Bố chồng gia trưởng ép con dâu ký khước từ tài sản
Hơn 30 năm sống trong một gia đình nhà chồng gia trưởng, người phụ nữ 62 tuổi quyết định kể lại câu chuyện tưởng chừng đã chôn sâu mãi mãi.
Người phụ nữ phải sống chung với một người bố chồng cực đoan, độc đoán và gia trưởng (Ảnh chụp màn hình)
Xuất hiện trong chương trình Người thứ 3, người phụ nữ 62 tuổi (một thợ may tại TP.HCM) đã khiến cả trường quay lặng đi khi kể về cuộc đời làm dâu kéo dài hơn ba thập kỷ của mình. Đó là hành trình đầy tổn thương mà đỉnh điểm là việc bị bố chồng ép ký giấy từ chối quyền lợi trong gia đình.
Bà kể, mình kết hôn với một người đàn ông là con một – được cưng chiều hết mực từ nhỏ. Những tưởng sự nuông chiều đó sẽ là một chiếc nôi êm ái cho cuộc sống hôn nhân. Nhưng thực tế, đó lại là khởi đầu cho chuỗi ngày u tối khi bà phải sống chung với một người bố chồng cực đoan, độc đoán và gia trưởng.
“Chỉ cần chiên cá hơi cháy, ông có thể hất tung cả mâm cơm” - bà kể với giọng run run. Đối với ông, từng chén canh, chén cơm đều phải đúng khẩu vị, mọi lệch lạc đều có thể bị xem là bất kính.
Một lần khác, khi bà dẫn mẹ chồng - người phụ nữ cũng cam chịu cả đời vì ông đi mua vải may áo, bố chồng đã tức giận, lôi vợ ra giữa nhà đánh đập, bắt quỳ và xé nát cả đống vải. “Ông không cho mẹ ăn diện. Mẹ chồng tôi từng nói, từ lúc lấy chồng, bà chưa từng được về quê ngoại ăn Tết” - bà xúc động nhớ lại.
Bi kịch lặp lại khi bà cũng phải từ bỏ việc về nhà mẹ đẻ mỗi dịp Tết, chỉ để phục vụ gia đình bên chồng. Sự hy sinh, nhẫn nhịn nối tiếp qua hai thế hệ nhưng không mang lại sự thấu hiểu hay trân trọng.
Có thời điểm bố chồng hứa sẽ cho hai vợ chồng một mảnh đất phía sau nhà "nhưng lời hứa ấy chỉ là hứa suông". Khi họ ngỏ ý muốn ra riêng, ông nổi giận, đánh cả con trai và tuyên bố: “Phụ nữ trong nhà này không có quyền! Đã lấy chồng thì phải phục tùng nhà chồng!”.
Lần đầu tiên, bà phản ứng lại bởi bà hiểu rằng, trong suốt thời gian chung sống, tất cả tài sản, chi phí sinh hoạt đều do hai vợ chồng bà lo liệu. Nhưng đáp lại, bà chỉ nhận về sự lăng mạ, chửi bới và những lời xúc phạm đến cả bố mẹ ruột của mình.
Đỉnh điểm là khi ông bắt bà ký giấy từ chối quyền lợi trong gia đình vì sợ bà “tranh giành tài sản”. Quá phẫn uất, bà đã nhờ chính quyền can thiệp. Đó cũng là lần đầu tiên, mẹ chồng đứng về phía bà.
Sau biến cố đó, bà và bố chồng không nhìn mặt nhau suốt một thời gian dài. Nhưng sau đó không lâu, vì muốn giữ hòa khí, bà đã chủ động làm lành. Không khí gia đình cũng dần dịu lại.
Khi được hỏi về các con, bà cho biết, bản thân may mắn vì sinh con trai đầu lòng – cháu đích tôn nên được ông nội yêu thương. Còn con gái thứ hai thì không được đối xử công bằng.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A – người đồng hành cùng chương trình đã chỉ ra rằng, gốc rễ của vấn đề không chỉ nằm ở người bố chồng, mà còn ở chính người chồng. “Chị ấy đã sống trong sự uất ức kéo dài nhưng không ai trong gia đình dám lên tiếng, không ai đứng ra bảo vệ. Người chồng thiếu vai trò kết nối và bảo vệ vợ mình” - bà nhận định.
Tiến sĩ cũng nhấn mạnh: “Nếu một người đàn ông đủ bản lĩnh, anh ta sẽ biết cách đứng giữa để hòa giải. Nếu không thể dung hòa, ít nhất anh phải biết bảo vệ vợ khỏi những tiêu cực từ gia đình. Trong trường hợp này, sự im lặng của tất cả mới chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch”.
Khi được hỏi có muốn bật đèn để khán giả biết mình là ai, người phụ nữ nhẹ nhàng từ chối. Bà không cần ai biết tên. Điều bà cần là được nói ra tâm tư sau những năm tháng giữ kín trong lòng để tự chữa lành, để hiểu rằng mình đã đi qua một cuộc đời không hề dễ dàng nhưng vẫn giữ được sự nhân hậu và lòng bao dung.
Bình luận