Định biếu mẹ chồng 100 triệu sau 5 năm chăm cháu, một câu của mẹ ruột khiến tôi lập tức đổi ý
Mẹ chỉ nhẹ nhàng nói với tôi vài câu mà khiến tôi rơi vào cơn trăn trở đến mất ngủ cả đêm.
Tôi và Tuấn quen nhau từ thời đại học. Anh là người miền quê, chất phác, thật thà và cực kỳ tốt với tôi. Trong suốt thời gian yêu nhau, anh chưa từng để tôi chịu thiệt. Tốt nghiệp xong, anh không ngại việc vất vả, đi làm đủ thứ để ổn định cuộc sống, còn tôi làm việc tại thành phố, lương không cao nhưng cũng tạm đủ sống.
Mặc kệ gia cảnh của anh không mấy khá giả, nhà ở nông thôn, bố bệnh lâu ngày, em trai thì bỏ học đi học nghề, tôi vẫn gật đầu làm vợ anh. Ngày cưới, nhà chồng chẳng có sính lễ gì ra hồn. Nhưng bố mẹ tôi không hề chê bai, bố chỉ nói:
- Nhà thằng Tuấn tuy không có điều kiện, nhưng bố mẹ thấy thằng Tuấn là người chịu thương chịu khó, thương yêu con, bố mẹ nó cũng là người chất phác, thật thà. Bố mẹ rất yên tâm khi gả con cho nó. Nhưng, nếu có ngày nó phụ lòng con thì con hãy nói với bố mẹ, bố mẹ sẽ chống lưng cho con.
Những lời bố nói khiến tôi nghẹn ngào rời nước mắt. Cứ thế, tôi theo anh lên xe hoa.
Tuy gia đình anh không có điều kiện nhưng tôi vẫn đồng ý lấy anh. (Ảnh minh họa)
Cưới chưa bao lâu thì bố chồng qua đời. Mẹ chồng vô cùng suy sụp. Bà một mình ở quê, cả ngày thơ thẩn nhớ ông. Thương mẹ chồng, vợ chồng tôi bàn nhau đón bà lên thành phố sống cùng. Nhưng bà quen nếp nhà quê, không chịu lên.
Mãi đến khi tôi sinh con trai đầu lòng, bà mới chịu ra ở một thời gian để chăm cháu. Chúng tôi nhân cơ hội này giữ bà lại luôn. Tôi đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản, còn mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do mẹ chồng quán xuyến, từ nấu nướng, giặt giũ, đưa đón cháu, chăm sóc khi ốm đau... Bà hết lòng vì con vì cháu, làm việc luôn tay luôn chân mà không hề đòi hỏi điều gì.
Bẵng cái, mẹ chồng đã ở với chúng tôi 5 năm rồi. Tôi phải thừa nhận, bà không hề khó tính như những câu chuyện mẹ chồng nàng dâu thường nghe. Bà hiền, chịu thương chịu khó và luôn nhường nhịn. Có lần tôi khó chịu vì áp lực công việc mà lỡ lời, bà chỉ nhẹ nhàng bảo:
- Con mệt thì cứ nghỉ, mẹ lo được mà.
Khi con trai tôi sắp vào tiểu học, bà nói muốn về quê, sống gần mộ phần của chồng. Biết không thể giữ mẹ ở lại nữa, chồng bàn với tôi:
- Hay mình đưa mẹ 100 triệu coi như báo hiếu. Mẹ chăm cháu, quán xuyến nhà cửa ngần ấy năm rồi.
Tôi nghe xong, gật đầu ngay. Không ai lại tiếc công sức của người mẹ đã sống vì mình. Nhưng rồi, mẹ tôi biết chuyện.
Bà không phản đối, không nổi giận, chỉ nhẹ nhàng nói với tôi vài câu mà khiến tôi rơi vào cơn trăn trở đến mất ngủ cả đêm.
Mẹ ruột khuyên tôi không nên đưa tiền cho mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Mẹ tôi bảo:
- Con thử nghĩ xem. Em chồng con lười biếng, không chịu làm ăn, lại sắp lấy vợ. Con nghĩ số tiền đó mẹ chồng con giữ được bao lâu? Chắc chắn sẽ bị thằng nhỏ vòi vĩnh. Rồi đến lúc mẹ chồng con không còn đồng nào, ai sẽ là người lo cho bà? Vẫn là vợ chồng con thôi. Chi bằng cứ giữ số tiền đó, sau này bà thật sự cần, con hãy đưa cũng chưa muộn.
Tôi lặng người. Câu nói ấy của mẹ không phải vì ích kỷ mà rất thực tế. Tôi thương mẹ chồng, nhưng tôi cũng biết em chồng là người như thế nào. Bao năm qua, chẳng hề hỏi han mẹ lấy một câu, chỉ biết tiêu xài. Nếu có trong tay số tiền lớn, cậu ta chắc chắn không bỏ qua.
Tối đó, tôi nói với chồng suy nghĩ của mình. Anh im lặng rất lâu rồi gật đầu.
- Ừ, em nói đúng. Mình cứ giữ lại, sau này mẹ có cần thì đưa. Chứ đưa giờ, chưa chắc mẹ đã giữ được.
Hôm sau, thay vì tiền, chúng tôi mua nhiều đồ ăn ngon, thuốc bổ, quần áo mới rồi đưa mẹ về quê. Bà xúc động rớm nước mắt, nhưng không hỏi gì về chuyện tiền bạc. Tôi biết, bà cũng hiểu.
Tôi vẫn thương mẹ chồng như mẹ ruột. Nhưng đôi khi, yêu thương không chỉ thể hiện qua tiền bạc, mà còn là sự toan tính vì tương lai lâu dài. Tôi không muốn bà rơi vào cảnh già rồi vẫn khổ, càng không muốn sau này chính tôi phải đứng giữa mối quan hệ mẹ già - em chồng - tiền bạc mà lòng nặng trĩu.
Chữ hiếu không phải cứ đưa tiền là xong. Làm sao để mẹ già không thiếu thốn mà vẫn giữ được sự yên ổn tuổi xế chiều, đó mới là điều tôi thật sự muốn làm cho bà.
Bình luận