10 năm thi hành Luật xuất bản: Nhìn lại, đi tới và phát triển

Sáng 25/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật xuất bản năm 2012.

Chặng đường 10 năm thi hành Luật xuất bản năm 2012

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trình bày Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật xuất bản năm 2012.

10 năm thi hành Luật xuất bản: Nhìn lại, đi tới và phát triển - 1

Toàn cảnh Hội thảo

Theo đó, qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, các quy định của Luật Xuất bản đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, là công cụ sắc bén của Đảng.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản và các văn bản dưới Luật đã được cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và 63 địa phương quan tâm, triển khai sâu rộng, đã có trên 3.500 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Xuất bản với các hình thức tổ chức hội nghị, tổ chức tập huấn cho nhiều loại đối tượng, chủ thể tham gia.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính khả thi. Góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động xuất bản, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, thuận lợi để cho các chủ thể, đơn vị, doanh nghiệp triển khai trong thực tiễn thời gian qua.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày sách Việt Nam và phê duyệt Đề án đổi tên Ngày sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Đề án Giải thưởng sách Quốc gia , Đề án sách Nhà nước đặt hàng giai đoạn 2022-2026 , Đề án Chương trình sách Quốc gia . Hiện cả 03 đề án “Giải thưởng sách Quốc gia”, “Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam” và “Sách nhà nước đặt hàng” đang được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào tôn vinh tác giả, người làm công tác xuất bản, phát triển văn hoá đọc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực của Luật, cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cũng như phát sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn.

Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản vẫn còn một số hạn chế, các hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, đa dạng và hấp dẫn, chủ yếu là báo cáo viên truyền đạt trực tiếp, thiếu những minh họa bằng hình ảnh, âm thanh hoặc tuyên truyền bằng các hình thức khác.

Công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đôi lúc còn thiếu sát sao.

Việc cụ thể hóa các chính sách chung cho hoạt động xuất bản như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản còn chậm, chưa hiệu quả.

Nghiêm túc xem xét lại những điều còn hạn chế

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong tổng số 12 nội dung của Luật xuất bản năm 2012 có về chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành nhưng sau 10 năm thực hiện, chỉ một số ít chính sách được triển khai trong thực tế, với quy mô còn hạn chế. Các chính sách của Nhà nước còn lại hầu như chưa thể triển khai hoặc triển khai còn chậm, mức độ rất hạn chế.

10 năm thi hành Luật xuất bản: Nhìn lại, đi tới và phát triển - 2

Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị, cần phải nghiêm túc xem xét lại nguyên nhân do đâu, do chính sách đưa vào trong Luật thiếu tính khả thi hay do sự thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, hay do cách thể hiện câu từ trong luật chung chung.

“Qua thực tế công tác tôi nhận thấy đôi khi chúng ta đề xuất những chính sách còn mang nặng tính hình thức mà chưa tính đến thực tế và thực lực của chúng ta. Qua đó, đòi hỏi sự phối hợp thực chất, thiết thực hơn nữa giữa chúng ta với các bộ ngành liên quan.

Đành rằng trong quá trình xây dựng luật, cơ chế chính sách đều lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng điều quan trọng nhất là sự thống nhất nhận thức và nhận thức đầy đủ, sâu sắc tính đặc thù của hoạt động xuất bản, đồng thời phải đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế” – đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Theo ông, cần thống nhất nhận thức trong các cán bộ, chuyên viên đang trực tiếp tham gia vào soạn thảo Luật là rất quan trọng, đây chính là lực lượng tham mưu, đề xuất ý kiến.

10 năm thi hành Luật xuất bản: Nhìn lại, đi tới và phát triển - 3

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc tiếp cận để xây dựng Luật xuất bản cần thiết phải thừa nhận tất cả các mắt xích, các đơn vị, lực lượng trong hệ sinh thái xuất bản đang làm nên giá trị cho ngành xuất bản.

“Đưa họ vào luật không phải chỉ để quản lý mà để thừa nhận vai trò của họ” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng toàn diện trong hoạt động xuất bản

10 năm thi hành Luật xuất bản: Nhìn lại, đi tới và phát triển - 4

Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu.

Để nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản in, phát hành, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiêm túc quán triệt các nội dung sau:

Nghiên cứu áp dụng ưu đãi thuế cả đối tượng nhà xuất bản và đơn vị phát hành với ý nghĩa đơn vị phát hành có vai trò quyết định đến việc tiếp cận độc giả, phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa  đọc, tạo động lực cho nền xuất bản phát triển.

Hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của các nhà xuất bản thông qua cơ chế như: ban hành quy định về định mức kinh phí mua sách lý luận, chính trị thuộc các lĩnh vực thiết yếu của đời sống bổ sung hàng năm cho hệ thống thư viện tỉnh, thành phố.

Cơ quan chủ quản các nhà xuất bản nghiên cứu, sắp xếp nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; nghiên cứu dừng hoạt động các nhà xuất bản hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, yếu kém; nghiên cứu phát triển các tổ hợp xuất bản, nhà xuất bản trọng điểm để tạo động lực dẫn dắt thị trường.

Các cơ sở đào tạo về chuyên ngành xuất bản có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng cách đào tạo chuyên sâu, bài bản cả về kiến thức chuyên ngành lẫn bản lĩnh chính trị, kỹ năng quản lý.

Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xuất bản, theo đó sớm đầu tư cải tiến hoặc xây dựng mới phầm mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác nhận đăng ký xuất bản, nộp và xác nhận tờ khai lưu chiểu kết nối liên thông để giảm thời gian giải quyết và nhân sự thực hiện.

Tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác giám sát thi hành quy định pháp luật, công tác thanh kiểm tra bằng hình thức tăng cường chủ động, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan, cơ quan hành pháp, để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về xuất bản, đặc biệt vi phạm hàng loạt trên môi trường mạng thời gian gần đây.

­Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất