"Nền văn chương của chúng ta phải chăng đang thiếu đi sự hứng khởi và hơi thừa sự hằn học?"

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra vào ngày 18-19/6 tới đây. Những nhà văn trẻ gánh vác trên vai trọng trách “cách tân” văn chương Việt. Liệu họ có đủ sức? Mời độc giả cùng tìm hiểu câu trả lời qua loạt bài của Arttimes.vn.

Mới đây, tại buổi họp báo Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, nhận định về nền tảng kiến thức, sự hiểu biết, điều kiện sống, điều kiện công bố tác phẩm, cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa thế giới hơn hẳn thế hệ đi trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng những người viết trẻ phải trả lời được câu hỏi “Vì sao viết chúng ta viết?”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cắt nghĩa: “Câu hỏi này không mới, xuất hiện ngay khi con người cầm bút sáng tác văn chương song lại vô cùng cần thiết và cấp bách. Mỗi khi ngồi xuống viết, họ phải trả lời câu hỏi viết để làm gì, viết cho ai và trên tinh thần, tư tưởng nào…? Chưa bao giờ giá trị tinh thần, giá trị văn hóa và nhân tính bị đe dọa, phá vỡ nhiều như bây giờ. Nền tảng duy nhất mà các nhà văn dựa vào chính là chủ nghĩa nhân văn, bằng không thì chẳng viết để làm gì cả. Trong hội nghị này, các nhà văn trẻ phải có câu trả lời về lương tri”.

Phóng viên Arttimes.vn đã có buổi trò chuyện với tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi về vấn đề này.

"Nền văn chương của chúng ta phải chăng đang thiếu đi sự hứng khởi và hơi thừa sự hằn học?" - 1

Tác giả Đỗ Nhật Phi (Ảnh: NVCC)

“Nền văn chương của chúng ta phải chăng đang thiếu đi sự hứng khởi và hơi thừa sự hằn học?”

Đối diện với câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”, câu trả lời sẽ là tôi viết vì tôi không có một cách nào khác để thỏa mãn ham muốn phiêu lưu của mình. Tôi cho rằng, bản nguyên của ham muốn viết chính là ham muốn biểu đạt bản thân, biểu đạt thế giới nội tâm thông qua ngôn từ.

Nếu đặt nặng rằng sứ mệnh của văn chương phải là viết cho lợi ích dân tộc hay viết về lương tri con người trước cái ác, thì nền văn chương của chúng ta phải chăng đang thiếu đi sự hứng khởi và hơi thừa sự hằn học? Bản nguyên của sáng tác tôi nghĩ nó hồn nhiên hơn. Không cần nhìn đâu xa, nhìn chính vào những tác phẩm văn học thiếu nhi, những câu chuyện trẻ con nhất cũng đang bồi đắp giá trị nhân đạo. Những tác phẩm đó khiến người ta cười được nhưng vẫn khóc được. Và đôi khi chính những giá trị đó lại đang bị lãng quên.

Tôi cho rằng các tác phẩm văn chương nên là câu chuyện giải trí, thậm chí phải là câu chuyện giải trí thì độc giả mới có hứng khởi đón nhận. Tính giải trí không tách rời, không đối lập với giá trị nhân văn và chúng ta cũng nên truyền đạt giá trị nhân văn một cách nhẹ nhàng, một cách tự nhiên. Nếu đặt nặng quá nhiều về sứ mệnh viết cho lợi ích dân tộc hay lương tâm con người trước cái ác, văn chương dễ trở nên khiên cưỡng. Bởi có những giá trị còn cao hơn cả lợi ích dân tộc, đó là việc hướng tới thế giới đại đồng, hướng tới tình thương đồng loại.

Dù bây giờ tất cả những nhà văn trên thế giới ngừng viết, mỗi người vẫn sẽ có đủ sách để đọc cho cả một đời. Từ ngàn năm trước tiểu thuyết đầu tiên đã ra đời. Chưa kể văn học dân gian đã có từ hàng vạn năm. Đọc hết lượng sách đã có còn không xuể, huống chi là sách mới. Nhưng vì sao ở mỗi thời đại khác nhau lại vẫn cần có những tác phẩm mới ra đời? Bởi văn chương phản ánh bức tranh lịch sử riêng của mỗi thời đại.

Lâu nay nhiều người đặt vấn đề văn chương của người trẻ đang rời xa đời sống cần lao, lo lắng thế hệ nhà văn trẻ có thể không tiếp nối được các thế hệ đi trước. Có thể khi ở trong thời đại toàn cầu hóa, những ảnh hưởng của internet hay mạng xã hội sẽ khiến thế hệ nhà văn trẻ khác đi so với thế hệ trước. Nhưng văn hóa truyền thống vẫn là nền tảng. Nhiều nhà văn trẻ vẫn có nhu cầu đào sâu vào văn hóa truyền thống. Họ vẫn là người Việt, họ viết bằng tiếng Việt, họ lớn lên trong văn hóa Việt và qua những tác phẩm văn học của mình, họ vẫn đang làm giàu tiếng Việt. Điều quan trọng là giữa các thế hệ viết văn cần có sự lắng nghe nhau, đồng lòng vì sự phát triển chung của văn học.

Tác giả Đỗ Nhật Phi tên thật là Đỗ Minh Quân, sinh năm 1991, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Anh từng đạt giải Nhất Văn học tuổi 20 với truyện dài “Người ngủ thuê”.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Ngày 23/4, đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chuyển đổi năng lượng giữa các thành phần xã