“Vì sao chúng ta viết?”: Vì những thăng trầm và nỗi buồn của tuổi trẻ

"Kỷ niệm tôi nhớ mãi là thời gian làm bản thảo tập thơ, do không có máy tính tôi viết trên điện thoại rồi gửi những người bạn tổng hợp lại cho chỉnh chu. Mọi thứ khá tốn thời gian và tôi học được thêm cách làm bản thảo cho tác phẩm" - Lê Tuyết Lan.

Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6 tại Đà Nẵng với thông điệp “Vì sao chúng ta viết?”, đây là dịp những nhà văn trẻ được nói lên tâm tư, nguyện vọng và lý tưởng văn chương của mình trước sự lắng nghe của các thế hệ đi trước.

"Nền văn chương của chúng ta phải chăng đang thiếu đi sự hứng khởi và hơi thừa sự hằn học?"

Đây cũng là dịp để Hội Nhà văn Việt Nam, các bậc tiền bối, các cây đa, cây đề của nền văn học nước nhà thêm hiểu về các thành viên trẻ để kịp thời giúp đỡ, đồng hành và ươm những mần văn chương tươi mới cho văn học Việt Nam mai sau.

Thể hiện sự quan tâm và mong muốn được lan tỏa những tâm tư, bộc bạch của các tác giả trẻ, Arttimes.vn thực hiện tuyến bài phỏng vấn với những cây bút đang tham gia Hội nghị Viết văn trẻ lần này. Họ sẽ trả lời  câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” như thế nào?

Phóng viên Arttimes.vn đã có buổi trò chuyện, đã lắng nghe tâm tư của cây viết trẻ đến từ Bình Dương: Lê Tuyết Lan.

“Vì sao chúng ta viết?”: Vì những thăng trầm và nỗi buồn của tuổi trẻ - 1

Cây bút trẻ Tuyết Lan

Ra tập thơ nhờ sự giúp đỡ kinh phí của đồng nghiệp 

PV: Tác phẩm đầu tay của chị được ra đời như thế nào? Hẳn sẽ có những kỷ niệm mà chị không thể quên?

Đó là tác phẩm thơ tôi viết trong nửa năm đầu, tôi đã viết một cách say mê và cảm xúc cứ đong đầy nên thời gian đó tôi viết khá nhiều. Tôi ngày đó vẫn chưa hiểu biết nhiều và khao khát có đứa con tinh thần cho riêng mình, được thêm sự động viên của cô chú anh chị trong giới văn nghệ nên tôi đã quyết định ra tập thơ đầu tiên.

Do không có kinh phí và là tác giả trẻ ban đầu cũng có nhiều người khuyên tôi không nên ra, phần lo kinh tế, phần cho rằng sách thơ bây giờ không ai mua đọc. Và với sự giúp đỡ kinh phí của người đồng nghiệp ở công ty, tôi đã ra tập thơ ấy, dù biết có thể lỗ, có thể mang nợ. Nhưng lúc ấy tôi chỉ biết lòng mình mong muốn điều đó, tác phẩm như một động lực ít nhất cho tôi ngay thời điểm đó để làm điểm tựa, để cố gắng hơn.

Kỷ niệm tôi nhớ mãi là thời gian làm bản thảo tập thơ, do không có máy tính tôi viết trên điện thoại rồi gửi những người bạn tổng hợp lại cho chỉnh chu. Mọi thứ khá tốn thời gian và tôi học được thêm cách làm bản thảo cho tác phẩm.

Và tác phẩm đầu tiên ấy có đam mê của tôi, có cả sự chung tay của những người xung quanh mà tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của mình.

“Vì sao chúng ta viết?”: Vì những thăng trầm và nỗi buồn của tuổi trẻ - 2

Những tập thơ của đầu tay của Lê Tuyết Lan

Những bước đầu chông chênh, chập chững

PV: Để dấn thân vào con đường văn chương tác giả nào cũng có những bước ngoặt riêng với những khởi đầu đầy kỷ niệm, xin chị hãy kể cho độc giả nghe về hành trình tìm đến văn chương của mình?

Bút danh tôi là Lê Tuyết Lan, tên thật là Lê Thị Tuyết Lan, sinh ngày 12/6/1995 tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Hiện đang là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Tôi bén duyên con đường Văn Chương đến nay cũng được 3 năm và có 3 tác phẩm ( 2 tập thơ và 1 truyện ngắn).

Từ nhỏ tôi đã đam mê môn văn, được học đội giỏi văn nhưng sau khi lên đại học thì không có duyên theo đuổi nó. Chính vì có nhiều thăng trầm và nỗi buồn tuổi trẻ đã giúp tôi nhận ra đam mê của mình ngày càng nhiều hơn và thôi thúc tôi được sống với trang viết của mình.

Ban đầu tôi chỉ viết như việc chia sẻ với suy nghĩ, nỗi niềm của mình. Từ 2019, tôi biết và bén duyên cùng tờ tạp chí văn nghệ, nơi khơi nguồn cho tôi chảy theo dòng chữ của mình mãnh liệt.

