Giải Nobel – gian nan tình yêu người đúng nghĩa (kỳ 1)

(Arttimes) - Giải Nobel là một trong những sự kiện văn hóa xã hội toàn cầu trọng đại. Chính vì thế, mùa giải Nobel hàng năm bao giờ cũng được toàn thế giới đón nhận thân thương, trang trọng và nồng nhiệt nhất. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Mười tới trước Lễ Giáng sinh 25/12 tên Nobel được nhắc tới hầu như mọi lúc mọi nơi, trong các cộng đồng, ở mọi hoạt động, như một niềm kiêu hãnh về sứ mệnh làm người.

Cội nguồn thực sự của các giải Nobel

Lịch sử nhân loại thực chất là tiến trình bất tận, trong đó, mỗi cá nhân và tập thể chung sức chung lòng phấn đấu cho con người ngày một hoàn thiện và xã hội ngày thêm hoàn mỹ. Cuộc đấu tranh sáng láng, kiên cường và bền bỉ đó đòi hỏi nhiều quyết tâm và nghị lực. Những cố gắng này, thể hiện qua các thành tựu văn học, kinh tế, khoa học và hòa bình liên tiếp dành được, cần được ghi nhận và tuyên dương kịp thời. Để khích lệ và nhân rộng niềm tin, các giải thưởng lớn được ra đời. Sự thật này không cần bàn cãi.

Alfred Nobel (1833 - 1896) là một công dân toàn cầu sáng giá bậc nhất. Ông phụng sự xã hội hết mình không chỉ khi còn sống mà cả khi đã rời xa “Cõi tạm”. Là nhà trí thức đúng nghĩa, ông kết tinh những gì là cao quý nhất của gia đình, dòng họ và tổ tiên xa xưa vốn là dân “cày sâu cuốc bẫm”. Bài học kiên định của cha đã giúp ông vượt qua mọi bất hạnh, gian nan, hoàn thành sự mệnh cao cả: cống hiến nhiều nhất cho xã hội.

Nobel chịu không ít tổn thương tình cảm (bốn trong tám người con của cha mẹ chết khi mới chào đời hoặc chết non tức tưởi. Cuối đời, cha bán thân bất toại…). Ông gặp rắc rối, bị cản trở hay làm hại trên đường nghiên cứu và phát minh không phải một lần (đã có tờ báo Pháp, năm 1888, bịa tạc rằng “Nhà kinh doanh cái chết đã chết. Tiến sỹ Alfred Nobel, người làm giàu bằng cách giết mỗi ngày càng nhanh càng nhiều đồng loại càng tốt “ngỏm” hôm qua rồi”…). Nhân nghĩa có thừa, ông lận đận trong hạnh phúc riêng. Do dồn hết tâm trí vào “khoa học phụng sự loài người”, ông xao lãng nhiều niềm vui trần thế thông thường, đặc biệt chuyện đôi lứa. Năm 43 tuổi, ông gặp Sophie Hess, một cô gái 20 tuổi người Áo làm nghề bán hoa tươi. Hai người yêu nhau, tưởng một tổ ấm sẽ ra đời. Nhưng, như về sau cô gái thổ lộ, quan hệ đó chỉ là sự “hỗ trợ tài chính vô tư” của nhà bác học thực tế chứa chan nhân ái. Trước khi gặp Hess ít lâu, Nobel đăng tin tuyển thư ký và một cô gái Áo, tên Bertha von Suttner (1843 - 1914), có học thức và lịch lãm được nhận. Hai người tâm đầu ý hợp. Nhưng sau hai tuần, cô xin nghỉ việc. Sự thật, cô bị mẹ người yêu của cô - người này tên Arthur von Suttner, kém cô 7 tuổi - do muốn dập tắt mối tình của hai người, gửi đến cho Nobel. Tình yêu đã thắng: về Áo, cô bí mật kết hôn, hai vợ chồng tay trắng lưu vong, hiến mình cho lý tưởng. Tiểu thuyết Hãy buông vũ khí, 1889, của Bertha von Suttner là một hiện tượng văn chương xã hội xúc động bấy giờ, tác động mạnh mẽ tới phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Bà là một chiến sỹ hòa bình lừng lẫy. Được nhân loại sùng kính và tri ân. Năm 1905, bà là người phụ nữ đầu tiên được tặng Nobel hòa bình.

Giải Nobel – gian nan tình yêu người đúng nghĩa (kỳ 1) - 1

Tượng Alfred Nobel

Thật phải lẽ, việc Nobel được hưởng từ bà một tình bạn đúng nghĩa, tức là giúp bạn nhận chân được bản thân. Nhận chân được bản thân, để nắm vững được hồn cốt của thời cuộc và xã hội. Từ đó, sống hữu hiệu nhất có thể cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Sau khi chia tay, hai người liên tục thư từ qua lại đều đặn, cho tới khi Nobel tạ thế. Bertha von Suttner vô tình cho Nobel thấy thế nào là một con người đích thực, thế nào là hòa bình lý tưởng. Thư từ của bà không khác một nguồn sáng soi tỏ con người ông. Không quá lời khi nói rằng chính bà gợi ý cho Nobel về các giải thưởng mang tên ông, được trân trọng suốt hơn một thế kỷ.

Tiêu chí đầu tiên của sứ mệnh làm người là phải lao động cật lực. Là một chú bé ốm yếu, ông nỗ lực học giỏi, thành thạo 5 thứ tiếng, nghiên cứu quên mình. Ông là chủ sở hữu của 355 bằng phát minh sáng chế, 93 công ty và xí nghiệp ở trên 20 quốc gia. Xin lưu ý, mục tiêu của ông không phải là danh lợi. Thành tựu lớn nhất của ông là tìm ra thuốc nổ an toàn khi vận chuyển. Mua đất ở một ngôi làng hẻo lánh ở Pháp, làm nhà thí nghiệm, ông kiên nhẫn hàng tháng trời, quyết chế tạo được loại thuốc nổ ấy. Đã có lần, thí nghiệm của ông làm chết năm người, trong đó có chú em út thân yêu. Nhưng chính viễn cảnh phát minh của mình sẽ giảm thiểu hoạt động cơ bắp, tăng nhanh tiến độ và hiệu quả việc phá núi, xẻ hầm,… đã thôi thúc ông lao động không biết mệt mỏi. Ông đi khắp thế giới, đưa phát minh nhanh nhất vào đời sống của các cộng đồng. Phát minh này giúp rất nhiều cho công nghiệp, nhất là làm đường, xuyên núi, xuyên biển, xây hải cảng, khai thác mỏ. Đáng buồn, cũng như mọi phát kiến hay phát minh khác, nó bị lợi dụng ngay, vào chiến tranh trước nhất. Thế là ông mong mỏi làm sao ngăn chặn được các cuộc hủy diệt vô nhân đạo này.

Ông để lại một tài sản kếch sù, khoảng 32 triệu courones Thụy Điển, suýt soát 179 triệu euro, thời giá năm 2013. Một triệu dành tặng các cháu - ông không có vợ con, bạn bè và nhân viên cũ. Phần còn lại, ông di chúc lập thành Quỹ Nobel (ra đời năm 1900) an toàn, tức là sinh lợi, mỗi năm chia đều lãi thành 5 phần bằng nhau, trao tặng cho những người - không phân biệt quốc gia, chủng tộc, nam nữ… - có cống hiến lớn nhất cho nhân loại trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y tế, văn học và hòa bình (giải Kinh tế do Ngân hàng Thụy Điển đề xuất năm 1969). Việc công bố di chúc của Nobel năm 1897 dậy sóng dư luận Thụy Điển. Tài sản khổng lồ đó sao không dành cho gia đình? Sự thật, Nobel nhận thấy người ruột thịt của ông sản xuất và kinh doanh chưa đúng cách, chưa giỏi. Trao tiền cho họ lợi bất cập hại. Cho các cháu ư? Đáp lại là quan niệm sống: ai sinh ra trên đời cũng phải tự lực cánh sinh! Dựa dẫm chỉ khiến xã hội thêm thối nát và trì trệ. Tiêu chí làm người thứ hai này lý giải thuyết phục thành công và tấm lòng của Nobel vậy. Đến tuổi vị thành niên, Nobel từng viết bằng tiếng Anh rất nhiều thơ và hai tiểu thuyết bị bỏ dở. Ông thấy chúng ấm ớ quá. Thế là từ bỏ ngay giấc mộng chữ nghĩa mà hầu như ai cũng ôm ấp một đôi lần.

