"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời

Việc bố mẹ nói những lời vô tình, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc và hình thành tính cách của trẻ.

Trong môi trường gia đình, lời nói của bố mẹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và cảm xúc của trẻ. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhắc nhở bố mẹ nên chú ý đến cách thức, lời nói khi trò chuyện với con.

Bởi một số câu nói vô thức có thể vô tình tạo ra cảm giác tội lỗi bên trong trẻ, dẫn đến việc trẻ tự trách bản thân, nghĩ rằng nếu mình không tồn tại, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Điều này có thể tạo ra những vấn đề tâm lý lâu dài, như trầm cảm hoặc lo âu.

Ví dụ như câu nói Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi” trẻ lớn lên với cảm giác tội lỗi và xấu hổ, gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh trong tương lai. 

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 1

Ảnh minh họa.

Khi trẻ không được dạy cách xử lý cảm xúc và xung đột một cách tích cực, dễ gặp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống. 

Vì vậy, bố mẹ nên tìm cách giao tiếp một cách tích cực hơn. Thay vì đổ lỗi cho trẻ, trong tình huống này hãy chia sẻ những khó khăn trong hôn nhân mà không liên quan đến trẻ. 

Việc nhận thức và thay đổi cách giao tiếp trong gia đình là vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần hiểu rằng trẻ không phải là nguyên nhân của các vấn đề trong hôn nhân và tạo ra một môi trường an toàn, yêu thương để trẻ phát triển khỏe mạnh về tâm lý và cảm xúc.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra phân tích sâu sắc hơn, đồng thời gợi ý phương pháp giao tiếp hiệu quả hơn giữa bố mẹ và con.

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 2

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 3

Trẻ có thể cảm thấy mình là nguyên nhân khiến bố mẹ không thể ly hôn? Nếu có, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ ra sao? 

Khi bố mẹ nói “Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi”, trẻ có thể cảm thấy mình là nguyên nhân khiến bố mẹ không thể ly hôn. Điều này có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý. Trước hết, trẻ có thể mang theo cảm giác tội lỗi và trách nhiệm nặng nề, luôn nghĩ rằng mình là gánh nặng khiến bố mẹ phải chịu đựng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Điều này có thể tạo áp lực vô hình, khiến trẻ cố gắng làm hài lòng bố mẹ, sống trong lo lắng rằng nếu mình không ngoan, bố mẹ sẽ thực sự chia tay.Ngoài ra, trẻ cũng có thể cảm thấy bất an, luôn sợ hãi rằng gia đình sẽ tan vỡ bất cứ lúc nào. Việc liên tục chứng kiến mâu thuẫn giữa bố mẹ có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm, mất đi cảm giác an toàn.

Hơn thế, suy nghĩ rằng bố mẹ ở bên nhau chỉ vì mình có thể khiến trẻ cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp, nghi ngờ liệu tình yêu thương của bố mẹ có thật sự dành cho mình hay không. Khi lớn lên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân, dễ hình thành suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân hoặc rơi vào tình trạng chấp nhận chịu đựng trong các mối quan hệ không lành mạnh.

Bên cạnh những tác động về mặt tâm lý, căng thẳng và lo lắng cũng có thể ảnh hưởng đến thành tích học tập và cuộc sống hằng ngày của trẻ. Trẻ có thể trở nên mất tập trung, dễ cáu gắt hoặc thu mình lại, thậm chí một số trường hợp có thể nổi loạn để phản ứng với những bất ổn trong gia đình.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực này, bố mẹ cần trấn an trẻ rằng tình yêu thương dành cho con là vô điều kiện, không nên khiến trẻ cảm thấy mình là lý do duy trì hôn nhân của bố mẹ. Thay vì nhấn mạnh sự chịu đựng, bố mẹ nên tạo ra môi trường gia đình ổn định, nơi trẻ có thể chia sẻ cảm xúc và cảm thấy an toàn. Nếu trẻ có dấu hiệu bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, việc tìm đến chuyên gia tâm lý để hỗ trợ cũng là một giải pháp quan trọng.

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 4

Câu nói này có thể ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ về tình yêu và hôn nhân như thế nào? Trẻ có thể hình thành những niềm tin sai lệch nào về mối quan hệ trong tương lai? 

Câu nói “Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi” cũng ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của trẻ về tình yêu và hôn nhân, dẫn đến những niềm tin sai lệch về mối quan hệ trong tương lai. Khi lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ duy trì hôn nhân không phải vì tình yêu mà vì trách nhiệm hoặc nghĩa vụ, trẻ có thể hình thành những nhận thức tiêu cực về các mối quan hệ.

Trước hết, trẻ có thể tin rằng hôn nhân là sự chịu đựng, không phải là tình yêu và hạnh phúc. Trẻ có thể nghĩ rằng vợ chồng phải ở bên nhau dù không còn tình cảm, dẫn đến việc chấp nhận những mối quan hệ không lành mạnh thay vì tìm kiếm hạnh phúc thực sự.

