Hành trang bước vào mùa xuân Ất Tỵ

Mùa xuân Ất Tỵ, cả nước háo hức với luồng gió mới của hành trình cách mạng mới đầy tự hào đối với dân tộc ta, đất nước ta, vững vàng và tự tin bước vào kỉ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển đất nước.

Ngày 20/9/2024, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khi nói về công tác chuẩn bị nội dung dự thảo các văn kiện, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự  đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. 

Nhìn lại gần 40 năm kể từ sau Đại hội VI Đảng đề ra đường lối đổi mới mà cốt lõi đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế và đổi mới tổ chức - cán bộ. Con người sống trong xã hội cũng được cởi mở, dân chủ hơn từ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, một số cơ chế quan liêu, bao cấp dần được “cởi trói”, thậm chí người dân và doanh nghiệp biết tự “cứu  lấy mình” bởi sau “cú sốc” giá - lương - tiền năm 1985 đẩy nền kinh tế đất nước chìm sâu trong nghèo khó.

Hành trang  bước vào mùa xuân Ất Tỵ - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10, khóa XIII - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hành trang của công cuộc đổi mới bắt đầu năm 1986 là một nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, quan liêu, bao cấp, sản xuất lạc hậu, khép kín. Một đất nước nông nghiệp, “rừng vàng biển bạc” mà sản xuất không đủ lương thực cho người dân. Cán bộ, công chức, giáo viên, người lao động và trẻ em phải nhận khẩu phần lương thực bằng ngô, khoai, sắn, phân đạm, bột mì, chế độ tem phiếu như một bảo bối của đời sống con người,v.v… Trong khi cả Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN cắt viện trợ, Hoa Kỳ ra sức cấm vận, các nước phương Tây nhìn Việt Nam dưới con mắt chưa hết hận thù; lạm phát chiếm đinh 3 con số (xấp xỉ 800%) đẩy giá trị đồng tiền vừa đổi tụt xuống đáy,v.v…

Đổi mới, nền kinh tế được đánh thức tiềm năng. Nông dân sản xuất lúa theo khoán 100, khoán 10 năng suất lúa gạo trỗi dậy, không chỉ cung cấp đủ lương thực trong nước mà còn xuất khẩu gạo tăng dần. Ngày nay, nước ta là cường quốc về xuất khẩu gạo và nhiều hàng nông sản: cà phê, hạt điều, ca cao, cao su, sản phẩm gỗ, hải sản, hoa quả,… Thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, nhất là công nghiệp chế biến, dệt may từng bước đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các loại hình doanh nghiệp xuất hiện và bình đẳng trong sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động...

Sau gần 40 năm, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những năm gần đây, kinh tế tăng trưởng khá cao trong khu vực, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Đạt nhiều thành tựu về mọi mặt, nước ta vượt lên trở thành một điểm sáng về tăng trưởng khu vực và thế giới. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 các ngành kinh tế phục hồi nhanh, phát triển mạnh, đi vào ổn định trong xu thế bền vững. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, GDP năm 2023 đạt 428 tỷ USD, đứng vị trí thứ tư trong ASEAN, tăng gấp 96 lần năm đầu đổi mới và năm 2024 này nhiều khả năng tăng xấp xỉ gấp 100 lần.

Trong hội nhập quốc tế, ta sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên nguyên tắc hòa bình, hợp tác, “hai bên cùng thắng”. Nước ta có quan hệ, hợp tác với 193 nước trong đó có 8 cường quốc là đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia, Pháp). Theo các bảng xếp hạng quốc tế, Việt Nam trong nhóm 40 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới (một vài tổ chức quốc tế xếp thứ 31-32/40), là một trong top 20 quốc gia về đầu tư và thương mại.

Từ chỗ đất nước chỉ có doanh nghiệp nhà nước, sản xuất kinh doanh trì trệ, thua lỗ triền miên, đến nay (2024) cả nước đã có hơn 1,2 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: Doanh nghiệp nhà nước chỉ còn hơn 500 sở hữu 100% vốn nhà nước, còn hầu hết là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), công ty hợp danh, công ty TNHH. Hàng năm các doanh nghiệp đóng góp 65% đến hơn 70% vào GDP của cả nước. Nền kinh tế đang tiếp tục được cơ cấu  lại, hướng tới tương lai, ổn định và bền vững…

Bước vào kỷ nguyên mới, mở đầu bằng một cuộc cách mạng mang tính đột phá về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Mấy chục năm, bộ máy trong hệ thống chính trị tồn tại một thực tế ngày càng “phình” ra, cồng kềnh, 40% số người hoạt động trong hệ thống yếu, kém “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Các bộ, cơ quan ngang bộ, các ban đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chồng chéo, đan xen nhiệm vụ, chức năng. Trung ương “ôm” việc địa phương. Cơ chế “xin - cho” trở thành quốc nạn. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng tăng. Hàng trăm cán bộ, trong rất nhiều cán bộ cấp chiến lược, chủ chốt ở cấp vĩ mô không giữ được phẩm chất, đạo đức, sa vào vòng lao lý hoặc bị xử lí kỉ luật.

