Chuyện chép trên cao nguyên đá
Đoàn xe của Hội Nhà văn Hà Nội rời Quốc lộ 2 ở cây số 0 trung tâm thành phố Hà Giang để đi tiếp vào con đường độc đạo 4C nổi tiếng hiểm trở, bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua ba huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, những cái tên chỉ thoạt nghe đã cảm nhận ra ngay cái heo hút sắc màu biên cương.
Nếu như dưới Bắc Quang, Vị Xuyên những huyện vùng đất thấp thung lũng sông Lô, mùa này còn thấp thoáng những vạt rừng loang lổ sắc màu xanh vàng xen kẽ, thì khi đặt chân tới Cổng Trời Quản Bạ, từ đây cái cảm giác hiu hiu ảm đạm cứ như ngấm dần vào người sau mỗi vòng xe lăn. Bên phải bên trái con đường, đằng trước đằng sau hướng đi, nhìn xuống thung sâu hay ngước mắt lưng trời, đâu đâu cũng chỉ thấy điệp trùng những đá là đá. Cao nguyên đá mùa đông, tưởng như chẳng nơi nào đá lại có thể xám và lạnh đến thế!
Một xóm người H'Mông tại Đồng Văn Hà Giang.
Con đường cong queo như rắn lượn chênh vênh bám vào sườn núi. Ngồi trên xe ta luôn có cảm giác nó hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe lăn bánh. Một phần thân xe lúc nào cũng thấy cứ như nhô hẳn vào khoảng không gian miệng vực sâu hun hút phía dưới, còn bên kia thì thành xe lại luôn trong tư thế chỉ chực đâm sầm vào dốc đá dựng đứng che kín tầm nhìn. Ở những đoạn đường cua gấp trước đây đều đã được lắp đặt những chiếc gương cầu bên vệ đường để cảnh giới, nhưng nay thì dường như không còn chiếc nào nguyên vẹn.
Chú lái xe kể, một lần đi tới một khúc đường cong thì thấy mấy đứa trẻ choai choai đang thi nhau ném đá vào một chiếc gương bên đường. Dừng xe hỏi tại sao lại thế, cả lũ cười hiền khô mà rằng chúng tao đang tập ném đấy mà! Thành thử bây giờ gặp những khúc cua tay áo, các bác tài chỉ còn biết đua nhau bấm còi liên hồi cảnh báo. Tiếng còi to nhỏ, cao thấp, trầm bổng đủ giọng rền vang rồi loang xa đập vào vách đá xung quanh, cuối cùng nhại lại như tiếng tù và lưu không, dường như cũng làm vơi nhẹ đôi phần cái im ắng cô tịch những chiều biên ải.
Lâu lâu mới lại thấy một hai người áo quần màu chàm sắc núi gập người cõng những chiếc gùi lớn lặng lẽ bước đi trên đường. Cũng có lúc một vài con xe chở khách du lịch cao nguyên đá trở về đang dò dẫm lăn bánh ngược chiều. Trên con đường xuyên sơn vạn lý thỉnh thoảng trong tầm mắt, ta bỗng bắt gặp một thung lũng đá nho nhỏ nào đó với dăm bảy nóc nhà đùm dúm bên nhau. Gọi là thung lũng, thực ra đây chỉ là những hẻm núi trũng người ta quen gọi là nơi có thế tụ thủy. Trên độ cao nghìn mét lưng chừng trời như ở đây, nơi có thể đọng lại một chút đất mùn và nước mưa từ những triền núi cao đổ xuống. Nhà ở đây phần lớn tường trình mái tôn xi măng với một khoảng sân có tường rào đá xếp vuông vức vững chãi như những bờ thành công sự. Bên ngoài vòng tường rào đá xếp thường là những thửa ruộng lớn nhỏ cao thấp tiếp nối nhau mà tất cả bờ ruộng bốn bề cũng lại đều được xếp đá gọn gàng. Trên những thửa ruộng đá đi qua, vào mùa này chỉ còn trơ lại những thân ngô gầy guộc đã bẻ hết bắp. Những thân gầy xao xác lá khô đứng nép bên nhau như muốn truyền cho nhau chút hơi ấm mơ hồ, những mong giảm bớt đi phần nào cái lạnh tái tê mỗi khi gió núi tràn về.
Cũng cần phải nói thêm đôi điều về những bức tường đá xếp Hà Giang.
Hà Giang cao nguyên trập trùng núi đá, nơi những người dân bản địa chỉ quen sống trên những sườn núi cheo leo lưng chừng trời. Đất đai trồng trọt nơi đây đã hiếm lại dễ bị nước mưa cuốn trôi, bởi vậy để giữ được những phiến đất thổ cư cũng như đất canh tác tự nhiên hiếm hoi, từ ngàn đời nay người dân nơi đây đã phải dùng những phiến đá xếp lại thành bờ tường để giữ đất. Xếp đá tưởng là một công việc đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được trừ những người H’Mông bản địa vùng này. Chỉ là những phiến đá tự nhiên to nhỏ thiên hình vạn trạng vỡ tước ra từ quá trình khai thác núi đá, không có bất cứ một thứ vôi vữa hay keo dính nào, người ta cứ thế lựa chọn xoay đảo các chiều xếp chồng lên nhau. Cứ thế mà những bức tường đủ kiểu đã xuất hiện, tồn tại bền vững giữa đất trời theo cùng năm tháng.
Đá xếp thành bờ kè giữ đất, đá lại được xếp thành tường vây quanh nhà đề phòng thú rừng hoặc ngăn ngừa trộm cướp. Với những gia tộc quan lại giàu có thì đá được xếp thành bức tường kiên cố có lỗ châu mai phòng thủ từ bên trong để có thể chiến đấu chống lại địch thủ bên ngoài. Một công trình điển hình như thế sau hàng thế kỷ đến nay vẫn tồn tại bền vững, đó là những bức tường đá và khu Nhà Vương của vua Mèo Vương Chí Sình ngày trước, tới nay vẫn còn nguyên vẹn trên một thung lũng phía Bắc huyện Đồng Văn.
Tường xếp đá có lỗ châu mai phòng thủ tại Nhà Vương huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Đối với tầng lớp bình dân thì điển hình cho một khu dân cư bản địa với các ngôi nhà tường trình và hàng rào đá xếp, được nhắc đến trước tiên có lẽ là thôn Lũng Cẩm Trên, xã Súng Lả, huyện Đồng Văn. Lũng Cẩm Trên là một thung lũng hiếm hoi rộng chừng vài ba hecta mọc lên giữa cao nguyên đá chẳng khác nào một ốc đảo xanh. Khoảng bốn chục hộ gia đình người H’Mông sống rải rác trong thung lũng. Nhà nào cũng gọn gàng ngăn nắp với một khoảng sân rộng có tường đá xếp bao quanh. Và bên ngoài những bức tường đá rất đẹp đó lại là những thửa ruộng mượt mà rau xanh cùng những vườn hoa rực rỡ sắc màu. Những con đường bê tông lớn bé uốn lượn nối vào từng hộ trong thôn đã tạo thành một bức tranh thanh bình no ấm giữa vùng biên cương hoang vu cao nguyên đá. Lũng Cẩm Trên từ lâu đã được huyện Đồng Văn công nhận là Làng Văn Hóa, và nơi đây cũng chính là trường quay thực địa của bộ phim Việt Nam nổi tiếng Chuyện của Pao, mà có lẽ người Việt mình ai đã xem một lần thì không thể nào quên.
Ngôi nhà trong phim Chuyện của Pao tại thôn Lũng Cẩm Trên - Hà Giang.
Nếu nói những thửa ruộng bậc thang là kỳ quan kiến trúc do bàn tay con người tạo tác qua nhiều thế kỷ và nay trở thành hình ảnh tiêu biểu cho một số huyện của Yên Bái và Lào Cai như Mù Cang Chải, Y Tí, Sa Pa… thì ta cũng có thể coi những bức tường đá xếp là những hình ảnh đặc sắc tiêu biểu cho một số huyện phía Bắc Hà Giang, trong đó trước hết phải kể đến là Đồng Văn, Quản Bạ và Mèo Vạc.
Đoàn xe chúng tôi vẫn nhẩn nha tiến lên phía trước, gắng gỏi nuốt vào lòng xe những cung đường hiểm trở, có thể nói là hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Vẫn chỉ có đá xám và lau trắng bên đường, và lẫn vào đó, đôi khi là những cái biển sắt giao thông đánh dấu sự khởi đầu hay kết thúc địa giới của một xã hay một huyện. Những cái tên chỉ dẫn bên đường Vần Chải, Lũng Thầu, Súng Lả, Sả Phìn… cho ta một liên tưởng, cả trăm cây số ngang dọc nơi đây chắc hẳn đều là nơi quần cư của các dân tộc ít người bản địa.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển lên hướng Bắc để đi vào trung tâm huyện Đồng Văn. Khi mới tiến sâu vào địa phận huyện chừng dăm cây số, ven đường bỗng thấy biển đề với một cái tên ít chất thiểu số hơn: Xã Phố Cáo. Phố Cáo, Phố Cáo! Cái tên gợi cho tôi về một kỷ niệm xa mờ nào đó, tôi cố gắng tìm lại trong tiềm thức một sự liên hệ mỏng manh nhưng không thể. Nhưng rồi, chính những ngọn núi trùng điệp như răng cưa và những nếp nhà tường đất lẩn quất sau những vạt lau trắng tung bay như râu như tóc người già ấy, đã đưa tôi về với chuyến đi Hà Giang cách đây hơn hai chục năm, cũng vào mùa này và cũng cung đường này.
