Mùa mây
Mây ở quê tôi đẹp lắm. Bốn mùa có mây, bốn bề mây, mây vào mùa thu là mây đẹp nhất. Bao người tới quê tôi chỉ vì tìm mây. Cầu kính rồng mây – chiếc cầu kính cao nhất Việt Nam đặt ở Lai Châu là để mọi người đến ngắm mây. Đến rồi thì không chỉ thấy mây mà còn thấy nhiều thứ nữa, bao nhiêu bản sắc, tình người bên cạnh sự kì vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên.
Truyền thuyết kể về một vùng đất, dù trên núi cao nhưng giữa bản lại có một cái mó nước và ao nhỏ trong xanh. Cứ chiều chiều, từ xa người ta dường như nhìn thấy một cô gái xinh đẹp tắm ở đó nhưng cứ đến gần thì không thấy nữa, chỉ thoáng thấy bóng rồng bay đi. Long là rồng, cho nên người dân đặt tên cho vùng đất ấy là Long Tỷ Phùng. Nơi đó cách không bao xa với nơi có “chín mươi chín ngọn núi chàng trai, chín mươi chín hồ xanh cô gái”. Tất cả như hoà lại làm nên cảnh sắc non nước hữu tình nơi cuối trời Tây Bắc.
Nơi này an lành, dễ chịu, dù có đôi lúc thời trai trẻ, tôi từng nghĩ nó quá buồn tẻ và mình muốn rời đi. Mỗi nóc nhà có khi cách nhau cả quả đồi, cả dãy núi. Thương ai, nhớ ai không phải muốn là gặp ngay được, mà chỉ nhờ tiếng sáo theo gió, bay qua các sườn đồi, ngọn núi mà đến với người thương. Nhưng sau những va vấp của cuộc đời, những ồn ào bon chen, tôi lại ước vùng đất của tôi là một cõi trong veo, không gì có thể xâm nhập được, giữ nguyên những quang cảnh ấy, bản sắc ấy, sự bình an ấy. Để tôi mỗi khi dòng đời táp cho một vết thương lại trở về nằm yên lành trong đó. Tôi thầm tưởng tượng những giấc ngủ vùi giữa hơi ấm ổ rơm, thổ cẩm, mùi khói bếp lẫn mùi sương, mùi đất, mùi ngô mà ngoài cửa mây bay...
Nơi này, những con đường vẫn quanh co, những dãy núi, ngọn núi như chắn trước mặt trên lối đi. Cuộc đời mà, đâu thể thiếu những khúc quanh, đâu thể bằng phẳng mãi như một thảo nguyên vô tận tới chân trời. Thế rồi, ai cũng phải đi. Đi để trở về. Những đám lau trắng tinh khẽ nghiêng ngả khua tay trước gió chào tôi. Những bông lau bên đường, những bông lau gợi nỗi niềm cổ tích từ ngàn xưa, nhớ hơi ấm đệm chăn mẹ làm.
Bình minh ở Long Tỷ Phùng. Ảnh: Đồng Giang
Tôi dừng lại bên một khóm lau. Ngó xuống phía dưới và chợt vỡ oà khi nhận ra dưới kia là lấp lánh một biển mây đang đón những tia nắng cam đầu tiên hiện lên sau dãy núi. Bao năm rồi, màu sắc vẫn luôn là một thứ rất đỗi đặc biệt ở vùng đất này. Đứng gần thì thấy đồi, thấy cây, thấy lá màu xanh lá. Nhưng chỉ rướn tầm mắt lên nhìn về phía xa bên kia thì đã thấy những ngọn núi, những hàng cây màu lam, chàm đại ngàn. Mỗi bình minh lại đón những ánh hồng, vàng cam, vàng, rồi như lóa trắng. Ngay lúc này, tôi như lâng lâng trước một miền mây trắng, lau trắng. Ôi, có phải là tôi chưa từng nhìn thấy đâu. Tôi thấy suốt thời thơ ấu. Nhưng biển mây này thực sự đang dào dạt trước mắt tôi, làm nảy sinh trong tôi những cơn sóng.
Có phải tôi cũng từng là một đám mây nhỏ tách ra từ biển mây này. Tôi từng là một đám mây phiêu du trên khắp nền trời xanh, bay đi muôn phương, khắp chốn. Nhưng rồi cũng có lúc muốn trở về, muốn được là những làn mây bồng bềnh, êm dịu trong thung lũng kia. Tưởng như bốn bề là núi chắn, nên mây ở giữa cứ lững thững, cứ yên ả thế thôi, không phải đi đâu xa, không phải mải miết. Nắng lên là tan, gió lên là dạt lên đỉnh núi, hay xuống lưng núi, chân núi. Rồi mỗi đêm, mây lại lặng lẽ về chốn cũ ngủ, để mỗi sáng mai lại đong đầy mây trắng trong lòng thung. Mây ở trên núi cao này dường như lúc nào cũng thức dậy muộn hơn cuộc sống đang vận hành dưới chân núi kia. Cho nên người sống trên núi, phải nhìn qua màn mây mới thấy phố thị dưới kia, nên cũng sống chậm hơn. Ở trên núi cao này chẳng ai vội vàng. Cứ đủng đỉnh đi nương, đủng đỉnh về theo nhịp mặt trời mọc rồi lặn. Cứ gieo hạt, trồng cây theo nhịp đất trời. Cứ từ từ từng hớp rượu ngô, từ từ từng câu ca mà đi qua bốn mùa.
Nắng lên, gió thổi dạt những khóm lau, dạt cả những đám mây. Dưới kia là một thành phố trẻ trung, hiện đại và xinh đẹp quá. Phố núi nằm yên bình trong thung lũng. Bao quanh là bốn bề núi. Nhưng ở giữa lại ánh lên một tấm gương pha lê khổng lồ. Lòng hồ của phố núi đấy. Bờ hồ uốn lượn, mềm mại. Khung cảnh non nước hữu tình. Tôi chợt mường tượng về một thành phố nằm giữa bao nhiêu thung lũng mây. Phải mở bao nhiêu lớp mây thì mới hiện ra viên ngọc xanh lấp lánh ở giữa thế này. Ở đây, cách phố núi chẳng bao xa là nơi tôi đứng, có biển mây Long Tỷ Phùng. Xa hơn, trong mạch ngầm Tây Bắc, có những đỉnh núi cao hùng vĩ, cùng với đó là những đại dương mây (đại dương chứ không phải chỉ là biển mây nữa) như Ngũ Chỉ Sơn, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử quanh năm mây trắng. Xa hơn là biển mây Sìn Hồ, Ka Lăng, Fansipan… Những biển mây cứ bao quanh những phố núi, những bản làng nằm yên bình trong thung lũng. Nhìn lại, thấy quê mình hùng vĩ quá. Bao nhiêu ngọn núi cao nhất nhì Việt Nam đều tập hợp ở đây hết rồi. Nếu Phan Xi Păng được ví là nóc nhà Đông Dương thì Lai Châu cũng có những nóc nhà thứ hai, thứ ba.... Lai Châu sở hữu những sáu đỉnh núi trong Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, theo thứ tự sẽ là Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (3.045m), Khang Su Văn (3.012m), Tả Liên Sơn (2.993m), Bạch Mộc Lương (2.976m)... Nhìn từ cao xuống còn thấy Lai Châu có “chín mươi chín ngọn núi, chín mươi chín hồ xanh” nối tiếp nhau tạo nên bức tường thành ôm giữ một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu. Những ngọn núi là sự linh thiêng đại ngàn, linh thiêng bờ cõi – tự hào một dải biên cương. Người Mông thường ở nơi cao lắm. Tôi nhớ bản Mông Pú Đao. Pú Đao theo tiếng Mông có nghĩa là “điểm cao nhất” và quả thật nó nằm chót vót trên đỉnh non cao nhưng được coi là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Bỗng thấy tự hào quá về quê mình, về dân tộc mình. Bao người tìm đến, mà mình cứ mải mê tìm đi. Rồi lại mải miết tìm về, đếm từng con dao quăng trên hành trình trở lại.
Quê mình còn nghèo lắm nhưng nghĩa tình thì giàu có lắm. Như ai đó từng ví von: “tình đầy như mây trắng quanh năm”. Bố bảo đời người nếu chỉ sinh ra ở một nơi, chết đi ở chính nơi đó, không biết đó đây thì cái đầu chẳng thể nào lớn lên. Bố bảo cứ đi xa bao nhiêu con dao quăng cũng được, nhưng nhớ trở về. Đi mà đừng làm xấu hổ người Mông mình. Đi để cái mắt biết nhìn xa, cái đầu biết trông rộng, để thương mến mảnh đất mình sinh ra, để thương mẹ, thương người... Bố ở nơi xa lắm rồi, mà trong đầu tôi cứ mang mang tiếng nói. Mình không sống mãi ở nơi này, không vui, không buồn mãi ở nơi này nhưng ngôi nhà gỗ đó, bản Mông đó, những mùa mây đó luôn ở trong tim mình.
Mùa khô 1967, mặt trận Tây Nguyên gian khổ và ác liệt chưa từng thấy. Những vị tướng dạn dày trận mạc, những đoàn...
Bình luận