Phát triển năng lượng tái tạo ở nông thôn: Từ triển vọng đến thực tiễn
Các dự báo cho thấy nhu cầu năng lượng cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4-5%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2030. Điều này cho thấy tính cấp bách trong việc có các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững và cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực nông thôn
Khu vực nông thôn là khu vực hiện có hàng chục triệu người dân Việt Nam sinh sống và sản xuất ra khối lượng hàng hóa chiếm khoảng 16% GDP. Trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, phát triển vùng và liên vùng, việc tạo những tiền đề để bảo đảm cho khu vực nông thôn phát triển bền vững cũng như cải thiện sinh kế, cải thiện điều kiện sống cho người dân luôn là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh đó việc phát triển năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn được xem như là một giải pháp quan trọng. Các lợi ích của phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn có thể kể đến gồm giảm chi phí năng lượng hàng tháng cho hộ gia đình; cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn; nâng cao an ninh năng lượng và tính độc lập về điện năng.
Song các lợi ích khác cũng rất đáng kể như phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp công nghệ cao giảm phát thải nhà kính, tận dụng các tiềm năng sẵn có, tại chỗ về năng lượng tái tạo đặc biệt là điện sinh khối. Cùng đó tăng cơ hội cho người dân được tiếp cận các mô hình phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thay đổi thói quen, văn hóa sử dụng các nguồn năng lượng.
Đưa chính sách tiệm cận thực tiễn
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quan trọng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trên phạm vi cả nước nói riêng và khu vực nông thôn nói riêng. Có thể kể đến như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhanh, bền vững càng được củng cố khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020, về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt một loạt chính sách quan trọng liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đã được Chính phủ ban hành trong năm 2024 như các Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP và đặc biệt là Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ban hành ngày 22/10/2024.
Theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn thực sự hiệu quả cần quan tâm đến các vấn đề.
Một là cần có chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Nếu thiếu chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ diễn ra rất chậm. Cần sớm nghiên cứu và ban hành Luật năng lượng tái tạo chi tiết hóa, với vai trò chủ đạo cho việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Hai là khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng phát triển và mở rộng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, như đô thị xanh, nông thôn xanh. Nghiên cứu, xây dựng Quỹ phát triển năng lượng tái tạo.
Ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển thị trường năng lượng tái tạo; nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là nghiên cứu áp dụng mô hình quy hoạch năng lượng địa phương. Đây là phương pháp quy hoạch do cộng đồng địa phương, những người trực tiếp sinh sống trên địa bàn chủ động thực hiện. Quy hoạch năng lượng địa phương chính là việc người dân và chính quyền địa phương cùng nhau xây dựng một kế hoạch năng lượng chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng trên địa bàn, trong đó có năng lượng tái tạo.
Ý kiến chuyên gia TS. Nguyễn Ngọc Huy- Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam: “Trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, chi phí đầu tư công nghệ vào năng lượng mặt trời ngày càng giảm mạnh, kết hợp phát triển điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả là giải pháp khả thi giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư công dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. TS Nguyễn Hữu Xuyên- Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ: “Cần có chính sách khuyến khích ứng dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phương pháp canh tác giảm thiểu lượng phát thải nhà kính và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”. |
Bình luận