Nhớ lời tiền nhân, nghĩ đến nghề văn

(Arttimes) - Tôi nhận ra một điều quan thiết trong văn chương. Đó là, viết văn không chỉ được xem là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Bởi vì tác phẩm của nhà văn không đơn giản là sản phẩm trí tuệ của nhà văn mà còn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách sống của độc giả, xã hội.

Năm 1969, để chuẩn bị tư liệu cho khóa luận năm thứ ba với đề tài “Thơ nôm Nguyễn Trãi”, tôi đến nhà nhà thơ Xuân Diệu - người nổi tiếng về sự am hiểu thơ nôm của Nguyễn tiên sinh ở phố Cột Cờ để tìm thêm tư liệu. Đến nơi nghe người nhà nói nhà thơ vừa chợp mắt nghỉ trưa. Là gã sinh viên Khoa văn trường Đại học Tổng hợp lại nghĩ Xuân Diệu nổi tiếng là chủ soái của thơ tình. Tôi bèn cố đứng chéo chân dựa vào gốc cây đầu sân nhà thơ chờ. Không ngờ chưa đầy 15 phút, cánh cửa sổ chợt mở, tôi thấy cái đầu với mớ tóc xoăn bồng bềnh của nhà thơ nhô ra. Tôi giật mình chào ông và nói ý định của mình đến xin được gặp nhà thơ. Xuân Diệu cau mày nhìn tôi với ánh mắt không hài lòng:

- Cậu là sinh viên văn nên tôi nói luôn. Trong tình yêu và trong thơ không chấp nhận lối đứng chéo chân thiếu nghiêm túc như thế. Tôi đỏ mặt ấp úng xin lỗi nhà thơ. Rất may sau đó ông chấp nhận lời xin lỗi của tôi và giải đáp sự tìm hiểu của tôi về thơ nôm Nguyễn Trãi. Khi tôi ra về, nhà thơ tình nổi tiếng còn nói với tôi một câu khiến tôi nhớ đời: - Làm bất cứ việc gì gắn với văn chương đừng ỷ lại vào cảm hứng, mà phải hết sức thận trọng, cẩn thận thì mới có kết quả. Năm năm sau, vào năm 1973, tôi may mắn được giải khuyến khích trong cuộc thi văn thơ do Bộ Nội thương tổ chức.

Nhớ lời tiền nhân, nghĩ đến nghề văn - 1 Nhà thơ Xuân Diệu 

Trong bữa ăn sau lễ phát thưởng tại nhà hàng Bô đê Ga tôi được xếp ngồi cạnh nhà thơ Xuân Diệu, Chánh chủ khảo cuộc thi. Ông gật đầu đáp lại lời tôi chào, rồi nói ngay: - Tôi nhận ra anh ngay khi tôi phát thưởng. Năm năm trước anh từng đến hỏi tôi về thơ nôm Nguyễn Trãi, tôi đã nhắc anh về sự cẩn thận trong văn chương. Hình như lời khuyên của tôi không vào anh. Thể lệ cuộc thi yêu cầu ba bài thơ, anh lại nộp một bài. May bài thơ Người đứng giữa ước mơ và kẻ thực hiện ước mơ là một bài thơ hay, có nhiều câu thơ lạ, nên anh được giải khuyến khích. Tôi nhắc lại, văn chương lúc nào cũng cần sự cẩn thận. Tôi ấp úng cố thanh minh vì sao tôi chỉ nộp có một bài thơ, nhưng Xuân Diệu quay đi, vừa cầm chiếc thìa để ăn súp lươn do chị Thúy Hiền, cán bộ tuyên truyền Bộ Nội thương đưa cho vừa nói:  

Anh nên nhớ lời tôi nói dặn là được rồi. Giờ thì tập trung ăn cho ngon. Cũng trong năm 1973 đáng nhớ đó, cùng với việc tôi được nhận giải khuyến khích thơ Bộ Nội thương tổ chức do nhà thơ Xuân Diệu trao, được báo Văn Nghệ in bài thơ đầu tiên viết về anh hùng phi công cùng làng Chèm bắn rơi máy bay Mỹ mà nhà thơ Phạm Hổ biên tập lại, đầu đề là Xung quanh một chiến công. Hai sự kiện này đã khiến tôi nẩy ra việc làm táo bạo là tập trung thơ và truyện ngắn viết từ hồi là sinh viên và vài năm công tác thành tập thơ Thơ gửi ra chiến trường và tập truyện ngắn Chuyện vụn làng tôi gửi tới Nhà Xuất bản Văn học. Mặc dù vẫn biết một gã viết văn làm thơ nghiệp dư, vô danh như tôi thì sách được in khác chi lấy được sao trên trời. Nhưng tôi vẫn nôn nóng chờ đợi. Không ngờ gần ba tháng sau, tôi có giấy mời của Nhà xuất bản Văn học đến làm việc về bản thảo tập thơ.

