10X kể chuyện bế bầu đến lớp quân sự, em bé chưa chào đời đã được trải nghiệm nắng gió thao trường cùng mẹ
Trong suốt hành trình bầu bí, bên cạnh tình yêu của người bạn đời, điều khiến cô gái trẻ vững vàng hơn cả chính là vòng tay ấm áp của bố mẹ hai bên - nơi cô luôn được tin tưởng, chăm sóc và lắng nghe.
Chị Ngọc Tâm (22 tuổi, TP.HCM) vừa trải qua hành trình mang thai và sinh con đầu lòng với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những ngày nghén mệt đến khi cùng em bé trong bụng tham gia lớp nghĩa vụ quân sự, chị đã lưu giữ cho con những kỷ niệm thật đặc biệt. Dù có lúc mệt mỏi, lo lắng, nhưng bằng tình yêu thương và sự đồng hành từ gia đình, chị đã mạnh mẽ vượt qua và cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về thiên chức làm mẹ.
Nhờ chất giọng truyền cảm và ngoại hình sáng, chị Ngọc Tâm sớm bén duyên với công việc MC, phát thanh viên từ khi còn là sinh viên đại học. Đây cũng là cơ duyên đưa đẩy chị gặp gỡ ông xã Công Toàn - đang công tác tại Bộ Tư lệnh TP.HCM. Trong một lần đi dẫn chương trình ở cơ quan của chồng, anh Toàn được phân công hỗ trợ, đồng hành cùng chị Tâm.
Sau thời gian hẹn hò, cả hai dần nảy sinh tình cảm rồi quyết định tiến đến hôn nhân. Ban đầu, chị Tâm không có nhiều thiện cảm với chàng trai này vì thấy anh khá cứng nhắc và khó tính. Tuy nhiên, sự cầu tiến, ham học hỏi của anh khiến chị phải thay đổi suy nghĩ.
“Ban đầu, tôi thấy anh khá khó tính, cứng nhắc nên không có nhiều thiện cảm. Nhưng sau thời gian tìm hiểu, tôi càng thấy anh chỉ khó tính với cả thế giới thôi, còn với tôi thì luôn ân cần, chiều chuộng. Anh cũng là người giỏi và tích cực học hỏi, khiến tôi rất ấn tượng”, chị chia sẻ.
Sau đám cưới, chị Tâm - khi ấy đang là sinh viên năm cuối, quay lại trường để tiếp tục việc học, song song với duy trì công việc dẫn chương trình. Cùng lúc đó, chị vỡ oà khi hay tin đang mang thai con đầu lòng. Dù hai vợ chồng đã lên kế hoạch có con từ trước, nhưng khi niềm vui đến, chị không giấu được sự bất ngờ.
Không muốn việc học bị gián đoạn hay kéo dài quá lâu, chị Tâm quyết định cùng con đến trường. Khi mang thai đến tháng thứ 5, chị đăng ký học nghĩa vụ quân sự - một trong những kỳ học quan trọng đối với sinh viên. “Khi mình bày tỏ nguyện vọng hoàn tất chương trình học mà không bị gián đoạn, các thầy cô đã tạo điều kiện hết sức từ học tập đến sinh hoạt, giúp mình đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con”.
Hành trình bầu bí của chị khá gian nan, khi bị nghén nặng từ đầu thai kỳ đến sát ngày sinh. “Em bé được bác sĩ chẩn đoán chậm tăng trưởng do nhau thai bám mép. Có tuần, tôi phải đi đo tim thai đến 4 - 5 lần mới an tâm”. Tuy nhiên, chị Tâm vẫn cố gắng giữ tinh thần tích cực, chủ động tham gia sinh hoạt và tập luyện cùng với cả lớp. Ăn uống không được bao nhiêu vì nghén, 10X vẫn cố gắng bổ sung đủ chất để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
Trong quá trình học, chị Tâm được thầy cô và bạn bè quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình. Mọi người thường xuyên nhắc chị tìm chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức. Hết buổi học, cả lớp còn rủ nhau chụp ảnh với chiếc bụng xinh. Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc dễ thương này thu hút hơn 1,7 triệu lượt xem sau khi được chia sẻ.
“Đó là kỷ niệm rất đặc biệt. Tôi được học tập trong tình yêu thương và sự giúp đỡ của nhiều người vốn rất xa lạ. Những ngày không học thì tôi tranh thủ nghỉ ngơi sớm để giữ sức cho các buổi học sau. Quan trọng nhất là tôi luôn giữ được tinh thần tích cực, tự lượng sức để tham gia đầy đủ các hoạt động cùng các bạn. Được mọi người quan tâm và hỗ trợ nên hành trình của hai mẹ con khá nhẹ nhàng và đầy kỷ niệm. Trước nắng gió, vất vả, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong việc chăm sóc, bảo vệ con”, chị kể.
Trong suốt thai kỳ, đôi lúc chồng đi công tác xa, chị Tâm không cảm thấy tủi thân. Bởi chị hiểu được anh luôn cố gắng mỗi ngày vì gia đình. Anh thường tranh thủ những kỳ nghỉ phép để đưa hai mẹ con đi chơi và luôn có mặt trong những buổi khám thai quan trọng. Đối với chị, dù không thể bên cạnh nhau mỗi ngày, nhưng những hành động đó đã đủ ấm áp và yêu thương.
Bên cạnh sự đồng hành của ông xã, bố mẹ hai bên là điểm tựa vững chắc cho chị Tâm trong hành trình mang thai và sinh con. Nhà chồng ở Nghệ An, còn chị sống gần mẹ ruột ở TP.HCM để tiện cho việc học tập, làm việc và dưỡng thai.
Mẹ chồng đã lớn tuổi nên không thường xuyên vào Nam, nhưng vẫn gọi điện hỏi han, dõi theo hành trình bầu bí của con dâu. “Mẹ chồng tự tay hái lá rừng, làm các bài thuốc dân gian từ nghệ, bốc thuốc bổ rồi gói ghém gửi vào cho tôi. Gần đến ngày sinh, những món quà nhỏ từ xa ấy khiến tôi cảm thấy được yêu thương và chăm sóc vô cùng. Về phía nhà ngoại, bố mẹ cũng thay nhau chăm sóc tôi khi chồng đi vắng, lo từng bữa ăn và giấc ngủ cho con gái”.
Đến tuần thứ 36, chị Tâm chuyển dạ, bị giảm nước ối và bánh nhau vôi hóa sớm. Vì thế, buộc bác sĩ phải ấn định lịch mổ chủ động để đảm bảo an toàn. Chồng chị xin nghỉ phép để đồng hành cùng vợ trong suốt quá trình sinh nở. Chị Tâm nhớ như in khoảnh khắc chồng một tay ôm con, một tay cầm bó hoa tươi tắn đến mừng vợ “vượt cạn” suôn sẻ. Hôm đó, chị phải nhịn ăn trọn 1 ngày, còn chồng cũng không màn ăn uống, chỉ lặng lẽ chăm sóc hai mẹ con.
“Bây giờ nhắc lại, cảm giác khi đi đẻ vẫn còn vẹn nguyên, vừa bỡ ngỡ, vừa lo sợ. Khi nằm trên bàn mổ, tôi đã thoáng nghĩ: Không biết mình và con có được bình an để gặp nhau không. Nhưng có lẽ sự hiện diện và đồng hành của chồng đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều vitamin lạc quan và hạnh phúc. Khoảnh khắc con chào đời, được ôm con trong vòng tay, bên cạnh là chồng, tất cả khiến tôi vỡ òa vì xúc động”, chị chia sẻ.
Sau sinh, chị Tâm ở cữ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mẹ ruột cũng rất ủng hộ phương pháp này. Chị ăn uống đa dạng, không kiêng nước, chỉ tránh vận động mạnh và kiêng những thực phẩm dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, chị vẫn áp dụng một số mẹo dân gian như uống nước lá đắng do mẹ chồng chuẩn bị để lợi sữa và mau hết sản dịch.
Nhận được sự đồng hành tích cực từ gia đình là thế, song chị Tâm vẫn rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần sau sinh. Là một sinh viên trẻ đang háo hức khám phá cuộc sống, việc làm mẹ đến quá bất ngờ khiến chị đôi lúc choáng ngợp. Dù đã đọc nhiều sách về bầu bí và chăm con, đến khi bước vào thực tế, chị vẫn thấy loay hoay. Có những ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, thiếu vắng sự hỗ trợ thường xuyên từ chồng do tính chất công việc của anh, khiến chị không tránh khỏi áp lực.
Tuy nhiên, vợ chồng chị đã thống nhất rất rõ ràng quan điểm hôn nhân ngay từ đầu. Khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu tâm lý không ổn, chị đã chọn chia sẻ với đối phương thay vì giấu kín. Sau đó, cả hai cùng nhau tìm hướng giải quyết. Chị cũng chủ động nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè và đặc biệt là đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và trị liệu. Chính sự thấu hiểu, lắng nghe và đồng hành từ người bạn đời đã giúp chị nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng.
Về vóc dáng, chị cho biết mình thuộc tạng người gầy từ trước, cộng thêm việc nghén nặng nên không tăng cân nhiều trong thai kỳ. Nhờ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn và duy trì chế độ ăn hợp lý, chị đã nhanh chóng lấy lại vóc dáng chỉ sau một tháng ở cữ.
Dù hành trình nuôi con đầy thử thách, chị Tâm luôn cảm thấy vững tâm vì biết mình không hề đơn độc. “Nuôi con không dễ, nhưng nhờ có người bạn đồng hành tuyệt vời, tôi luôn tin rằng mình không hề đơn độc. Anh luôn ở đó, lắng nghe, hỗ trợ và cố gắng mang lại cho hai mẹ con cuộc sống đủ đầy, ấm áp nhất”.
Sau khi trải qua những tháng ngày bầu bí, chị Tâm cảm nhận rõ ràng hơn về trách nhiệm và thiên chức của một người mẹ. Không chỉ là chuyện chăm lo cho một sinh linh bé nhỏ trong bụng, mà còn là cả một hành trình dài yêu thương, bảo vệ và dạy dỗ con nên người. Làm mẹ không đơn thuần là một vai trò, đó là sự lựa chọn sống có trách nhiệm, là việc đặt hạnh phúc và sự an toàn của con lên trên tất cả.
Chị Tâm cho biết sẽ cố gắng học hỏi thật nhiều từ chính mẹ ruột và mẹ chồng - hai người phụ nữ tuyệt vời đã dạy dỗ, yêu thương và đồng hành cùng chị suốt những năm tháng qua. Chị muốn nuôi dạy con trong sự tôn trọng và lắng nghe, giống như cách mà hai người mẹ đã luôn đồng hành và tin tưởng vào những quyết định của các con.
“Tôi muốn nuôi dạy con trong sự tôn trọng và lắng nghe, như cách mà cả hai người mẹ đã luôn tin tưởng, lắng nghe và đồng hành cùng tôi trên từng quyết định của mình. Tôi sẽ cố gắng để con có một cuộc sống thật trọn vẹn, không chỉ đủ đầy về vật chất mà còn dồi dào yêu thương. Tôi muốn dành thật nhiều thời gian để trò chuyện, lắng nghe và hiện diện bên con như một người bạn đồng hành thật sự. Tôi cũng sẽ giúp con hiểu rằng, dù bố không thể thường xuyên ở nhà, nhưng tình yêu thương và sự quan tâm mà bố dành cho con là sâu sắc và bền bỉ theo một cách rất đặc biệt. Tôi sẽ dạy con biết yêu thương và biết trao đi yêu thương, trước hết là với ông bà, bố mẹ và những người thân yêu trong gia đình. Dù chỉ là những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống, con cũng cần học cách trân trọng, nâng niu và yêu từ trái tim. Bởi vì khi con biết sống tử tế và chân thành, thế giới xung quanh con chắc chắn cũng sẽ trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Bình luận