Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trả lời câu hỏi về âm nhạc của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Tối 20/6, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt – Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Liên bang Nga. Cuộc gặp mặt có sự tham gia của khoảng gần 400 khách mời là những người đã từng có nhiều gắn bó, yêu mến đất nước, con người và văn hóa Nga. Tại đây, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc giao lưu, trò chuyện, giải đáp những câu hỏi của một số cựu sinh viên Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và Nga trong bầu không khí gần gũi, cởi mở và thân mật.

Trong phần giao lưu, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã vinh dự đặt câu hỏi cho Tổng thống Nga Putin.

Là một sinh viên và sau đó là nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Matxcơva, Liên bang Nga, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã đặt câu hỏi cho Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin về âm nhạc và mong muốn ông Putin đưa ra quan điểm về âm nhạc nói riêng, cũng như vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong đời sống của mỗi dân tộc.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trả lời câu hỏi về âm nhạc của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - 1

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đặt câu hỏi cho Tổng thống Nga Putin. Ảnh: NVCC

Tổng thống Putin cho biết, trước khi rời lãnh thổ Liên Bang Nga để đến Triều Tiên và sau đó là Việt Nam, ông đã ở Iakuti, đây là một khu vực rất rộng lớn của Liên Bang Nga.

Theo Tổng thống Vladimir Putin: “Ở đây, vào đầu những năm 2000, một trường âm nhạc dành cho trẻ em đã được tổ chức, hơn nữa nơi đây còn tập hợp những đứa trẻ tài năng từ khắp các nước cộng hòa đến và học âm nhạc ở đó. Lúc đầu, họ học âm nhạc chuyên biệt tại đây và sau đó được chuyển đến nhạc viện âm nhạc cao cấp, đây là cách các nhạc sĩ được đào tạo”.

“Đối với âm nhạc, tôi muốn nói điều tương tự như tôi nói ở Iakuti, suy cho cùng, đây là một nghệ thuật có thể không gắn liền với ngôn từ, hoặc bằng văn bản, nó chỉ đơn giản là liên quan đến âm thanh. Sự thâm nhập kỳ diệu của âm thanh trực tiếp vào trái tim mà không cần bất kỳ sự đệm bằng ngôn ngữ nào là vô cùng quan trọng, nó mang mọi người lại với nhau.

Trong âm nhạc, bạn không cần biết ngoại ngữ, bạn chỉ cần có khiếu thẩm mỹ, theo nghĩa này, âm nhạc là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn mang tính quốc tế, gắn kết các dân tộc và đây chính là sức mạnh to lớn của nó. Tôi ghen tị với bạn, ghen tị với các bạn, vì các bạn đã cống hiến một phần của cuộc đời mình cho việc này”, Tổng thống Putin chia sẻ.

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đặt một câu hỏi khác liên quan đến việc giáo dục truyền thống lịch sử cho giới trẻ. Ông nói: “Nước Nga cũng như Việt Nam đều có truyền thống lịch sử hào hùng, đây là những truyền thống rất tốt đẹp và chúng ta tự hào về điều đó. Xin cho chúng tôi biết quan điểm của ông về việc tổ chức giáo dục truyền thống lịch sử cho giới trẻ ở Nga ngày nay”?

Tổng thống Nga Putin trả lời: “Ở các nước hiện nay, công tác thanh niên đều phát triển bằng cách này hay cách khác, trước hết cần chú ý rằng công việc này rất hiện đại, nó không nên được diễn ra nhàm chán và không hiệu quả, quan trọng nhất là nó không được mang tính hình thức, bởi vì khi những người trẻ cảm thấy chủ nghĩa hình thức, công việc này sẽ mất đi ý nghĩa ngay lập tức. Đặc biệt là trong thế giới hiện đại, việc kết nối với internet, quyền truy cập trở nên phổ biến thì chỉ có một cách duy nhất để khắc phục xu hướng tiêu cực gắn liền với điều này đó là trở nên thuyết phục hơn trong lĩnh vực thông tin”.

Theo ông Putin, đối với các dân tộc thuộc Liên Xô cũ, đối với nước Nga ngày nay và đối với Việt Nam, những cơ hội đó có được chính là nhờ những tấm gương yêu nước và chủ nghĩa anh hùng nổi bật. Đối với nhân dân Việt Nam là việc gắn liền với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân chủ, chủ quyền của mình vì sự thống nhất đất nước. Đây là điều cần để giáo dục thế hệ trẻ nhưng điều này phải được thực hiện một cách trang nhã, hiện đại, sử dụng bằng những phương pháp có hiệu quả.

Tổng thống Nga Putin cho biết: “Ở nước Nga hiện nay, chúng tôi đã tạo ra phong trào cho thanh niên và trẻ em gắn với nền giáo dục yêu nước, ngoài ra còn có những phương pháp khác nhưng công việc này nên được bắt đầu càng sớm thì càng tốt. Điều quan trọng nhất là mọi thứ đều phải xuất phát từ gia đình, vì vậy, nhiệm vụ của nhà nước là hỗ trợ cho các gia đình về mặt này. Nếu không đạt được điều đó, thì không thể thực hiện được ở cấp hành chính chính thức. Theo tôi, cần hiểu rõ tất cả những thành phần của công tác giáo dục, chúng ta cần tổ chức công việc theo cách hiện đại, công việc này mỗi ngày phải thay đổi, bởi vì cuộc sống thay đổi mỗi ngày, khi đó thành công chắc chắn sẽ đến với chúng ta”.

Tại buổi gặp gỡ, các khách mời cũng đã có những chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước; trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính phủ hai nước để nhân dân hai nước thêm hiểu nhau. Trao đổi với hai nhà lãnh đạo về những định hướng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhiều vấn đề khác. Đồng thời, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, gắn kết giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga.

PV

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thế giới học đường” trước năm 1945 qua ngòi bút của Tô Hoài

“Thế giới học đường” trước năm 1945 qua ngòi bút của Tô Hoài

“Mực tàu giấy bản” là tập truyện sinh hoạt với nhân vật chính là trẻ em, đời sống và thế giới tinh thần của các em. Sau gần một thế kỉ, đọc lại, những trang miêu tả chân thực, chi tiết giàu hình ảnh của nhà văn Tô Hoài là những tài liệu xác tín cho chúng ta muốn tìm hiểu về đời sống trẻ em, về giáo dục truyền thống của Việt Nam một thời tuy chưa xa nhưng đã nhòe nét.