“Ốc đảo xanh mát” ở penthouse tầng 23 của mẹ đảm Bình Dương: Hoa hồng tỏa ngát hương, vườn rau trái trĩu quả
Hiện tại, một nửa sân thượng được bố trí thành không gian sinh hoạt chung. Đây là nơi gia đình tổ chức tiệc BBQ, ăn uống ngoài trời hoặc tiếp đãi bạn bè. Phần còn lại, chị Nga tận dụng để trồng cây, biến nơi đây thành một khu vườn trên cao đúng nghĩa.
Tọa lạc trên tầng 23 của một tòa chung cư cao tầng ở thành phố Dĩ An (Bình Dương), khu vườn nhỏ của chị Ngô Phương Nga hiện ra như một ốc đảo xanh mát. Ở nơi đó, hoa hồng đua nhau khoe sắc, rau trái trĩu cành, không gian lãng mạn ấy khiến ai đã “lỡ” bước vào rồi sẽ chẳng muốn ra nữa.
“Ốc đảo xanh mát” ở penthouse tầng 23 của mẹ đảm Bình Dương.
Chị Nga cùng chồng mua căn penthouse ở tầng 23 có sân thượng riêng rộng 115m² với một phần ý tưởng tạo dựng khu vườn để thư giãn. Khoảng sân ban đầu rất trống trải, chỉ được lát gạch đỏ, có sẵn hệ thống ống nước chạy quanh, được quy hoạch để cư dân trồng cây nên đảm bảo chống thấm.
Sau đó, chồng chị Nga đã phác thảo bản vẽ đầu tiên rồi giao cho chị đảm nhiệm việc thuê thợ, chọn vật liệu và giám sát thi công. Công trình được hoàn thành sau 1 tháng, do chị Nga chỉ thuê 1 thợ hồ không chuyên và 1 thợ phụ.
“Nếu giao cho đội thi công sân vườn chuyên nghiệp chắc chỉ vài ngày là xong, nhưng khi đó tôi chỉ thuê 1 thợ hồ không chuyên và 1 thợ phụ. Lúc đó, tôi còn đi làm công ty nên tranh thủ buổi sáng trước lúc đi làm và chiều về sớm để trao đổi với thợ thôi”, chị Nga cho hay.
Khoảng một năm sau, vợ chồng chị lại quyết định cải tạo lại toàn bộ để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế và thẩm mỹ. Chính vì thế, chi phí bị “đội” lên. “Nếu có thiết kế chi tiết ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhiều”, chị nói.
Ông xã chị Nga.
Vợ chồng chị Nga bên trong phòng ăn trên sân thượng.
Hiện tại, một nửa sân thượng được bố trí thành không gian sinh hoạt chung. Đây là nơi gia đình tổ chức tiệc BBQ, ăn uống ngoài trời hoặc tiếp đãi bạn bè. Phần còn lại, chị Nga tận dụng để trồng cây, biến nơi đây thành một khu vườn trên cao đúng nghĩa.
Hơn 30 gốc hồng ngoại được trồng rải rác khắp các góc vườn, xen kẽ là những cây ăn trái như cóc, ổi, khế, táo, lựu, nho... cùng nhiều loại hoa như cẩm tú cầu, mai xanh Thái, Mona Lavender, hoa mua, lan ý...
Gia đình chị thường tổ chức tiệc BBQ trên sân thượng.
Bên cạnh đó, chị còn trồng thêm vài luống rau xanh như rau muống, rau cải, bắp cải, các loại rau thơm, các loại dưa, cà chua,… để phục vụ cho bữa cơm gia đình. Nhưng do diện tích có hạn, chị Nga phải mở rộng khu vực trồng rau lên mái cầu thang. Nơi này chỉ rộng khoảng 3m2 và phải leo lên bằng thang sắt.
Trong quá trình làm vườn, chị Nga thấy việc vận chuyển đất, phân bón hay vật liệu lên tầng thượng là vất vả nhất. Bởi tuy mọi thứ được chuyển bằng thang máy lên căn hộ, nhưng sau đó chị lại phải tự bê lên sân thượng bằng cầu thang bộ phía trong nhà.
Dẫu vậy, vì háo hức được trồng hoa, trồng rau nên chị không thấy mệt. “Muốn nhanh chóng phủ xanh không gian sống, háo hức được chinh phục những giống hoa hồng ngoại rực rỡ, nên tôi không thấy mệt”, chị nói.
Khu vườn "trên mây" của gia đình chị Nga.
Trong vườn, hoa hồng là loài cây được chị Nga dành nhiều tình cảm nhất, cũng là loài hoa khiến chị vất vả nhất trong quá trình chăm sóc.
Từ một người mới bắt đầu, đến nay chị đã trồng gần 50 giống hồng ngoại. Trong đó, chị thích nhất là giống hoa Masora, Abraham Darby và Carey, vì chúng có hoa to, màu sắc bắt mắt, hương thơm nồng, độ bền cao và đặc biệt là chịu được nắng nóng đặc trưng của miền Nam.
