Nhạc cho phim có cần?
Lâu nay xem phim, ta đều thấy có âm nhạc xuất hiện kèm theo hình ảnh. Vậy tại sao lại đặt ra câu hỏi trên? Và chắc là nhiều người nghĩ ngay: Hẳn là cần thiết chứ sao!
Vâng. Cần thì cần thật, lại còn rất nên, có khi bắt buộc phải có, nếu… Còn không thì sao?
Ảnh minh họa
Trước khi khẳng định âm nhạc có cần cho phim và cần như thế nào, có lẽ nên đặt trước vấn đề: Nhạc hiện diện trong phim để làm gì? Để làm tăng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh, giúp thêm cho khán giả khả năng cảm thụ tác phẩm ấy, hay chỉ để nghe cho “vui tai”, cho “có không khí”, giống như vào quán giải khát cần có chút nhạc vang lên trong dàn máy?
Nếu là mục đích thứ nhất thì rất cần nhưng nhạc cho phim là để làm nền, phụ hoạ thêm, hay phải có khả năng tồn tại độc lập như một tác phẩm khí nhạc bất kỳ? Ở đây đang tồn tại hai cách hiểu khác nhau. Theo tôi, không nên đặt vấn đề thành hai khuynh hướng như vậy. Chẳng nên nghĩ đơn giản nhạc cho phim chỉ là để phụ hoạ, làm nền. Cũng không nên đòi hỏi nhất thiết phải có khả năng tồn tại độc lập như một tác phẩm khí nhạc hoàn chỉnh.
Tôi nghĩ làm nhạc cho phim chỉ cốt phần âm nhạc phải giúp ích đắc lực nhất cho việc nâng cao hiệu quả tác phẩm điện ảnh. Hãy vì giá trị cuối cùng của bộ phim mà xử lý âm nhạc. Như vậy, nhạc sĩ có thể thực hiện tiêu chí đó theo mọi kiểu cách riêng của mình, kể cả việc sau khi suy xét kỹ ở một phim nào đó, thấy tốt nhất là không có âm nhạc mà chỉ cần những tiếng động cũng đủ gây hiệu quả. Ở những trường hợp đó, âm nhạc là thừa.
Cứ cho rằng người nhạc sĩ dụng công sáng tạo phần âm nhạc, nếu tách riêng ra nghe thấy hay, nhưng lồng vào bộ phim đó là hoàn toàn không cần thiết, có khi còn tổn hại đến phim, ít nhất là pha loãng cảm thụ người xem vì họ bị hút vào phần âm nhạc. Tất nhiên những trường hợp như trên không nhiều.
Tôi nhớ có một bộ phim truyện của ta không sử dụng âm nhạc mà chỉ tạo tiếng động ở những chỗ cần thiết (phim Hy vọng cuối cùng của đạo diễn Trần Phương). Không vì thế mà phim giảm sút hiệu quả, còn chất lượng nghệ thuật của phim này nếu không được như ý là do những nguyên nhân khác.
Âm nhạc cho phim được coi là tốt, có giá trị khi nó hài hoà, nhuần nhuyễn với tác phẩm điện ảnh, phục vụ đắc lực nhất cho khả năng cảm thụ của người xem đối với phim, chứ không phải chỉ để nghe cho sướng tai. Vậy nên không thể nhặt nhạnh nhạc ở phim này để đưa vào một phim khác như cách làm đã xảy ra ở một số trường hợp.
Loại trừ một số ít nhạc sĩ có tài, có tinh thần trách nhiệm cao đã tạo ra những phần âm nhạc có giá trị cho một số phim, còn phần lớn nhạc phim của ta - nhất là mảng phim truyền hình - nhiều năm qua rơi vào tình trạng: Tham lam, tuỳ tiện, gây cảm giác nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, chỉ để “vui tai” (thực chất là “khổ tai”).
Vậy nhạc phim nên định hướng thế nào? Theo tôi hãy quy vào: Tình huống và tính cách. Nhạc tình huống là nhạc gây không khí, gợi ý người xem lĩnh hội đầy đủ nội dung của những tình huống bằng âm nhạc. Tình huống có cảnh và người. Cảnh gồm cảnh tĩnh và động, còn con người thì đủ mọi trạng thái tâm lý với rất nhiều mối quan hệ. Lâu nay, chúng ta vẫn thiên về lối làm nhạc tình huống này, nhưng lại quên mất nguyên tắc: Chỉ để âm nhạc xuất hiện khi bản thân ngôn ngữ hình ảnh chưa nói hết được ý tứ văn học. Rất nhiều khi nhạc sĩ đã cho âm nhạc hiện diện ở những tình huống mà hình ảnh bản thân nó đã diễn tả được thấu đáo.
Ví dụ: Một chiếc ô-tô phóng rất nhanh (nhạc dồn dập) bỗng đâm chết một người trên đường. Tiếng phanh “kít” nghe chát chúa. Không kịp. Cận cảnh: Bánh xe chồm lên, rồi đầu óc nạn nhân bê bết máu. Âm nhạc lại rú lên rùng rợn. Trong tình huống này, nhạc vang lên để làm gì?
Nhưng một trường hợp khác: Một phụ nữ sống bất hạnh nên đã ngoại tình. Trong một đêm người tình về đưa nàng đi theo. Đi với người yêu là đổi đời, ở lại với chồng thì cực nhọc. Nhưng nàng còn đứa con thơ dại. Nàng dùng dằng, lưỡng lự, đấu tranh tư tưởng, cắn rứt, dày vò lương tâm. Người tình không thể chờ lâu thêm. Tình thế bắt buộc nàng phải nhanh chóng quyết định. Trong lòng người phụ nữ là một cơn giông bão. Lúc này rất cần sự xuất hiện của âm nhạc. Một nét nhạc giằng xé, day dứt sẽ rất có hiệu quả.
Tôi đã xem phim “Ơ-giê-ni Grăng-đê” từ lâu lắm, nhưng đến nay vẫn còn nhớ một đoạn được nhạc sĩ xử lý rất “đắt”: Cảnh Ơ-giê-ni ra vườn mong nhớ Sác-lơ. Những chiếc lá vàng đã rụng xuống như muốn biểu hiện tình yêu tuyệt vọng, vô nghĩa của một người con gái trong trắng theo đuổi một gã đàn ông “trai lơ”, không hề có tình yêu mà chỉ lợi dụng nàng để trục lợi. Nhưng nàng đâu có biết điều đó. Khi nàng ra ngồi thẫn thờ ngoài vườn, tiếng đàn vi-ô-lông-xen vang lên, kết hợp với âm sắc của chiếc kèn bát-sông gây cảm giác rõ nét về sự khờ dại, vô nghĩa trong niềm mong nhớ đau khổ của người con gái. Ở trường hợp trên, âm nhạc giúp ích rất nhiều cho người xem hiểu về tâm trạng nhân vật.
Bao giờ khán giả cũng đón chờ những bộ phim hay có sự đóng góp đích đáng của phần âm nhạc giàu hiệu quả.
Một cách làm tuy chưa được nhiều nhạc sĩ Việt Nam sử dụng nhưng tỏ ra có hiệu quả tốt, đó là nhạc tính cách. Gắn với một vài nhân vật chính mang những tính cách đậm đà, độc đáo trong phim là những chủ đề âm nhạc cố định. Cứ mỗi lần nhân vật xuất hiện ở những tình huống cần nhạc thì đường nét ấy lại vang lên với diễn tấu của những nhạc cụ khác nhau. Và người xem có thể nhớ được chủ đề âm nhạc ấy khi xem phim. Những bộ phim dạng như “Thằng Bờm”, “Thằng Cuội” rất phù hợp với cách làm nhạc này vì Bờm và Cuội là những tính cách khá độc đáo, có đất rất tốt cho việc tạo nên những chủ đề âm nhạc thú vị, phù hợp với những tính cách đó.
Ở một số phim, nhất là miêu tả chuyện tình cảm động hoặc có nội dung giàu chất trữ tình có thể xuất hiện một bài hát, nhưng phải thật “đắt” và quan trọng hơn là phải rất phù hợp với bộ phim. Và tốt nhất là để âm nhạc phát triển từ chính chủ đề bài hát ấy. Đã có nhiều bài hát tiêu biểu thuộc trường hợp này: “Bài ca không quên” (Phạm Minh Tuấn), “Hoa sữa” (Hồng Đăng), “Chị tôi” (Trọng Đài), “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” (Huy Du), “Trên những nẻo đường phù sa” (Bảo Phúc), “Bài ca trong hang đá” (Nguyễn Văn Thương)…
Hiện nay, rất ít phim gây được ấn tượng về âm nhạc. Phải chăng trong sự hạn chế của chất lượng nhiều bộ phim hiện nay, có đóng góp của người làm nhạc? Những đoạn nhạc vụn vặt, mờ nhạt về ý đồ, dễ dãi về ngôn ngữ được xuất hiện khá tuỳ tiện. Thấy rằng có thể nhặt nhạc ở phim này đưa vào phim khác cũng chẳng sao, vì đều “vô thưởng vô phạt”.
Một tình trạng khá phổ biến ở nhiều người làm nhạc là tham lam, ôm đồm, sử dụng nhạc quá nhiều trong khi đoạn phim ấy hoàn toàn không cần thiết phải có âm nhạc. Có lúc còn gây cho người xem phim sự khó chịu, vì nhạc đã át hết lời thoại của nhân vật. Sự xuất hiện bài hát ở nhiều phim cũng rất ít hiệu quả, nếu không nói là khiên cưỡng.
Lại có những phim có hiện tượng như sau: Bài hát vốn dĩ nhạt nhẽo nhưng vì dài, lại muốn cho vang lên lần nữa ở cuối phim nên đạo diễn buộc phải xử lý kéo dài thêm vài phút bằng cách cho màn chữ chạy tên các thành phần làm phim rất chậm, có khi cách xa nhau để chờ cho hết bài hát, gây sự lãng phí không cần thiết. Tất nhiên điều này ít khán giả để ý.
Có lẽ sẽ không thừa để xin lưu ý các nhạc sĩ cộng tác với các đạo diễn phim là: Nhạc phim - trong đó có thể có bài hát - dù hay, được làm công phu đến mấy cũng là để phục vụ cho hiệu quả cuối cùng của tác phẩm điện ảnh. Chắc chắn cả đạo diễn lẫn nhạc sĩ chẳng mong muốn khi bộ phim thì quá dở mà bài hát thì lại hay (cái hay ở đây nhiều khi chỉ vì một ca sĩ có giọng hát xuất sắc nào đó tạo nên).
Tôi cho rằng chỉ những phim giàu tính văn học, không nhiều nhân vật mới khả dĩ gợi ý sự xuất hiện của bài hát trong phim. Bài hát ấy góp phần gợi mở thêm cảm xúc, khả năng liên tưởng cho người xem. Nhìn vào thực tế phim Việt Nam hiện nay, những tác phẩm đạt được điều đó còn quá ít. Chất văn học nghèo nàn , những tư tưởng chưa lớn lao, sâu sắc của phim mà người làm nhạc cứ cố tạo ra bài hát thì sự khiên cưỡng là điều khó tránh.
Nếu cứ làm nhạc cho phim có chất lượng như hiện nay thì nên trở lại vấn đề đặt ra ban đầu: Không cần có nhạc trong phim, mà thay vì sử dụng tiếng động còn hiệu quả hơn, lại đỡ tốn kém về tài chính. Bởi như đã nói, quá nhiều phim có nội dung vụn vặt, ít tạo dựng được những số phận, mảnh đời sâu sắc. Tính trữ tình, triết lý ít mà tính ký sự nhiều. Tình trạng này thấy rõ nhất ở mảng phim truyền hình. Nhiều phim loại này có lẽ chỉ nên gọi là câu chuyện truyền hình. Vậy nên cũng khó có thể đầu tư nhiều cho phần âm nhạc.
Nhạc cho phim hiện nay liệu có cần? Xin được nhắc lại là: Rất cần khi phim có kịch bản hay, đạo diễn giỏi, giàu chất văn học. Ngược lại chỉ là việc tốn kém, vô bổ, làm mệt tai người xem. Nhưng bao giờ khán giả cũng đón chờ những bộ phim hay có sự đóng góp đích đáng của phần âm nhạc giàu hiệu quả./.
Trước khi đến với thơ, nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên (1927 - 2013) học làm ca dao. Những bài ca dao cổ gợi cho ông nhiều...
Bình luận