Đất anh hùng, người anh hùng

Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của nhân dân ta, Quảng Bình là một tỉnh trong rất nhiều tỉnh được Nhà nước khen tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà nhân dân ở đây quen gọi nôm na là “Tỉnh Anh Hùng” và người ta hiểu rằng ở nơi đây, người dân đã kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm để làm nên tên tuổi cho mảnh đất quê hương.

Đất anh hùng, người anh hùng - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967. (Nguồn: TTXVN)

Mãi đến khi Quảng Bình bước vào cuộc chiến thứ hai - cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tôi mới được tòa soạn phân công vào đây thường trú. Đó là vào đầu năm 1965. Thời điểm đó, phóng viên đi từ Hà Nội vào “tuyến lửa” nếu không đi nhờ được xe của cơ quan hoặc các đoàn vận tải, thì chỉ có cách đi xe đạp. Lúc đó, các cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, Vương, Cun... đã bị đánh hỏng. Tàu khách không chạy nữa. Các cây cầu đảm bảo giao thông chỉ cho những đoàn tàu chở hàng đi và tăng bo từng quãng.

Tôi rong ruổi đạp xe, ngày đi, đêm nghỉ và tránh các trọng điểm cầu phà. Sức trẻ cộng với sự hăm hở đi vào vùng đất mới, mỗi ngày cũng cố vượt được non trăm km. Cơm ăn nấu nhờ đồng bào và các đơn vị giao thông ven đường. Thế mà càng đi càng thấy khoẻ. Dọc đường lại được thấy “không khí chiến trận” cũng mỗi lúc một tăng cao, như nóng hơn khi vào gần tuyến lửa. Chạy xe đạp đường trường cũng là một cái hay, gần như đường lớn và đường ngang trong vùng “Khu Bốn cũ” tôi đã nhập tâm trong chuyến đi ban đầu đó.

Đúng buổi chiều ngày thứ năm kể từ khi rời Hà Nội, tôi tới đỉnh đèo Ngang, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một khung cảnh thật huyền diệu hiện ra trước mặt: dẫy núi Hoành Sơn xanh biếc, bầu trời quang đãng có chút mây mang ánh vàng của buổi hoàng hôn, mặt biển hơi sẫm lại càng làm bật lên màu trắng của các ngọn sóng không ngừng xô vào bờ đá dưới chân đèo. Vẫn còn đang là mùa xuân, cảnh vật ở đây trời nước và núi khoe ra tất cả vẻ đẹp thanh bình của một vùng đất còn khá hoang sơ.

Đứng trên đỉnh đèo nhìn về hướng Đông, Mũi Chùa như một ngọn bút chấm xuống nghiên mực, phía trước ngọn bút là đảo Yến và Hòn La. Còn nhìn chếch về hướng Nam, mặt đất dốc dần ra xa đến mãi bờ con sông Loan (con sông có chiếc cầu Ròon trên quốc lộ 1A).

Từ từ thả xe chạy xuống dốc, tôi dự định tối nay sẽ nghỉ cung đường này, mai vô Đồng Hới. Vừa đạp xe tôi vừa nghĩ tới bài thơ Người du kích sông Loan của nhà thơ Xuân Hoàng, ông kể lại về sự tích anh hùng của nhân dân làng Cảnh Dương ngay bên cầu Ròon, bên cửa sông Loan, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp kiên cường lập làng kháng chiến, không cho giặc có cơ hội đánh chiếm làng dù chỉ một ngày. Làng Cảnh Dương vẫn còn đó, mái ngói lô xô. Thế nào tôi cũng tìm được cơ hội đến thăm ngôi làng nổi tiếng đó trong dịp tôi thường trú ở đây.

Thế là từ buổi chiều mùa xuân đó, tôi gắn bó với đất Quảng Bình trong suốt mấy năm đầu đánh Mỹ. Đó cũng là cái duyên may mà toà soạn đã dành cho tôi với “con ngựa sắt” - chiếc xe đạp Thống Nhất nam màu xanh lá mạ “không chuông, không phanh, không gạc - đờ - bu” tôi bươn chải trên mảnh đất miền Trung nóng bỏng bom đạn này.

Tôi nói duyên may là nói thật, bởi vì khi đó rất nhiều anh chị em trong toà soạn muốn được có mặt nơi đây, để sống với người dân, với những công nhân và kỹ sư giao thông trong cuộc chiến bảo đảm giao thông với máy bay của không quân Mỹ.

