Tại sao ngày càng nhiều người không lắp bồn rửa mặt trong nhà tắm? 3 thiết kế này tiện lợi hơn nhiều
Dù chỉ chiếm diện tích nhỏ, nhà tắm lại đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Thiết kế hợp lý và tiện dụng sẽ góp phần nâng cao đáng kể chất lượng sống cho cả gia đình.
Diện tích nhà tắm tuy nhỏ, nhưng lại là một trong những khu vực được sử dụng thường xuyên nhất trong nhà. Trong kinh nghiệm thiết kế nội thất, người ta vẫn thường nói “bếp vàng, vệ sinh bạc”, cho thấy vai trò quan trọng của không gian này. Nếu nhà tắm được thiết kế hợp lý và tiện dụng, thì trải nghiệm sử dụng sẽ mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều.
Từ xưa đến nay, trong suy nghĩ truyền thống của chúng ta, nhà tắm phải có đủ bồn rửa tay (lavabo), bồn cầu, khu tắm đứng và máy giặt. Tuy nhiên, hầu hết nhà vệ sinh trong các hộ gia đình hiện nay lại khá nhỏ, chỉ vài mét vuông, mà cố nhét đủ các thiết bị này sẽ khiến không gian trở nên cực kỳ chật chội, ngột ngạt.
Không những vậy, nhà tắm vốn là nơi ẩm ướt. Việc rửa tay, tắm rửa hàng ngày khiến không gian luôn trong tình trạng ẩm thấp. Lâu dần, các khe hở, góc khuất, gạch men... rất dễ bị ẩm mốc, đen sạm, gây mất vệ sinh.
Thực tế, chúng ta hoàn toàn không cần phải cứng nhắc tuân theo lối bố trí truyền thống. Một số thiết bị hoàn toàn có thể “rút ra” khỏi nhà vệ sinh để tối ưu không gian, tiêu biểu như bồn rửa mặt. Dù nhìn qua có vẻ hợp lý, nhưng bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh lại là nguyên nhân khiến không gian này thêm bất tiện.
Những rắc rối mà bồn rửa mặt mang lại khi đặt trong nhà vệ sinh
- Chiếm diện tích
Với những nhà vệ sinh chỉ vỏn vẹn 2–3m², việc lắp đủ bồn rửa mặt, máy giặt, bồn cầu và khu tắm sẽ khiến không gian vô cùng chật chội. Trong khi đó, bồn rửa mặt cũng không phải thiết bị nhỏ, càng khiến mọi thứ thêm chật hẹp.
- Tăng độ ẩm
Bồn rửa mặt được sử dụng liên tục từ rửa tay, rửa mặt đến giặt đồ. Mỗi lần sử dụng đều làm tăng độ ẩm trong không gian vốn đã ẩm thấp, đặc biệt là ở những nhà vệ sinh không có cửa sổ, thông gió kém. Khi bồn rửa mặt, khu tắm và bồn cầu đều nằm chung một không gian, độ ẩm sẽ bị “dồn nén”, dẫn đến ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi, mùi hôi khó chịu. Nếu có thể tách bồn rửa mặt ra khỏi nhà vệ sinh, điều này sẽ giúp giảm rõ rệt độ ẩm trong phòng.
- Không thể sử dụng đồng thời các khu vực chức năng
Khi mọi khu vực từ bồn rửa mặt, bồn rửa mặt đến khu tắm đều nằm trong một không gian khép kín, việc sử dụng sẽ trở nên bất tiện, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng. Nếu một người đang dùng bồn cầu, người khác sẽ không thể rửa mặt hay đánh răng. Nhưng nếu bồn rửa mặt được đưa ra ngoài, việc sinh hoạt có thể diễn ra song song, tiết kiệm thời gian và giảm va chạm giữa các thành viên trong gia đình.
Chính vì những lý do đó, ngày càng nhiều gia đình không còn đặt bồn rửa mặt trong nhà tắm, mà lựa chọn phương án đặt bồn rửa mặt bên ngoài không gian chính.
3 phương án phổ biến để đưa bồn rửa mặt ra bên ngoài
- Đặt bồn rửa mặt ngay bên ngoài cửa nhà vệ sinh
Đây là cách làm phổ biến nhất. Bồn rửa mặt được bố trí sát ngay ngoài cửa nhà tắm, vẫn đảm bảo tiện lợi khi sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến không gian bên trong. Có thể thiết kế thêm vách ngăn nửa cao, hoặc dùng kính mờ để đảm bảo tính riêng tư và tính thẩm mỹ.
- Đặt gần cửa ra vào nhà
Nếu nhà có khoảng trống gần lối vào như hành lang hoặc góc thoáng, có thể tận dụng để lắp bồn rửa mặt. Cách làm này rất tiện khi vừa bước vào nhà là có thể rửa tay ngay, lại không chiếm nhiều diện tích. Bồn rửa mặt kết hợp gương cũng giúp chỉnh trang bản thân trước khi ra ngoài.
- Đặt ở khu vực ban công
Nhiều gia đình hiện đại đã chuyển máy giặt ra ban công, thậm chí còn lắp máy giặt sấy kết hợp để tiện giặt phơi tại chỗ. Do đó, việc lắp thêm bồn rửa mặt ở đây cũng hoàn toàn hợp lý, bởi hệ thống thoát nước đã được thiết kế sẵn. Khi cả máy giặt và bồn rửa mặt được dời ra ngoài, nhà vệ sinh sẽ trở nên thông thoáng, chỉ còn lại bồn cầu và khu tắm thì sẽ gọn gàng và thoải mái hơn rất nhiều.
Xu hướng không đặt bồn rửa mặt trong nhà tắm đang ngày càng được ưa chuộng, nhất là với những ngôi nhà có diện tích hạn chế. Việc di dời bồn rửa mặt ra ngoài giúp giảm áp lực cho nhà vệ sinh, tối ưu hóa công năng sử dụng và nâng cao trải nghiệm sinh hoạt cho cả gia đình. Với thiết kế hợp lý tùy theo cấu trúc nhà, đây là một giải pháp thông minh và cực kỳ “đáng tiền” cho các không gian sống hiện đại.
Bình luận