Tiêu chí sứ mệnh làm người thứ ba là đây: chỉ nên sáng tạo theo đúng sở trường, nghĩa là phải tự biết. Các sáng chế của ông, do tính thiết thực, được nhiều nước muốn “độc quyền” sử dụng. Khi ông bán một phần cho Italia, chính phủ Pháp nổi giận (bấy giờ Italia với liên minh của mình đang chống Pháp). Do đó, có lời báo tử thóa mạ đã dẫn. Tuy vậy, ông vẫn không nao núng. Tiếp tục sản xuất cho những nơi cần… Vì thế, ông là một trong những người giàu nhất thế giới lúc đó. Đó là vì ông kiên định lập trường sống chủ động, tích cực.

Tiêu chí thứ tư này của sứ mệnh làm người được chứng minh bằng việc lựa chọn giải Nobel Văn chương hơn một thế kỷ qua. Sống chủ động và tích cực hiển nhiên là lối sống đúng đắn nhất, phù hợp với bản chất loài người. Lối sống này là khó nhất trong hầu như mọi mô hình xã hội. Nền tảng của nó là đạo lý của nhân dân lao động: thuần khiết, bao dung, nhân ái, lợi ích và ý chí của số đông là quyết định. Chính lối sống đấy đòi hỏi ông “sáng chế” các giải Nobel, được hiểu như những lời nhắc nhở chí nghĩa chí tình, không thể thiếu trong cuộc sống chung giữa mọi tập thể lớn, nhỏ. Bắt đầu từ một đôi bạn, từ một cặp tình nhân…

Giải Nobel ly kỳ muôn vẻ hơn một thế kỷ

Việc khởi xướng các giải Nobel cô đúc trong Chúc thư của Alfred Nobel, được ông ký ngày 27/11/1895, khoảng một năm trước khi ông tạ thế. Trù liệu của ông cho bộ giải thưởng mang tên mình chứng tỏ cái tâm và cái tầm của ông mà nhiều người chủ trương các giải tương tự khác chưa vươn tới được. Giải Nobel nhất định phải phải nhân bản, công minh, minh bạch, giá trị vật chất đặc biệt được chú trọng. Mỗi giải được một tổ chức chuyên môn uy tín cao xét tặng: Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Vật lý và Hóa học; Viện Karolinska ở Stockholm trao giải Y học; Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Văn học; Ủy ban Hòa bình của Nghị viện Na Uy trao giải Hòa bình. Năm năm sau khi Nobel qua đời, những người được giao sứ mệnh mới hoàn chỉnh các thể thức bảo đảm các tiêu chí giải vừa nêu. Cho đến nay, nhờ sự thuần khiết của các thế hệ xét giải nối tiếp, chủ yếu nhờ một thể chế cho liêm chính và minh bạch là cốt tử, giải Nobel vẫn giữ được ý nghĩa xây dựng cao cả, không phụ lòng người sáng lập. Các giải Nobel được trao từ năm 1901.

Không ít chuyện động trời đã xảy ra, cho thấy sức hấp dẫn kỳ lạ của chúng. Chúng không bị những sóng gió của thời cuộc quật ngã. Ngược lại, chúng vẫn tiến lên đầy kiêu hãnh, như một chiến thắng của loài người. Năm 1903, Viện hàn lâm Khoa học Pháp đề cử Pierre Curie và Henri Becquerel cho giải Nobel Vật lý. Được tin, Pierre Curie liền viết thư cho Viện ấy, trình bày rõ, vợ mình, Marie Curie, có công đầu cho công trình chung (tính phóng xạ của nguyên tử). Nếu không có bà khởi xướng và kiên trì theo đuổi, ba người không thể đi tới kết quả cuối cùng. Viện đó bổ sung Marie Curie vào danh sách và thế là Marie Curie được giải Nobel đầu tiên năm 1903. Tháng 10/1911, bà được thông báo trúng giải Nobel Hóa học (phát kiến nguyên tố phóng xạ). Nhiều báo lá cải tung nhiều “thư tình” giữa bà và Paul Longuevin, đã vợ con, học trò của hai người. Những thư này, không khó nhận ra là giả mạo. Pierre Curie bị xe ngựa cán chết năm 1906. Chuyện yêu đương giữa Longuevin và Marie là rất có thể. Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cơ quan xét giải, đã dao động, “khuyên” bà “lắc đầu”. Thực tế, đó chẳng khác một mệnh lệnh buộc khước từ công trạng và vinh quang. Bà khẳng định sự trong sáng của lòng mình, lên án trò vu khống độc ác đê tiện, và dù đi lại gian nan, vẫn lặn lội sang Thụy Điển, ngày 10 tháng 12, nhận giải Nobel Hóa học. Cho tới nay, bà là người phụ nữ đầu tiên được tặng giải Nobel khoa học, người phụ nữ duy nhất “ẵm” hai giải Nobel.

Năm 1918, nhà khoa học Đức Fritz Haber được trao giải Nobel Hóa học về việc nghiên cứu chế tạo ra phân hóa học, một cuộc cách mạng nông nghiệp. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng nông sản tăng vọt. Hơn 1,5 tỷ người lúc ấy thoát cảnh thiếu ăn… Thế nhưng, nhiều người phản đối. Ấy là do Haber khởi xướng vũ khí hóa học, đặc biệt là hơi độc mà quân Đức sử dụng trong Thế chiến I. Thực chất, Haber nỗ lực tìm cho được vũ khí lợi hại đó, là do lòng yêu nước nồng nàn. Ông muốn nước Đức của ông chiến thắng trong chiến tranh, trở thành trụ cột công lý và trật tự cho thế giới, bà đỡ cho văn hóa và khoa học toàn cầu. Tuy nhiên, có lẽ công của ông lớn hơn tội? Tội lại có “tình tiết giảm nhẹ”? Và giải Nobel của ông vẫn không bị rút lại. Dù vậy, là người Do thái, ông vẫn bị Hitler bức hại. Ông phải xa lìa đất mẹ và đột tử ở Thụy Sỹ. Hitler tiếp tục cấm công dân Đức nhận bất kỳ giải Nobel nào.

Những năm 1920 và 1930, nhà báo kiêm nhà văn Đức Carl von Ossietzky nổi tiếng bên trong và bên ngoài nước Đức, như một chiến sỹ hòa bình nồng nhiệt và kiên định. Với ông, yêu Tổ quốc là làm sao cho Tổ quốc thuần khiết yên bình. Do vậy, ông đã công khai lên báo các hoạt động bí mật tái vũ trang của nước ông, chuẩn bị cho một cuộc trả thù (Đức thất trận trong Đại chiến I). Vì thế, năm 1931, ông và một viên kỹ sư bị truy tố về tội đại phản quốc. Viên kỹ sư bỏ trốn ra nước ngoài. Ông một mực ở lại, bất chấp nhiều lời khuyên lưu vong như viên kỹ sư. Ông bị tù, rồi bị ném vào trại tập trung của phát xít Đức. Ý chí chiến đấu của ông thổi bùng lên một phong trào quần chúng quốc tế rộng lớn, vừa yêu cầu phát xít nương nhẹ sức khỏe của ông, vừa đề nghị Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy trao cho ông giải Nobel hòa bình. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử giải Nobel. Chính phủ Hitler gây sức ép nặng nề lên cơ quan xét giải, nên năm 1935, người ta phải lờ ông đi. Các bạn chiến đấu của ông không nản lòng. Cuộc đấu tranh sôi sục hơn nhiều, kết quả là Carl von Ossietzky được tặng giải Nobel hòa bình năm 1936. Hitler cho giam lỏng ông ở một bệnh viện. Và đương nhiên, không cho ông nhận giải. Ông qua đời vì kiệt sức. Hiện nay, tên ông được đặt cho một trường đại học, nhiều đường phố và đại lộ ở Đức. Huân chương Carl von Ossietzky vẫn được Liên hiệp Nhân quyền Thế giới trao tặng hàng năm như một phần thưởng vì con người.

Sau Ossietzky, có ba nhà khoa học Đức bị Hitler cấm nhận giải Nobel. Họ là Richarđ Kuhn, Nobel Hóa học 1938; Adold Butenandt, Nobel Hóa học 1939 và Gerhard Domagk, Nobel Y học 1939. Năm 1958, Nobel Văn học được tặng cho Boris Pasternak, nhà văn Liên Xô. Nhưng lo sợ những rắc rối mà gia đình có thể gặp phải từ phía chính quyền, ông từ chối giải. Dù vậy, năm 1989, con trai ông vẫn được nhận giải đó thay cha đã qua đời. Người đã chết duy nhất được trao giải Nobel là nhà thơ Thụy Điển Erk Axel Karlfeldt. Năm 1918, ông không nhận giải Nobel Văn học, vì đang là thư ký vĩnh viễn của Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan trao giải Văn học. Thế nhưng, năm 1931, Viện vẫn truy tặng ông giải ấy, bởi thấy thơ ông quá được hâm mộ ở trong và ngoài đất nước.

Năm 1964, cả thế giới rung động từ Nobel Văn học. Đầu tháng 10, được tin mình sắp trúng giải, nhà văn kiêm nhà triết học Pháp Jean - Paul Sartre viết thư từ chối, gửi cho Viện hàn lâm Thụy Điển. Thư đến muộn, giải vẫn được trao. Ông nhất quyết chối từ. Lý do được ông đưa ra đến nay vẫn khiến không chỉ những cây bút sừng sỏ nhất sửng sốt. Ấy là nhà văn nói riêng, nhà sáng tạo nói chung cần được hoàn toàn tự do, hoàn toàn là mình. Bản thân Sartre từng không chấp nhận những phần thưởng đáng nể mà Chính phủ Pháp trao tặng.

Năm 1973, thế giới lại xao xuyến với giải Nobel Hòa bình. Giải này tặng cho hai nhân vật góp phần đắc lực vào việc ký kết Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam. Hai người đó là Lê Đức Thọ, Việt Nam và Henry Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ. Ông Lê Đức Thọ xin không nhận giải, vì hành động của mình chưa đạt hiệu quả trọn vẹn: Miền Nam Việt Nam chưa có hòa bình thực sự.

Giải Nobel – gian nan tình yêu người đúng nghĩa (kỳ 1) - 2

Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ở Đàm phán Paris 1973

Từ 2017, nổi lên vụ Aung San Suu Kyi, như phụ họa cho quan niệm của Jean - Paul Sartre về sự độc lập tuyệt đối của các chiến sỹ đấu tranh cho tiến bộ xã hội. Kế thừa tình yêu nước thương dân của cha mẹ, Aung san Suu Kyi, sinh năm 1945, quyết hiến mình cho tự do dân chủ của tổ quốc Myanmar. Đang làm việc ở nước ngoài, năm 1988, bà về nước chăm sóc mẹ ốm nặng. Đảng Đoàn kết Quốc gia Dân chủ mà bà là Tổng bí thư lớn mạnh từng bước một vì được nhân dân ủng hộ. Năm 1990, Đảng giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Quốc hội. Dù vậy, bà không được làm Thủ tướng, mà bị quản thúc tại gia. Nhưng tình hình biến chuyển dần, theo chiều tích cực, từ cuộc đấu tranh mà bà là linh hồn và biểu tượng. Chính quyền độc tài quân sự tìm mọi cách để bà rời đất nước. Kể cả “cấm vận” chồng con bà. Nhưng bà cương quyết trụ lại với nhân dân. Năm 2015, chiến thắng quyết định đã đến. Bà trở thành Cố vấn chính phủ mới, chức vụ đặc biệt, tương đương nguyên thủ quốc gia. Không lâu sau, bà bị dư luận thế giới chỉ trích nặng nề. Bởi bà im lặng trước cuộc “diệt chủng” đối với tộc người thiểu số rohingya theo Hồi giáo. Tộc người này bị quân đội bạo hành từ lâu. Họ gần như bị truy sát, phải rời bỏ xứ sở… Vậy là nổi lên phong trào quốc tế đòi tước giải Nobel Hòa bình mà bà được tặng năm 1991. Bản kiến nghị với 400.00 chữ ký đã được gửi tới Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy. Hẳn rồi, giải Nobel của bà vẫn không mất giá trị. Chấm dứt vấn nạn nói trên, không thể một sớm một chiều. Bà đã đăng đàn, nói rõ, bà là một nhà chính trị vì nhân dân, chứ không phải bà đầm thép Margaret Thatcher sắc lạnh hay Mẹ Teresa thăm thẳm lòng nhân ái… Tháng 11/2020, Đảng của bà thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội. Ngày 1 tháng 2/2021, quân đội làm đảo chính, Tổng thống Win Myint bị bắt, bà bị quản thúc tại gia. Sắp tới, chính quyền do quân đảo chính nắm giữ sẽ kết án bà nhiều tội, trong đó có tội vi phạm Luật Bí mật quốc gia và Tham nhũng. Bà có thể sẽ bị vĩnh viễn loại khỏi chính trường. Số phận của Thần tượng dân chủ ở những xứ sở nghèo khổ một lần nữa khiến cho tâm huyết của A.Nobel thêm da diết và xúc động: Cuộc chiến đấu cho một xã hội lành mạnh, xứng đáng với bản chất và khát vọng loài người xem ra còn cam go lắm lắm. Các giải Nobel vì vậy càng trở nên những biểu tượng nhân bản nhói lòng…

(Còn nữa)

None

Đường Nhất Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.