Đừng nói "Con giỏi quá", chuyên gia tâm lý gợi ý những câu khen đúng đắn hơn
Lời khen ngợi phù hợp sẽ tạo nên động lực tinh thần giúp trẻ thêm tự tin và phát triển bản thân tốt hơn.
Khen ngợi là cách tốt giúp trẻ cảm thấy tự tin về bản thân. Khi trẻ nhận được sự công nhận từ bố mẹ, sẽ cảm thấy rằng những nỗ lực và thành tích của mình được đánh giá cao. Điều này nhằm khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng, phát triển một hình ảnh tích cực về chính mình.
Khi trẻ được khen ngợi vì những hành động tốt, như giúp đỡ người khác hoặc làm bài tập về nhà, sẽ có xu hướng tiếp tục hành động tích cực đó. Vì vậy, tạo ra một vòng tròn tích cực, hình thành những thói quen tốt.
Việc khen ngợi những nỗ lực và tiến bộ của trẻ trong việc học tập hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ nhận ra rằng sự cố gắng của mình là quan trọng. Nhằm giúp trẻ nhận ra giá trị của sự nỗ lực, khuyến khích phát triển kỹ năng, khám phá những sở thích mới.
Ảnh minh họa.
Việc khen ngợi con cái là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng lòng tự tin và động lực cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh thường chỉ dừng lại ở những câu khen đơn giản như "Con giỏi quá!" "Con thật tuyệt!", "Con thật thông minh!", hay "Con thật xuất sắc!". Mặc dù những câu nói này có thể mang lại cảm giác tốt, nhưng có thể không đủ để truyền đạt những thông điệp sâu sắc mà trẻ cần để phát triển.
Vì vậy, bố mẹ cũng cần chú ý đến cách thức và nội dung khen ngợi để đảm bảo rằng trẻ có thể phát triển độc lập. Một môi trường gia đình tràn đầy sự khen ngợi và khích lệ sẽ giúp trẻ vững bước trên con đường trưởng thành, tự tin đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi gợi ý đến bố mẹ những cách và câu khen ngợi phù hợp hơn.
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.
Thưa chuyên gia, có ý kiến cho rằng bố mẹ khen "Con thật tuyệt!", "Con thật thông minh!", "Con thật xuất sắc!" là rập khuôn, chuyên gia nghĩ sao về điều này? Bố mẹ nên thay thế câu khen thế nào?
Khi bố mẹ khen ngợi con bằng những lời như “Con thật tuyệt!”, “Con thật thông minh!” hay “Con thật xuất sắc!”, dù hàm ý mang tính tích cực, nhưng những lời khen này đôi khi có thể trở nên rập khuôn, vì chúng không đi vào chi tiết về nỗ lực và quá trình của con. Những lời khen này có thể dẫn đến những lo lắng và giới hạn bản thân ở trẻ.
Ví dụ, khi trẻ được khen là thông minh một cách chung chung, chúng có thể lo sợ khi gặp thử thách mới vì sợ không thể giữ được danh hiệu “thông minh”.
Điều này có thể khiến trẻ ngại khám phá những điều mới hoặc tránh né thử thách để bảo vệ hình ảnh “giỏi giang” của mình.Thay vào đó, khi khen ngợi con mà tập trung vào quá trình và nỗ lực cụ thể của trẻ, bố mẹ có thể giúp con phát triển tinh thần học hỏi, kiên trì và nhìn nhận thành công là kết quả của sự cố gắng, thay vì chỉ là phẩm chất cố định.
Do vậy, bố mẹ nên tập trung khen ngợi những nỗ lực của con, những hành động cụ thể con đã làm để đạt được kết quả tốt, những cách thức con đã ứng dụng để giải quyết vấn đề thành công.
Ví dụ: “Bố mẹ thấy con đã rất nỗ lực làm bài tập này”, “Con đã kiên trì làm đến khi hoàn thành, bố mẹ rất ấn tượng!” hay “Con đã thực sự tìm ra cách giải quyết vấn đề này rất sáng tạo”, “Con đã lập kế hoạch thật tốt để hoàn thành công việc.”…Đồng thời, bố mẹ cũng có thể khen ngợi con bằng cách nhấn mạnh vào sự tiến bộ.
Nghĩa là, bố mẹ tập trung ghi nhận sự phát triển của trẻ so với chính bản thân chúng, không phải so sánh với người khác. “Bố mẹ thấy con đã làm tốt hơn lần trước, con đang tiến bộ đấy!” hay “Con đã dành nhiều thời gian hơn và kết quả đã tốt lên. Thật đáng khen ngợi!”
Khen về quá trình và chiến lược: Gợi mở cho con thấy rằng các chiến lược và cách tiếp cận quan trọng hơn kết quả cuối cùng.
Những lời khen như thế sẽ giúp trẻ hiểu rằng sự cố gắng, nỗ lực, và khả năng học hỏi là yếu tố quan trọng nhất, qua đó giúp trẻ xây dựng tinh thần ham học và khả năng đối mặt với thử thách lâu dài.
Có những cách nào để khen ngợi không chỉ tập trung vào thành tích học tập mà còn vào các lĩnh vực khác như tình cảm, đời sống hàng ngày của trẻ?
Để khích lệ và nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của trẻ, bố mẹ không chỉ khen ngợi trẻ về thành tích học tập mà còn về nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống như tình cảm, đạo đức, tính cách,... Khi tập trung vào tính cách và các giá trị cá nhân, bố mẹ có thể khen ngợi sự tốt bụng, lòng trung thực, khả năng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác của trẻ, giúp trẻ nhận ra và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp bên trong mình.
Khen ngợi khả năng tự nhận thức và kiểm soát cảm xúc của trẻ cũng rất quan trọng, như khi trẻ biết bình tĩnh trong tình huống khó khăn hay biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc. Bố mẹ cũng nên nhấn mạnh vào khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo, khen ngợi trí tưởng tượng, sự linh hoạt và tinh thần học hỏi từ sai lầm, khuyến khích trẻ tự tin đối mặt với thử thách.
Trong giao tiếp và kỹ năng xã hội, những lời khen về khả năng làm việc nhóm, tính thân thiện, và khả năng bày tỏ cảm xúc tích cực sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của các mối quan hệ lành mạnh.
Đồng thời, bố mẹ nên khen ngợi tính độc lập và trách nhiệm trong các công việc hàng ngày của trẻ, như khi trẻ tự giác làm bài tập, tự chăm sóc bản thân và thể hiện sự có trách nhiệm với mọi việc mình đã bắt đầu, điều này giúp trẻ hiểu được giá trị của sự tự lập.
Cuối cùng, nhấn mạnh nỗ lực và sự kiên trì là một cách quan trọng để dạy trẻ rằng cố gắng là yếu tố cốt lõi để thành công; khen ngợi khi trẻ không bỏ cuộc trước khó khăn hay không ngại thử thách sẽ giúp trẻ hình thành tư duy tích cực, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Những lời khen ngợi này không chỉ tạo động lực mà còn xây dựng cho trẻ lòng tự trọng, sự tự tin và một nhân cách trưởng thành.
Làm thế nào để khen ngợi trẻ mà vẫn giữ được sự khiêm tốn và không tạo ra tính kiêu ngạo?
Để khen ngợi trẻ mà vẫn giữ được sự khiêm tốn và không làm trẻ trở nên kiêu ngạo, bố mẹ có thể sử dụng cách khen ngợi tập trung vào quá trình, nỗ lực và giá trị bên trong của trẻ thay vì chỉ khen về thành tích hay năng lực bẩm sinh.
Thay vì những lời khen đơn giản như “Con giỏi quá!” hay “Con thật thông minh!”, bố mẹ có thể khen cụ thể về sự cố gắng và tiến bộ của trẻ trong từng việc, giúp trẻ hiểu rằng giá trị không chỉ nằm ở kết quả mà còn ở sự nỗ lực để đạt được.
Chẳng hạn, khi trẻ cải thiện trong học tập hay rèn luyện kỹ năng, bố mẹ có thể nói: “Con đã làm tốt hơn lần trước rồi! Bố/mẹ rất tự hào khi thấy con đã cố gắng từng chút một.” Những lời khen như vậy sẽ giúp trẻ hiểu rằng thành công không phải là cố định, và mỗi lần nỗ lực là một bước tiến, từ đó giúp trẻ phát triển tinh thần không ngừng cải thiện bản thân.
Bên cạnh đó, khen ngợi các giá trị và thái độ của trẻ như lòng tốt, sự kiên trì và tinh thần hợp tác cũng rất quan trọng. Khi bố mẹ nhấn mạnh vào các phẩm chất bên trong thay vì thành tích, trẻ sẽ hiểu rằng lòng tốt và sự chăm chỉ cũng quan trọng như tài năng hay điểm số.
Ví dụ, khi trẻ biết quan tâm và giúp đỡ bạn bè, bố mẹ có thể nói: “Bố/mẹ rất vui khi thấy con biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Con là một người rất tử tế và biết nghĩ đến mọi người.” Khen ngợi như vậy sẽ khuyến khích trẻ phát triển các phẩm chất nhân văn mà không bị cuốn vào việc chỉ tìm kiếm thành công cá nhân.
Việc khuyến khích lòng biết ơn và tôn trọng người khác cũng giúp trẻ giữ được sự khiêm tốn. Khi trẻ hiểu rằng mỗi thành công đều có đóng góp từ gia đình, bạn bè hay thầy cô, trẻ sẽ tránh được cảm giác tự mãn và biết trân trọng sự hỗ trợ của người khác. Chẳng hạn, bố mẹ có thể nói: “Bố/mẹ rất tự hào khi thấy con biết hợp tác với bạn bè và sẵn sàng học hỏi từ những người xung quanh. Điều đó làm con trở thành một người rất đáng mến và khiêm tốn.”
Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích tinh thần học hỏi từ thất bại và sẵn sàng đón nhận thử thách mới. Khen ngợi trẻ khi chúng dũng cảm vượt qua những khó khăn và không ngại thử những điều mới sẽ giúp trẻ hiểu rằng thất bại cũng là một phần của thành công.
Lời khen như: “Bố/mẹ rất vui khi thấy con dám thử những điều mới dù có thể chưa thành công ngay. Điều đó giúp con học hỏi được rất nhiều và sẽ là một thế mạnh lớn của con sau này,” giúp trẻ hiểu rằng hành trình phát triển quan trọng hơn việc đạt đến một đích nào đó.
Cuối cùng, bố mẹ nên giữ lời khen đơn giản, chân thành và cụ thể, tránh phóng đại thành tích của trẻ. Những lời khen như “Bố/mẹ rất tự hào khi thấy con biết cách cố gắng và làm hết sức mình” thể hiện tình cảm thật sự và sự đánh giá cao đối với nỗ lực của trẻ mà không tạo ra kỳ vọng quá cao.
Bằng cách này, trẻ sẽ không bị áp lực phải hoàn hảo mà sẽ học cách yêu thương bản thân và trân trọng quá trình phát triển của mình. Những cách khen ngợi như vậy sẽ giúp trẻ hiểu giá trị của sự nỗ lực, giữ được sự khiêm tốn và có được lòng tự trọng lành mạnh, giúp trẻ trưởng thành tích cực và bền bỉ trong mọi hoàn cảnh.
Giữa khen ngợi và sự kỳ vọng: Bố mẹ nên làm thế nào để tránh tạo ra áp lực cho trẻ thông qua lời khen?
Để tránh tạo ra áp lực cho trẻ qua lời khen, bố mẹ cần phân biệt giữa lời khen và kỳ vọng, đồng thời tập trung vào sự đánh giá cao nỗ lực thay vì chỉ nhấn mạnh kết quả. Thay vì khen về thành tích như “Con thật tuyệt vì đạt điểm cao!”, bố mẹ có thể tập trung vào quá trình trẻ đã trải qua: “Bố/mẹ thấy con rất chăm chỉ ôn bài và không bỏ cuộc. Con thật kiên trì!” Điều này giúp trẻ hiểu rằng nỗ lực của mình mới là điều quan trọng nhất, giảm áp lực phải luôn đạt kết quả cao.
Đặc biệt, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi biết bố mẹ luôn trân trọng mọi nỗ lực, bất kể kết quả ra sao. Bố mẹ cũng nên tránh so sánh trẻ với người khác mà nên ghi nhận sự tiến bộ của trẻ so với chính bản thân mình, như “Bố/mẹ thấy con đã tiến bộ hơn rất nhiều so với lần trước, đó là thành quả rất đáng tự hào.”
Khi khen ngợi, hãy tránh gắn lời khen với kỳ vọng về kết quả tương lai, vì điều này có thể làm trẻ cảm thấy áp lực phải duy trì thành tích. Thay vào đó, bố mẹ nên tập trung vào hiện tại và công nhận điều trẻ đã làm được ngay lúc này.
Bố mẹ cũng nên giúp trẻ hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi và rằng trẻ có giá trị nhiều hơn cả thành tích, nhờ tính cách, lòng tốt và cách trẻ ứng xử với người khác. Khi trẻ hiểu rằng mình được đánh giá cao vì chính con người mình, không phải vì kết quả đạt được, lời khen sẽ trở thành nguồn động viên tích cực, giúp trẻ tự tin, trách nhiệm và không ngại thử thách.
Bình luận