Sống cùng anh chị, Gen Z cực chăm nấu ăn, khoe những món tự nấu chất lượng, tạo dựng nếp nhà
Cô nàng Gen Z cho biết, với mình, nấu ăn không đơn thuần là sở thích mà còn là cách để bản thân gửi gắm yêu thương và chăm sóc những người thân.
Mặc dù bận rộn với lịch học dày đặc, cô sinh viên Gen Z Bảo Ngọc (21 tuổi) vẫn không quên dành thời gian vào bếp, tự tay chế biến những món ăn ngon cho gia đình. Với Ngọc, nấu ăn không chỉ là sở thích mà còn là cách để cô gửi gắm yêu thương và sẻ chia sự quan tâm đến những người thân yêu.
Trong khi nhiều bạn bè sinh viên cùng trang lứa chọn cách ăn uống qua loa cho nhanh, Bảo Ngọc lại dành thời gian tỉ mỉ chuẩn bị từng bữa cơm cho gia đình. Hiện tại, cô sinh viên năm 3 đang sống cùng anh chị và hai cháu nhỏ tại Hà Nội. Công việc của anh chị khá bận rộn, còn Ngọc với lịch học linh hoạt thường nên đã đảm nhận vai trò nấu bữa tối, mang đến những bữa ăn ấm áp, đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà mỗi ngày.
Ngọc tâm sự, mình coi việc bếp núc như là một cơ hội để “mượn bếp yêu mình”. Bếp là nơi cô có thể thỏa sức sáng tạo và có những giây phút bình yên, riêng tư, quý giá mà mình có thể dành riêng cho bản thân, thoát khỏi những áp lực học tập và cuộc sống thường nhật.
“Hơn nữa, nấu ăn đối với em không chỉ là một sở thích đơn thuần mà còn là cách em gửi gắm yêu thương và chăm sóc những người thân yêu. Bởi vì mỗi lần đứng bếp, tự tay chuẩn bị những món ăn, em cảm nhận được niềm vui giản dị mỗi ngày của em và cả niềm vui của mọi người trong gia đình. Em cảm nhận được từng bữa cơm ngon cũng tạo nên những kết nối ấm áp giữa các thành viên trong gia đình. Đó chính là điều làm cho những ngày bận rộn của em trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết”, Ngọc nói.
Để có thể nấu được nhiều món ăn ngon như hiện tại, Gen Z chia sẻ mình thật may mắn đã được học nấu ăn từ mẹ. Chính bà là người đã truyền cảm hứng yêu thích nấu ăn cho cô. Mẹ cũng là hình mẫu lý tưởng của Ngọc trong cách chăm sóc gia đình, đặc biệt là bằng những bữa cơm ngon, ấm cúng.
Cô nàng sinh viên năm 3 kể, từ khi còn rất nhỏ (4-5 tuổi), mình đã được mẹ dắt tay vào gian bếp, bắt đầu chỉ dạy từ những việc nhỏ bé nhất như nhặt rau, cắm cơm, lau chùi dụng cụ… cùng chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình. Những công việc đơn giản ấy không chỉ giúp Ngọc làm quen với bếp núc mà còn nung nấu đam mê nấu ăn và tình yêu với ẩm thực trong Ngọc từng ngày. Vì vậy mà dưới sự kiên nhẫn và tận tình chỉ bảo của mẹ, Gen Z đã dần dần học được các kỹ năng bếp núc và cách chế biến nhiều món ăn khác nhau, từ những món đơn giản đến các công đoạn cầu kỳ hơn.
“Sau đó thì khi trưởng thành và bước vào môi trường đại học, em có thêm cơ hội tiếp xúc mới bên ngoài nhiều hơn và được khám phá nhiều món ăn đa dạng hơn, cũng như dễ dàng tiếp cận và học hỏi hàng ngàn công thức, bí quyết nấu ăn phong phú được chia sẻ từ khắp nơi trên thế giới qua các phương tiện mạng xã hội. Từ các món ăn truyền thống của Việt Nam cho đến những món ăn nước ngoài cầu kì hơn, em đều có cơ hội học hỏi và thử nghiệm”, Ngọc tâm đắc cho biết.
Hiện tại, thời gian vào bếp của Ngọc sẽ phụ thuộc vào mức độ cầu kỳ của mỗi món ăn cũng như quỹ thời gian của cô. Đối với những bữa cơm gia đình thường ngày có các món đơn giản Ngọc thường chỉ mất khoảng từ 30 đến 45 phút để chuẩn bị và nấu nướng.
Đối với những món ăn cầu kỳ hơn và nhiều công đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng, có thể là các món truyền thống Việt Nam hay những món nước ngoài, thời gian cô nấu có thể kéo dài lên đến 1 giờ. “ Thậm chí có những món phức tạp hơn em phải dành đến một tiếng rưỡi hoặc hai tiếng để hoàn thiện các công đoạn tỉ mỉ”, Ngọc nói.
Cô cũng luôn cố gắng lên kế hoạch trước xem hôm nay sẽ nấu món gì và từ đó sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo giữ trọn vẹn hương vị của từng món ăn.
Dù tuổi còn rất trẻ nhưng dường như Ngọc luôn suy nghĩ rất chín chắn. Cô chia sẻ, bản thân cho rằng mỗi người có cách thể hiện tình yêu và trách nhiệm riêng với gia đình khác nhau. Với Ngọc, việc tự mình vào bếp nấu ăn không chỉ là một công việc thường nhật mà còn là niềm vui, là cách mình có thể chăm sóc và thể hiện sự quan tâm dành cho những người thân yêu nhất trong cuộc đời mình.
Dù vẫn đang là sinh viên và còn nhiều công việc cá nhân phải hoàn thành, nhưng cô luôn coi những bữa cơm gia đình là thời điểm quan trọng để mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ, để gắn kết mọi người lại với nhau. Chính vì thế, Ngọc luôn muốn dành thời gian, tâm huyết của mình chuẩn bị bữa tối để mang đến cho cả nhà những món ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và cả món ăn tinh thần trong bữa cơm nhà.
Ngọc luôn cảm thấy may mắn khi được sống cùng anh chị và các cháu nhỏ, nên cô còn xem việc nấu ăn như một cách để chia sẻ gánh nặng với người thân. Đó cũng là một phần khiến Ngọc cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn hơn trong cuộc sống sinh viên.
Đặc biệt, cảm giác khi mọi người trong gia đình, nhất là các bé, ăn hết sạch món ăn mà mình tâm huyết chuẩn bị và còn khen ngon thật sự với cô đó là niềm vui vô giá.“Những khoảnh khắc đó không chỉ là sự đón nhận công sức mà còn là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh, để em tiếp tục gắn bó với bếp núc, để mỗi bữa cơm không chỉ là thức ăn cho thân thể mà còn là thức ăn cho tâm hồn, là sợi dây kết nối vô hình nhưng vững chắc của gia đình em”, Ngọc nói.
Mặc dù vẫn còn là sinh viên nhưng tư duy vào bếp của Ngọc cũng chẳng kém cạnh các chị em phụ nữ có gia đình. Cô cho rằng, tiêu chí nấu ăn của mình đơn giản nhưng phải tuân thử theo nguyên tắc: không chỉ ngon miệng mà còn phải đầy đủ dinh dưỡng, nhất là đối với 2 cháu nhỏ.
Ngọc rất chú trọng đến việc cung cấp đầy đủ đạm, protein, vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của các cháu và cả người lớn. Các bé cần một chế độ ăn cân đối, vì vậy Gen Z luôn cố gắng đảm bảo rằng mỗi bữa ăn đều có sự kết hợp hài hòa giữa thịt, cá, rau củ, trái cây và các nguồn protein thực vật như đậu hạt, giúp các bé khỏe mạnh và năng động.
Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng, Ngọc cũng rất quan tâm đến cách trình bày và trang trí món ăn sao cho bắt mắt và hấp dẫn. Các bé thường sẽ ăn ngon miệng hơn khi món ăn có màu sắc đẹp mắt và hình thù sinh động, vì vậy Ngọc luôn cố gắng tạo ra những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt.
Ngọc cũng luôn quan tâm đến việc sử dụng nguyên liệu phải đảm bảo tươi ngon và sạch. Cô cho biết, mình rất thích tự tay lựa chọn các nguyên liệu bằng cách đo chợ sớm hoặc siêu thị có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo thực phẩm không chỉ tươi mới mà còn an toàn cho sức khỏe.
Còn để tránh cảm giác nhàm chán hay "ngán" trong những bữa cơm, Ngọc thường lên một danh sách các món ăn cho bữa tối trong vòng một tháng. Từ đó Ngọc có thay đổi thực đơn mỗi ngày, xen kẽ giữa các món ăn truyền thống và các món mới từ nhiều nền ẩm thực khác nhau.
Ví dụ, vào một ngày cô sẽ nấu món canh chua cá, bún riêu, hay món thịt kho trứng - những món đơn giản nhưng đậm đà hương vị Việt Nam. Vào những ngày khác, Ngọc lại thử làm món mì Ý hay các món mì, món nướng từ Hàn Quốc, Nhật Bản… từ các nền ẩm thực nước ngoài để gia đình có thêm sự lựa chọn phong phú, không bị "một màu".
Để các món ăn mình nấu nấu phù hợp với khẩu vị của người thân, Ngọc nhấn mạnh bản thân phải hiểu thói quen ăn uống của từng người trong gia đình. Gen Z chia sẻ, mỗi người sẽ có những sở thích, khẩu vị riêng và cô rất chú trọng việc điều chỉnh món ăn sao cho vừa miệng với tất cả.
“Em thường xuyên hỏi ý kiến mọi người về các món ăn yêu thích hoặc món nào họ cảm thấy chưa hợp khẩu vị để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, em chú ý đến các yếu tố như độ cay, mặn, ngọt, hay những nguyên liệu mà gia đình không thích hoặc không thể ăn được. Ví dụ, anh trai em thích các món cay, trong khi chị lại không ăn được quá cay, nên em luôn điều chỉnh gia vị hoặc cách chế biến sao cho cân bằng vị và phù hợp với từng người”, Ngọc kể.
Ngoài ra, để bữa ăn hoàn hảo hơn, Gen Z cũng thường xuyên thử nấu và điều chỉnh các món ăn theo phản hồi của mọi người sau mỗi bữa ăn. Khi gia đình khen hoặc góp ý, cô ghi nhớ để lần sau nấu món đó phù hợp hơn với khẩu vị của mọi người. Đôi khi, Ngọc cũng sáng tạo một chút, kết hợp các nguyên liệu mới vào những món ăn quen thuộc để tạo sự đổi mới mà vẫn giữ được sự hài hòa trong khẩu vị.
Nhờ có sự sự đảm đang, tháo vát, chăm chỉ, lại khéo léo nên cả nhà luôn rất thích những món ăn Ngọc nấu. Với cô, động lực để duy trì niềm đam mê nấu ăn của mình phần lớn là nhờ vào sự động viên và những lời khen từ gia đình. Mỗi lần vào bếp, đặc biệt khi nhìn thấy mọi người trong gia đình, nhất là các bé, ăn ngon miệng và khen món ăn mình nấu, Ngọc cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Cảm giác đó là nguồn động lực mạnh mẽ để Gen Z tiếp tục yêu thích và gắn bó với sở thích nấu nướng này. Những lời khen ấy không chỉ đơn giản là động viên, mà là sự công nhận, giúp em cảm thấy công sức mình bỏ ra luôn được trân trọng, được ghi nhận.
Với Ngọc, mâm cơm gia đình không chỉ đơn thuần là một bữa ăn để no bụng, mà là nơi kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đó là khoảnh khắc mà tất cả mọi người trong gia đình từ già đến trẻ có thể ngồi lại bên nhau, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những câu chuyện thường nhật xảy ra trong ngày mà mọi người trải qua, không còn bất kì khoảng cách tuổi tác hay thế hệ nào. Cũng là nơi mà mọi người gác lại tất cả bộn bề của cuộc sống ngoài kia để dành thời gian quây quần, tận hưởng những món ăn được chuẩn bị với tất cả tình yêu thương.
Cô cũng nghĩ rằng mâm cơm gia đình cũng chính là sự phản ánh nếp nhà. Qua từng bữa ăn, có thể cảm nhận được những giá trị truyền thống, tình cảm và sự quan tâm mà mỗi thành viên dành cho nhau. Nếp nhà không chỉ được xây dựng qua những lời nói, mà qua từng bữa cơm gia đình, qua cách mọi người cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng nhau. Nếp nhà cũng là nơi giáo dục các thế hệ sau về sự tôn trọng, yêu thương và sẻ chia, từ những món ăn được chuẩn bị chu đáo, đến những câu chuyện, những tiếng cười cùng nhau thưởng thức.
Bình luận