Nhớ lời tiền nhân, nghĩ đến nghề văn - 2 Nhà thơ Chế Lan Viên 

Người tiếp tôi là nhà thơ Chế Lan Viên, Biên tập viên NXB Văn học ở khu tập thể các nhà văn, giờ là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo. Nhà thơ thoáng cười nhìn gã thanh niên ngượng ngùng, sau đó nghiêm nét mặt nói:

- Anh mới làm thơ mà tập hợp được tập thơ, chứng tỏ rất trân trọng những gì mình viết, đó là một đức tính quý của người làm văn chương…. Không để ý đến sự ngượng ngập của tôi, ông nói tiếp:

- Trong tập thơ của anh có nhiều câu thơ hay như “tiếng bom nổ làm méo cả vầng trăng”. Nhưng nhìn tổng thể, thì không có bài nào có thể gọi là hay. Bên cạnh câu thơ rất hay là nhiều câu thơ dở, có khi rất dở. Thơ anh có tứ, có những tứ độc đáo, nhưng anh không diễn đạt trọn vẹn và làm thăng hoa tứ thơ bằng những câu thơ và kết cấu thơ phù hợp. Người mới làm thơ như anh, nếu thấy xuất hiện tứ thơ thì ghi ra rồi làm dàn bài thật kĩ, xong theo đó làm những câu thơ… Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì Chế Lan Viên vung lên một tờ giấy:

- Đây này, Lý Phương Liên là nữ mà cô ấy kết cấu thơ rất chặt, anh đừng cậy là đàn ông, nghĩ gì đặt bút viết ngay là thiếu thận trọng. Nếu muốn tiếp tục làm thơ thì nghe tôi. Giờ tôi phải đi có việc. Tuần sau anh đưa cho tôi mấy bài thơ anh mới viết, không có trong tập này, để hiểu thêm thơ anh. Đúng ngày hẹn tôi mang sáu bài thơ ngoài tập bản thảo Thơ gửi ra chiến trường đến. Đó là các bài Cờ của nước Việt Nam (9/1970), Mùa thu và tình yêu (8/1970), Những ràng buộc (3/1968), Dưới cửa sổ nhà (8/1970), Có lẽ rồi khi hết chiến tranh (8/1970), Cho đến bao giờ anh cởi lá ngụy trang (9/1970). Tôi nhớ khi đến thì nhà thơ đang họp Ban biên tập, nhưng ông vẫn ra tận nơi nhận và nói với tôi: - Anh đúng hẹn. Vậy là tốt. Tôi phải xin lỗi anh vì đang họp. Mười ngày nữa, sau khi tôi đọc kĩ sẽ cùng bàn bạc. Đúng hẹn, tôi gặp lại nhà thơ. Khác hẳn mọi lần, trong khi tôi nóng lòng để nghe ông nói về sáu bài thơ của mình thì Chế Lan Viên lại hỏi rất nhiều về công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, và gia đình. Sau đó ông nghiêm mặt nói:

Người ta cứ nói làm thơ là theo cảm hứng. Nhưng muốn cảm hứng trở thành một tác phẩm trong văn chương cũng phải được dẫn dắt bằng lý trí. Thơ không ngoại lệ và càng phải cần đến sự tỉnh táo của lý trí, nếu không chỉ là sự ghép vần, ghép chữ tùy tiện lọt tai, thuận mồm mà thôi. Thơ không có lý trí đi kèm thì không bao giờ thành thơ hay được. Chùm thơ của anh tôi đọc rất kĩ và xin lỗi anh đã viết nhận xét vào chỗ giấy trống trên bản thảo. Đó là những điều tôi muốn góp ý cho anh. Hi vọng anh đọc và hiểu những điều tôi nói nếu anh muốn tiếp tục làm thơ… 

 Khi về tôi đọc đến thuộc lòng những điều nhà thơ viết. Tất cả sáu bài thơ, đều được Chế Lan Viên đọc kĩ và ghi lại nhận xét tỉ mỉ, công phu. Ông vẽ ra đồ thị tam giác giữa Tôi (tác giả) em, và tổ quốc. Gạch chân dưới những câu thơ ông chua chữ “hay”… hoặc “có ý” như khổ thơ trong bài thơ Những ràng buộc:  Tôi biết yêu thơ, nên chỉ một tia trăng/ Xỉa qua mây trong một đêm đông/ Cũng thành dây thừng trói tôi, rít chặt/ Một dẫy núi con phủ mây trước mặt/ tạo thành ngục tù tôi không dám vượt qua … Đối với nhược điểm trong từng bài thơ ông không né tránh, chỉ ra một cách rõ ràng quyết liệt “rối rắm, có khi tối mò, nhiều lúc ngô nghê. Văn viết rất ẩu”. Bên lề bài thơ Những ràng buộc ông viết: "Tôi chưa hiểu anh lắm nên có thể nhận xét sai, nhưng tôi đề nghị. - Đầu tiên anh phải làm cho ý anh rõ. - Phải thật trong sáng, tránh suy nghĩ lệch lạc có thể xen vào. - Viết rất lao động, đừng ẩu...”. 

Cũng vẫn trong năm 1973 đáng nhớ đó, vào đầu thu, tôi lại nhận được lá thư của nhà văn Nguyễn Công Hoan ghi ngày 12/8 gửi cho tôi để hồi âm ba truyện ngắn hài hước tôi gửi cho ông nhờ góp ý. Trong thư ông khen truyện của tôi ngắn, dễ đọc, vấn đề trong chuyện: “đều có thể gọi là vấn đề… đáng phê phán, châm biếm ví dụ như dối trên lừa dưới… tham ô, lãng phí, quan liêu, cửa quyền…”. Ông khuyên “nên tránh cho xa, là đừng đặt câu dài quá. Câu dài dễ lủng củng, nặng nề”. Cuối cùng ông khuyên “hiện giờ, các báo đương bắt đầu đăng những bài thơ đả kích những thoi hư, tật xấu, làm hại chế độ. Các báo rất mong muốn có những bài viết bằng văn xuôi… Vậy việc anh viết những truyện ngắn châm biếm ngắn là hợp thời. Nó phục hồi lối châm biếm bằng những chuyện rất ngắn. Lối viết này sẽ lôi kéo một số người cùng viết. Nhưng trước hết, về anh, là người phục hồi đầu tiên phải có những truyện mang đề tài tầm vóc cao lớn hơn, và về hình thức diễn tả thì cách hành văn phải già dặn hơn”. Hôm nay trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhớ tới lời dạy của các tiền nhân trong làng văn.

Tôi càng nhận ra một điều quan thiết trong văn chương. Đó là, viết văn không chỉ được xem là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Bởi vì tác phẩm của nhà văn không đơn giản là sản phẩm trí tuệ của nhà văn mà còn ảnh hưởng đến suy nghĩ, cách sống của độc giả, xã hội. Chính vì thế sự thận trọng, cẩn thận chỉn chu từ câu chữ, cho đến tác phẩm hoàn chỉnh, chọn vấn đề nào để viết, phê phán hay phản ảnh, ca ngợi điều gì là yếu tố đầu tiên mà nhà văn phải đặc biệt quan tâm. Bởi đó chính là khởi nguồn cho một tác phẩm văn chương đích thực. Điều ngẫm nữa, là ngay từ năm 1973, nhà văn Nguyễn Công Hoan nổi tiếng hài hước, châm biếm đã khuyên nên “phục hồi lối văn châm biếm” như một vũ khí để phê phán và cảnh tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, thể loại hài hước, châm biếm này lại càng có đất để trở lại mạnh mẽ hơn khi tạo ra những đốm lửa văn chương góp vào lò lửa lớn đã được nhóm lên để thiêu cháy những kẻ tham nhũng, mưu lợi riêng làm chậm sự phát triển của dân tộc ta, nhân dân ta.   

Nguyễn Hiếu  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước