Có một thời, nhạc sĩ phải… chào thua

Thời đó đã lùi xa vào quá khứ. Nhưng hôm nay nhớ lại vẫn ít nhiều bổ ích cho những ai có trách nhiệm hoặc thích phán xét, thẩm định những tác phẩm văn nghệ. Ấy là thời cách đây mấy chục năm, chúng ta vẫn quen gọi là bao cấp nếu xét về lĩnh vực kinh tế và duy ý chí về phương diện tinh thần. Khi đó, người ta rất hay săm soi các tác phẩm văn nghệ, đặc biệt là lời lẽ trong các bài hát. Đó thường là những cán bộ tuyên huấn, chính trị, cả những công chúng quan tâm đến văn nghệ và luôn tỏ ra có “trách nhiệm” trong việc góp ý với các tác giả, với những cơ quan phổ biến tác phẩm. Rất nhiều nhạc sĩ - trong đó có cả những tác giả lớn, gạo cội, có uy tín trong làng sáng tác - cũng đã từng… dính đòn.

Có một thời, nhạc sĩ phải… chào thua - 1

(Từ trái sang) Các nhạc sĩ Văn Ký - Hoàng Vân - Phạm Tuyên.

Trước hết là trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên - một nhạc sĩ thuộc hàng gạo cội trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông có hai bài hát nổi tiếng nhưng cũng bị nếm nỗi bi hài khá “cay đắng”.

Bài thứ nhất là Đảng đã cho ta một mùa xuân. Khi bài hát mới được vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1960 (ông viết bài này để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của Đảng), có lần ban Biên tập âm nhạc nhận được thư của một thính giả là một vị đại tá quân đội gửi đến chất vấn đại ý: Đảng đem đến cho dân tộc, cho mọi người cuộc sống ấm no hạnh phúc suốt quanh năm ngày tháng chứ, sao lại chỉ cho có mùa xuân? Còn các mùa khác thì sao? Các thành viên trong ban biên tập đều là nhạc sĩ đọc lá thư góp ý mà tức điên.

Nhưng Phạm Tuyên lúc đó là trưởng ban, vốn có bản tính bình tĩnh, nhã nhặn, điềm đạm, lại đọc thư thấy vị đại tá kia tỏ ra nghiêm túc, góp ý rất chân thành, nhiệt tình bèn nói một nhạc sĩ khác trong ban viết thư trả lời, cảm ơn đàng hoàng. Ông không quên dặn người nhạc sĩ này là cần nói rõ xuất xứ ra đời của bài hát: Một lần, Phạm Tuyên đọc báo thấy đăng bài thơ của Paul Vaillant Couturier là chiến sĩ cộng sản Pháp trong đó có một câu gây cho ông ấn tượng mạnh: “Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của nhân loại”.

Phạm Tuyên cho biết thêm, tác giả bài thơ này bị phát xít Đức thủ tiêu trong đại chiến thế giới thứ 2. Và ông đã sáng tác Đảng đã cho ta một mùa xuân từ sự gợi ý của câu thơ này. Chắc sau khi nhận thư phúc đáp, vị đại tá kia đã yên tâm, không băn khoăn nữa.

Trường hợp thứ hai là bài Gửi nắng cho em được Phạm Tuyên sáng tác năm 1976 sau ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất. Bài hát cũng được ra đời từ việc phổ thơ của một tác giả là bộ đội. Ý của bài thơ là ở trong Sài Gòn không có mùa đông, mà rất nhiều nắng, trong khi ngoài Bắc mùa đông kéo dài những 3 tháng. Thời gian này ai sống ở miền Bắc hầu như không nhìn thấy nắng nên anh muốn gửi nắng ra tặng em để em được sưởi ấm, sẽ bớt đi phần giá rét tái tê (câu mở đầu bài hát: “Anh ở trong này không có mùa đông…”). Quả là một ý hay và khá là thơ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết ông không quen biết tác giả bài thơ mà tình cờ đọc được trên báo Sài Gòn giải phóng trong một lần ông vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Thơ thì không sao. Có vậy mới được đăng trên tờ báo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy mà khi thành bài hát lại trở nên có…vấn đề!

Lần này thì không chỉ một thính giả mà khá nhiều cán bộ ở ngay trong Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có cả Đảng ủy viên, cán bộ có… cỡ ở Đài có ý kiến là tư tưởng bài hát không ổn. Họ lập luận rằng: Sài Gòn vừa được giải phóng, vừa thoát khỏi nanh vuốt của Mỹ - Ngụy, còn đầy rẫy những rác rưởi của chủ nghĩa thực dân mới, chúng ta cần phải quét dọn. Sao phải gửi nắng từ Sài Gòn ra miền Bắc “cho em”? Chẳng hóa ra miền Bắc tối tăm, mù mịt, ẩm thấp lắm sao? Nói vậy là phản chính trị, là vô tình hạ thấp miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đề cao chủ nghĩa thực dân mới. Anh em trong Ban biên tập Âm nhạc lần này thì không dám “tức điên” vì trong số những ý kiến trên có cả người có cương vị ở Đài mà thấy rất buồn vì từ nghĩa đen (nắng thiên nhiên) những người cực đoan đã bẻ sang nghĩa bóng, chụp mũ, suy diễn quá xa, gán cho nhạc sĩ điều mà ông không nghĩ đến.

Phạm Tuyên lại một lần nữa bình tĩnh tìm bài thơ đăng trên báo Sài Gòn giải phóng đưa cho các vị xem. Nhưng họ vẫn nói: Đăng trên báo, chỉ đọc lướt qua, ít tác hại. Còn hát lên thì xoáy vào tai người nghe, lại phát đi phát lại nhiều lần. Nhất là bài này lúc đó được ca sĩ nổi tiếng Kiều Hưng có giọng hát rất hay, ngọt ngào thể hiện lại càng khiến công chúng ưa thích. Và họ yêu cầu tạm thời dừng phát bài này.

Anh em trong Ban biên tập Âm nhạc thuyết phục thế nào cũng không được, đành chấp hành. Thế là Gửi nắng cho em bị đình chỉ phổ biến một thời gian mà không có văn bản chính thức. Nhưng đó là ngừng phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ở Trung ương. Còn chi nhánh của đài ở Sài Gòn tức cơ sở 2 thì không biết việc này (hoặc có thể biết nhưng không có lệnh cấm phát chính thức bằng văn bản) nên đến đêm Giao thừa 1976-1977, nhạc sĩ Bửu Huyền - biên tập viên âm nhạc ở đây - đã cho phát trong một chương trình ca nhạc đặc biệt mừng xuân. Bài hát được thính giả rất hưởng ứng. Rất nhiều thư yêu cầu phát lại gửi về Đài. Một vị lãnh đạo cao cấp khi ấy rất ưa thích. Từ đó, bài hát mới được phục hồi, tiếp tục số phận.

Có một thời, nhạc sĩ phải… chào thua - 2

Ảnh minh hoạ

Hoàng Vân là nhạc sĩ nổi tiếng, có rất nhiều bài hát sống mãi với thời gian. Ông đặc biệt thành công khi viết về các ngành, nghề. Trong số đó có bài Bài ca giao thông vận tải được công chúng rất ưa thích (“Trên những nẻo đường rực cháy, sau tay lái đã mấy đêm ngày, xe anh đã vượt được bao sông bao núi. Chỉ những con đường mới biết mà thôi…”).

Vậy mà khi bài hát bắt đầu được thính giả biết đến và đón nhận, có ý kiến chất vấn tác giả: Công sức lớn lao của những chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tải trong chiến tranh sẽ được Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân ghi nhận, biết đến. Sao lại “chỉ những con đường mới biết mà thôi”? Nói vậy hóa ra Đảng, Nhà nước, nhân dân vô tâm, không biết sao? Đó là lời của một cán bộ có chân trong Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải lúc bấy giờ.

Tuy chỉ là một ý kiến phát biểu ngẫu hứng nhưng cũng khiến tác giả bài hát ít nhiều phiền lòng. Hoàng Vân cho biết: Vị thính giả có ý kiến trên đã bỏ qua 4 lời với những câu điệp khúc: “ Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương” và “Tất cả để thắng thù, giải phóng miền Nam”… để chỉ soi vào một câu trên, lại cố tình hiểu rất lệch lạc, không đúng ý tác giả định nói. Cho đến tận hôm nay, bài hát này vẫn được coi là bài ngành ca của bộ Giao thông Vận tải.

Trong những bài hát viết về đề tài sư phạm, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi của Văn Ký có thể nói là một trong số ít bài hát hay nhất, được công chúng ưa thích nhất. Đó cũng là bài hát làm lung linh thêm màu sắc những tác phẩm thanh nhạc vốn dĩ đã rất phong phú của người nhạc sĩ tài danh. Có một chi tiết khá… “thú vị”. Một lần, tôi được mời nói chuyện âm nhạc tại một câu lạc bộ văn hóa dành cho chị em phụ nữ ở một địa phương nọ. Trong phần giao lưu, có một chị phát biểu đại ý: Các nhạc sĩ sáng tác rất giỏi, viết nên được nhiều bài hát hay khiến chị em rất thích, trong đó có bài Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi. Nghe bài này, ai cũng muốn làm cô giáo lên vùng cao dạy chữ cho trẻ em người Mèo. Nhưng có một câu nhạc sĩ đã nói có phần vô lý. Đó là “Tay đóng bàn, tay đóng ghế, tay cầm sách, tay cầm đàn…”. Nói vậy thì cô giáo có những… 4 tay (?) Mọi người cười rộ.

Tôi cứ tưởng chị này nói đùa cho vui, chứ không thể “thắc mắc” một chi tiết như vậy. Nhưng sau đó thì biết chị muốn góp ý thực sự và còn nói thêm: “Em nghĩ là các nhạc sĩ có thể sáng tác rất hay nhưng không nên đưa ra những chi tiết vô lý như thế”.

Tôi đã trợn tròn mắt trước một thắc mắc và lời góp ý quá kỳ khôi như vậy. Về kể lại cho một vài nhạc sĩ khác nghe. Họ cho rằng đó là do chị thính giả kia muốn trêu tôi chứ trong bụng không thể nghĩ vậy. Nhưng đúng là chị ta góp rất nghiêm túc, không hề … tếu.

Thời kỳ ấy, các cán bộ chính trị, người ngoại đạo nghệ thuật góp ý cực đoan hoặc khôi hài đã đành. Ngay cả người có sáng tác nhưng chuyên làm công tác biên tập cũng nhiều khi mắc phải căn bệnh tương tự. Đó là thích suy diễn quá mức khiến tác giả rất… mệt.

Cũng Văn Ký trong một bài hát khác có tên Hạ Long - tình ca, đã buộc phải sửa từ “mặt trời” thành “hoàng hôn” ở câu “Sao mai mọc lên, mặt trời cứ lặn” theo yêu cầu của biên tập. Lý do vì xưa nay, nói đến mặt trời, người ta hay nghĩ là nói đến Đảng. Đảng không thể lặn. Và nhạc sĩ đã phải sửa là “hoàng hôn”. Rõ ràng là “hoàng hôn” mà lặn thì có phần không ổn. Nhưng dẫu sao cũng “an toàn” hơn.

Còn nhiều trường hợp kỳ khôi khác không thể kể được hết. Ngày nay, mỗi khi nhớ lại, các nhạc sĩ chỉ cười mà nói với nhau: “Ngày ấy, chúng ta đành chào thua chứ biết làm sao!”.  

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.