Điều này có thể khiến trẻ, khi trưởng thành, dễ mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc mà không dám rời đi, vì sợ rằng việc chia tay đồng nghĩa với thất bại.

Thứ hai, trẻ có thể hình thành quan điểm rằng trẻ em là gánh nặng trong hôn nhân. Khi nghe bố mẹ nói rằng họ ở bên nhau chỉ vì con, trẻ có thể cảm thấy rằng sự tồn tại của mình là một áp lực, thay vì là một niềm vui. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình sau này, khiến trẻ sợ có con vì lo ngại rằng điều đó sẽ ràng buộc họ vào một mối quan hệ không mong muốn.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể phát triển niềm tin rằng tình yêu không tồn tại bền vững, rằng mọi mối quan hệ rồi cũng sẽ đi đến bế tắc. Sự hoài nghi này có thể khiến trẻ trở nên dè dặt trong việc cam kết tình cảm, khó tin tưởng vào đối phương hoặc thậm chí né tránh các mối quan hệ nghiêm túc.

Mặt khác, một số trẻ có thể hình thành quan điểm cực đoan rằng hôn nhân là vô nghĩa và không đáng để theo đuổi. Nếu trẻ chứng kiến bố mẹ luôn căng thẳng, cãi vã và không hạnh phúc, trẻ có thể cho rằng kết hôn chỉ mang lại đau khổ và ràng buộc, từ đó có xu hướng tránh xa việc kết hôn khi trưởng thành.

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 5

Chuyên gia có thể chia sẻ trường hợp nào tương tự trong quá trình tham vấn? Và cách mà trẻ nên vượt qua trong những trường hợp này như thế nào? 

Trường hợp tương tự tôi từng gặp trong tham vấn là một cậu bé 15 tuổi sống trong một gia đình mà bố mẹ thường xuyên cãi vã. Mỗi khi tranh luận, họ thường nói với bé rằng: “Nếu không vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi.” Nghe những lời này lặp đi lặp lại, bé bắt đầu cảm thấy mình là gánh nặng và là nguyên nhân khiến bố mẹ phải tiếp tục sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.Bé dần trở nên trầm lặng, thu mình, không còn muốn chia sẻ với ai về cảm xúc của mình.

Em cảm thấy có trách nhiệm giữ gìn hòa khí trong gia đình và luôn cố gắng làm mọi thứ để bố mẹ vui vẻ, ngay cả khi điều đó khiến cậu mệt mỏi và căng thẳng. Dần dần, bé bắt đầu mất tập trung trong học tập, cảm thấy lo âu và thậm chí có dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Khi đó, các mối quan hệ xã hội, bạn bè của em cũng thu hẹp lại, em cũng không muốn tham gia các hoạt động tại trường lớp, thích ở một mình và sử dụng điện thoại quá mức.

Khi em học lớp 9 thì dường như em không có bạn bè, thành tích học tập kém, không có định hướng tương lai, không tin vào bản thân và người khác.Để vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực từ câu nói của bố mẹ, trẻ cần nhận thức rằng mình không phải là nguyên nhân của vấn đề, vì những khó khăn trong hôn nhân của bố mẹ là do chính họ và không phải lỗi của mình. Việc họ quyết định ở bên nhau hay không không nên trở thành gánh nặng tâm lý cho em.

Bên cạnh đó, trẻ cần được bày tỏ cảm xúc của mình để giải tỏa áp lực bằng cách chia sẻ với một người đáng tin cậy như giáo viên, anh chị em hoặc bạn bè thân thiết. Nếu không muốn nói trực tiếp, trẻ có thể viết nhật ký hoặc tham gia các hoạt động nghệ thuật như vẽ, viết hoặc âm nhạc để diễn đạt cảm xúc một cách nhẹ nhàng hơn. 

Một bước quan trọng nữa là em cần được trò chuyện với bố mẹ một cách chân thành, nói về những tổn thương mà mình đang trải qua. Nếu không thể bày tỏ trực tiếp thì trẻ có thể viết thư hoặc nhờ một người thân khác giúp truyền tải cảm xúc này.

Ngoài ra, trẻ cần tập trung vào cuộc sống riêng để không bị cuốn vào những mâu thuẫn của bố mẹ. Các em có thể tham gia các hoạt động thể thao, câu lạc bộ hoặc tình nguyện để xây dựng môi trường tích cực cho bản thân. Việc phát triển sở thích và đam mê cũng giúp trẻ có thêm động lực và niềm vui trong cuộc sống. Nếu những áp lực tâm lý trở nên quá lớn hoặc xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, lo âu, trẻ nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn tâm lý.

Hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình, đồng thời hướng dẫn cách đối diện với tình huống một cách lành mạnh.Quan trọng nhất, trẻ cần hiểu rằng hạnh phúc của bố mẹ không phải là trách nhiệm của mình. Cậu xứng đáng có một cuộc sống vui vẻ, bình yên mà không bị gánh nặng bởi những vấn đề của người lớn.

"Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn từ lâu rồi" câu nói vô tình nhưng trẻ mang cảm giác có lỗi cả đời - 6

Bố mẹ có thể làm gì để tránh sử dụng những câu nói như vậy và thay vào đó là những cách giao tiếp tích cực?

Để tránh sử dụng những câu nói có thể gây tổn thương tâm lý cho con, bố mẹ cần thay đổi cách giao tiếp theo hướng tích cực hơn. Trước hết, bố mẹ nên tránh đổ lỗi cho con về những vấn đề trong hôn nhân. Những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là trách nhiệm của người lớn và không nên khiến con cảm thấy mình là nguyên nhân duy trì hay tan vỡ gia đình.

Thay vì nói điều trên bố mẹ nên nói “Bố mẹ đang gặp một số khó khăn, nhưng điều đó không liên quan đến con. Dù thế nào, bố mẹ vẫn luôn yêu thương con.” Điều này giúp con cảm thấy an toàn hơn và không bị áp lực phải gánh vác những vấn đề của người lớn.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần giao tiếp trung thực nhưng phù hợp với lứa tuổi của con. Trẻ em có quyền biết về tình hình gia đình, nhưng không nên bị đặt vào trạng thái lo lắng hay cảm thấy mình là gánh nặng.

Những lời nói như “Bố mẹ chỉ chịu đựng vì con thôi” có thể khiến con cảm thấy tội lỗi, thay vào đó, bố mẹ nên khẳng định “Dù có chuyện gì xảy ra giữa bố mẹ, con vẫn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bố mẹ.” Đồng thời, việc thể hiện sự ổn định và tình yêu thương cũng rất quan trọng.

Trẻ em cần biết rằng dù bố mẹ có mâu thuẫn, tình yêu dành cho con vẫn là vô điều kiện. Câu nói “Bố mẹ chỉ ở bên nhau vì con” có thể khiến con cảm thấy bị ràng buộc, vì vậy bố mẹ nên thay thế bằng “Gia đình mình có thể gặp khó khăn, nhưng bố mẹ sẽ luôn cùng con vượt qua. Con không phải lo lắng gì cả.”

Ngoài ra, bố mẹ nên hạn chế tranh cãi trước mặt con để tránh khiến con cảm thấy bị kẹt giữa hai phía hoặc buộc phải đứng về phía ai. Nếu vô tình để con chứng kiến mâu thuẫn, bố mẹ cần nhanh chóng trấn an và giúp con hiểu rằng không có gì đáng sợ hay liên quan đến con.

Đồng thời, việc tạo môi trường an toàn để con chia sẻ cảm xúc cũng rất quan trọng. Khi con cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã, bố mẹ có thể nói “Bố mẹ biết con có thể đang cảm thấy buồn hoặc lo lắng. Con có thể nói với bố mẹ bất cứ lúc nào nhé.” Điều này giúp con cảm thấy được lắng nghe và có sự hỗ trợ từ bố mẹ.

Cuối cùng, nếu bố mẹ cảm thấy khó kiểm soát cảm xúc khi giao tiếp với con, hoặc nếu gia đình đang trải qua giai đoạn căng thẳng kéo dài, việc tìm đến chuyên gia tư vấn gia đình có thể là một giải pháp tốt.

Một môi trường gia đình lành mạnh không chỉ giúp bố mẹ mà còn giúp con phát triển với tâm lý ổn định và tích cực hơn. Bằng cách thay đổi cách giao tiếp, bố mẹ không chỉ giúp con cảm thấy an toàn hơn mà còn dạy con những giá trị tích cực về tình yêu và gia đình trong tương lai.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Alibaba trỗi dậy mạnh mẽ: Đế chế của Jack Ma đang lấy lại vị thế?

Alibaba trỗi dậy mạnh mẽ: Đế chế của Jack Ma đang lấy lại vị thế?

Alibaba Group Holding Ltd., gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc do Jack Ma đồng sáng lập, vừa ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong hơn một năm. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực phục hồi của công ty sau nhiều năm đối mặt với các thách thức từ chính phủ và sự cạnh tranh gay gắt.

Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Ngày 20/2, tại Hà Nội, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi cung ứng pin cho chuyển dịch năng lượng (Việt Nam)”.

Khi nghệ thuật “lên tiếng” vì môi trường

Khi nghệ thuật “lên tiếng” vì môi trường

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Vì khí hậu - Hạ Long 2025” là sự kiện văn hóa, du lịch, truyền thông kết hợp với nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức, hành động của công chúng về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu.