"Nữ thần bóng rổ" mang thai con đầu lòng bị ra máu bất thường vì sai lầm nhiều mẹ bầu mắc phải
Người đẹp thể thao này đã rất lo lắng cho sức khỏe của thai nhi trong bụng.
"Nữ thần bóng rổ" Jessie Phương Vịnh Lâm, 36 tuổi, sở hữu gương mặt ngọt ngào cùng vóc dáng quyến rũ. Cô đã kết hôn với bạn trai là cựu cầu thủ bóng rổ hạng nhất - Trần Trương Mẫn vào năm 2023 sau hai năm hẹn hò.
Chưa đầy hai năm sau đó, cặp đôi vui mừng thông báo chuẩn bị lên chức bố mẹ. Tuy nhiên, trong thai kỳ, Jessie đã gặp một sự cố khá nguy hiểm nhưng may mắn không ảnh hưởng lớn. Theo đó, khi đang quay chương trình thực tế cô đột nhiên bị ra máu, khiến bà bầu này phải lập tức dừng công việc và nằm nghỉ trên giường một tuần.
Phương Vịnh Lâm sở hữu vẻ đẹp cuốn hút.
"Nữ thần bóng rổ" chia sẻ: "Cuối cùng cũng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người! Vợ chồng tôi luôn yêu thích trẻ con, nên trước khi cưới đã thực hiện kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sau khi cưới lập tức bồi bổ cơ thể để bước vào giai đoạn chuẩn bị mang thai! Khi quay chương trình 'Đại Lực Tình Nhân', cơ thể tôi thay đổi khá rõ.
Nhưng điều đáng sợ là vào ngày quay cuối cùng, khi đó tôi vẫn chưa biết là mình đã mang thai. Trong chương trình có nhiều cảnh hành động. Cuối cùng quay xong chương trình, tôi mới phát hiện ra mình mang thai. Không lâu sau đó, có lẽ vì quá mệt mỏi, tôi phát hiện bị ra máu nhẹ, phải nằm nghỉ trên giường suốt một tuần. May mắn là em bé rất mạnh khỏe, không sao cả".
Cô từng gặp vấn đề ở tháng đầu thai kỳ.
Phương Vịnh Lâm may mắn không gặp biến chứng nghiêm trọng dù đã hoạt động mạnh trước khi biết mang thai. Trên thực tế, ra máu có thể xảy ra ở cả ba giai đoạn của thai kỳ: đầu, giữa và cuối với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ra máu trong 3 tháng đầu thai kỳ (tuần 1–12)
Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Thiếu progesterone: Đây là nội tiết tố giúp duy trì niêm mạc tử cung, hỗ trợ phôi thai bám và phát triển. Trước tuần thứ 9, nếu lượng progesterone không đủ ổn định, có thể gây ra máu nhẹ - có thể cải thiện bằng bổ sung hoàng thể tố.
- Phôi thai bất thường: Nếu thai nhi có bất thường nhiễm sắc thể hoặc không phát triển tốt, cơ thể có thể tự đào thải - kèm đau bụng và ra máu. Đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên, trong trường hợp này không nên cố gắng giữ thai nếu đã được bác sĩ xác định là không khả thi.
- Thai phát triển không ổn định: Dù phôi thai bám đúng vị trí, nhưng phát triển không ổn định, dễ gây nguy cơ sảy thai sớm. Cần nằm nghỉ và dùng thuốc an thai.
- Mang thai ngoài tử cung: Nếu ra máu kèm đau bụng dưới âm ỉ, cần lập tức đi khám vì có thể là thai ngoài tử cung - cần can thiệp y tế (thuốc hoặc phẫu thuật) để tránh tổn thương cho mẹ.
- Ra máu do làm tổ (implantation bleeding): Khi phôi cấy vào tử cung có thể gây ra máu nhẹ, thường không đáng lo, nhưng vẫn nên theo dõi và tham khảo ý kiến bác sĩ.
2. Ra máu trong 3 tháng giữa (tuần 13–28):
Nguyên nhân phổ biến:
- Nhau tiền đạo: Nhất là với phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc mang thai muộn tuổi. Nếu nhau thai nằm quá thấp hoặc che cổ tử cung, có thể gây ra máu không đau nhưng lượng nhiều, cần hạn chế vận động và theo dõi chặt chẽ.
- Dấu hiệu sinh non: Nếu ra máu kèm cơn co tử cung đều đặn, có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm. Thường xảy ra ở người mang thai làm việc quá sức hoặc căng thẳng, cần nhập viện điều trị.
- Nhau bong non: Là tình trạng nhau thai tách ra khỏi tử cung trước khi sinh, có thể gây mất máu lớn và thiếu oxy cho thai. Nếu nặng, cần sinh mổ cấp cứu.
- Cổ tử cung yếu: Không chịu được áp lực từ thai nhi, gây ra máu. Bác sĩ có thể phải khâu cổ tử cung để bảo vệ thai kỳ.
3. Ra máu trong 3 tháng cuối (tuần 29 đến sinh):
- Ra máu sinh lý ("máu báo"): Khoảng 1 tháng trước ngày dự sinh, âm đạo có thể ra một chút máu nhầy - là bình thường.
- Ra máu bất thường: Nếu lượng máu nhiều, đỏ tươi, kèm đau bụng, có thể là: Nhau bong non; nhau tiền đạo tái phát
- Viêm cổ tử cung hoặc polyp: Dẫn đến ra máu nhẹ, không ảnh hưởng thai nhưng có thể gây sinh non. Cần khám trong để xác định nguyên nhân và điều trị.
Dù là ra máu ít hay nhiều, ở bất kỳ giai đoạn nào, các mẹ bầu cũng không nên chủ quan. Cần loại trừ các nguy cơ nghiêm trọng như sảy thai, thai ngoài tử cung, nhau bong non, nhau tiền đạo... Hãy luôn ghi nhớ rằng "phòng bệnh hơn chữa bệnh", khám thai định kỳ và theo dõi kịp thời là chìa khóa để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Bình luận