Lúc đó, thị xã Đồng Hới hãy còn gần như nguyên vẹn. Một thị xã xinh xắn vùng cửa biển bên dòng sông Nhật Lệ. Có thể ví sự xinh xắn của Đồng Hới với thị xã Lạng Sơn ở miền núi. Mọi cái của thị xã sau gần 10 năm khôi phục sau kháng chiến chống Pháp hầu như còn nguyên: thành cổ với 4 cửa thành. Gần giáp với cửa Tây có một kiến trúc cổ, như một cổng thành mà người dân tự cố gọi là Quảng Bình Quan cổ kính. Các cơ quan của tỉnh đều được xây dựng ở bên ngoài thành bám theo bờ sông Nhật Lệ. Quốc lộ 1A chạy giữa lòng thành, xuyên từ cửa Bắc đến cửa Nam, khúc này được đặt tên là “Đường Võ Nguyên Giáp” (Ông quê ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, có lẽ vì thế mà tỉnh, không theo thông lệ, đã đặt tên phố khi ông vẫn còn sống?) và có một con đường ngang, cũng khá dài gần hết chiều ngang của thành, được đặt tên là đường Lâm Úy, một anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, người con của đất Quảng Bình.

Ty Giao thông ngày ấy cũng ở ven sông Nhật Lệ, ngoài thành, là một căn nhà hai tầng xinh xinh, chỉ vừa đủ chỗ cho gần hai chục cán bộ của Ty, kể cả trưởng, phó Ty. Sau khi giặc Mỹ đánh phá tan tành thị xã, thì tất cả cơ quan đều sơ tán lên Cổn, dãy đồi phía tây thị xã, ở nhờ nhà dân và dựng tạm các lán trại. Anh Nựu, Trưởng ty, lên công trường 050 mãi bên kia Mụ Giạ; anh Vọng, Phó Trưởng ty, đang chỉ huy mở đường chiến lược vượt Trường Sơn. Tỉnh đã cử anh Lại Văn Ly, Phó Chủ tịch tỉnh sang làm Trưởng ty Giao thông kiêm Trưởng ban Đảm bảo giao thông của tỉnh.

Ngoài mấy anh lãnh đạo, tôi còn may mắn gặp được mấy người bạn quen biết từ hồi cùng học ở trường trung cấp: anh Nguyễn Hữu Chí (lớp Đường bộ 7), anh Nguyễn Khắc Phê (lớp Đường bộ 8) và anh Đào Xuân Lãm, cán bộ kỹ thuật là cộng tác viên của báo từ lâu. Các anh giới thiệu với tôi về tình hình giao thông của Quảng Bình, tình hình tổ chức về đảm bảo giao thông, những trọng điểm dự kiến địch sẽ đánh phá... Sau này, anh Lãm bị mất sớm, tôi không còn gặp, nhưng anh Ly, anh Chí (sau này anh Chí làm đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh) anh Phê (sau khi hết chiến tranh anh rẽ sang viết văn chuyên nghiệp, rồi anh làm đến Tổng biên tập của Tạp chí Sông Hương, tờ tạp chí văn nghệ nổi tiếng của Thừa Thiên Huế) tôi còn được gặp nhiều lần khi các anh đã ở cương vị mới. Chúng tôi còn hàn huyên nhiều về những ngày nóng bỏng của miền đất anh hùng Quảng Bình.

Những ấn tượng ở Quảng Bình, lại không chỉ là những ký ức về những ngày lăn lộn làm nghề (phóng viên) ở đó, mà là về những con người của đất này. Hôm đầu tiên, nghe tin về người Cung trưởng cung đường Sen Thuỷ một mình nhặt hết hàng chục quả bom bi dứa máy bay giặc ném xuống cung đường, để đảm bảo an toàn cho những chuyến xe khách chạy từ Hồ Xá (Vĩnh Linh) về Đồng Hới, tôi vội lên đường đạp xe vào Sen Thuỷ.

Lãm bảo tôi: “Anh cứ đạp xe thẳng theo đường 1 mà đi, qua Quán Hầu rồi thì đi hết 4 xã dọc đường: Hồng Thuỷ, Thanh Thuỷ, Cam Thuỷ, Hưng Thuỷ qua dốc Huyện và cống Ba Cửa là tới Sen Thuỷ đó”.

