Nguyễn Đình Thi và bài hát "Người Hà Nội"

Nguyễn Đình Thi là nhà văn hoá, văn nghệ lớn. Tên tuổi của ông trùm suốt hơn nửa sau của thế kỷ XX với sự hoạt động có hiệu quả ở nhiều lĩnh vực: triết học, văn, thơ, kịch, nhạc. Ông là một văn nghệ sĩ đa tài, để lại cho đời những thành tựu đáng kể ở cả hai hoạt động sáng tác và quản lý. Riêng trong âm nhạc, chỉ với hai bài hát Diệt phát xít Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi cũng xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nước ta. Ngoài hai bài này, ông còn sáng tác phần lời của hai ca khúc Nhớ (nhạc Hoàng Vân) và Lá đỏ (nhạc Hoàng Hiệp) đều rất quen biết với công chúng yêu âm nhạc.

Nguyễn Đình Thi và bài hát "Người Hà Nội" - 1

Nhà văn hóa Nguyễn ĐÌnh Thi. Ảnh Tư liệu

Bài viết này chỉ xin được đề cập tới bài hát Người Hà Nội - một ca khúc độc đáo có sức lan toả sâu rộng trong đời sống tinh thần nhiều thế hệ, tầng lớp công chúng suốt gần 80 năm qua và có thể nói sẽ còn mãi mãi được người ta ca hát, ngưỡng mộ.

Nguyễn Đình Thi sáng tác Người Hà Nội vào năm 1947. Đó là thời điểm hết sức khó khăn của nhân dân ta khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa mới được lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động (ngày 19/12/1946). Chúng ta vẫn gọi đây là giai đoạn phòng ngự với việc thực hiện “vườn không nhà trống” ở những nơi giặc xâm chiếm để cản bước tiến của chúng.

Tại Thủ đô Hà Nội, chiến luỹ được dựng lên ở nhiều đường phố và những đội quân cảm tử đã sẵn sàng tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Cả thủ đô ngập trong máu lửa và hừng hực lòng căm thù, sôi sục ý chí quyết chiến, quyết thắng. Vậy mà mở đầu bài hát, nhạc sĩ đã không phản ánh ngay điều đó (ông dành biểu hiện ở phần sau của tác phẩm) mà như người hoạ sĩ phác họa một gam màu thật tươi sáng về Thủ đô ngàn năm văn vật: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội mến yêu…”. Nét nhạc ở phần đầu này dàn trải, thoáng đãng, đã được vút lên để gieo vào lòng người nghe cái gì đó thật linh thiêng, thanh cao với việc nhắc đến những địa danh và những cái tên của Thủ đô từng mang trong quá khứ.

Có thể coi đó như một khúc trổ, như sự chuẩn bị về tâm lý, cảm xúc cho người nghe để ngay sau đó đón nhận bức tranh hoành tráng của Thủ đô lửa máu: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo! Hà Nội vùng đứng lên!”. Sau chuỗi âm thanh “Hà Nội mến yêu” kết thúc đoạn trổ như vừa nói gieo vào lòng người tình cảm tha thiết sắt son là một quãng 6 được tác giả tạo dựng khá đột ngột theo hướng vút lên: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời”. Và âm thanh “cháy” lại được ngân dài diễn tả cuộc chiến đấu đã bắt đầu, giờ quyết liệt đã điểm.

Xin tạm thời quên đi những êm đềm, hào hoa của Hà Nội vui tươi vàng son, với những “nước Hồ Gươm xanh thắm lòng, bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng”, những “tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền” và những “bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào…” để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ theo hiệu triệu của vị cha già dân tộc.

Người Hà Nội là một bài hát được tác giả viết ở hình thức khá tự do, không tuân thủ khuôn mẫu, kiểu, dạng (mode) nào trong những khúc thức quen thuộc thường quy định cho thể ca khúc. Có thể coi đó là một trường ca, giống như trường ca Sông Lô của Văn Cao (sau này, các nhạc sĩ ít trở lại hình thức ca khúc này, ngoại trừ Bài ca người thợ mỏ của Hoàng Vân sáng tác những năm 60 của thế kỷ trước).

Bài hát của Nguyễn Đình Thi không hoàn toàn tuân theo cái tuần tự kết cấu thông thường mà nhiều người viết trường ca vẫn làm: Mở đầu là Hà Nội thơ mộng, tiếp theo là khói lửa chiến đấu, rồi kết thúc là chiến thắng, ca khúc khải hoàn. Tất nhiên, cái logic đó là hoàn toàn hợp lý. Và trên đại thể, tác giả Người Hà Nội cũng phần nào tuân thủ. Nhưng ông đã rất sáng tạo khi cho đan xen trong bài hát của mình những cảnh của quá khứ và hiện tại, những chi tiết, hình ảnh của Thủ đô yên vui và chiến tranh khói lửa. Xử lý này đã đem đến cho người nghe những xúc cảm phong phú, đa chiều. Thật thú vị khi người ta đang say sưa, tíu tít cuốn mình vào dòng người tấp nập, náo nhiệt của một Hà Nội yên bình với những “Tíu tít gánh gồng”, “Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, “Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…” thì sau đó lại chứng kiến: “Hà Nội ầm ầm rung. Sông Hồng reo. Thét lên xung phong căm hờn sôi ầm súng”. Và nữa: “Bùng cháy khắp phố ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu”. Một hình ảnh có lẽ còn đọng lại mãi trong tâm khảm của người Thủ đô thuở ấy, không bao giờ có thể phai nhoà: “Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù phơi dưới gót giày…