Hoa hồng Masora.
Hoa hồng bán leo Abraham Darby.
Hoa hồng Carey.
Tuy nhiên, để có được khu vườn nở rộ hoa hồng như hiện tại, chị Nga cũng từng nhiều lần nản lòng. “Hồi mới trồng hoa hồng, tôi không thể ngờ loại hoa này lại khó chăm sóc tới vậy. Dồn bao tâm huyết nhưng cây cứ yếu ớt, không nở được bông hoa nào”, mẹ đảm cho hay.
Sau đó, chị tham gia nhiều hội nhóm trồng hoa trên mạng xã hội, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi trước rồi dần dần tích lũy được kinh nghiệm cho riêng mình. Sau 7 năm trồng hoa hồng, chị thấy giá thể là yếu tố quan trọng hàng đầu. “Giá thể cần đảm bảo độ tơi xốp, giữ ẩm tốt nhưng không gây úng, đây là nền tảng để cây phát triển khỏe mạnh”, chị Nga nói.
Chị thường trộn hỗn hợp gồm 30–40% đất thịt hoặc đất đỏ, 40% trấu, xơ dừa và vỏ đậu phộng, phần còn lại là các loại phân hữu cơ như phân bò, phân trùn quế, phân gà, humic và nấm Trichoderma.
Hàng tuần, chị sử dụng luân phiên hai loại phân hữu cơ tự ủ tại nhà là dịch cá và dịch chuối đậu tương. Dịch cá được tưới khoảng 3 ngày trước khi cắt tỉa giúp cây bật mầm mạnh, còn dịch chuối giúp hoa nở đều, giữ màu lâu và mùi thơm đậm hơn.
Bên cạnh dinh dưỡng, yếu tố thời tiết và sâu bệnh cũng là những thách thức không nhỏ. Khu vườn của chị từng bị nhện đỏ và bọ trĩ tấn công, đặc biệt vào mùa khô. Mùa mưa thì cây dễ bị nấm lá, đen thân.
Để đối phó, chị chủ động phòng bệnh bằng cách phun thuốc sinh học hoặc các dung dịch tự ngâm từ tỏi, ớt, gừng... định kỳ 7–10 ngày/lần. Chị duy trì thói quen kiểm tra cây mỗi sáng sớm và chiều tối, vừa để tưới nước, vừa quan sát biểu hiện của từng chậu hoa để xử lý kịp thời.
“Chăm hoa hồng không thể hời hợt. Phải yêu cây, gần gũi với cây mỗi ngày thì mới hiểu được nó đang cần gì. Có những lúc tôi phải cắt bỏ gần như hết lá, cành già, chỉ để lại phần khỏe nhất để cây phục hồi”, chị nói.
Vào những ngày nắng nóng gay gắt, chị tăng số lần tưới lên 3 lần/ngày để làm mát cho cây. Còn bình thường, chị tưới đều đặn vào buổi sáng và chiều tối. Cắt tỉa cành tăm, lá úa, cành sâu bệnh cũng là công việc thường xuyên để cây thông thoáng, không bị tích tụ sâu bệnh.
Một số loài hoa khác trong vườn nhà chị Nga.
Về trồng rau, chị Nga trồng gối lứa, vừa để ngắm vừa để ăn. Mẹ đảm cho biết trồng rau không khó, nhưng vẫn cần một chút tỉ mỉ. Giá thể phải tơi xốp, giàu chất hữu cơ; vị trí trồng phải đủ nắng để cây phát triển tốt.
Ngoài phân bò, phân trùn quế, chị còn dùng thêm phân cá và đậu tương tự ủ để tăng độ dinh dưỡng. Rau xanh được trồng luân phiên để đất nghỉ, đồng thời tránh sâu bệnh lây lan.
Vườn rau xanh.
“Diện tích trồng rau của tôi không được nhiều lắm, tôi cũng hay trồng theo lứa cho đẹp vì thích ngắm và sống ảo, vậy nên lúc thì rau ăn không hết, đem hái tặng bạn bè, hàng xóm, lúc lại không có cây nào”, chị Nga cười kể.
Dù công việc làm vườn không nhẹ nhàng, đặc biệt là những ngày nắng gắt hay khi cần cắt tỉa hàng loạt, chị vẫn luôn thấy đó là niềm vui chứ không phải gánh nặng. Với chị Nga, khu vườn không chỉ là sở thích, mà là “liều thuốc tinh thần”, nơi chị tái tạo năng lượng, tìm về sự cân bằng giữa cuộc sống bộn bề.
Chị gái chị Nga tới thu hoạch rau quả cùng chị.
“Mỗi sáng, bước ra sân thượng, nhìn hoa bung nở, rau trái xanh tốt, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hẳn. Cây cối dạy mình nhiều điều, về sự kiên nhẫn, yêu thương, và cả những điều giản dị mà quý giá trong cuộc sống đô thị”, chị Nga chia sẻ.
Bình luận