Tiếp tục cải cách và mở cửa, mùa xuân Ất Tỵ này phải đột phá vào khâu tinh gọn bộ máy. Đó là sáp nhập một số bộ, cơ quan ngang bộ để Chính phủ chỉ còn 13 bộ, trong đó các bộ kinh tế, văn hoá, xã hội phải đa ngành, đa lĩnh vực. Chính phủ từ 30 đầu mối nay chỉ còn 21 đầu mối. Trung ương Đảng cũng giảm 4 ban, hàng loạt ban cán sự, đảng bộ trực thuộc kết thúc nhiệm vụ.

Quốc hội và Mặt trận cũng thế, bộ máy tinh gọn lại, trong khi nhiệm vụ thì phát triển đòi hỏi con người phải bứt phá vượt lên. Đây là cơ hội để người có tài, có đức phát huy cao độ, cống hiến hết mình cho đất nước. Trọng dụng “hiền tài” làm cho bộ máy nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Bộ máy mới vận hành trơn tru, linh hoạt, năng động, đổi mới sáng tạo sẽ nhanh chóng làm cho cả non sông chuyển mình, Biển Đông dậy sóng, đất nở hoa và chim muông đổ xô về đón “mùa xuân mới”, mùa xuân mở đầu cuộc cách mạng mang tính đột phá, tiếp tục công cuộc đổi mới đã dẫn dắt gần 40 năm, nâng nó lên tầm cao với biết bao kỳ vọng và khát vọng, là ước mơ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Mùa xuân này đi vào lịch sử bằng “hành trang” như thế! 

Thời gian là lực lượng, cơ hội và thách thức đan xen và thời cơ sẽ đến. Biết đón thời cơ, vượt qua thách thức và chỉ có thể thành công nếu biết nắm quy luật khách quan, chủ động, vượt lên chính mình một cách quyết liệt, táo bạo trong sự tỉnh táo, tường minh.

Tăng trưởng nước ta trở thành điểm sáng của thế giới với mức 5-7%/năm. Nếu năm 2024 ta đạt tăng trưởng GDP 7% thì nền kinh tế cũng chỉ tăng khoảng trên 30 tỉ USD. Tăng 1% của nước ta chỉ được hơn 4 tỉ USD, còn Mỹ tăng 1% GDP  đã bằng 50% GDP của chúng ta. Trung Quốc tăng 1% đã có 190 tỉ USD. Nước Nhật tăng 1% đã có 42 tỉ USD,v.v… để thấy rằng chúng ta có tỉ lệ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới nhưng giá trị còn rất thấp so với các nước phát triển.

Đó là “hành trang” của mùa xuân này, thông điệp của mùa xuân này đi vào kỉ nguyên mới. Hành trang này phải có “sản phẩm” là đến năm 2030, kỉ niệm 100 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là nước phát triển có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 kỉ niệm 100 năm thành lập nước trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao thì những năm tới tăng trưởng phải đạt 2 con số. Đây là một thách thức lớn lao đòi hỏi sự trỗi dậy của cả dân tộc trong thế trận “vừa chạy vừa xếp hàng”. 

Phấn đấu cho các mục tiêu vĩ đại đó, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 3/12/2024 “hơn lúc nào hết, chúng ta phải vươn mình, tập trung chạy thật nhanh để đuổi kịp thế giới”; “mình luôn bị tụt hậu, đuổi theo không kịp”. 

Bứt phá để phá vỡ “nguy cơ tụt hậu” là con đường đầy gian lao mà anh dũng.

Một mùa xuân phơi phới của luồng gió mới đầy hứng khởi và niềm tin về một  tương lai rạng rỡ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được khởi đầu bằng hành trang như thế...         

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

NSƯT Thu Lan – Không chỉ tài năng

NSƯT Thu Lan – Không chỉ tài năng

Trong làng thanh nhạc, đặc biệt là giới ca hát dòng thính phòng (académique) được đào tạo chính quy, bài bản ở nước ta, bên cạnh nhiều tên tuổi đã quen biết từ lâu, không thể không nhắc đến thạc sĩ, NSƯT Thu Lan - nguyên là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chị hoạt động có hiệu quả ở cả hai lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy.