Rối loạn sách giáo khoa mới, lợi nhuận khủng vẫn kêu lỗ to?

Hơn 40 năm qua, kể từ khi Nhà nước thực hiện chương trình giáo dục thống nhất hệ 12 năm trong cả nước theo Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, xây dựng Chương trình - Sách giáo khoa (CT-SGK) chuẩn, triển khai trong toàn quốc. Từ đó đến nay, ngành giáo dục đã 3 lần làm lại CT - SGK theo 5 Nghị quyết của Đảng, 2 Nghị quyết của Quốc hội và ngân sách Nhà nước đầu tư hàng tỉ USD, năm nào Nhân dân cũng bỏ hàng nghìn tỉ đồng mua SGK cho con, em học. Từ năm 2020 làm SGK mới theo CT 2018 nhưng việc biên soạn, phát hành, phân phối, sử dụng đang bộc lộ sự rối loạn, giá sách đắt gấp 3-4 lần SGK cũ, trong khi nhà xuất bản đạt lợi nhuận “khủng” mà vẫn kêu lỗ to…

Trên thế giới không có quốc gia nào làm SGK như nước ta

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương ngày 01/11/2013 và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khoá XIII về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo “phương pháp tiếp cận phẩm chất năng lực của người học”, chủ trương thay SGK cấp tiểu học từ lớp 1, cấp THCS từ lớp 6, cấp THPT từ lớp 10, thời gian dự kiến 5 năm. Thực hiện Nghị quyết này, năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình và năm học 2020-2021 phát hành SGK mới lớp 1, năm 2021-2022 có SGK lớp 2, lớp 6, từ năm học 2022-2023 có SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10…

Tuy nhiên, do thực hiện theo phương châm xã hội hoá, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương cho triển khai “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”. Vậy là bung ra trào lưu biên soạn, xuất bản, kinh doanh SGK theo cách hầu như không một quốc gia nào trên thế giớí làm như vậy.

Từ năm 2020, thị trường giáo dục xuất hiện cùng lúc 5 bộ SGK: Kết nối trí thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam; còn bộ SGK Cánh diều do 3 đơn vị làm: NXB Đại học Sư phạm, NXB Sư phạm Đại học TP Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) thực hiện.Rối loạn sách giáo khoa mới, lợi nhuận khủng vẫn kêu lỗ to? - 1

Ảnh minh họa: Thanhnien

Vừa phát hành SGK lớp 1 (năm học 2021-2022), NXB Giáo dục Việt Nam tục tái bản 4 bộ sách kể trên cùng lúc, đồng thời phát hành 2 đầu sách Hoạt động trải nghiệm 1. Năm học sau, NXB Giáo dục Việt Nam lại gấp rút “cải cách” hợp nhất 4 bộ sách chỉ còn lại hai bộ Kết nối trí thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Đến đây thì một số địa phương, nhiều trường đã sử dụng 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đắng và dân chủ trong giáo dục bị loại phải đi tập huấn lại theo bộ sách thịnh hành, trong khi các nhóm biên soạn không có tiếng nói chung.

Mặt khác, NXB Giáo dục Việt Nam gộp 4 bộ sách chỉ còn 2 nhưng đến tháng 7/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 1472/SGDDT-VP đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam làm thêm một số bản mẫu môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Tin học… do các tác giả TP này biên soạn. Vậy là, thị trường SGK lại có thêm nhiều đầu sách chính danh có tính chất vùng miền. Từ đó, thị trường SGK cạnh tranh giữa các NXB, các bộ sách dẫn tới sự rối loạn.

Điều quan trọng là đất nước đã thống nhất từ năm 1975, giáo dục phổ thông hệ 12 năm cũng đã thống nhất trong cả nước hơn 40 năm nhưng việc phát hành SGK lại tách bạch ra các “bộ” khác nhau. Các nhà biên soạn lập luận: “Mỗi bộ SGK có một triết lí riêng, mang bản sắc riêng”, thậm chí “mang tính vùng miền”. Vậy, bộ SGK nào được coi là  “chuẩn” theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội?

Trong khi đó, xuyên suốt từ trước đến nay chỉ thống nhất một bộ SGK. Điều mà ít có quốc gia nào trên thế giới làm như nước ta là năm nào cũng in và sách năm nào chỉ dùng cho năm ấy. Hết năm học chỉ còn bán cho đồng nát.

Tại diễn đàn Quốc hội năm 2018, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện (nay là Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên), nói: “Mỗi năm phụ huynh bỏ nghìn tỉ đồng mua SGK rồi biến giấy vụn suốt từ năm 2002 đến nay”. Trên công luận, có tác giả viết: “Liên kết hay mafia giáo dục”, “Sự đi đêm giữa doanh nghiệp công ích và các cơ  quan quản lí Nhà nước về biên soạn SGK nếu không được chấn chỉnh chắc sẽ gây ra nhiều hệ luỵ”…Báo Tuổi trẻ viết: “Việc đổi mới CT-SGK từ năm 2002 -2011 Nhà nước đẩu tư 2 tỉ USD, khoảng 3 tỉ USD vốn vay ODA và vốn viện trợ nước ngoài đầu tư cho giáo dục thế nào hiệu quả sao, ai biết?”.

Trên thế giới, các quốc gia đều thực hiện chỉ 1 bộ SGK sử dụng ít nhất 10-12 năm. Nghe nói, Trung Quốc hơn 1,4 tỉ dân, nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau nhưng cũng chi có 1 bộ SGK chuẩn cho cả nước dùng trong nhiều năm…

SGK mới vẫn do NXB định giá, đắt gấp 3-4 lần so với trước

SGK mới với nhiều bộ khác nhau, do nhiều tổng chủ biên, đội ngũ chủ biên đông đảo biên soạn, thiết kế tạo nên nhiều đầu sách. Mặt khác, vẫn theo cơ chế NXB tự sản xuất, tự quy định giá bán SGK. Ví dụ: SGK lớp 3 có 43 đầu sách. SGK lớp 10 vừa được Bộ trưởng phê duyệt có đủ cho 14 môn học với 44 quyển. SGK lớp 6 bộ Cánh diều gồm 12 môn 14 quyển…(không kể sách bài tập, sách tham khảo, sách dành cho giáo viên).

Các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lớp 3 là 220.000 đồng/bộ; lớp 7 là 255.000 đồng/bộ (trước đây chỉ 60.000 đồng-70.000 đồng/bộ), chưa kể sách tiếng Anh. Ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kí các Quyết định số 441 và 442/QĐ-BGDDT ban hành SGK lớp 7 và lớp 10 có 12-14 môn học với khoảng 40-44 đầu sách, giá cao nhất 480.000 đồng, chưa kể sách ngoại ngữ. Riêng môn tiếng Anh lớp 7 và lớp 10  đều  có 9 đầu sách, nếu mua cả hết 903.000 đồng.

Ước tính, mỗi học sinh mua đủ SGK các môn bắt buộc cũng phải từ 300.000 đồng- 350.000 đồng cho năm học. Nếu cả nước có khoảng 15 triệu học sinh phổ thông thì mỗi năm Nhân dân mua SGK hết khoảng 45.000 tỉ đồng đến 50.000 tỉ đồng. Số lượng SGK “khổng lồ” này không được dùng cho các năm sau thì đây sẽ tiếp tục là một lãng phí vô cùng lớn…

Kinh doanh SGK lợi nhuận “khủng”, NXB vẫn kêu “lỗ” to…

Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên là thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia: “Năm 2001, theo Cục Xuất bản Bộ Văn hoá - Thông tin toàn ngành xuất bản 237,760 triệu bản sách, tổng doanh thu 1.7095 tỉ đồng… Riêng số lượng của NXB Giáo dục Việt Nam chiếm 200 triệu bản (chiếm 84,1 % tổng số sách xuất bản của cả nước), thu về 100 triệu USD, bằng tiền thuế nông nghiệp một năm của cả nước. Nếu tính số lượng sách giáo dục chiếm 70-80% thị phần sách cả nước thì năm 2020, số tiền NXB Giáo dục Việt Nam thu 936,2 triệu USD mà người dân phải bỏ ra mua sách cho con đi học trong năm”.

 NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm 100% vốn sở hữu, có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành SGK phục vụ giảng dạy, học tập; vốn điều lệ 596 tỉ đồng; hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. NXB này có 5 công ty con nắm giữ 50% vốn điều lệ, 26 công ty liên kết và 8 công ty được coi là đàu tư dài hạn.

Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp này không công bố thông tin định kì về chiến lược phát triển, sản xuất kinh doanh, kế hoạch sản xuất, đầu tư, báo cáo tài chính bán niên và cả năm, chế độ lương, thưởng… cho cơ quan chức năng và lên website theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Hàng năm, doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng: Năm 2016 đạt 1.147 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 72 tỉ đồng; năm 2017 đạt 1.203 tỉ đồng, lợi nhuận 151 tỉ đồng; năm 2018 đạt 1.234 tỉ đồng, lợi nhuận 128 tỉ đồng; năm 2019 đạt 1.482 tỉ đồng, lợi nhuận 132 tỉ đông; năm 2020 đạt 1.307 tỉ đồng, lợi nhuận 125 tỉ đồng; năm 2021 phát hành 164 triệu quyển SGK (vươt 40 % so với kế hoạch), doanh thu đạt 1.828 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 287,4 tỉ đồng (cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch Bộ giao). Đó là sự tăng trưởng đột biến, vượt chỉ tiêu cán mốc 1.500 tỉ đồng về doanh thu và vượt quá con số bình quân 120-150 tỉ đồng/năm về lợi nhuận.

Nguồn thu này chủ yếu tăng mạnh từ phát hành SGK mới cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Như vậy, năm 2021 lợi nhuận gần cán mốc 300 tỉ đồng, vậy mà ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tuyên bố: “Chúng tôi làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán. Thậm chí mỗi năm NXB còn bị lỗ trên dưới 40 tỉ đồng từ việc in và phát hành sách”.

Lợi nhuận “khủng” nên tiền lương, tiền thưởng cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức NXB cũng “khủng”. Cụ thể: Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV tiền lương 544,3 triệu đồng/năm và tiền thưởng 120 triệu đồng năm (tổng cộng 660 triệu đồng); ông Hoàng Lê Bách, tiền lương 620 triệu đồng và tiền thưởng 80 triệu đồng/năm; tương tự các ông: Phạm Gia Thành (hơn 500 triệu đồng), Lê Hoàng Hải (540 triệu đồng), Nguyễn Chí Bình và bà Phùng Ngọc Hồng (530 triệu đồng); ông Phạm Vĩnh Thái (425 triệu đồng)…

Vừa qua, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra toàn diện NXB Giáo dục Việt Nam phát hiện nhiều sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kí Quyết định số 1886/QĐ-BGĐT thi hành kỉ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV do “vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới”.

Sắp tới, Quốc hội khoá XV sẽ quyết định đưa SGK là mặt hàng đặc biệt, cần được thẩm định giá, Bộ Tài chính xác định giá để thực hiện chính sách bình ổn giá, có trợ giá SGK cho học sinh các vùng khó khăn. Đồng thời, phải chuẩn hoá bộ SGK để có “bộ SGK chuẩn” cho lâu dài, không chỉ dung 1 năm mà cho nhiều năm chứ không để rối loạn như vừa qua.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Khởi nguyên của vũ trụ: Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa

Khởi nguyên của vũ trụ: Lịch sử 14 tỉ năm tiến hóa

Từ ngàn xưa, con người vẫn thường tự đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình trong vũ trụ: "Ta đến từ đâu?" hay "Ta là ai trong vũ trụ này?". Bởi chủ đề khởi nguyên vẫn luôn mê hoặc con người bởi nhiều lý do, cả lý trí và cảm xúc. Chúng ta khó có thể hiểu được bản chất của bất kỳ điều gì nếu không biết nó đến từ đâu. Trong tất cả những câu chuyện được nghe, câu chuyện về