Hồi đó tôi đang cộng tác hoạt động với Hội Doanh nghiệp trẻ VN nên trong một chuyến lên thăm và làm việc với Hội DNT Hà Giang tôi cũng có mặt trong đoàn. Trong cuộc gặp gỡ giao lưu với các chủ doanh nghiệp trẻ Hà Giang tổ chức sáng hôm sau tại hội trường UBND tỉnh, tôi đặc biệt lưu ý tới một chủ doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu. Ở phần cuối bài phát biểu anh có bộc lộ nỗi bức bối trong lòng với mọi người rằng, tuy là một doanh nghiệp lớn trong tỉnh, nộp thuế nhiều, giải quyết nhiều việc làm cho thanh niên, làm từ thiện nhất tỉnh… nhưng anh vẫn không được lựa chọn vào đoàn đại biểu của tỉnh về gặp mặt thủ tướng chính phủ dưới Hà Nội, lý do là anh đã lấy vợ bé không chính thức!
Câu chuyện nghe có vẻ ly kỳ nên sau cuộc họp, tôi đã chủ động làm quen với anh. Thế rồi trong mấy ngày lưu lại Hà Giang, hai chúng tôi đã trở thành đôi bạn gần gũi. Anh tên Đinh Đình Với, một cái tên khá là khó phát âm khi muốn gọi đầy đủ cả tên cả họ. Với tâm sự, mình người xấu xí lại con nhà nghèo lấy được bà vợ tuy hơn mình 5 tuổi nhưng có chút nhan sắc tưởng đã là may mắn. Hóa ra bà ấy là loại đặc ruột không biết đẻ nên chồng cũ mới bỏ! Cám cảnh cho mình mà cũng lại thương cho thân phận vợ, anh chỉ còn biết lao vào việc kiếm tiền cho khuây khỏa. Những ngày hai nước Việt Trung mới bình thường quan hệ, buôn bán biên mậu bung ra, kiếm tiền cứ dễ như trở bàn tay. Vốn liếng chẳng cần, người Tàu ứng tiền cho mình mua gom hàng rồi đến ngày hẹn thì giao nhận tại cửa khẩu. Thôi thì đủ loại, sắn khô, chám khô, rắn độc, tê tê, rùa núi, cây thuốc… lạ là cái gì nó cũng mua, bao nhiêu cũng mua, mà lại mua giá rất hời. Chiều hàng đánh về cũng thế, chẳng thiếu thứ gì, bia Vạn Lực, lê táo tươi, gạch men các loại, chăn len, quần áo may sẵn, com lê va rơi… Đúng là nghèo thì lâu chứ giàu chẳng mấy! Ông trời cho lộc có lúc tiền vào ầm ầm như nước lũ, toàn phải nhét bao tải, có chuyến hai ba bao tải lèn chặt! Cứ như thế chỉ mấy năm đã dư vốn liếng thành lập công ty xuất nhập khẩu lớn nhất tỉnh có chi nhánh hơn chục điểm rải ra toàn quốc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Đắc Như tại cột mốc KM 0 trung tâm TP Hà Giang.
Sống trong cảnh giàu sang phú quý, thỉnh thoảng lại chợt nhớ tới cảnh lầm than khổ cực đời mình ngày trước mà thấy thương xót những hoàn cảnh nghèo khổ ngoài xã hội hôm nay, mà ở cái tỉnh chó ăn đá gà ăn sỏi thế này, thì có mà ra ngõ gặp người nghèo, thương lắm! Từ đấy anh mới nghĩ ra cách đem tiền đi làm từ thiện. Theo anh thì không nên nộp tiền cho những tổ chức ABC này nọ. Làm thế chỉ được tiếng khen hão chứ người nghèo chẳng được là bao, có đồng từ thiện nào chúng nó chấm mút hết từ trên xuống dưới. Vậy nên cứ trực tiếp, “đia rếch” thẳng tới những hộ nghèo là hay nhất. Anh chỉ làm từ thiện kiểu ấy và còn vận động hàng chục doanh nghiệp bạn bè làm theo cách đó. Cũng vì như thế mà các cơ quan dân chính đảng địa phương nó chẳng ưa gì mình, nó thù, anh tâm sự như vậy.
Rồi anh kể, một lần mang tiền về xã Phố Cáo huyện Đồng Văn giúp xã xây nhà trẻ. Đến nơi thì bắt gặp cô gái trông trẻ 17 tuổi đẹp như tiên giáng trần làm cho hồn vía mình chẳng biết bay đi đằng nào. Làm việc và trao tiền xong cho tập thể lãnh đạo xã có biên bản giao nhận và cam kết thời gian chất lượng thi công nhà trẻ đàng hoàng, Với khước từ lời mời ở lại ăn tiệc với xã, rồi một mình lén quay lại nhà trẻ, đợi cho trẻ con về hết mới bảo cô giáo lên ô tô anh đưa về nhà. Cô gái tên Sa không nói được tiếng phổ thông nên anh phải dùng tiếng H’Mông trò chuyện. Xe dừng lại bên chân núi, hai người đi theo một con đường mòn dốc đá xuống một thung lũng nhỏ có khoảng hơn chục nóc nhà. Sa cho biết, tất cả dân xóm này trước đây đều ở quanh khu rừng già xã Vần Chải.
Nhà nước bảo dân ở đấy chặt cây, đốt nương làm cháy rừng nên mới làm nhà sẵn cho từng hộ chuyển về xóm này ở. Nhưng về đây chỉ được một năm, hơn ba chục hộ nay chỉ còn hơn một chục, các hộ kia tìm về nơi cũ gần hết, họ bảo sống ở xóm mới Phố Cáo thiếu đất thiếu nước quá! Sa dẫn anh vào nhà, khi ấy chỉ có ba đứa em mặt mũi ngoam nguếch, nhếch nhác, gầy guộc như những chiếc dải khoai.
Bố mẹ đâu cả rồi? Đứa lớn bảo đang đi gùi đất. Gùi đất làm gì? Nó bảo lấp đá trồng ngô. Anh lấy ra một gói kẹo bảo chia nhau rồi kéo Sa ra ngoài sân. Từ đây nhìn ra xung quanh. Nghiêng nghiêng chỉ một rừng đá, đá to như một con trâu, vừa vừa như chiếc cối xay, mà nhỏ cũng cỡ con chó con mèo, tảng nào cũng bờm xơm góc cạnh. Xen kẽ những tảng đá như thế là những khe, những hốc đất nho nhỏ. Sa kể, cô và bố mẹ vẫn phải đi gùi đất từ xa về lấp đá lấy chỗ trồng ngô. Xa là bao nhiêu? Xa là một ngày từ sáng đến tối cũng được ba gùi đất! Đúng lúc ấy thì bố mẹ Sa về. Họ hạ gùi từ vai xuống và đổ đất vào những những hang hốc còn dở dang vệt đất mới. Sa cho bố mẹ biết ông người Kinh này là người về xã cho tiền làm nhà trẻ, rồi lại cho đi nhờ ô tô về nhà, rồi lại còn cho trẻ con nhà mình gói kẹo to chia nhau. Bố mẹ Sa vẻ mặt gầy guộc hốc hác nhưng nét còn trẻ, có lẽ đều còn ít tuổi hơn Với. Người bố nói một thứ tiếng Kinh lơ lớ khen anh tốt lắm vì đã có nhiều tiền mà lại còn chia cho người nghèo. Anh lấy một gói tiền đưa cho người bố. Ông ta bảo cho nhiều thế, uống rượu bao giờ cho hết? Anh nghiêm nét mặt bảo không phải để uống rượu, tiền cho để mua một con ngựa thay người gùi đất và mua quần áo ấm cho các con đi học. Ông ta cười như mếu bảo thế thì tốt quá! Từ đấy thành quen cả nhà, anh đi lại thăm hỏi trò chuyện với Sa thường xuyên, mua áo quần đẹp, vòng bạc, đồng hồ cho Sa. Biết Sa cũng thích mình và cả nhà cũng thích, cuối cùng anh ngỏ lời xin cưới Sa làm vợ. Sa thì đồng ý liền và cả nhà cũng không ai phản đối. Cưới nhau xong anh đưa vợ xuống mua nhà dưới phố huyện Vị Xuyên mở cửa hàng tạp hóa cho Sa tập buôn tập bán, lại cho đứa em thứ hai xuống ở với chị cho bố mẹ đỡ phần vất vả. Một chốn đôi nơi, vợ cả ở thị xã Hà Giang, vợ bé thị trấn Vị Xuyên, cách nhau vài chục cây số đi về cứ phải lựa sóng mà lái sao cho thuận buồm xuôi gió êm thấm đôi bề!
