Loại rau mọc hoang nay thành đặc sản, vừa ăn vừa làm thuốc, trồng siêu dễ, hạt chạm đất là đâm chồi
Cây này thường mọc hoang ở vùng đất cỏ, ruộng vỡ hoang hay những nơi đất cao ráo.
Cây vông vang còn được biết đến với tên gọi khác như bông vang, bông vàng, lá vang, bồng vang, hoàng quỳ,... tên khoa học là Hibiscus abelmoschus L. (hay Abelmoschus moschatus Moench), thuộc họ Bông (Malvaceae).
Đây là loài cây thân thảo, chiều cao trung bình khoảng 1 mét, phần gốc hơi hóa gỗ, thân được phủ lớp lông mịn. Lá có hình tim, viền răng cưa rõ nét, thường chia thành nhiều thùy sâu, cả hai mặt lá phủ dày lông trắng bạc tạo cảm giác ram ráp khi chạm tay vào.
Hoa thường nở từ tháng 6 đến tháng 10, mọc đơn lẻ tại nách lá gần ngọn, có màu vàng tươi bắt mắt. Cuống hoa thon dài, phía gần đài hoa hơi phình. Quả hình thoi, có chiều dài khoảng 4–5 cm, phủ lông nhạt, chứa nhiều hạt nhỏ hình thận, mặt hạt có các vân đồng tâm đặc trưng.
Vông vang thường mọc hoang ở vùng đất cỏ, ruộng vỡ hoang hay những nơi đất cao ráo. Người dân miền quê từ lâu đã biết tận dụng loại lá này trong ẩm thực. Lá vông vang tươi, không quá non, cũng không quá già thường được dùng để chế biến món canh chua thanh mát. Trước khi nấu, lá cần được rửa sạch và vò nhẹ để loại bớt lớp lông tơ, tránh gây cảm giác rát lưỡi khi ăn.
Canh từ là vông vang.
Món canh chua lá vông vang không chỉ mang vị thanh mát mà còn dễ kết hợp với nhiều nguyên liệu từ cá đồng như cá rô, cá khô đến hải sản như cá đuối, mực tươi, hay thịt bò, thịt gà,...
Khi nhai kỹ, lá tiết ra vị chua dịu nhẹ giống như giấm gạo, rất đặc trưng. Cũng nhờ hương vị đặc trưng đó, loại rau mọc hoang này giờ đã trở thành loại rau đặc sản được nhiều người săn lùng, nhất là trong những ngày hè oi nóng.
Không dừng lại ở vai trò nguyên liệu nấu ăn, vông vang còn là cây thuốc quý trong y học cổ truyền. Hầu hết các bộ phận của cây từ rễ, thân đến lá đều có thể dùng làm thuốc. Hạt cây chứa tinh dầu, được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm nhờ hàm lượng xạ hương tự nhiên có trong thành phần. Dân gian thường dùng vông vang để trị các bệnh như co giật (động kinh), sỏi thận, viêm tiết niệu, phong thấp, viêm dạ dày, tiêu viêm, thanh nhiệt, mát gan, trị mụn, hạ đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường, nấm miệng...
Theo nghiên cứu hiện đại, chiết xuất từ vông vang còn có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, và có tiềm năng kháng virus.
Cách trồng và chăm sóc cây vông vang
Cây vông vang được trồng chủ yếu bằng cách gieo hạt, phương pháp này rất dễ thực hiện nhờ kích thước hạt lớn và tỷ lệ nảy mầm cao. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ nảy mầm, bạn nên ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 24 giờ, sau đó ủ trong cát ẩm thêm 1–2 ngày cho đến khi hạt nứt mầm rồi gieo xuống đất.
Chăm sóc cây vông vang không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp, chỉ cần duy trì độ ẩm vừa phải và ánh sáng đầy đủ là cây có thể phát triển tốt. Thế nhưng để cây phát triển tốt, cho lá đều quanh năm để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm và dược liệu, bạn nên trồng trong đất tơi xốp, giàu mùn, sạch mầm bệnh. Nên ưu tiên trồng ở những nơi cao ráo, tránh úng nước, vì vông vang không chịu được đất ẩm thấp kéo dài.
Trồng một cây vông vang có thể cho thu hoạch suốt nhiều năm. Đáng nói, khi quả vông vang già, hạt rơi xuống đất sẽ nhanh chóng mọc thành cây mới. Vì thế, bạn trồng một lần có thể ăn suốt nhiều năm không hết.
Bình luận