Mẹ bầu suýt mất con ở tuần 40 vì không đếm được cử động thai trong 1 giờ
Đây không phải câu chuyện y học “nguy hiểm xa lạ”, mà là tình huống có thể xảy ra với bất kỳ mẹ bầu nào, nhất là ở giai đoạn cuối thai kỳ.
“Bác sĩ Đinh, cảm ơn bác sĩ rất nhiều! Nếu không nhờ bác sĩ và các đồng nghiệp kịp thời mổ lấy thai, có lẽ con gái tôi đã không giữ được rồi”. Gần đây, gia đình bé gái Chu Chu (tên đã thay đổi) liên tục bày tỏ lòng biết ơn đến bác sĩ Đinh Huệ Thanh – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Số 1 trực thuộc Đại học Ninh Ba (Trung Quốc).
Tuy nhiên, bác sĩ Đinh lại nói rằng, công lao lớn nhất thuộc về mẹ của Chu Chu – người đã duy trì thói quen tốt là đếm cử động thai nhi mỗi ngày, nhờ đó kịp thời phát hiện bất thường và cứu chính mình cùng em bé. Bác sĩ Đinh nhấn mạnh: “Việc đếm cử động thai là phương pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Các mẹ bầu nên học cách đếm đúng và duy trì thói quen này”.
“Chỉ cần muộn thêm chút nữa thôi, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!”
Chị Chu mắc tiểu đường thai kỳ, nhưng nhờ sự theo dõi sát sao của bác sĩ nên lượng đường huyết được kiểm soát tốt, thai kỳ diễn ra thuận lợi. Chị và bác sĩ thống nhất: nếu đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, thì sẽ nhập viện vào đúng tuần thứ 40 để chờ sinh.
Tuy nhiên, vào chiều hôm trước ngày dự sinh, chị Chu – như thường lệ sẽ đếm cử động thai vào lúc 13h và chỉ cảm nhận được 2 lần cử động, rõ ràng ít hơn bình thường. Nghĩ rằng em bé có thể đang ngủ, chị tiếp tục đếm vào lúc 14h nhưng hoàn toàn không thấy cử động nào. Linh cảm có chuyện không ổn, chị cùng người nhà lập tức mang theo đồ chuẩn bị sinh đến phòng khám của bác sĩ Đinh Huệ Thanh.
Chị Chu ngay lập tức nhập viện để theo dõi.
Ngay lập tức, bác sĩ Đinh cho kiểm tra tim thai. Kết quả hiển thị đường tim thai gần như thành một đường thẳng và có lúc còn xuất hiện tình trạng nhịp chậm. Bác sĩ nghi ngờ đây là trường hợp cấp cứu sản khoa – có thể do nhau bong non.
Thông thường, nhau thai sẽ không bong ra trong thai kỳ mà chỉ bong sau khi em bé được sinh ra. Nhau thai giống như bộ rễ cây bám vào thành tử cung, làm cầu nối trao đổi dưỡng chất và khí oxy giữa mẹ và thai nhi. Nếu nhau thai bị bong sớm, tức là bong ra một phần hoặc toàn bộ trước khi sinh thì việc cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi bị ngưng trệ, gây nguy hiểm nghiêm trọng.
Bác sĩ Đinh lập tức kích hoạt quy trình cấp cứu sản phụ nguy kịch và chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp. Bà cùng điều dưỡng trưởng đẩy sản phụ nhanh chóng đến phòng mổ, nơi các bác sĩ và ekip đã sẵn sàng. Sau khi gây mê thành công trong 2 phút, các bác sĩ tiến hành rạch bụng và lấy em bé ra chỉ trong vòng 2 phút tiếp theo. Khi chào đời, bé gái bị ngạt nhẹ, da tím tái, nhưng sau khi sơ cứu, bé đã khóc vang. Cả mẹ và bé đều an toàn, mọi người mới thực sự thở phào.
Bác sĩ ngay lập tức mổ thai cho sản phụ.
Bác sĩ Đinh chia sẻ: “Khi phẫu thuật, chúng tôi thấy diện tích bong nhau đã chiếm hơn 50%. Nếu chậm thêm một chút nữa, hậu quả thật sự khó lường. Trường hợp nhẹ thì thai nhi suy thai, nặng có thể tử vong trong bụng mẹ. Với mẹ, bong nhau thai diện rộng có thể gây băng huyết tử cung, rối loạn đông máu, suy thận... Nếu nhau bong hoàn toàn mà em bé không được lấy ra trong vòng 5 phút thì chắc chắn sẽ không qua khỏi”.
Khi em bé "cầu cứu", mẹ nhất định phải chú ý
Bác sĩ Đinh nhấn mạnh: Cử động thai là ngôn ngữ đặc biệt của thai nhi để gửi tín hiệu đến mẹ. Do đó, mẹ bầu cần theo dõi kỹ.
Trong buổi phỏng vấn, một mẹ bầu khác – chị Vương, thai được 36 tuần 3 ngày cũng nhập viện vì lý do giảm cử động thai. Sau khi kiểm tra bằng máy đo tim thai và siêu âm, bác sĩ phát hiện tim thai phản ứng kém, chỉ số nước ối giảm còn 69 (trong khi bình thường là trên 80). Việc nước ối giảm là nguyên nhân chính khiến thai ít cử động.
Bác sĩ Đinh chỉ định nhập viện theo dõi sát. Nếu ổn định thì sẽ đợi đến đủ 37 tuần để chủ động giục sinh. Nhưng nếu tiếp tục có bất thường về cử động thai hoặc chỉ số nước ối giảm xuống dưới 50, thì sẽ tiến hành can thiệp sinh ngay để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Theo thống kê, các nguyên nhân phổ biến gây giảm hoặc bất thường cử động thai gồm: nhau bong non, thiểu ối, dây rốn quấn cổ nặng, huyết khối…
Bác sĩ Đinh nhấn mạnh: nếu mẹ bầu trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể kịp thời phát hiện bất thường cử động thai - chính là nhận ra “tín hiệu cầu cứu” của con thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa những bi kịch đáng tiếc. Dù không phải cứ bất thường là con đang nguy kịch, nhưng nó luôn là dấu hiệu cảnh báo để mẹ cần đi khám ngay lập tức.
Đếm cử động thai mỗi ngày – dễ mà hiệu quả
Cử động thai là hoạt động bình thường của thai nhi trong bụng mẹ. Khi bé giơ tay, đá chân, hoặc xoay người đạp vào thành tử cung, mẹ sẽ thấy bụng chuyển động, hoặc nổi lên một “cục” nhỏ. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, thai máy rất khó cảm nhận, nhưng thường từ tuần thứ 16–22 trở đi thì mẹ có thể cảm nhận rõ ràng.
Đếm cử động thai là một trong những cách theo dõi tình trạng thai nhi quan trọng nhất. Số lần, cường độ và tần suất cử động là chỉ báo rất rõ ràng về sức khỏe của bé.
Bác sĩ Đinh khuyến cáo: Từ tuần thai thứ 28 trở đi, mẹ nên theo dõi cử động thai hàng ngày. Bình thường, trong 1 giờ thai sẽ cử động khoảng 3–5 lần. Nếu bé cử động liên tục nhiều lần trong vài phút thì vẫn chỉ được tính là 1 lần.
Tốt nhất nên đếm vào 3 khung giờ cố định:
– 8h00–9h00
– 13h00–14h00
– 19h00–20h00
Tổng 3 khung giờ trong ngày, số lần thai máy nên ≥ 10. Nếu trong 1 khung giờ (ví dụ 13h–14h) thấy ít, mẹ có thể kiểm tra lại vào khung giờ sau. Nếu số lần đã bình thường lại thì không cần quá lo.
Từ tuần 28 đến lúc sinh, chỉ cần cử động thai đều đặn, nhịp nhàng là dấu hiệu em bé vẫn ổn trong bụng mẹ.
Bác sĩ Đinh một lần nữa nhắc nhở: nếu thấy cử động thai giảm hẳn hoặc có bất thường khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa, đi khám và kiểm tra sớm. Trong trường hợp xác định thai suy cấp, cần kịp thời can thiệp để bảo toàn tính mạng mẹ và con.
Xem thêm video sau đây:
Những dấu hiệu nhận biết thai nhi ngừng phát triển. Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống
Bình luận