Đi thâm nhập thực tế - vấn đề không thể thiếu trong sáng tác văn học nghệ thuật (nhìn từ kinh nghiệm của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long)

Về mặt lý thuyết, đi thâm nhập thực tế là đi tìm “chất liệu” cho hành trình sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. Từ thực tiễn cuộc sống thông qua người nghệ sĩ cho ra đời tác phẩm. Tuy nhiên đi thực tế như thế nào? cảm nhận cuộc sống ra sao? được văn nghệ sĩ ghi nhận như thế nào? thì là cả một quá trình. Trong đó khâu tổ chức rất quan trọng và đặc biệt vai trò của mỗi văn nghệ sĩ với tư cách là chủ thể của sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật.

Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức thực tế sáng tác

Ở khâu tổ chức, lựa chọn địa điểm phải đảm bảo là nơi có thể khai thác nhiều khía cạnh về thiên nhiên, con người, làng nghề, các giá trị truyền thống… trong đó có công tác tiền trạm, phải gắn chặt mối quan hệ với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đến. Làm tốt công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ của các thành viên, công tác đảm bảo, có dự phòng các tình huống phát sinh...

Kế đến là lựa chọn con người tham gia, vừa đảm bảo công khai, công bằng, đồng thời văn nghệ sĩ được chọn phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong chuyến đi thực tế sáng tác như ưu tiên cho nữ, đồng bào dân tộc, hội viên trẻ, vấn đề sức khỏe phải đảm bảo trong suốt chuyến đi.

Làm được những vấn đề trên sẽ góp phần tạo tiền đề cho chuyến đi thực tế sáng tác thành công tốt đẹp.

Đối với mỗi cá nhân văn nghệ sĩ, ngoài việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho chuyến đi, chấp hành theo sự phân công của trưởng đoàn… có hai vấn đề được đặt ra khi đi thực tế. Đó là đi thực tế xuống cơ sở tiếp xúc với thực tế rồi mới phát hiện đề tài đưa vào tác phẩm. Hoặc chuẩn bị đề cương sẵn tại nhà, xuống cơ sở tìm đề tài theo ý đồ đã vạch ra, xem việc tiếp xúc thực tế chỉ là một chi tiết, một sự gợi ý trong sáng tác, còn lại mọi nhân vật, mọi tình cảnh, mọi ý đồ sáng tác đều đã có sẵn trong tư tưởng của họ.

Đi thâm nhập thực tế - vấn đề không thể thiếu trong sáng tác văn học nghệ thuật (nhìn từ kinh nghiệm của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long) - 1

Kinh Thầy Cai - ký họa trong chuyến đi thực tế tại làng nghề gạch gốm Mang Thít của Trần Thắng.

Như vậy thực tế không chỉ bó hẹp trong đời sống mà còn là những gì diễn ra xung quanh tư tưởng của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa chúng ta thống nhất với nhau một điều rằng: Vai trò của thực tế sáng tác vẫn là điều không thể phủ nhận trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật.

Theo số liệu trong 40 năm qua (1983 - 2023), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức trên 50 chuyến đi thực tế tập trung. Mỗi chuyến từ 30 - 35 hội viên các chuyên ngành, với chủ đề: Biển đảo, biên giới Quốc gia, xây dựng Nông thôn mới, học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,…

Tổng số có trên 1.000 lượt hội viên được cọ sát đời sống bằng các chuyến đi tập trung. Ngoài ra, còn một số văn nghệ sĩ tự tổ chức thâm nhập đời sống theo nhóm hoặc riêng lẻ. Nhờ vậy mà các hoạt động sáng tác mang hơi thở của đời sống, đồng thời là dịp để mỗi văn nghệ sĩ tích lũy vốn sống, không gian, môi trường, cảm hứng sáng tạo được hình thành từ chính những chuyến đi.

Bên cạnh đó, hoạt động triển lãm cũng là một trong những nhiệm vụ của văn học nghệ thuật. Hoạt động triển lãm là chương trình quảng bá tác phẩm đến với công chúng bằng trực quan sinh động được lồng ghép trong các hoạt động văn học, nghệ thuật hoặc được tổ chức riêng tùy theo tình hình cụ thể. 40 năm qua, Hội đã tổ chức 92 cuộc triển lãm tập trung hàng năm như: Mừng Đảng Mừng Xuân, xây dựng Nông thôn mới, biển đảo, chủ quyền biên giới Quốc gia, an toàn giao thông, anh Bộ đội cụ Hồ, lực lượng CAND, về du lịch, làng nghề truyền thống… đã thu hút hàng triệu lượt người xem.

