giúp cậu bé quên đi thực tại tàn nhẫn vẫn từng ngày đe doạ sự bình yên của những người như mẹ con cậu. Một khoảnh khắc đầy cảm động trong truyện là khi Chó con nhớ lại cảnh mẹ con cậu đang đẩy một xe hàng đến nhà thờ, đến giữa một đoạn đường nhuộm đầy máu, bốn bề là một màu, “đỏ, đỏ, đỏ, đỏ”, một “con đường máu” vì một ai đó vừa bị bắn chết đêm qua bên vệ đường. Trước hình ảnh kinh hoàng đó, Rose đã nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Chó con trong lòng bàn tay “ấm nóng” và “ướt mồ hôi” của mình, rồi khẽ khàng nói, “con nhìn kìa,” những ngón tay của Rose chỉ lên trời, và những cánh chim trong tưởng tượng bất chợt hiện lên: “…Nhiều màu đẹp chưa kìa. Chim màu xanh. Chim màu đỏ. Chim màu mận chín. Những chú chim với bộ lông thật óng ánh.” Chó con nhớ đã mải miết nhìn về phía những “cành cây đan vào nhau” theo cánh tay của mẹ, tưởng tượng về một tổ chim, nơi chim mẹ đang mớm mồi cho những chú chim non với bộ lông vàng óng. Chó con đã nhìn theo ngón tay của mẹ cho đến khi “một màu xanh ngọc bích hoà quyện thành một màu rất thật. Và con đã nhìn thấy chúng. Những chú chim. Tất cả những chú chim ấy. Con đã thâý chúng hiện lên mỗi khi môi mẹ mở ra và khép lại, và những từ ngữ không ngừng tô điểm sắc màu cho những tán cây. Con nhớ đã quên hẳn dưới chân mình là máu. Con nhớ từ lúc đó đã không còn nhìn xuống nữa”. Ocean Vương đã tái hiện vẻ đẹp từ những ngón tay và giọng nói dịu dàng của mẹ dành cho Chó con giữa những khoảnh khắc ám ảnh, tồi tệ nhất. Mẹ đã trở thành một lăng kính để soi rọi vào sức mạnh và sự nhiệm màu vô cùng đẹp đẽ.
Sức mạnh tuyệt vời đó chính là điểm tựa tinh thần của mẹ dành cho Chó con; và đó cũng là khi cậu ngắm nhìn Rose đắm chìm trong màu sắc của hội hoạ, tập tô màu mỗi ngày như một khát vọng tìm được sự bình yên. “Tại sao mẹ lại tô màu, tại sao lại là bây giờ?” Chó con đã hỏi mẹ, và câu trả lời của Rose đã mở ra cho Chó con cả một thế giới. Ocean Vương đã khắc hoạ khoảnh khắc tuyệt vời ấy: “… mẹ đặt cây bút chì màu xanh cẩm thạch xuống, hướng đôi mắt mơ màng về phía khu vườn đang được chăm sóc dở dang. “Mẹ vừa bước ra khỏi nơi này một lát”, mẹ nói, “nhưng mẹ đã cảm nhận được tất cả. Cũng giống như mẹ vẫn đang ở ngay đây, trong căn phòng này vậy.” Rose đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy nghiệt ngã, vẫn khao khát một cuộc sống tự do, dù bà luôn hiểu rằng, dù phải ở lại hay rời bỏ quê hương, những hối tiếc luôn là điều có thể. Bà đã gắng gượng để trân quý bản thân giữa một thực tại vẫn còn ngổn ngang, và một tương lai vẫn mịt mờ phía trước. Viết nên những điều đó, Ocean Vương đã gieo vào trí tưởng tượng của người đọc một vẻ đẹp bay bổng diệu kỳ, để trong khoảnh khắc, cùng với anh, thoát ly khỏi một thế giới tầm thường đầy bất ổn.
Ocean Vương đã nhìn xoáy vào những nghịch lý của tự do, một bức tranh với nhiều mảng màu sẫm tối, đối nghịch hoàn toàn với những ảo tưởng phù du về cuộc sống vương giả, phong lưu như thiên đường của người viễn xứ. “Món quà tự do,” như học giả nổi tiếng về dân tộc học Mimi Thi Nguyen định nghĩa, “vừa quý giá vừa tàn độc” bởi nó ẩn chứa một lời hứa hẹn “giải phóng con người bằng bạo lực”, và một khi đón nhận “món quà” ân huệ này, người tị nạn mãi phải đeo mang một “món nợ” là “sự biết ơn”. Với tất cả những mất mát, đớn đau, máu xương đã đổ xuống, để được nhận lấy món quà tự do đầy cay đắng đó, Mimi Thị Nguyễn đã hỏi, “hà cớ gì ta phải biết ơn?” Bởi một khi chúng ta tiếp tục biết ơn món quà ràng buộc đó, có nghĩa là chúng ta đang cổ xuý cho chiến tranh và bạo lực, nghiễm nhiên xem đó là điều kiện để giành được tự do. Rất nhiều những học giả người Mỹ gốc Việt như Yen Le Espiritu, Nguyen Vo Thu Huong, Long Bui, Viet Thanh Nguyen, đã lên tiếng về mặt trái của nỗi ám ảnh đầy quyến rũ mang tên “tự do” mà giáo sư hàng đầu về nhân học của Mỹ, David Harvey, gọi là “sự huỷ diệt đầy sáng tạo”.