“Vì sao chúng ta viết?”: Vì những thăng trầm và nỗi buồn của tuổi trẻ - 3

Tôi không thể viết điều mình không có

PV: Chị có xây dựng cho văn chương của mình một phong cách cụ thể không?

Thú thật, ngay từ đầu khi viết, tôi chỉ biết viết mà không biết điều gì khác. Mọi cảm xúc cứ dẫn dắt lời lẽ, ngôn từ trong tôi. Và đến bây giờ tôi cũng chỉ sửa lỗi chính tả chứ ít khi sửa nội dung ban đầu. Tôi tin rằng cảm xúc, ý tưởng ngay lúc đó là những điều chân thật nhất.

Tôi từng nhận những lời nhận xét như là tôi viết buồn và ám ảnh quá, hãy viết vui tươi, theo thị hiếu,... sẽ được đón nhận nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi không thể viết điều mình không có, dù chỉ là nỗi buồn nhưng cũng là từ tiếng lòng tôi. Tôi không hướng con chữ theo điều gì, cứ để nó chảy tự nhiên nhất, có gồ ghề, có chông chênh nhưng sau tất cả là sự thanh thản, nhẹ lòng theo từng bài viết.

Tôi không vạch lối đi cho con chữ của mình, như tôi nói ở trên. Riêng tôi, Văn Chương trước hết là tiếng lòng mà người viết gửi gắm, luôn luôn gắn với cuộc sống của người viết nên tác phẩm được tạo ra đầu tiên là cho chính mình, như sự chia sẻ, động viên, cởi trói hoặc cứu vớt tâm hồn mình.

Sau đó là hi vọng trong sự đồng cảm có thể an ủi, san sẻ những tâm hồn giống mình. Tôi không thể viết cho tất cả mà chỉ có thể cho những điều xung quanh mình, tôi muốn con chữ mình tự do và tự nhiên.

Đôi khi chúng ta không thể xác định sứ mệnh gì nhưng tôi tin với sự đam mê và duyên nghiệp sẽ dẫn dắt mỗi người đi đến nơi thuộc về, chỉ cần hết lòng với điều đó, chúng ta sẽ biết làm gì nhiều hơn sau đó.

Nước ta có một nền văn học triển vọng

PV: Chị đánh giá như thế nào về nền văn học trẻ của nước ta hiện nay?

Theo tôi, nền văn học trẻ ngày nay khá đa dạng và nhiều triển vọng. Nhiều bạn trẻ đã có riêng mình vài cuốn sách, có tác giả sáng tác ở nhiều thể loại và hoạt động sôi nổi với tất cả sức trẻ của mình.

Tuy họ ở nhiều lứa tuổi, vùng miền khác nhau song đều gắn kết bằng tình yêu với con chữ. Và tôi thấy ở vài địa phương rất coi trọng việc bồi dưỡng thế hệ kế thừa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và tôi nghĩ điều ấy cần thiết để lan rộng hơn.

PV: Khi tham gia Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X chị mong muốn điều gì?

Hội nghị viết văn trẻ X là lần đầu tiên tôi vinh hạnh được tham dự và rất hào hứng. Tôi mong được học hỏi nhiều hơn để bút lực thêm cứng cáp và từ đây có thêm nhiều sự chỉ bảo, giúp đỡ để người viết trẻ như tôi không cảm thấy sự đơn độc nhiều trong con đường nuôi dưỡng ước mơ của mình và có thể hoàn thiện chính mình hơn.

Đây là một dịp tuyệt vời để tôi được biết thêm những người có cùng đam mê để chia sẻ nhau trên con đường còn dài bao gian nan này.

“Vì sao chúng ta viết?”: Vì những thăng trầm và nỗi buồn của tuổi trẻ - 4

Tuyết Lan hạnh phúc đón sinh nhật cùng hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Ảnh NVCC

Chủ nghĩa nhân văn dưới góc nhìn cây bút trẻ

PV: Có ý kiến cho rằng: “Nền tảng duy nhất mà các nhà văn dựa vào chính là chủ nghĩa nhân văn, bằng không thì chẳng viết để làm gì cả”. Chị hãy cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Với tôi, chủ nghĩa nhân văn không hẳn là nền tảng mà là điểm soi rọi để mình tiến tới.

Tôi như một con tàu trôi giữa mênh mông trong đêm và điều còn dẫn dắt mình là ánh sáng ngọn hải đăng. Nếu con tàu tôi gặp sóng to, bão lớn hoặc ngay bản thân nó đang cũ kĩ, đầy vết thương thì cốt yếu nó sẽ cần chữa lành cho mình trước.

Có thể điểm bắt đầu mỗi cây viết khác nhau, con đường cũng khác nhau, nhưng bằng vốn sống, bằng sự khát khao sẽ đưa đến nơi thuộc về họ, xứng đáng với họ. Với cá nhân tôi, hiện thực cuộc sống là nền tảng để tôi khát khao cái đẹp nhân văn và muốn nó thành hiện thực.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của Lê Tuyết Lan, chúc chị có một trải nghiệm tuyệt vời tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X!

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước