Ăn tết ở quê chồng

Từ lúc lấy chồng, tôi được biết thế nào là làng quê, biết thế nào là Tết ở quê thực sự!

Quê chồng tôi nằm bên bờ sông Hồng thuộc đất Lý Nhân, Hà Nam, cách Hà Nội chưa đầy một trăm cây số, nhưng vẫn giữ được những nét yên bình của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thuở xưa. Lối sống hiện đại, văn minh đô thị ồn ào từ Hà Nội và các thành phố xung quanh như Phủ Lý, Hưng Yên, Nam Định không phá vỡ được những lề lối, tập tục truyền thống tốt đẹp của làng quê từ cha ông để lại. Tết Nguyên đán ở làng quê thể hiện rõ nhất nét đẹp cổ truyền dân tộc còn giữ mãi đến giờ.

Ông bà bên chồng tôi có sáu người con, đều công tác ở xa và lập gia đình riêng tận Hải Phòng, Tuyên Quang, Hà Giang… Theo thông lệ, cứ 27, 28 Tết, bằng mọi cách, tất cả các cô các chú cùng con cháu kéo về ăn tất niên và chúc Tết ông bà, rồi lại đi ngay. Ai cũng phải về lo Tết của cơ quan và gia đình của riêng mình. Ông nội của chồng tôi là nhà giáo trường làng, là trưởng tộc, chồng tôi cũng sẽ nối cha làm trưởng tộc tương lai.

Ăn tết ở quê chồng - 1

Ảnh minh họa

Với vai trò ấy, năm nào vợ chồng tôi cũng về quê ăn Tết cùng với ông bà nội, vì ba chồng tôi thường xuyên ở nước ngoài, thỉnh thoảng về nước không trùng vào dịp Tết. Giờ đây ông bà đã mất, ba mẹ chồng tôi lại về quê thay ông bà trông giữ ngôi nhà tổ tiên để lại. Các cô chú và vợ chồng chúng tôi vẫn giữ nếp truyền thống về quê dịp Tết để dâng hương cúng tổ tiên. Ngôi nhà xưa của ông bà là linh hồn quy tụ con cháu, dù đi xa ở đâu cũng luôn hướng về nguồn cội.

Tôi sinh ra ở thành phố. Tiếng là dâu trưởng, nhưng chẳng phải vất vả gì trong chuyện lo cho ngày Tết. Chỉ cần mua ít bánh mứt, hoa quả, chai rượu từ Hà Nội đem về. Gà lợn, rau củ ở quê ông bà đã chuẩn bị sẵn. Giờ đến lượt ba mẹ chồng tôi chuẩn bị. Mẹ chồng tôi cũng gốc người thành phố, nhưng gói bánh chưng rất thạo. Mặc dù bây giờ bánh chưng có thể đặt qua dịch vụ nhưng bà vẫn giữ lệ tự gói. Bà gói tay, chẳng cần khuôn gỗ, thế mà cái bánh nào cũng vuông vắn, đầy đặn. Nguyên liệu chuẩn bị từ chiều hôm trước. Nhà tôi có lệ, sáng sớm ngày 30 Tết mới gói bánh chưng, muộn hơn các nhà trong xóm.

Tôi chỉ có mỗi việc là trông nồi bánh, thỉnh thoảng thấy cạn nước thì đổ thêm vào. Vừa trông vừa đợi giao thừa. Trong cái se se lạnh ngày cuối cùng của năm, được ngồi bên bếp củi rực hồng, nhìn mọi người trong gia đình người nào việc ấy lo Tết, thấy vui và ấm cúng. Lúc luộc bánh, thể nào trong nồi cũng có một vài chiếc nhỏ xíu xinh xinh giành riêng cho các con tôi, chắt nội của ông bà.

Ăn tết ở quê chồng - 2

Ảnh minh họa

Nghe ông nội chồng tôi kể, thời còn chưa cấm đốt pháo đùng và pháo tép, nhà nào nghèo nhất cũng phải cố sắm một bánh pháo. Chồng tôi là cháu đích tôn, mới 5 tuổi đã được ông bà giao cho nhiệm vụ châm đốt bánh pháo lúc giao thừa. Nghe pháo nổ đoán vận nhà. Cả đất trời sáng rực vì cả làng cùng đốt pháo. Ở quê, đất trời rộng và thoáng hơn ở thành phố, nghe pháo nổ thấy vang xa hơn, nhìn pháo sáng thấy đẹp và lung linh hơn, háo hức hơn. Giờ đây chỉ còn được đốt pháo sáng, tiết kiệm và giữ được an toàn cho người dân. Không đốt pháo, vẫn rộn ràng không khí Tết.

Đúng giao thừa, ông bà châm hương cúng đất trời đất ở cái bàn đặt giữa sân. Ông bà bảo giờ này là lúc các thần cai quản năm cũ chuyển giao trách nhiệm cho các thần cai quản năm mới. Khi ông bà mất, ba mẹ chồng tôi vẫn tiếp tục giữ lệ này. Cúng giao thừa xong, vợ chồng tôi kéo nhau đi lễ đền. Ngôi đền nhỏ ở giữa xóm, thờ thần linh thổ địa.

Khi chúng tôi đến đền, đã thấy nhiều bà con trong làng đang thắp hương làm lễ. Chúng tôi cầu cho gia tộc mạnh khỏe, bình an, làm ăn tấn tới, phát tài phát lộc, con cái học giỏi và ngoan ngoãn. Lễ xong, chúng tôi trở về xông đất cho ông bà. Ở nhà, tiệc bánh kẹo đã bày sẵn, ông bà rót rượu cho tất cả mọi người, kể cả các cháu không biết uống cũng được phép nâng cốc chúc mừng năm mới. Chúng tôi đã sắm sẵn những bao lì xì màu hồng mừng tuổi ông bà, ba mẹ và các con. Ngược lại, ông bà, ba mẹ cũng mừng tuổi lại cho chúng tôi với số tiền rất tượng trưng để lấy may…

Ăn tết ở quê chồng - 3

Ảnh minh họa

Ở quê, có những Tết buổi sáng sương mù, đất trời mờ ảo. Ông nội chồng tôi trồng cây đào từ bao giờ không rõ. Cũng không hiểu ông chăm sóc, điều chỉnh chế độ chăm bón như thế nào, mà cứ đúng trước Tết dăm ngày, hoa đào nở đều. Vừa có những cánh hoa nở rộ, lại vừa có những nụ còn chúm chím, ra ngoài Tết lại tiếp tục xòe hoa. Ông bảo cứ để hoa nở tự nhiên, không cắt cành mang vào nhà, cho đẹp cả không gian chung. Vì thế, cứ mỗi sáng, mở cửa ra là thấy những cành hoa đào trước nhà nở trong sương sớm, cánh hoa điểm những giọt sương thật đẹp.  

Sáng mồng một, trời se se lạnh, mưa phùn lất phất. Ông nội chúng tôi dậy sớm, thắp hương đầu năm, ngồi uống trà. Cả ngày ông không đi đâu, ngồi trực ở nhà vì là trưởng tộc. Ngày mồng hai, ông bà mới xuất hành đi chúc tết mọi người. Các ông bà, chú bác, con cháu trong họ mang lễ đến nhà tôi thắp hương cho tổ tiên. Lễ có khi là một hai đồng bánh chưng nhà tự gói, hoặc hộp bánh kẹo, cút rượu nhỏ, lá trầu, quả cau và nén hương…

Các cháu nhỏ đi theo ông bà, cha mẹ ngày Tết, bao giờ cũng được “mừng tuổi”. Trẻ con rất háo hức khi được bao “lì xì”. Nhiều đứa không nhịn được tò mò, nhận bao lì xì xong, liền mở ngay để xem được bao nhiêu tiền, rồi khoe nhau. Ngày xưa chỉ 5 xu hoặc 1 hào.  Bây giờ thường chỉ một hai chục, có khi năm chục, tùy theo quan hệ thân thiết. Có điều, con cháu trong họ ở quê đông, cho nên tổng số tiền lì xì trong dịp Tết cũng không ít.

Ngày Tết, chúng tôi nhận nhiệm vụ thay mặt ông bà, ba mẹ đi lễ Tết ở nhà thờ họ nội ngoại, tết các ông bà chú bác trong họ. Có đi mới thấy không khí Tết quê thật rộn ràng. Nhớ những năm đầu 2000 ngày xưa, chúng tôi đi chúc Tết thường là đi bộ, vì đường làng là đường đất, năm nào có mưa nhiều là đường sống trâu nhão nhoét, trơn trượt, đi xe đạp không khéo là ngã oạch. Mới có hai chục năm mà giờ khác hẳn. Nhìn những người ở quê giờ ăn mặc đẹp, nhìn đường làng trải bê tông nhộn nhịp xe đạp, xe máy, thậm chí có cả ô tô của người đi chúc Tết, biết cuộc Nhờ những cuộc theo chồng về quê ăn Tết, tôi thêm hiểu biết về làng quê, thêm gắn bó với họ hàng, với quê hương dòng tộc. Dầu cuộc sống có thay đổi, dầu có đi xa chân trời góc bể, nhưng mỗi khi Tết đến, mọi người lại hướng về quê hương nguồn cội, trở về để xum họp gia đình, dòng họ. Có một thời, đã có những ý kiến đề xuất gộp Tết Âm lịch vào với Tết Dương lịch theo trào lưu của thế giới để đỡ tốn kém lãng phí, nhưng đề xuất ấy không được đại chúng đồng tình, bởi truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán cổ truyền đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Việt Nam.

Trần Hà Ngân

Quê hương tôi
Quê hương tôi

Con người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để quay về, nơi ấy chính là quê hương.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.