Tôi vừa đi vừa nhẩm “Hồng - Thanh - Cam - Hưng - Sen, hết năm xã dọc đường 1 của huyện Lệ Thuỷ, là tới Hạ Cờ, chót của đất Quảng Bình giáp với Vĩnh Linh. Vừa qua cống Ba Cửa, lên con dốc nhỏ, ven rừng dương là cổng Cung đường Sen Thuỷ, cung 5. Võ Xuân Nở đã đón tôi niềm nở. Giới thiệu chủ khách xong xuôi, tôi kéo Nở ra rừng dương trước sân ven đường chụp một kiểu ảnh rồi vào nghe chuyện anh “phá bom”. Anh cười rất đỗi hiền lành: “Có chỉ mô anh? Mấy quả bom dứa hắn quẳng đầy đường, quả nổ, quả chưa, nằm vàng khè trên mặt đường đất đỏ. Mấy chiếc xe ca chở khách từ Vĩnh Linh ra (lúc đó xe vẫn chạy ban ngày) thấy bom liền tấp lại. Bản thân anh em tôi cũng có ai biết nó là thứ vũ khí gì đâu, nguy hiểm thế nào. Nhưng chả lẽ cứ để đó? Tôi liền đi dọc mặt đường nhặt từng quả một nhẹ nhàng mang tập trung vào một cái hố xa đường, ven rừng dương. Mặt đường sạch bom. Xe tiếp tục chạy. Sau này hỏi công binh, các ông ấy nói nó là bom sát thương, chúng tôi mới biết. Nếu mình ném mạnh, có thể nó nổ cũng gây thương vong...”.

Hành động giản dị của người công nhân bảo dưỡng đường những ngày đầu tiếp xúc với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chỉ có như thế. Nhưng nó sẽ là điểm xuất phát của tinh thần anh hùng đảm bảo giao thông của cả một thế hệ anh hùng trong chiến tranh.

Tôi vẫn giữ mãi tấm ảnh của Võ Xuân Nở và xin anh một chiếc vỏ của quả bom bi dứa mà các anh đã tháo kíp, moi hết thuốc về làm kỷ niệm.

Các anh lãnh đạo ở Ty, ở tỉnh nhất định báo cáo tấm gương của Nở với Bộ Giao thông. Và trong dịp Đại hội thi đua cuối năm 1966 đầu năm 1967, Võ Xuân Nở được tuyên dương Anh hùng cùng với những bạn bè anh của mảnh đất anh hùng Quảng Bình, mà tôi cũng được quen biết và viết bài về họ trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, trước lúc các anh chị ấy được nhân dân và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng.

Tôi gặp được Nguyễn Thị Kim Huế và tiểu đội 6 (A6) của cô ngay trên đoạn đường La Trọng, cách ngã ba Khe Ve chừng mười cây số, trên đường 12A lên Cha Lo Mụ Giạ. Huế là người huyện Minh Hoá, lên công trường đảm bảo giao thông này với cương vị tiểu đội trưởng của một tiểu đội Thanh niên Xung phong (TNXP) toàn nữ, lớp TNXP đầu tiên của Quảng Bình.

Những ngày đó, tỉnh (và trung ương) chưa kịp có đồng phục TNXP nên các cô các cậu vẫn mặc nguyên những bộ quần áo từ quê nhà. Vừa lên công trường đảm bảo giao thông ở đây, tiểu đội 6 đã nổi tiếng là các cô gái dũng cảm trong phá bom nổ chậm, lấp hố bom, xếp đá mặt đường đứng bên bờ vực, miệng hố bom làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho xe đi trong đêm không được bật đèn gầm. Các cô nổi tiếng gan dạ ở ngay các trọng điểm Khe Ve, La Trọng, đỉnh Phượng Hoàng, Đồi 37, ngầm Bãi Dinh, cho đến tận chân đèo Mụ Giạ.

Huế cùng với anh chị em TNXP 12A hầu như không có ngày đêm nào được nghỉ. Giặc đánh ác liệt, đường hư nhiều, thương vong cũng lớn. Mai táng xong đồng đội, trở về lán ngồi lặng lẽ xót thương. Tim các cô các cậu như thắt lại, ngấm ngầm hẹn thề sống sao cho xứng đáng với những bạn bè đã ngã xuống.

Hôm giấy triệu tập Huế ra Hà Nội họp Đại hội thi đua về đến công trường là lúc Huế cùng với chị em vừa mai táng xong một đồng đội mới hy sinh trên mặt đường vì bom Mỹ. Cô nấn ná mãi bên nấm mồ các đồng đội không muốn về. Anh Phan Huy Đại, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng uỷ công trường phải ra tận nơi gọi cô về, vì xe ô tô ngoài Bộ về đón cô đi họp đã chờ cô từ, tối đến giờ. Thế là vẫn bộ quần áo bà ba bằng vải đen truyền thống của con gái Quảng Bình, cô đành tạm biệt chị em để đi một chuyến xa “ra đó thay mặt tất cả TNXP tuyến 12A, nhận danh hiệu Anh hùng” như lời anh Đại nhắn cô lúc chiếc xe rời công trường.

Được vinh dự mang danh hiệu cao quý “Anh hùng chống Mỹ cứu nước” của ngành Giao thông vận tải trên đất Quảng Bình còn có nhiều người mà trong khi làm nhiệm vụ thường trú ở đất này, tôi có dịp được gặp và làm việc ở các đơn vị của họ.

Ngoài đời thường, họ giản dị hoàn thành nhiệm vụ như bao đồng đội khác. Tôi đã được sống những giây phút cùng với Võ Xuân Khuể lái ca nô lai phà Gianh tránh các đợt đánh phá của máy bay Mỹ; đã cùng với Nguyễn Phong Lưu trên chiếc C100 gạt đất đá hàn vá đường bị bom phá huỷ trên dọc đoạn dốc Cù Con Cù Mẹ của tuyến đường 20 quyết liệt; cùng với Khúc Văn Lượng của tiểu đội xe không kính trên đường Trường Sơn vượt ngầm Khe Rinh, ngầm Tà Khống, vượt Ngã Ba Lùm Bùm; cùng với lúc thì Cao Bá Tuyết, lúc thì Trần Văn Thi rong ruổi những chuyến hàng của Đoàn xe vận tải số 1, số 6. Và khi rảnh rỗi chút ít giữa hai chuyến đi về các đơn vị vận tải hay đảm bảo giao thông, tôi cùng mấy anh em bên Ty Giao thông đến thăm nhà Mẹ Suốt bên Bảo Ninh, thăm cô dân quân anh hùng Trần Thị Lý ở ngay thôn Phú Thượng bên bờ Nhật Lệ...

Sau này, trong những ngày hội truyền thống của ngành giao thông vận tải, những “vị anh hùng” của ngành, thường được các Bộ trưởng mời về Hà Nội ngồi trên hàng ghế danh dự. Lúc đó, các anh chị em Quảng Bình lại ngỡ ngàng gặp lại những “bạn anh hùng” của mình từ trên đất Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Lai Châu… Lúc đó, tôi lại lặng người đứng khuất vào một góc hội trường để tự do ngắm nhìn các anh, các chị - những anh hùng của các miền đất anh hùng. Họ bây giờ già lắm rồi, đã lên ông lên bà và cũng có nhiều người đã ra đi...

Đất nước ta là vậy, cả một lớp người anh hùng trong thời kỳ chiến tranh đã mất đi, già đi, để cho đất nước có được độc lập và ngày càng trưởng thành. Lớp trẻ ngày nay tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh sẽ làm nên các kỳ tích mới trong xây dựng đất nước. Nhiệm vụ của họ khó hơn nhiều. Cần phải nói cho họ biết rõ về truyền thống để thổi thêm lửa vào bầu nhiệt huyết họ sẵn mang trong mình để hoàn thành sứ mạng cao cả dựng xây đất nước.

“Đất nước ta là vậy, cả một lớp người anh hùng trong thời kỳ chiến tranh đã mất đi, già đi, để cho đất nước có được độc lập và ngày càng trưởng thành. Lớp trẻ ngày nay tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh sẽ làm nên các kỳ tích mới trong xây dựng đất nước. Nhiệm vụ của họ khó hơn nhiều.

Vũ Phạm Chánh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở khi uống rượu bia

Cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở khi uống rượu bia

Việc đã uống rượu bia mà vẫn lái xe là việc vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của bạn mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Theo thống kê, mỗi năm có hàng ngàn vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra nguyên nhân là do người lái xe đã sử dụng rượu bia. Chính vì vậy, việc thực sự mà chúng ta nên làm đó chính là đã uống rượu bia thì không lái xe.

MC – Ca sĩ nhí Nguyễn Trần Châu Anh – Tỏa sáng tại sự kiện văn hóa “Tết Việt – Sắc màu giao thoa”

MC – Ca sĩ nhí Nguyễn Trần Châu Anh – Tỏa sáng tại sự kiện văn hóa “Tết Việt – Sắc màu giao thoa”

Trong sự kiện văn hóa đặc biệt “Tết Việt – Sắc màu giao thoa” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo và Thời Báo Văn học nghệ thuật phối hợp thực hiện tại Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, cô bé Nguyễn Trần Châu Anh đã để lại dấu ấn sâu sắc với màn trình diễn bài hát “Tết này con sẽ về”. Sự kết hợp giữa phong thái chuyên nghiệp, nét đáng yêu và giọng ca

Ông Trump rút khỏi thỏa thuận thuế toàn cầu, khởi xướng chính sách thương mại

Ông Trump rút khỏi thỏa thuận thuế toàn cầu, khởi xướng chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết"

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu và các quốc gia đồng minh. Quyết định này không chỉ làm đảo lộn chính sách thuế quốc tế mà còn đe dọa gây ra căng thẳng thương mại mới.