Có 4 món đồ trẻ sơ sinh đã dùng rồi, dù còn mới đến đâu mẹ cũng đừng tùy tiện cho đi hay nhận lại
Một số món đồ của trẻ sơ sinh, bố mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi cho đi hoặc nhận lại từ người khác.
Trẻ em lớn rất nhanh, và một số quần áo sẽ trở nên quá nhỏ sau khi chỉ mặc vài lần. Nhiều bậc phụ huynh thường phải đối mặt với việc mua sắm quần áo mới cho trẻ, điều này tốn kém, đôi khi còn gây lãng phí. Ở một số nơi, nhiều người thường nhận lại quần áo cũ của bé lớn để "xin vía" khỏe cho bé sau, với hy vọng rằng những món đồ này sẽ mang lại may mắn và sức khỏe cho trẻ.
Ngoài quần áo, những gia đình có trẻ nhỏ sẽ có nhiều đồ dùng và đồ chơi. Trẻ có xu hướng nhanh chóng chán nản với đồ chơi của mình, và những món đồ này có thể tích tụ trong nhà, gây ra sự lộn xộn. Một số đồ vật không còn sử dụng và cần được cho đi, vừa giúp làm gọn không gian sống, vừa mang lại niềm vui cho những trẻ khác.
Tuy nhiên, có một số lời khuyên xoay quanh vấn đề này mà các bậc phụ huynh nên lưu ý. Trong đó, có 4 món đồ mà bố mẹ nên cân nhắc kỹ hoặc hạn chế cho và nhận từ người khác.
Các loại đồ chơi
Đồ chơi mà trẻ sơ sinh chơi chủ yếu là lục lạc và đồ chơi nhai. Đồ chơi lắc có những bộ phận nhỏ bên trong, mang đến âm thanh vui tai khi trẻ lắc. Tuy nhiên, theo thời gian, đồ chơi sẽ cũ đi và các bộ phận có thể dễ dàng rơi ra. Nếu trẻ chơi với nó mà không được giám sát, có nguy cơ vô tình nuốt phải những bộ phận này, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Trẻ nhỏ thích đưa vào miệng bất kể món đồ gì nhìn thấy. Tuy nhiên, việc nhai sẽ để lại dấu vết trên đồ chơi và khiến chúng dễ bị bám bẩn hơn, có thể tích tụ vi khuẩn.
Hơn nữa, hầu hết đồ chơi cho trẻ đều được làm bằng nhựa và silicon. Những vật liệu này có thể dễ bị lão hóa theo thời gian, mặc dù ban đầu trông có vẻ mới. Chúng có thể bị nứt, biến dạng hoặc mất đi đặc tính an toàn ban đầu.
Kể cả khi trông có vẻ mới, đồ chơi cũng sẽ cũ đi sau một thời gian để lâu và không còn thích hợp để trẻ chơi nữa. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ sơ sinh, khi trẻ liên tục đưa đồ chơi vào miệng.
Vì vậy, bố mẹ nên quan sát độ mòn của đồ chơi, nếu đã cũ thì không nên cho đi, cần vứt bỏ hoặc thay mới.
Giày dép
Một số người cho rằng giày dép khác với quần áo. Khi trẻ lớn không còn mặc vừa quần áo nữa, trẻ nhỏ vẫn có thể tiếp tục mang. Tuy nhiên, giày dép và quần áo rất khác nhau, tác động đến sự phát triển của trẻ.
Mỗi trẻ đều có tư thế và thói quen đi bộ riêng, và giày dép cũng sẽ thay đổi tùy theo người mang. Ví dụ, sự hao mòn ở đế giày có thể tạo ra những khu vực không còn hỗ trợ tốt cho bàn chân. Sự biến dạng của ngón chân cũng có thể xảy ra nếu giày không phù hợp, dẫn đến cảm giác khó chịu, gây ra các vấn đề về chân trong tương lai.
Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển vẫn chưa định hình được hình dạng bàn chân. Bàn chân của trẻ còn mềm mại và dẻo, dễ bị ảnh hưởng bởi những đôi giày không đúng kích cỡ. Một đôi giày không vừa vặn có thể gây ra đau đớn, chấn thương và thậm chí dẫn đến các vấn đề như bẹt bàn chân hoặc lệch ngón.
Ngoài ra, giày dép còn có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ chân trẻ khỏi các tác nhân bên ngoài như đá nhọn, bụi bẩn và nước. Nếu giày dép không đảm bảo chất lượng có thể gây ra chấn thương. Đặc biệt là trong giai đoạn mới biết đi, trẻ thường xuyên khám phá thế giới xung quanh, việc có một đôi giày chắc chắn và an toàn là vô cùng cần thiết.
Do đó, giày dép cho trẻ mới biết đi, nên được mua mới, vừa vặn và thoải mái. Bố mẹ chú ý đến chất liệu giày, chọn những loại có khả năng thoáng khí tốt và hỗ trợ tối đa cho bàn chân.
Bình sữa, cốc nước, bát, thìa...
Đồ dùng cho trẻ em như bình sữa, cốc nước, bát, đĩa, nĩa, thìa... dễ bị trầy xước sau khi sử dụng và dễ sinh sôi vi khuẩn. Hơn nữa, vật liệu sẽ dần bị lão hóa và trở nên không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
Đồ dùng bằng silicon và nhựa có tuổi thọ cao, nhưng vẫn cần được thay thế định kỳ. Ngay cả khi có vẻ không bị hỏng, mẹ cũng không nên sử dụng chúng sau khi hết hạn sử dụng.
Việc sử dụng đồ dùng quá hạn dễ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, trẻ tiếp xúc với các hóa chất độc hại có trong vật liệu nhựa. Vì vậy, mẹ hạn chế cho con sử dụng hoặc đưa cho trẻ khác, vì sự an toàn của sức khỏe.
Ngoài ra, một số đồ dùng bằng thép không gỉ có vẻ bền và lựa chọn an toàn hơn, nhưng cũng sẽ bị lão hóa theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy, dưới tác động của nhiệt độ cao, kim loại nặng có thể bị kết tủa và hòa tan vào thức ăn hoặc đồ uống.
Đồ chơi nhồi bông
Nhiều trẻ thích thú với đồ chơi nhồi bông và thậm chí còn ôm trong tay khi ngủ, mang lại sự an tâm, cảm giác an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, đồ chơi nhồi bông cũ thường khó được làm sạch hoàn toàn, ngay cả sau khi giặt và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, phần nhân bên trong dễ bị vón cục sau khi vệ sinh, dễ bị bám bụi cùng với chất tẩy rửa còn sót lại.
Những bụi bẩn và vi khuẩn có thể tích tụ theo thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khi trẻ có thói quen ôm ấp và tiếp xúc gần gũi.
Việc tái chế hoặc quyên góp đồ chơi cũ là lựa chọn tuyệt vời, nhưng cần đảm bảo rằng những món đồ này vẫn còn trong tình trạng tốt và an toàn cho trẻ em khác. Tốt hơn hết là nên cẩn thận với những đồ dùng mà trẻ sử dụng.
Vì vậy, mẹ đừng vội cho đi một cách tùy tiện và cũng không nên dễ dàng nhận những thứ người khác tặng nếu bố mẹ chưa chắc chắn về nguồn gốc và tình trạng của chúng.
Bình luận