Lãng phí lớn trong sử dụng đất và bất cập của những dự án “treo”

Đất đai là tài sản cố định thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quản lý, sử dụng hoặc quyết định trao quyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Theo quy định của pháp luật, nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch, đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do “tư duy nhiệm kỳ”, do nôn nóng quy hoạch, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất nên rất nhiều dự án chậm triển khai thành dự án “treo”, hàng loạt khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy rất thấp gây nên lãng phí vô cùng lớn nguồn lực đất đai…

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với tổng diện tích 130.000 ha. Đó là những dự án không thực hiện theo quy định về tiến độ triển khai sau 12 tháng, 24 tháng và kể cả đã cho phép kéo dài. Nhiều dự án “treo” tồn tại hàng thập kỷ. Tình trạng đó đang phổ biến ở nhiều địa phương. Trong số 1.200 dự án “treo” có 670 dự án xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với 48.000 ha; 230 dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội với khoảng 14.000 ha, 180 dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị và khu dân cư nông thôn với diện tích 3.900 ha đất.

Các địa phương có nhiều dự án “treo” là Hà Nội (720 dự án), TP Hồ Chí Minh (320 dự án), Nam Định (80 dự án), Quảng Nam (50 dự án), Đồng Nai (40 dự án), Vĩnh Phúc (32 dự án), Cần Thơ (24 dự án), Bà Rịa-Vũng Tàu (24 dự án), Hải Dương (18 dự án), Đà Nẵng (16 dự án), Khánh Hoà (10 dự án),v.v…

Lãng phí lớn trong sử dụng đất và bất cập của những dự án “treo” - 1

Ảnh minh họa

Theo các nhà kinh tế, 1 ha đất nông nghiệp tạo ra giá trị từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng (tùy khu vực, địa bàn và năng lực sản xuất) nhưng nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất làm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị thì có thể tạo ra giá trị 45-55 tỷ đồng/ha/năm. Theo cách tính đó, thì 670 dự án xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh đang là dự án “treo” với 48.000 ha (thuần tuý canh tác sản xuất nông nghiệp) thì mỗi năm lãng phí khoảng 150.000 tỷ đồng đến 250.000 tỷ đồng.

Ở một số địa phương là vùng trung du, miền núi, đất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng vẫn tiến hành lập quy hoạch, đề nghị Chính phủ cho thành lập Khu công nghiệp (KCN) trên vùng đất thuận lợi về hạ tầng, đất nông nghiệp màu mỡ (chủ yếu là đất lúa). Cụ thể như tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2007 quy hoạch KCN Bá Thiện (327 ha), KCN Quang Minh (267 ha), KCN Bình Xuyên (271 ha). Tỉnh Bắc Ninh năm 2007-2008 quy hoạch các KCN VSIP (700 ha), KCN Quế Võ (637 ha), KCN Nam Sơn-Hạp Linh (603 ha). Tỉnh Hải Dương KCN Cộng Hòa (357 ha), KCN Thuỷ lợi Lai Vu (213 ha) và KCN Đại An mở rộng (433 ha). Tỉnh Tiền Giang có KCN Long Giang (540 ha) v.v… Các KCN này chủ yếu sử dụng từ đất lúa.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu Kinh tế (Bộ KH&ĐT) tháng 12/2016, cả nước có 325 KCN, Khu chế xuất (KCX) do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được giao 94.000 ha đất (bình quân 300 ha/KCN) song các KCN chiếm nhiều đất nhưng sử dụng ít. Hầu hết đã tiến hành thu hồi đất, đền bù, san lấp mặt bằng, trong đó nhiều KCN thu hút đầu tư mạnh mẽ, tỉ lệ lấp đầy khá cao nhưng cũng rất nhiều KCN chậm lấp đầy dự án, chậm tiến độ thi công xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư kém, tỉ lệ lấp đầy thấp, trì trệ kéo dài dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang hóa hàng chục nghìn ha, lãng phí lớn, kéo dài trong nhiều năm.

Cụ thể: KCN Hà Nội - Đại Từ thành lập năm 1995 đến nay mới lấp đầy 18,8% diện tích; KCN Đồ Sơn (Hải Phòng) thành lập năm 1997 mới lấp đầy 24,1% diện tích; KCN Mỹ Xuân B1 thành lập năm 1998 đến nay mới lấp đầy 9,6% diện tích; KCN Khánh An ( tỉnh Cà Mau) thành lập năm 2004 nay vẫn đang trong giai đoạn làm hạ tầng, mới cho thuê được 3 ha (lấp đầy 1,22%); KCN Cát Lái 4 (TP Hồ Chí Minh) và KCN Kim Hoa (Vĩnh Phúc) thành lập năm 1997-1998 nhưng vẫn chưa hoàn thành xây dựng cơ bản,v.v...Như vậy, trong các KCN diện tích đất đang bị bỏ hoang là rất lớn.

Ngoài hàng trăm KCN, KCX do Thủ tướng quyết định thành lập thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng quyết định thành lập hàng trăm các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp với tổng diện tích 26.000 ha đất và điện tích còn bỏ trống cũng không nhỏ.

Từ năm 2006 đến nay, trên phạm vi cả nước có 11 tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất đã giao, cho thuê không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 96 công trình trên tổng diện tích 17.541 ha đất. Nhiều địa phương xây dựng các công trình vi phạm khó xử lý: Bình Dương (29 trường hợp), Phú Thọ (14 trường hợp), Lạng Sơn (13 trường hợp), Vĩnh Long (8 trường hợp), Hưng Yên (7 trường hợp), v.v…

Nhiều địa phương giao đất theo phong trào. Hậu quả là tình trạng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa bị bỏ hoang hóa, không sản xuất được do bị ảnh hưởng bởi việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các KCN, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các khu đô thị mới diễn ra manh mún, phân tán. Sự chia cắt đó còn chịu ảnh hưởng của sự hình thành các KCN, KCX, sân golf, v.v… dẫn đến đã, đang và sẽ phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, gây ô nhiễm môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Hiện, nước ta có 144 dự án sân golf đã được cấp phép hoặc chủ trương cho phép, cần bố trí tới 44.580 ha đất. Việc ra đời ồ ạt các sân golf thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đang gây nên sự lãng phí tài nguyên đất và gia tăng ô nhiễm môi trường do khí thải và hóa chất thải ra. Việc nhiều địa phương chạy theo phong trào, thiếu cân nhắc trong việc lập quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển các KCN, đô thị, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác đang gây nên lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai, nguồn tài nguyên số 1 của đất nước.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, đang bỏ hoang hóa, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Mặc dù diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang đã có quyết định thu hội của chính quyền địa phương (khoảng 49.541,6 ha) song số tiền phạt thu được rất ít, chỉ 286 tỉ đồng.

Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc chấp hành pháp luật về đất đai đánh giá, mặc dù sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai đưa vào sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị, song việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm, hiệu quả khai thác, sử dụng đất chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Hầu hết các địa phương không thực hiện được chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều, lãng phí lớn. Các dự án không triển khai kịp thời, không đưa vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng trở lên hiện còn rất nhiều, phổ biến 2-3 năm, một số trên 15 năm, v.v...

Nguyên nhân của thực trạng này do nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ liên quan thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng quản lý, thậm chí thực hiện trái pháp luật. Trong bộ máy hành chính các cấp, tư duy nhiệm kỳ chính là một trong những nguyên nhân gây nên lãng phí đất đai. Ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau mỗi nhiệm kỳ, quy hoạch “treo”, dự án “treo” lại tăng lên. Một số cán bộ là người đứng đầu lạm dụng quyền lực, hình thành “nhóm lợi ích” làm phương tiện trục lợi. Một số cán bộ khác có tâm lý e dè, nể nang, né tránh tạo sức ỳ, trì trệ do vướng mắc của nhiều dự án là hệ quả của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh đó, chất lượng lập quy hoach, kế hoạch sử dụng đất mang tính áp đặt, chủ quan, nôn nóng nên tính đồng bộ, tính khả thi thấp, nhiều trường hợp quy hoạch theo phong trào. Một số địa phương muốn có nhiều công trình, dự án, chỉ đạo lập quy hoạch không cân nhắc đầy đủ đến khả năng thực hiện và nguồn vốn đầu tư. Nhiều trường hợp nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng, nộp tiền thuê đất nhưng không triển khai hoặc chậm xây dựng công trình rất khó thu hồi do vướng mắc, không đồng bộ giữa các luật liên quan và cả sự “tế nhị” trong mối quan hệ mang tính thân hữu.

Theo quy định, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. Quy định là vậy nhưng khi thực hiện rất khó, bởi doanh nghiệp tìm mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Mặt khác, việc thu hồi cũng không được người đứng đầu và các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc nên dự án “treo” cứ tồn tại, danh sách ngày càng dài lê thê và lãng phí nguồn lực đất đai càng lớn vô kể…

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chiến tranh Việt Nam – Nguồn dữ liệu hãy còn tiềm ẩn

Chiến tranh Việt Nam – Nguồn dữ liệu hãy còn tiềm ẩn

Cho dù hiện nay trên toàn cõi Việt Nam đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế thì vấn đề người lính và chiến tranh vẫn luôn cần được nhìn lại, viết tiếp, nhằm khẳng định căn tính dân tộc, một căn tính yêu chuộng hòa bình, và vì yêu hòa bình mà không chịu cúi đầu trước bất cứ đội quân xâm lược nào.

Người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ là ai, có bao nhiêu tiền?

Người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ là ai, có bao nhiêu tiền?

Danh sách những người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ năm 2024 tiếp tục phản ánh một thực tế bất bình đẳng kéo dài. Tuy nhiên, tương lai có thể chứng kiến sự thay đổi lớn khi phụ nữ được dự đoán sẽ kiểm soát phần lớn tài sản cá nhân trong thập kỷ tới.