Chuyện làng Văn nghệ: Lên Mường Khương, nâng chén cùng Nhà thơ Pờ Sảo Mìn

Nhân dịp Tết Bính Thân 2016, thực hiện Chương trình "Xuân biên giới - Tết hải đảo" do Trung ương Đoàn phát động, tôi tham gia Đoàn công tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh do Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu lên thăm, tặng quà, chúc Tết cán bộ, đoàn viên và nhân dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Thật tình cờ, ngay tại Thị trấn Mường Khương, tôi đã gặp và nâng chén rượu nồng chào Xuân cùng Nhà thơ Pờ Sảo Mìn tác giả bài thơ “Cây hai ngàn lá” nổi tiếng.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn dáng người thấp nhỏ, xúng xính trong bộ quần áo nâu rộng thùng thình, vai đeo túi vải, thò ra chai rượu và dăm tờ báo Tết. Kéo tôi ngồi xuống chiếc bàn nhỏ kê ở góc nhà, trên đầu treo lủng lẳng những bắp ngô bên tường, ông chia sẻ: Mình cũng nhiều lần có thơ in Báo Tiền Phong. Tiếc là gần đây mình không có thơ in trên tờ báo của tuổi trẻ. Cầm tờ báo Xuân tôi tặng, ông lật giở xem qua từng trang, nét mặt thoáng buồn:

- Báo có nhiều hình gái đẹp thế này lại có hoa đào, hoa mai khoe sắc, thấy trang thơ có những bạn thơ: Nguyễn Hoàng Sơn, Phan Cung Việt, Dương Kỳ Anh… mà lại thiếu Pờ Sảo Mìn, mình buồn lắm đấy. Lâu nay ít làm thơ nhưng sang năm phải về nhiều bản, sống nhiều với bà con dân tộc Pa Dí để có thơ gửi in báo Tiền Phong chứ!

Chuyện làng Văn nghệ: Lên Mường Khương, nâng chén cùng Nhà thơ Pờ Sảo Mìn - 1

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn trình bày bài thơ “Con trai người Pa Dí” do ông sáng tác vào đêm thơ Ngày thơ Việt Nam năm 2024.

Nhà thơ đưa một chén rượu thơm mùi men lá rừng nhâm nhi, mắt mơ màng nhìn về dãy núi mờ xa, tâm sự:

- Sáng nay xuống chợ sắm Tết, thấy nồi thắng cố thơm nức, mình đã vào chén một bát, uống nửa chai rượu vợ rót mang theo. Tết về chợ đông vui quá!

Trong men rượu nồng, chếnh choáng say, thấy tôi nhắc tới bài thơ Cây hai ngàn lá, ông lấy cái khăn vải trong túi áo, lau mấy giọt rượu còn vương trên môi, giọng ông nhỏ nhẹ: 

“Dân tôi chỉ có hai ngàn người

Như cái cây hai ngàn chiếc lá

Ai nuôi ai cái rễ cái cây

Ai yêu ai trong tình yêu thầm lặng

Cái tình yêu bé nhỏ trong cây

Rễ nuôi lá, lá nuôi cây cùng lớn…”

Bài thơ này tôi đã đọc nhiều lời bình nhưng gần đây, tôi rất tâm đắc nhận xét của Nhà báo Thái Sinh về thơ Pờ Sảo Mìn (xin trích nguyên văn):

… Đó là lời mở đầu của bài thơ "Cây hai ngàn lá", Pờ Sảo Mìn đã tự hoạ và ví dân tộc Pa Dí của mình chỉ hai ngàn người giống như cái cây có hai ngàn chiếc lá trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Một cây đứng trong muôn rừng cây đứng". Một cái cây nhỏ nhoi trong muôn rừng cây, nhưng không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. "Muốn hiểu ta đã qua bao chịu đựng - Thì cây ơi! Ta sẽ hát đời mình". Hay Pờ Sảo Mìn tự họa về dân tộc mình với những đường nét chắc khỏe: "Dáng trai trần trong mặt trời nắng cháy - Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày - Con gái đẹp trong giá buốt đông sang - Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng". Hoặc là hình ảnh một dân tộc cần cù chịu khó như cây rừng kiên gan bám đất để chống chọi lại với giông bão, giá rét, mưa sa nơi khí hậu miền núi cao đầy khắc nghiệt: "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Biết gọi gió, gọi mưa, gọi nắng - Chặn suối ngăn sông, bắt nước ngược dòng"…

Đó là những chàng trai ép đá xanh thành rượu, khi Tổ quốc gọi họ lên đường ra mặt trận: "Bản nhỏ tôi chỉ có năm nhà" nhưng lại có sáu người con trai ra mặt trận "Ra chiến trường cứ như đám cưới - Ba ngày uống rượu mừng - Say nghiêng rừng, nghiêng núi - Bảy ngày uống rượu vui - Say nghiêng đất nghiêng trời". Chiến tranh kết thúc cả sáu người không trở về khiến "Sáu gái xinh chờ mòn chân thang", "Hôm qua bản săn được thú núi - Chia đều cho năm nhà - Có cả sáu phần người ra trận" (Chim mi)...

Tôi nhận ra có nhiều điểm tương đồng giữa Pờ Sảo Mìn với Nhà thơ Rasul Gamzatov, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hòa tự trị Daghestan, thuộc Liên bang Nga. Ông sinh ngày 8/9/1923 tại Làng Cada, Quận Khunzakhsky, Dagestan, mất ngày 3/11/2003 tại Moscow. Cha của ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Daghestan. Ông làm thơ từ khi 11 tuổi và được nhận giải thưởng Stalin vào năm 29 tuổi. Từng là giáo viên và từng theo học tại Trường Viết văn Gorki khoá 1945 - 1950. Ông bắt đầu in thơ của mình từ năm 1937. 

Tôi mãi nhớ khi học về Văn học Nga - Xô viết trong trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, tôi đã mua và đọc nhiều lần cuốn Daghestan của tôi của Rasul Gamzatov. Các thầy dạy Văn học Nga cho chúng tôi, nhận xét: Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Rasul Gamzatov là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Daghextan. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Daghextan xa xôi mà gần gũi …

Nếu như có ngàn người trên thế giới

Luôn sẵn sàng mai mối để cưới em,

Em hãy nhớ, trong một ngàn người ấy

Cũng có anh – Gamzatov Rasul.

Nếu một trăm người máu nóng trào tim

Đã từ lâu bị em làm mê đắm,

Trong số ấy, chẳng khó gì để nhận

Chàng Rasul nói đặc giọng thổ dân.

(Trích trong bài thơ Nếu như có ngàn người yêu em)

…Nhà thơ Pờ Sảo Mìn lục trong túi vải lấy ra cái giò lợn bọc trong túi nilon khoe:

- Sáng nay xuống chợ mua cho vợ quà đây. Nhà mình thích cái món giò lợn nấu măng lắm. Ở với nhau cả đời mà cũng chẳng mấy ngày được chăm sóc nhau. Làm thêm một chén rượu đấy, ông ngâm nga bài thơ Vợ tôi

Vợ tôi

Cũng đã qua một thời con gái

Tóc dài như suối, mắt sáng như sao

Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào

Náo nức lòng tôi

Vợ ơi

Em như con ong kiếm mật xây tổ

Lo nuôi con thương chồng đi xa

Có một thời cơ cực vất vả

Có một thời tháng năm nghiệt ngã

Qua rồi

Thế thôi…

Tôi thấy khóe mắt nhăn nheo của ông thoáng ướt. Ông nhớ vợ, thương vợ vất vả vì ông. Tôi chia  tay ông để lên đồn biên phòng Pha Long. Bóng ông khuất dần sau đỉnh dốc. Chiếc túi vải có cái giò lợn vắt vẻo bên vai…

Sinh vào lúc nửa đêm ngày 1/1/1946 tại thôn Na Khui, xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai dưới chân rừng cấm Cốc Chứ, cái tên Pờ Sảo Mìn dịch từ tiếng Pa Dí có nghĩa là Bạch Thiếu Minh. Ngoài ra cha mẹ còn gọi anh với những cái tên khác: Pờ Seo Cáo nghĩa là Bạch Tiểu Cao, Pờ Seo Mả nghĩa là Bạch Tiểu Mã.

Pờ Sảo Mìn tự nhận: "Tôi chỉ là con gà rừng - Trên triền núi cao hoang vu - Uống sương mù và ăn sỏi đá - và tiếng gáy chẳng còn ai xa lạ - Te..te...te...". Đó là tiếng hát của rừng xanh được kết tinh từ một nền văn hóa đa dân tộc, mà anh là đại diện ưu tú của dân tộc Pa Dí.

Không biết cái tên Bạch Tiểu Mã có vận vào đời anh hay không, nhưng theo lời anh kể, năm 1958 nghĩa là khi ấy mới 12 tuổi anh được chọn làm người giám mã, trông ngựa cho UBND huyện Mường Khương và làm liên lạc đưa thư từ, công văn tới các thôn làng. Bạch Tiểu Mã cưỡi trên lưng con ngựa lông hung hung đỏ phóng như bay trên các sườn núi gập ghềnh đèo dốc, qua những rừng cây rậm rạp để mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới các thôn làng. Thật khó mà tưởng tượng nổi nếu không có sự đào tạo của Đảng, Nhà nước thì khó có một Pờ Sảo Mìn từ một người chăn ngựa, làm liên lạc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh bảo: Đó là con đường đầy gian khó mà tôi đã phấn đấu suốt cả đời mình. (Theo Nhà báo Thái Sinh)

Trung Hiền

Bông pằng nảng mang theo
Bông pằng nảng mang theo

Những ngày cuối xuân, núi rừng Tây Bắc bạt ngàn sắc trắng hồng của những đoá ban và những bông hoa đào nở muộn, còn...

Tin liên quan

Tin mới nhất

3 chòm sao cực tỉnh táo, những lời mật ngọt cũng không thể đánh lừa

3 chòm sao cực tỉnh táo, những lời mật ngọt cũng không thể đánh lừa

Những người thuộc 3 chòm sao này nổi tiếng với sự rõ ràng và lý trí. Họ dường như sinh ra đã có khả năng thấu hiểu đặc biệt, có thể nhìn thấu bản chất thông qua hiện tượng và không bị lừa bởi những lời nói ngọt ngào hời hợt. Họ sống tỉnh táo, được lý trí dẫn dắt và trung thành với sự thật bên trong cùng sự độc lập của mình.

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Bầy thỏ nhút nhát giật mình khi nghe tiếng nước bắn tung tóe, nhưng khi chúng nhìn thấy lũ ếch lặn sâu xuống đáy hồ,...