Nguyễn Đình Thi và bài hát "Người Hà Nội" - 2

Đoàn quân chiến thắng từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 được tái hiện trong "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình"

Xin được nhắc lại rằng tác giả sáng tác bài hát này vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới bắt đầu. Hà Nội lúc ấy đang bề bộn, ngút trời đạn lửa. Vậy mà lãng mạn thay, ông đã hình dung tới một Hà Nội chiến thắng không xa. Và khúc khải hoàn của Nguyễn Đình Thi trong bài này không phải là một kết cục bình thường như mọi cuộc chiến thắng mà thật đặc biệt. Ở đây, có sự hiện diện bằng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, trong đó nổi bật là đôi mắt sáng và mái tóc bạc phơ của Người cùng với nụ cười - nụ cười của cả nước non và nụ cười của người cha vĩ đại. Và khép lại một bài hát dài chỉ còn lại tiếng cười - tiếng cười của ngày về chiến thắng. Tiếng cười vang, rạng rỡ ấy lại được ngập trong một rừng cờ tạo nên bức tranh hoành tráng về tầm vóc, tư thế của Thủ đô Hà Nội - cũng đồng thời là cả dân tộc Việt Nam.

Một lần tiếp xúc với Nguyễn Đình Thi, tôi được ông cho biết: Mặc dù đã có bài Diệt phát xít ra đời trước Cách mạng tháng 8/1945 đã rất nổi tiếng nhưng ông không nghĩ mình là nhạc sĩ mà tự cho chỉ là người yêu thích âm nhạc. Đến năm 1947, với tình yêu Hà Nội da diết, do tràn ngập cảm xúc trước Thủ đô ngút trời khói lửa, gồng mình lên bước vào cuộc kháng chiến, ông muốn vẽ một bức tranh toàn cảnh đó, nhưng bằng âm thanh chứ không bằng màu sắc. Ông viết nhanh đến nỗi không ghi ra giấy kịp cảm xúc của mình. Những nốt nhạc cứ tuôn trào trên phím đàn. Và đến khi hoàn thành, ông tự thấy bài hát quá dài, rất muốn cắt bớt, cô lại cho hàm súc, gọn gàng hơn, nhưng không biết cắt chỗ nào vì cảm xúc liền mạch thông suốt. Cuối cùng ông đành cứ để như vậy.

Chúng ta thấy đúng là Người Hà Nội có dài (hát đơn ca phải tới gần 10 phút mới hết). Ngày nay không ai viết ca khúc như vậy mà cùng lắm chỉ có thể hát tới 5 phút là đã dài. Song, ta lại thấy bài hát rất hoàn chỉnh. Và những ca khúc dài như Người Hà Nội mà vẫn hay, vẫn được người nghe rất ưa thích còn có thể nhắc tới: Sông Lô (Văn Cao), Trường Chinh ca (Lương Ngọc Trác), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Hò kéo pháo Tôi là người thợ mỏ (Hoàng Vân). Tuy nhiên, đó là những thành công rất đặc biệt, vượt ra khỏi khuôn khổ của một ca khúc thông thường.

Từ khi ra đời đến nay, Người Hà Nội luôn phát huy tác dụng ở mọi thời điểm lịch sử. Đó là tác phẩm âm nhạc được nhiều người ghi nhận có giá trị lớn nhất viết về Thủ đô. Hai nét hào hoa và anh hùng luôn là đặc điểm của Hà Nội, của  người Thủ đô đã được biểu hiện hài hoà, nhuần nhuyễn trong bài hát. Từng có nhiều nghệ sĩ trình diễn thành công tác phẩm này, nhưng tôi thấy có các ca sĩ Mai Khanh, Mỹ Bình và đặc biệt là giọng lĩnh xướng Trần Khánh hát cùng dàn hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam đã thể hiện xuất sắc, tiếp cận được giá trị tự thân của tác phẩm.

Xin nói thêm một chi tiết là khi còn sống, Nguyễn Đình Thi từng tỏ ra không hài lòng với những ca sỹ đã cố tình hát khác ông viết ở câu kết thúc của bài hát. Đó là câu “Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười trên môi Người cười – tiếng cười ngày về”. Hầu như mọi người hát đều bắt chước nhau thêm hai tiếng “chiến thắng” sau tiếng “về” và hát vút lên một quãng 8. Có lẽ họ nghĩ rằng hát như vậy cho “bốc”, cho có khí thế và khép lại phải là chiến thắng đúng như lịch sử. Họ không biết rằng tác đã suy nghĩ rất sâu sắc, tinh tế. Cả bài đã “bốc”, đã hùng hồn, khí thế, chiến thắng rồi. Đến lúc kết, ông muốn cảm xúc của mình lắng đọng lại trong tâm khảm khi để xuất hiện hình ảnh vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc. Vậy nên không thể vút lên. Như vậy sẽ không đạt được ý đồ của tác giả

Các thế hệ người Việt Nam sau này có thể có nhiều người không biết đến cái tên Nguyễn Đình Thi, nhưng chắc chắn ai cũng biết và ưa thích bài hát Người Hà Nội. Đó là hạnh phúc lớn nhất của người sáng tác mà không niềm vinh quang nào có thể thay thế.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.