Định giá các chuẩn mực xã hội - một công việc cấp bách

Sau chiến thắng vĩ đại năm 1975, đất nước thống nhất, cùng với đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta bước vào một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Nhưng từ con đường xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hoá hai thành phần chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, đất nước cũng trải qua một cơn “đau đẻ” kéo dài, một cuộc đảo lộn đau đớn chưa từng có trên mọi lĩnh vực đời sống, trong đó sự đảo lộn các chuẩn mực giá trị xã hội là dữ dội và khắc nghiệt nhất.

Quá trình vận động của đời sống, đương nhiên, đòi hỏi con người có những tâm thế ứng xử mới phù hợp. Chuẩn mực cao nhất của mỗi người chấp nhận sự hy sinh vô điều kiện cho chiến thắng trong thời chiến dường như đã được thay thế bằng mục tiêu xã hội: đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất, kinh doanh trong thời bình.

Định giá các chuẩn mực xã hội - một công việc cấp bách - 1

Định giá các chuẩn mực xã hội - một công việc cấp bách. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh hệ chuẩn mực mới chưa hình thành đầy đủ, những chuẩn mực cũ chưa hẳn mất hết giá trị, đã xuất hiện sự đảo lộn trong khung giá trị rất khó xác định. Có giá trị mà ngày hôm qua ta coi là hợp lý, công bằng thì giờ đây lại không cân bằng, hợp lý với cuộc sống mới. Quy luật giá trị ngày hôm qua bị phủ nhận, ngày hôm nay lại trở thành yếu tố tích cực để giải phóng sức sản xuất. Phương thức phân phối bình quân chủ nghĩa được coi là ưu việt trong nền kinh tế bao cấp giờ đây lại là cái cản trở sự phát triển.

Những khái niệm cá thể, lợi nhuận giàu, có… vốn bị dè bỉu, xem thường trước đây đang được cuộc sống mới, nhìn nhận bằng con mắt khác. Nói theo cách nói của Ăng-ghen, chính chúng ta không phải ai khác ngày nay lại lên án những gì mà hôm qua chúng ta tôn vinh, và ngược lại tôn vinh những gì mà hôm qua chúng ta kỳ thị.

Sự đảo lộn những chuẩn mực giá trị còn diễn ra mạnh mẽ hơn với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, một hệ thống thế giới đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ. Không phải cái gì hôm qua được coi là lý tưởng thì hôm nay bị phỉ báng. Cũng không phải cái hôm qua được coi là giá trị thì hôm nay thành thứ bỏ đi. Nhưng quả thật sự sụp đổ của Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đã thổi một cơn bão vào các giái trị chân - thiện - mỹ truyền thống. Sự đảo lộn lại diễn ra đúng lúc chúng ta mở cửa rộng rãi với thế giới bên ngoài, đa dạng, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại. Trong cơn địa chấn của lịch sử, nhiều chuẩn mực cũ vẫn còn giá trị, không dễ dàng mất đi nhưng bị hiểu lầm, xuyên tạc. Ngược lại, nhiều phản giá trị, phản văn hoá được du nhập từ nước ngoài lại được vồ vập, đón nhận, coi là chuẩn mực mới, giá trị mới.

Trong hiện thực đời mới sống vận động có phần lộn xộn, sự lệch chuẩn là điều khó tránh khỏi. Cùng với những phản giá trị, sự lệch chuẩn phá vỡ những chuẩn mực và giá trị hiện có, kéo lùi sự phát triển, là thứ vận động trái quy luật, phản tiến bộ. Nhưng cũng có sự lệch chuẩn trên thực tế là sự phát triển hợp quy luật của sự tiến hoá. Đó là sự lệch chuẩn hợp lý nhằm thoát khỏi sự kìm trói của những chuẩn mực đã lỗi thời, chuẩn mực cho ra đời những chuẩn mới tiến bộ hơn, những chuẩn mực của tương lai.

So với những biến đổi mau lẹ của thực tiễn khách quan, phải công nhận rằng việc định giá các giá trị và chuẩn mực xã hội của chúng ta còn quá thụ động, chậm chạp và lúng túng. Trong thực tế và cả trong lý luận nhiều khi chưa thể có sự phân định rach ròi giữa cái thiện – cái ác, cái đúng  - cái sai, cái tốt - cái xấu, cái cần bảo vệ khuyến khích phát triển và cái cần bảo vệ đấu tranh loại bỏ. Cùng một hiện tượng mới xuất hiện người thì khen ngợi, người thì chê bai, cũng là một công việc làm ăn, nơi này cổ vũ nơi kia ngăn cấm. Sự nhiễu xạ, lệch pha các chuẩn mực giá trị đã làm cho không ít các nhà nghiên cứu lý luận, sáng tác nghệ thuật, thậm chí các cơ quan Nhà nước mất phương hướng ứng xử; không chỉ tác động mạnh đến hoạt động văn hoá nghệ thuật mà còn ảnh hưởng đến định hướng giá trị mới và cả việc hoạch định các chính sách xã hội vĩ mô. Tình hình đó đòi hỏi phải sớm có một hệ thống định giá các chuẩn mực và giá trị xã hội mới một cách khách quan, khoa học và cách mạng.