Hoạt động triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, thời sự góp phần cổ vũ phong trào xây dựng quê hương đất nước, quảng bá hình ảnh Vĩnh Long đến bạn bè trong nước và khách quốc tế, giới thiệu tác giả, tác phẩm đến công chúng. Xin nhắc lại, nhiều chuyến đi thực tế sáng tác thành công như đến các đảo Trường Sa, Côn Đảo, Thổ chu, Hòn Sơn, Nam Du, Phú Quốc, các đồn Biên phòng, các đơn vị Công an… cùng hàng chục xã nông thôn mới, các ban ngành, trường học… trong và ngoài tỉnh.

Như vừa qua vào tháng 3/2023, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long tổ chức đoàn gồm 25 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành Văn học, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu đi thực tế sáng tác tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong thời gian 1 tuần. Kết thúc chuyến đi, đoàn đã phối hợp Bảo tàng Côn Đảo tổ chức triển lãm 170 ảnh và 30 tranh ký họa chủ đề “Lịch sử, thiên nhiên, con người, biển đảo và phát triển huyện Côn Đảo” và tặng toàn bộ tranh, ảnh cho Bảo tàng Côn Đảo phục vụ trưng bày lâu dài. Chuyến đi thực tế thành công với nhiều tác phẩm văn, thơ, tranh, ảnh, bài hát ra đời trên vùng đất một thời là địa ngục trần gian nay trở thành thiên đường du lịch, các tác phẩm sau chuyến đi tiếp tục được quảng bá trên Tạp chí Văn nghệ Cửu Long, Báo Vĩnh Long và Đài Truyền hình Vĩnh Long.

Ngoài ra, Trại sáng tác cũng nhằm giúp hội viên có phương pháp tiếp cận giữa lý luận sáng tạo và xử lý chất liệu đời sống phục vụ định hình tác phẩm. Trong 40 năm qua (1983 - 2023) Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long đã tổ chức 31 trại tập trung (trong đó có trại tại tỉnh và trại tại các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Số lượng mỗi trại cấp tỉnh trên tỉnh trên dưới 50 trại viên (thời gian 2 ngày), Trại tại các Nhà sáng tác Trung ương, trung bình mỗi trại 15 trại viên (thời gian 15 ngày).

Trại sáng tác là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ có thời gian tìm cảm hứng, tìm nội dung và hình thức thể hiện hoàn thành tác phẩm, tác giả có thời gian suy tư về phương pháp và quá trình phản ánh thực tế vào trong tác phẩm sâu hơn, tinh tế hơn. Như vào cuối tháng 3/2023 đoàn văn nghệ sĩ các chuyên ngành với 15 hội viên đã dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) thời gian 15 ngày, kết thúc trại có 56 tác phẩm được hoàn thành, đoàn gửi bản sao tác phẩm cho Nhà sáng tác phục vụ báo cáo và cho Hội Văn học Nghệ thuật để nắm kết quả chuyến đi của các hội viên, Tạp chí Văn nghệ Cửu Long tuyển chọn, giới thiệu, quảng bá tác phẩm của các văn nghệ sĩ đến với hội viên và công chúng.

Đi thâm nhập thực tế - vấn đề không thể thiếu trong sáng tác văn học nghệ thuật (nhìn từ kinh nghiệm của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long) - 2

Hội viên chuyên ngành Nhiếp ảnh sáng tác tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc.

Đi thực tế, dự trại sáng tác, tham gia triển lãm… giúp các văn nghệ sĩ có cái nhìn cuộc sống một cách năng động hơn, không chỉ tiếp nhận những sự kiện đời sống một cách chân thực, sắc sảo hơn mà còn phải thấy trách nhiệm giữ gìn, phát huy, từ những đề tài góc cạnh của cuộc sống, văn nghệ sĩ có trách nhiệm chọn lọc, chưng cất những gì tinh túy nhất đưa vào tác phẩm tạo ra sự mới mẻ, sâu sắc và đặc biệt là tác phẩm mang bản sắc của riêng mình. 

Vấn đề đặt ra của mỗi chuyến thực tế sáng tác không phải là “cưỡi ngựa xem hoa” là sự hời hợt, dễ dãi trong sáng tác, theo kiểu “nộp tác phẩm báo cáo cho đoàn là xong” mà phải luôn nghĩ đến chất lượng, làm sao để điều còn lại cuối cùng sau những chuyến đi thực tế ấy là tên tuổi tác giả, tác phẩm sống trong lòng người và sống với thời gian.

Xin được trích phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam:“… Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào? Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn.

Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.

Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!...”

Tác phẩm văn học nghệ thuật không thể xa rời cuộc sống và văn nghệ sĩ luôn cần sự quan tâm, động viên tinh thần lẫn vật chất

Thiết nghĩ để thực hiện tốt nhiệm vụ “Soi đường cho quốc dân đi”, trong thời gian tới cần quan tâm các vấn đề sau đây:

Trước nhất, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 33 ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Các Nghị quyết trên nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; trong đó có việc quan tâm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đảm bảo về số lượng, chất lượng và có sự kế thừa; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn học nghệ thuật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của văn học, nghệ thuật, nhất là chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ; có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ sáng tác đối với một số chủ đề, tác phẩm Văn học Nghệ thuật cần thiết và xứng tầm; vinh danh, trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà (hiện nay Vĩnh Long có giải Văn học Nghệ thuật Văn Xương Các (5 năm 1 lần) và duy trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức giải Văn học Nghệ thuật chuyên ngành hàng năm.

Thứ hai, về trách nhiệm của mình, Hội Văn học Nghệ thuật địa phương cần tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, quán triệt sâu sắc tới từng hội viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Tham mưu đúng và trúng cho tỉnh những vấn đề có liên quan thiết thực đến việc xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật; quan tâm tổ chức nhiều chuyến thực tế sáng tác, triển lãm trên cơ sở vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, vừa giới thiệu quảng bá về vùng đất và con người địa phương với bạn bè gần xa, du khách trong và ngoài nước.

Thứ ba, tăng cường vai trò, trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương, phấn đấu có những tác phẩm xứng tầm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong đó có việc bám sát thực tiễn đời sống để sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật là vấn đề cốt lõi.

Từ những kinh nghiệm rút ra từ các cuộc đi thực tế sáng tác xuống cơ sở, Hội Văn học nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công các chuyến đi, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, góp phần cho đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp cận sát với thực tế cuộc sống, để từ cuộc sống cho ra đời những tác phẩm đạt giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.

Đi thâm nhập thực tế - vấn đề không thể thiếu trong sáng tác văn học nghệ thuật (nhìn từ kinh nghiệm của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long) - 3

“Công trình cầu Mỹ Thuận 2” của Lê Quốc Việt, Huy chương Bạc tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 38 tại Kiên Giang.

Thông qua những chuyến đi thâm nhập thực tế, giúp đội ngũ văn nghệ sĩ làm giàu thêm vốn sống, thấy được những nhân tố tích cực để biểu dương và phê phán những cái chưa hay, chưa đẹp để góp phần dựng xây xã hội tốt đẹp hơn. Vấn đề đặt ra là chất lượng của các chuyến đi, là kết quả thu về được gì, hiệu ứng xã hội ra sao, quảng bá như thế nào để tác phẩm đến với người xem, người đọc bằng cách nào. Sẽ vô cùng lãng phí nếu để những tác phẩm có chất lượng, sáng tạo bằng mồ hôi công sức của văn nghệ sĩ không đến được với công chúng.

Văn học nghệ thuật trong thời kỳ hiện nay sẽ tiếp tục dòng chảy của nền văn học nghệ thuật yêu nước, văn học nghệ thuật cách mạng, có sự giao lưu, chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Vấn đề đặt ra là các văn nghệ sĩ nhất là hội viên trẻ phải có trách nhiệm hơn, bạo dạn hơn trong sáng tác, dám thể hiện những góc nhìn riêng khi đưa đề tài cuộc sống vào tác phẩm. Bên cạnh đó, cần quan tâm đề cập đến nhiều vấn đề đương đại, như phản ánh nội tâm của giới trẻ hay các vấn đề xã hội, giáo dục, những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống con người như thiên tai, ô nhiễm môi trường, chiến tranh, dịch bệnh…qua góc nhìn riêng của tác giả hướng đến ngôn ngữ đương đại, đề cập đến những vấn đề của xã hội hôm nay và có cả dự báo, cảnh báo cho tương lai. 

Có thể khẳng định, qua các chuyến đi thực tế, dự trại sáng tác Hội Văn học nghệ thuật ngày càng có thêm kinh nghiệm quý báu trong khâu tổ chức, thực hiện, còn đối với văn nghệ sĩ bản lĩnh, vốn sống ngày càng vững vàng hơn, tác phẩm càng chín chắn gần gũi cuộc sống hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, chính quyền và luôn được quần chúng nhân dân trông đợi những tác phẩm hay, đẹp từ thực tế cuộc sống. Để sau mỗi chuyến đi đều mang lại kết quả tốt nhất, uy tín của Hội ngày càng được nâng lên, các văn nghệ sĩ vừa có tác phẩm chất lượng, vừa để lại ấn tượng đẹp đối với chính quyền và nhân dân các địa phương, bè bạn gần xa từ những thành quả gặt hái trong các chuyến đi thâm nhập thực tế. 

Trần Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.