Thể loại hành khúc trong âm nhạc Việt Nam

Hành khúc là một trong những thể loại ra đời rất sớm, kể từ khi nền âm nhạc mới Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ trong nền âm nhạc cách mạng thông qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ở thế kỷ XX. Hành khúc vẫn tiếp tục có vị trí riêng trong đời sống âm nhạc cũng như trong nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu nhạc ở nước ta cho đến tận ngày nay.

Nhân một sáng tác mới của nhạc sĩ thế hệ trẻ 

Nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 02/9/2024 vừa rồi, nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng phát hành ca khúc mới mang tên Cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Điều đáng nói, đây là một hành khúc của Nguyễn Duy Hùng - là tác giả của nhiều ca khúc được khán giả biết đến như: 12 giờ, Khoảng trời của bé, Phố cổ, Vinh quy bái tổ… Anh sinh năm 1984, là nhạc sĩ thuộc thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, tưởng như không còn mặn mà với nhịp điệu mang tinh thần hối thúc, hiệu triệu và thiên về hướng cổ động tinh thần này. 

Trên nền nhịp điệu march - hành khúc với sự rộn ràng và hối thúc vốn là đặc trưng, giọng hát trong trẻo cất lên: “Kề vai chiến tuyến, cờ đỏ sao vàng tiến quân/ Việt Nam chiến thắng, màu cờ in hình núi sông”. Ngay tiếp sau đó giai điệu chuyển ý nhạc thứ hai: “Giữ sức bền dựng xây nước non quê nhà/ như Bác Hồ ngày đêm ngóng trông” và ý nhạc thứ ba: “Hình Bác nhớ in trong tim, lời Bác chúng con không quên”. Phần điệp khúc cũng khá gọn gàng, có thể chia thành hai ý: “Kéo pháo lên đồi cao, bắn rơi máy bay quân thù, từng đoàn bộ binh tấn công vũ bão, từng đoàn xe tăng tấn công nhanh quá” và “Kéo pháo lên đồi cao, bắn rơi máy bay quân thù, cờ sao vàng Việt Nam, cờ đỏ sao vàng muôn năm”.

Thể loại hành khúc trong âm nhạc Việt Nam - 1

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu 7. (Ảnh minh họa)

Phần lời trong Cờ đỏ sao vàng Việt Nam thể hiện hình ảnh người trẻ của thế hệ hôm nay thông qua hình tượng lá cờ, nhìn vào lịch sử đất nước với tấm lòng biết ơn. Ở đó, có hình tượng Bác Hồ, có hình ảnh người dân đồng lòng chiến đấu chống quân xâm lược, có hình ảnh gợi đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nói cách khác, ca từ truyền tải ý nghĩa nội dung rộng lớn nhưng lại được diễn tả cô đọng tập trung ở bốn ý chính: Lá cờ, Bác Hồ, hai cuộc kháng chiến và người dân đồng lòng. 

Phần giai điệu, giống như nhiều ca khúc viết trên nền nhịp điệu hành khúc khác của các thế hệ đi trước, ca khúc này có giai điệu khá dễ nghe, dễ hát, khá bắt tai và dấu ấn của phong cách âm nhạc trẻ hiện nay đã hiện hữu trong ca khúc này. Điều đó góp phần tạo thêm sắc màu cho ca khúc thể loại hành khúc. Điểm đáng chú ý nhất trong Cờ đỏ sao vàng Việt Nam có lẽ là bố cục cấu trúc của tác phẩm mà nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng đã áp dụng. Ca khúc được viết ở thể một đoạn nhạc khá ngắn gọn với câu một là phần trình bày và gồm ba tiết nhạc, câu hai có thể chia thành hai tiết nhạc và đảm nhiệm vai trò điệp khúc của tác phẩm. Việc sáng tác ca khúc ở nhịp điệu hành khúc, thể một đoạn, có giai điệu dễ nghe, lời ca ngắn gọn cho thấy sự “chắc tay” của người viết.

Hình ảnh của MV Cờ đỏ sao vàng Việt Nam được thực hiện khá đơn giản, gần như chủ yếu ở một bối cảnh chính đó là một tốp nghệ sĩ đứng ở vị trí phía trước những chiếc xe tăng, máy bay được trưng bày như những chứng tích về cuộc chiến đấu vì nền độc lập dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước. Việc chọn bối cảnh là không gian trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa nhất định. Phần nhiều hành khúc thường có một âm hưởng khí thế hơn, hào hùng hơn, thậm chí nó còn như những lời hiệu triệu, hối thúc, còn đối với Cờ đỏ sao vàng Việt Nam của Nguyễn Duy Hùng, ca khúc mang âm hưởng nhẹ nhàng hơn và tinh thần trong sáng. 

Nguyễn Duy Hùng sáng tác Cờ đỏ sao vàng Việt Nam trong thời gian khá nhanh, chỉ một buổi tối đã hoàn thành cả nhạc và lời. Nam nhạc sĩ chia sẻ rằng trước đó, anh có dịp ghé thăm bảo tàng, nhìn những hình ảnh rất thật về cuộc chiến, những tội ác của quân xâm lược, những thiệt hại về người và của, những trẻ em vô tội, nhìn thấy xác máy bay B52 bị quân và dân ta bắn hạ… Tất cả in sâu vào tâm trí và thôi thúc anh sáng tác.

Giải thích rõ hơn về lý do sáng tác ca khúc và việc sử dụng nhịp điệu hành khúc, nam nhạc sĩ cho biết: “Hùng muốn bài hát này thể hiện được tinh thần dân tộc quật cường của toàn quân và dân Việt Nam, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc thân yêu”, vì thế “với nhịp hành khúc và tiết tấu có thay đổi từ nhanh, chậm và rồi kết thúc với tốc độ nhanh thể hiện được sự linh hoạt trong chiến đấu của bộ đội cụ Hồ, lúc kiên cường, lúc tiến quân mạnh mẽ vũ bão, tạo nên một hơi thở âm nhạc chiến đấu mãnh liệt và chiến thắng kẻ thù”.

Thực ra trong lịch sử tân nhạc nước ta, hành khúc có vị trí khá đặc biệt, không thể không nhắc tới. Chẳng hạn được sử dụng phổ biến trong thời kỳ kháng chiến và trong các hoạt động tập thể ngoài trời, sử dụng ít hơn trong thời kỳ hòa bình và gần như không hiện hữu trong sáng tác của giới trẻ hiện nay. Cũng chính vì thế, một ca khúc sáng tác không thuộc phạm vi một cuộc vận động sáng tác, cũng không nằm trong “đơn đặt hàng” của một tổ chức nào mà chỉ đơn thuần từ cảm xúc của người nghệ sĩ viết về đề tài ngợi ca Đảng, Bác, ngợi ca Tổ quốc từ góc nhìn trẻ lại khai thác nhịp điệu hành khúc đã tạo sự chú ý đối với chúng tôi.  

Nhìn nhận về thể loại hành khúc 

Nếu quan tâm đến sự phát triển của nền âm nhạc mới Việt Nam nói chung, ca khúc nói riêng hẳn chúng ta sẽ biết đến chi tiết hết sức quan trọng, đó là ca khúc được cho là đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam ra đời năm 1930 là một hành khúc. Hành khúc đó mang tên Cùng nhau đi hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu. Đây cũng được coi là ca khúc đầu tiên, khai sinh dòng ca khúc cách mạng. Đồng thời Cùng nhau đi hồng binh cũng là một trong những ca khúc rất phổ biến. Đến tận ngày hôm nay, nhiều khán giả, kể cả những khán giả còn rất trẻ cũng thuộc và có thể cùng hát vang những lời ca: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…”.

Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thể loại hành khúc luôn giữ vai trò quan trọng, hầu hết các nhạc sĩ - những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam đều có những sáng tác khai thác nhịp hành khúc. Cũng vì thế, có nhiều ca khúc có giá trị gắn liền với những tên tuổi như: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) có Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên; nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1981) có Tiến về Sài Gòn, nhà văn/nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) có Diệt phát xít; nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995) có Tiến về Hà Nội và đặc biệt ông còn là tác giả của Tiến quân ca - bài Quốc ca Việt Nam; nhạc sĩ Nguyễn Thành (1931 - 2002) có Qua miền Tây Bắc...

Ngoài ra, còn rất nhiều bài mang chủ đề về người lính, thanh niên… được khai thác nhịp hành khúc như: Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục (1935), Như có Bác trong ngày đại thắng của Phạm Tuyên (1930), Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ của Triều Dâng (1933 - 2020), Hát mãi khúc quân hành của Diệp Minh Tuyền (1941 - 1997), Thanh niên làm theo lời Bác của Hoàng Hòa (1930), Khát vọng tuổi trẻ của Vũ Hoàng (1956)… 

Cũng là hành khúc nhưng có nhiều ca khúc rất đặc biệt, chẳng hạn Qua miền Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Thành được hát theo kiểu ghìm giọng, diễn tả một đoàn quân đi trong âm thầm. Trong khi Hành khúc ngày và đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015) có câu nhạc mở đầu mang tính tự sự: “Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa/ Là trái tim/ Là trái tim yêu thương”. Ngay sau câu mở đầu ngắn gọn này, nhịp hành khúc xuất hiện và duy trì cho đến hết bài: “Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran/ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…”. Trong khi, nhiều ca khúc có phần nhịp hành khúc được nhạc sĩ khai thác và trở thành một phần, một điểm nhấn trong tác phẩm. Chẳng hạn như trong trường ca Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), nhịp điệu hành khúc được sử dụng như một trong những chất liệu chính, xuất hiện đan xen giữa các đoạn nhạc với nhau. Trong ca khúc Đêm Hồ Gươm của nhạc sĩ Trần Hoàn (1928 - 2003) có đoạn đầu tiên mang tính tự sự, đoạn điệp khúc thì được triển khai trên nền nhịp điệu hành khúc…

Ở giai đoạn hiện nay, hành khúc gần như không hiện hữu trong các sáng tác dành cho giới trẻ. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phản ánh nhu cầu thưởng thức của giới trẻ hiện nay bởi chủ yếu ca khúc dành cho giới trẻ thuộc mảng đề tài về tình yêu, tuổi trẻ. Nói như vậy không có nghĩa hành khúc không còn hiện hữu trong các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ sinh ra khoảng những năm 1980 đến đầu những năm 2000. 

Trên thực tế, cả thể loại hành khúc và nhịp điệu hành khúc vẫn được một số nhạc sĩ là sinh viên sáng tác của các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, là nhạc sĩ hoạt động trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là các đoàn trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam… khai thác và sáng tạo. 

Thay lời kết

Nói chung, hành khúc khá phổ biến trong quá khứ vì phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với nhu cầu ở thời điểm đó. Hành khúc đương nhiên phù hợp nhất là ở những nơi đông người, dẫn nhịp những bước hành quân, những lễ duyệt binh… Trong thời bình, hành khúc vẫn tiếp tục phát huy trong các hoạt động tập thể như cổ vũ bóng đá chẳng hạn. 

Dù các bài hành khúc luôn cần ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ thuộc nhưng để viết được như vậy không hề dễ. Khó hơn nữa là việc đưa tinh thần Việt vào trong thể loại hành khúc, vốn có nguồn gốc từ âm nhạc phương Tây và thậm chí những chất liệu phương Tây như bố cục, giọng trưởng, giai điệu, hòa âm chuẩn và có sức hút của hợp âm át về hợp âm chủ rất rõ ràng. 

Nhịp hành khúc xuất hiện trong ca khúc Việt Nam tương đối đa dạng, từ một tác phẩm được triển khai hoàn toàn trên nhịp hành khúc đến việc khai thác hành khúc để trở thành một phần trong một tác phẩm hoàn chỉnh. Từ tác phẩm mang tính tập thể, tinh thần hiệu triệu, như lời kêu gọi cho đến những tác phẩm ở nhiều trạng thái khác nhau.

Cần khẳng định thể loại hành khúc đã từng có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, dòng ca khúc này luôn đồng hành cùng dân tộc, nói lên tiếng nói thời đại, luôn truyền tải được những nội dung đề tài lớn, mang tầm vĩ mô, có lợi thế tạo được tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo sự hứng khởi trong người nghe và sự gắn kết mọi người với nhau. Cũng chính vì vậy, không chỉ trong quá khứ mà bất cứ thời điểm nào, kể cả hiện tại cũng như trong tương lai, thể loại hành khúc luôn cần có một vị trí nhất định và cần luôn hiện hữu.

Để cho thể loại hành khúc phát triển hơn, có vị trí xứng đáng hơn trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ, để các nhạc sĩ sáng tác cho giới trẻ quan tâm hơn đến thể loại ca khúc tương đối đặc thù này, chúng tôi xin tạm đưa ra một vài đề xuất:

Cần có nhiều tác phẩm có giá trị về mặt nội dung, đáp ứng được cho người nghe về mặt nghệ thuật. Nói cách khác, cần có những ca khúc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người nghe. 

Cần tạo nên những sân chơi cho nhạc sĩ sáng tác cho giới trẻ như tổ chức các cuộc vận động sáng tác, đồng hành cùng nhạc sĩ trẻ trong việc sản xuất và giới thiệu ra mắt sản phẩm, đồng hành cùng nhạc sĩ, ca sĩ trẻ trong nỗ lực nhằm lan tỏa tác phẩm đến với đông đảo công chúng.

Cũng nên có những công trình thu thập và tổng hợp về số lượng tác phẩm là ca khúc viết theo thể loại hành khúc; nghiên cứu các hướng khai thác và sáng tạo nhịp hành khúc trong các tác phẩm âm nhạc ở thể loại ca khúc, khí nhạc. 

Khuyến khích người trẻ trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo các ca khúc thuộc thể loại hành khúc. Ngành văn hóa, các trường văn hóa nghệ thuật, các hội âm nhạc, hội văn học nghệ thuật… tổ chức các buổi chuyên đề dành cho các nhạc sĩ trẻ nói về tầm quan trọng cũng như vị trí của thể loại hành khúc và nhịp hành khúc hướng trọng tâm đến giới trẻ.

Đỗ Quốc Hưng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Gã khổng lồ Nvidia đối mặt khoản lỗ 5,5 tỷ USD vì hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc

Gã khổng lồ Nvidia đối mặt khoản lỗ 5,5 tỷ USD vì hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc

Nvidia cho biết sẽ ghi nhận khoản chi phí lên tới 5,5 tỷ USD trong quý tới do ảnh hưởng từ quy định mới của Mỹ yêu cầu xin giấy phép khi xuất khẩu dòng chip H20 sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Diễn biến này đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng của Nvidia trong bối cảnh các lệnh kiểm soát xuất khẩu ngày càng siết chặt.

Tài sản ông trùm thời trang Bernard Arnault “bốc hơi” 9 tỷ USD chỉ trong một ngày

Tài sản ông trùm thời trang Bernard Arnault “bốc hơi” 9 tỷ USD chỉ trong một ngày

Tỷ phú người Pháp Bernard Arnault – Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH – vừa mất hơn 9 tỷ USD chỉ trong một buổi sáng, khi cổ phiếu LVMH giảm mạnh do kết quả kinh doanh quý I/2025 không như kỳ vọng. Cú sụt giảm này cũng khiến LVMH đánh mất vị thế là thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất thế giới.

Stargazer và Suzuki XL7: Hai thế giới khác biệt trong cùng một phân khúc

Stargazer và Suzuki XL7: Hai thế giới khác biệt trong cùng một phân khúc

Hyundai Stargazer và Suzuki XL7 cùng định vị trong phân khúc MPV 7 chỗ phổ thông, cùng tầm giá dưới 700 triệu đồng. Thế nhưng, giữa “người mới nổi” đầy phá cách và “cựu binh” thực dụng, hai mẫu xe này lại mở ra hai thế giới hoàn toàn khác biệt về thiết kế, công nghệ và trải nghiệm.