Phát hiện, thẩm định, xác lập những chuẩn mực mới, giá trị mới là một công việc hết sức khó khăn. Sự phát triển phong phú nhưng phức tạp của đời sống với sự đan xen, chồng lấn giữa cái cổ truyền và cái cách tân, cái quốc gia và cái quốc tế, cái tốt và cái xấu trong phân định hệ chuẩn mực giá trị là một thực tế.

Vấn đề là, trong hiện tượng gối sóng, tràn bờ giữa các chuẩn mực, làm sao xác tín được những giá trị mới cần phát triển và những chuẩn mực cũ đã lỗi thời cần loại bỏ? Nhu cầu phát triển đất nước đòi hỏi phải có những chuẩn mực giá trị mới, cao hơn, nhưng kinh tế đời sống của đất nước lại đang ở mức phát triển thấp.

Trong khi đó, những chuẩn mực cũ chưa thể xóa bỏ và chuẩn mực mới lại chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển. Tầm vĩ mô đã gợi ra một số yếu tố cho chuẩn mực mới, nhưng thời gian chưa đủ để nó chín muồi, đứng vững ở cấp vi mô. Những quan niệm về chuẩn mực mới chưa thấm vào máu thịt trong từng con người cụ thể, từng gia đình và chưa định hình thành lối sống phổ biến trong dư luận xã hội. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng khiến cho những chuẩn mực cũ gắn liền với chủ nghĩa xã hội bị công kích, bôi nhọ.

Vô số những giá trị phản chuẩn, phản văn hoá nhân danh cái mới, cái hiện đại tràn vào theo con đường mở cửa cũng tác động mạnh, tạo ra những chuẩn mực giá trị giả tác động xấu đến tâm lý, thị hiếu của đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong biển cả mênh mông của những chuẩn mực và giá trị, việc thẩm định, định giá các hệ chuẩn phổ biến nếu không có quan điểm và phương hướng đúng sẽ rất dễ rơi hoặc chủ quan võ đoán, hoặc lệch lạc mất phương hướng.

Nhưng chuẩn mực và giá trị xã hội không phải chỉ là sản phẩm của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chuẩn mực và giá trị xã hội là tinh hoa của nền văn hoá dân tộc, hình thành từ dân tộc, gắn bó chặt chẽ với cội nguồn, với sự thăng trầm và biến thiên của dân tộc. Nó vừa là một bộ phận của lịch sử dân tộc, vừa là nét biểu trưng cho dân tộc.

Định giá các chuẩn mực xã hội - một công việc cấp bách - 2

Ảnh minh họa

Thuận lợi lớn đối với chúng ta nền văn hiến Việt Nam vốn có một truyền thống tốt đẹp. Những nét ưu trội như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình cảm thương người như thể thương thân, tình yêu lao động, đức tính cần cù  thông minh, hiếu học, biết boả vệ giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng cũng có khả năng thích ứng cao với mọi biến động của đời sống… đã định hình khá sắc bén trong đặc tính dân tộc.

Sự tình cờ của lịch sử cũng giúp cho dân tộc ta tiếp nhận những nền văn hoá lớn của nhân loại, nhào nặn nó phù hợp với đặc điểm tâm lý, với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những nét ưu trội và đặc điểm hội nhập của các nền văn hóa lớn tiêu biểu cũng tạo điều kiện cho chúng ta có hệ quy chiếu khá rõ nét về các chuẩn mực giá trị để thẩm định và định giá.

Lý tưởng thẩm mỹ của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối đổi mới của Đảng ta với những định lượng , định hướng về con đường xây dựng và phát triển đất nước… cũng hình thành hệ chuẩn cơ bản để soi sáng, phát hiện, phân định, nhận diện, xác lập và phát triển những chuẩn mực, giá trị xã hội mới.

Chuẩn mực giá trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển đất nước, trong sự phát triển nền văn hoá của mỗi dân tộc. Trong điều kiện đất nước ta hiện nay, việc xác định hệ chuẩn giá trị ngày càng có ý nghĩa sống còn và là công việc hết sức cấp bách.

Sẽ không thể xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh nếu cứ để tiếp tục và tồn tại sự nhiễm xạ giá trị, sự lệch pha các chuẩn mực trong pháp luật, đạo đức thẩm mỹ, lối sống. Bởi lẽ định giá giá trị không chỉ nhằm khuyến khích chất lượng sống của một xã hội; mà quan trọng hơn, nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng đạo đức và lối sống định hướng đúng đắn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

Sự nhiễu xạ, lệch pha các chuẩn mực giá trị đã làm cho không ít các nhà nghiên cứu lý luận, sáng tác nghệ thuật, thậm chí các cơ quan Nhà nước mất phương hướng ứng xử; không chỉ tác động mạnh đến hoạt động văn hoá nghệ thuật mà còn ảnh hưởng đến định hướng giá trị mới và cả việc hoạch định các chính sách xã hội vĩ mô. Tình hình đó đòi hỏi phải sớm có một hệ thống định giá các chuẩn mực và giá trị xã hội mới một cách khách quan, khoa học và cách mạng.

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.