Tại sao con cái thường đối đầu với cha mẹ, lý do đằng sau rất thấm thía
Không cần phải tức giận khi trẻ hay đối đầu với cha mẹ, vì điều này chứng tỏ chúng biết suy nghĩ, có ý thức độc lập, cha mẹ nên vui mừng.
Có một câu hỏi trên trang Zhihu (Trung Quốc) rằng: “Con tôi đối đầu lại với cha mẹ tới 90%. Tôi phải làm gì nếu nói mà nó không chịu làm theo?”.
Một cư dân mạng trả lời: “Đó là vì bạn không hiểu trẻ con”.
Trên thực tế, đây không phải là tình trạng thiểu số mà là vấn đề chung của nhiều đứa trẻ.
Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 70% con cái sẽ đối đầu với cha mẹ trong giai đoạn nổi loạn lúc còn nhỏ. 75% cha mẹ nghĩ việc con cái cãi lại là điều khó chịu nhất trong quá trình phát triển của một đứa trẻ.
Khi đối mặt với những đứa con lúc nào cũng thích chống đối, không ngoan ngoãn nghe lời, nhiều cha mẹ tỏ ra tức giận hoặc thậm chí là bạo lực.
Nếu muốn giải quyết vấn đề đối đầu này, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân từ gốc rễ của nó.
Nếu nhu cầu không được đáp ứng, trẻ sẽ chống đối lại cha mẹ
Trong chương trình “Super Parenting Teacher” của đài CCTV Trung Quốc, có một cô bé tên Liu Yixuan luôn đối đầu với mẹ của mình. Có một lần, người mẹ yêu cầu Liu Yixuan làm bài tập về nhà nhưng cô bé chạy vào bếp nói mình muốn làm bánh bao. Thế nhưng, mẹ của cô bé lại bảo phải làm xong bài tập về nhà trước. Cô bé cứ khăng khăng làm bánh bao trước mới làm bài tập, thế là 2 mẹ con lại cãi nhau.
Người mẹ cảm thấy rất bất lực vì con gái mình ngang ngược, bướng bỉnh và cô không biết phải làm gì con mới chịu nghe lời.
Trên thực tế, nguyên nhân khiến con cái có hành vi chống đối mẹ là do mẹ không đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Ví dụ, trong trường hợp làm bánh bao, trẻ muốn làm bánh bao cho mẹ nhưng mẹ từ chối và yêu cầu trẻ làm bài tập về nhà trước.
Trong trường hợp này, vì người mẹ không đặt mình vào vị trí của con cái, không đứng cùng hàng với con nên 2 bên đối đầu với nhau. Nếu người mẹ có thể lắng nghe con mình, cùng nhau làm bánh bao, ăn uống vui vẻ, sau bữa ăn chắc chắn cô bé sẽ rất vui và tự giác làm bài tập.
Nếu không có quyền lựa chọn, trẻ sẽ đối đầu với cha mẹ
Một cư dân mạng kể rằng, khi anh học cấp 2, mỗi khi nói chuyện với mẹ mình muốn làm gì, dự định đi đâu, mua gì thì mẹ anh đều ngắt lời, bắt bẻ hoặc ngăn cản.
Dần dần, anh ngừng nói với mẹ về bất cứ điều gì suy nghĩ trong đầu, học cách nói dối và làm bất cứ điều gì bản thân muốn một cách bí mật. Dù mẹ bảo anh làm gì, anh cũng sẽ chống lại mẹ mình, thậm chí còn cố tình giở trò để chống đối.
Ví dụ, khi mẹ bảo anh rửa bát, anh cố tình không rửa, thậm chí còn làm cho nhà bếp đầy nước. Nếu yêu cầu quét và lau nhà, anh sẽ làm cẩu thả cho có.
Đằng sau cách hành xử này thực chất là do bị mẹ từ chối và ngăn cản trong thời gian dài nên mới hình thành tâm lý muốn đối đầu.
Tuổi mới lớn là thời điểm mong muốn thể hiện bản thân mạnh nhất. Nếu cha mẹ kìm nén con cái mọi lúc mọi nơi, trẻ sẽ đối đầu lại bất cứ lúc nào có thể.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler từng nói rằng: “Nhiều hành vi nổi loạn của con cái trong tuổi mới lớn xuất phát từ mong muốn thể hiện sự độc lập, theo đuổi sự bình đẳng với người lớn và mong muốn thể hiện sự nam tính hoặc nữ tính”.
Nhiều trẻ chống lại cha mẹ, thực tế là vì chúng không có quyền tự do lựa chọn. Chúng muốn chống lại những gì cha mẹ muốn mình làm.
Vì vậy, đừng đổ lỗi hoàn toàn cho trẻ khi chúng hay đối đầu với cha mẹ. Đây chỉ là cách trẻ biểu hiện mình không muốn trở thành một “món đồ” cha mẹ muốn làm gì cũng được, trẻ có quyền được là chính mình.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ hay đối đầu với mình?
Chuyên gia giáo dục nổi tiếng Jeffrey Bernstein chỉ ra rằng, nếu cha mẹ bị ám ảnh bởi việc tranh giành quyền lực với những đứa trẻ ở tuổi nổi loạn, cuối cùng họ sẽ lâm vào cảnh được - mất. Vậy thì cha mẹ nên làm gì lúc này?
1. Cho trẻ không gian độc lập
Một người mẹ nói rằng, con cô luôn dặn cô không được vào phòng của mình. Khi con cô đang học bài trong phòng, nếu cô vào sẽ bị con yêu cầu ra ngoài.
Trẻ có ý thức độc lập, tự chủ rất cần có không gian của riêng mình.
Cha mẹ lúc này phải có ý thức về ranh giới, không được tùy tiện xâm phạm không gian riêng tư của con cái. Để vào phòng của trẻ, cần được sự đồng ý của chúng.
Đừng lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào con cái và cho mình cái quyền được biết mọi thứ về chúng, điều này sẽ chỉ khiến chúng thêm chán ghét và nổi loạn. Tốt hơn hết cha mẹ nên để cho trẻ có không gian riêng và làm những gì chúng thích.
2. Tôn trọng ý tưởng của con cái
Mỗi đứa trẻ có sở thích khác nhau, đôi khi sở thích ấy rất kỳ quặc so với các bạn trong lớp. Dẫu mọi người không thích điều đó nhưng nếu cha mẹ không nghĩ có vấn đề gì với sở thích của con mình, tôn trọng những ý tưởng của chúng, thậm chí còn hỗ trợ, trẻ sẽ rất biết ơn cha mẹ mình.
Cha mẹ có thể cho con cái tình yêu hơn là ý tưởng, bởi vì trẻ em có ý tưởng riêng của chúng.
Ngay từ khi bắt đầu có ý thức, trẻ sẽ có nhiều ý tưởng và sở thích khác nhau. Khi ý kiến và sở thích của trẻ khác với ý kiến của cha mẹ, bạn có thể kiên nhẫn lắng nghe để hiểu, tôn trọng ý kiến và khích lệ trẻ cố gắng.
3. Để trẻ đưa ra lựa chọn
Bác sĩ tâm lý Scott Pike từng nói: “Cha mẹ cần lắng nghe con cái và đáp ứng nhu cầu của chúng, không mù quáng bám vào quyền hành và ra lệnh”.
Về việc trẻ có hành vi chống đối, cha mẹ không nên nghĩ đến việc dùng quyền hạn của mình để kiểm soát con mà nên để trẻ tự giác và cho chúng cơ hội lựa chọn.
Có một câu nói rất hay: “Hãy từ bỏ quyền kiểm soát đối với con bạn để giành được nhiều quyền kiểm soát hơn. Đừng ép buộc con bạn phải tuân theo và chúng sẽ bắt đầu nghe lời cha mẹ”.
Đối với sở thích của trẻ, hãy để chúng được làm những gì mình muốn. Đối với bài tập về nhà, hãy để trẻ tự chọn khoảng thời gian hoàn thành nó. Đối với các ngày nghỉ của trẻ, hãy để chúng được thoả thích vui chơi.
Nếu được quyền lựa chọn, trẻ sẽ cảm thấy mình được tự do, không bị gò bó và sẽ không làm trái ý cha mẹ.
Bình luận