Thế giới trong tiểu thuyết của Ocean Vương không hư ảo, tầm thường, giả dối như những bài ca về một thiên đường của tự do và thịnh vượng. Trong Những Khoảnh khắc, thế giới của Chó con là một thực tại đầy ngột ngạt luôn ẩn náu dưới vỏ bọc có cánh của giấc mơ Mỹ hoang đường, giữa tự do như “một cái lồng mở ra bất tận trước mắt mẹ.” Tự do, trong hình dung của Chó con, như “một con bê cảm thấy mình được tự do nhất khi chiếc lồng đó mở ra và để rồi lại dẫn nó bước vào chiếc xe tải sẽ di chuyển đến lò mổ”. Trong khi tự do đối với Chó con chưa bao giờ là tuyệt đối, vì dường như nó chỉ là “cạm bẫy” khổng lồ đang nuốt chửng cậu trong một thế giới với nhiều biên giới, Chó con vẫn hân hoan trong những khoảnh khắc huy hoàng ngắn ngủi với thứ tự do hết sức mơ hồ đó, khi cậu gặp được tình yêu của mình là Trevor, một thiếu niên da trắng, cháu của một nông dân nghèo nát rượu, tại đồn điền thuốc lá ở ngoại ô Hartford, khi cả hai cùng làm việc suốt mùa hè ở đó. Chó con đã thăng hoa trong mối tình lãng mạn với Trevor, và qua ngòi bút kỳ diệu của Ocean Vương, cậu như được cởi trói khỏi chiếc lồng sắt lạnh lẽo, để rồi tan biến đi, trở thành kẻ “vô hình,” vì trong mắt Trevor, và giữa những cuộc ái ân của hai con người đồng tính, Chó con luôn là người phải… quỳ xuống; như một câu hỏi lạc trôi trong tuyệt vọng của Ocean Vương, “làm sao có thể hiểu được tâm hồn của một người Mỹ tị nạn, đồng tính, và nghèo khổ?” Mẹ và bà của Ocean Vương, luôn mường tượng về những hiểm nguy đầy nghiệt ngã, thường khuyên anh, “con phải tan biến đi, để được bình yên”. Nhưng thế hệ của Ocean Vương khát khao được cất lên tiếng nói của mình, muốn bước vào ánh sáng của một thế giới không thuộc về cha mẹ họ - một thế hệ muốn tìm bình yên trong bóng tối của lãng quên. Vì suy cho cùng, cuộc sống luôn tồn tại những nghịch lý, như những câu thơ trong tuyển tập Bầu trời đêm và những vết thương xuyên thấu của Ocean Vương: “Một người Mỹ làm tình với một cô gái thôn quê Việt Nam. Từ đó mẹ tôi ra đời./Từ đó tôi tồn tại”. Vương kể với người đọc về sự tồn tại đầy mâu thuẫn của mình: “Bởi vậy nếu không có bom rơi = sẽ chẳng có gia đình = chẳng có tôi”.
Tác giả Ocean VươngChỉ mới vừa 32 tuổi, Ocean Vương đã là một giáo sư chuyên ngành sáng tác tại trường Đại học Massachusetts, Amherst, Mỹ. Một người theo đạo Phật, ăn chay trường, và theo chủ nghĩa hoà bình, Ocean Vương muốn bước qua đề tài chiến tranh; anh viết về những con người đã vượt lên bóng đêm của lịch sử, để tiếp tục mãnh liệt sống. Khi tiểu thuyết Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi ra đời, Ocean Vương được xem là “hướng dẫn viên” về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, điều mà anh một mực phản đối, như anh đã từng nói với Martin Wolk trên tờ thời báo Los Angeles, rằng, “Rất nhiều nhà phê bình đã gọi tiểu thuyết của tôi là câu chuyện về một người nhập cư, đồng tính, có lẽ thuộc tầng lớp lao động. Nhưng nhà văn thì phong phú hơn thế rất nhiều. Chẳng trách chúng ta sẵn sàng dội bom vào những đứa trẻ (để nhân danh cho sự cứu rỗi, cho món quà tự do - mà cái giá phải trả là chiến tranh và bạo lực), vì chúng ta thuộc loại chỉ thích tra tấn một sinh vật nhỏ nhoi như thế”.
Ocean Vương không nhỏ nhoi như vóc dáng của anh, vì tư tưởng và tình yêu nhân loại của anh vượt lên mọi ý thức hệ, toan tính, và bạo lực. Vì hơn ai hết, anh hiểu rằng, tự do luôn là một sự đánh đổi; và để thế hệ anh được ngước nhìn lên, thì những phụ nữ đang tàn phai thanh xuân trong từng tiệm làm móng nồng nặc mùi hoá chất như mẹ của anh, đã phải một đời cúi xuống, trong bao nhọc nhằn, cay đắng.
Chỉ mới vừa 32 tuổi, Ocean Vương đã là một giáo sư chuyên ngành sáng tác tại trường Đại học Massachusetts, Amherst, Mỹ. Một người theo đạo Phật, ăn chay trường, và theo chủ nghĩa hoà bình, Ocean Vương muốn bước qua đề tài chiến tranh; anh viết về những con người đã vượt lên bóng đêm của lịch sử, để tiếp tục mãnh liệt sống.
Võ Hương Quỳnh(Đọc Những Khoảnh khắc Huy hoàng Ngắn ngủi, Ocean Vương)
NoneBình luận