Tôi hỏi cuộc sống gia đình vợ dạo này thế nào, anh bảo từ ngày có ngựa thồ đất, mấy mảnh vườn quanh nhà cũng thấy khang trang hơn, nhưng rồi đất cũng chẳng có mà chở nữa, nên cố lắm một năm hai vụ cũng chỉ vài tạ ngô, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói nên anh vẫn phải thường xuyên trợ cấp cho họ. Nghĩ mãi cũng chưa có kế gì dài lâu giúp họ thoát khỏi cảnh sống lam lũ ở cái xứ “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng” như xứ này!
Nghĩ đến hình ảnh những người đàn ông, đàn bà và những người con gái H’Mông nhỏ bé, gầy guộc gò lưng cõng những gùi đất nặng đi xa nhiều cây số và vượt qua những mỏm núi đá tai mèo sắc nhọn như dao để giành lấy từng tấc đất trồng trọt mà tôi thấy nao lòng. Trong khoảnh khắc ấy không hiểu sao tôi bỗng nảy ra được một ý lạ để ngay tức thì trao đổi lại với anh. Tôi bảo đến cả ngựa đi cũng không đủ sức vượt hàng chục cây số tới những vùng thấp gùi đất về, nay muốn giúp họ mở rộng đất canh tác, giúp họ xóa đói giảm nghèo, sao không nghĩ đến việc đi xa hơn nữa xuống tận Vị Xuyên, Bắc Quang… thuê xe tải mua đất chở lên đây cho họ, một xe năm tấn như thế có mà bằng một người một ngựa thồ cả năm trời? Có đất rồi tha hồ mà nghĩ cách, cũng có thể trồng ngô, cũng có thể tùy chỗ nông sâu, bằng phẳng hay hang hốc mà trồng các loại cây ăn quả đặc hữu như mận Hậu, lê, hồng, hoặc các loại cây thuốc quí của riêng vùng đất này. Nghe cái ý tưởng ngẫu hứng có phần lãng mạn của tôi, nhà doanh nghiệp trẻ của xứ cao nguyên đá bỗng trở nên trầm ngâm, hồi lâu anh đột nhiên hạ giọng nói nhỏ rằng mong tôi đừng nói lại với bất cứ ai câu chuyện vừa xong đấy nhé!
Bốn năm sau tôi gặp lại Đinh Đình Với ở Sài Gòn trong đại hội đại biểu Hội Doanh nghiệp trẻ toàn quốc. Anh khoe sau lần gặp gỡ trên Hà Giang, anh cho triển khai ngay cái kế hoạch “chở đất lấp đá vá rừng”. Hơn một năm thuê xe chở đất, thuê người xếp đá đổ đất, thuê người san lấp, phân tro tưới tắm thuần dưỡng đất đai cho hài hòa thổ nhưỡng khí hậu, anh đã trồng được 500 cây hồng vuông không hạt và 500 cây mận Hậu, ngoài ra là những thửa ruộng tam thất, sa nhân và các loại cây thuốc quý. Đến nay anh đã có một trang trại cây ăn quả và cây thuốc rộng lớn, xanh tươi bắt đầu cho thu hoạch. Tôi hỏi thăm về gia đình, anh khoe đã được một thằng cu ba tuổi sống với mẹ ở Vị Xuyên, gia đình vợ vẫn ở trang trại trên Đồng Văn, bà cả vẫn ở trên thành phố Hà Giang, mọi trật tự vẫn duy trì ổn định như những năm nào.
Sau đại hội lần ấy tôi không còn tham gia công tác Hội Doanh nghiệp nên cũng không có dịp nào gặp lại Với, và rồi cũng không có liên lạc gì qua lại với nhau. Cho mãi tới hôm vừa rồi đi cùng đoàn nhà văn lên Hà Giang, tức là khoảng hai mươi năm sau lần gặp cuối, khi xe chúng tôi bất ngờ lướt qua xã Phố Cáo thì những câu chuyện tản mạn về nhà doanh nghiệp trẻ ngày nào bỗng quay trở lại trong ký ức.
Chiều hôm đó đoàn nhà văn nghỉ lại thị trấn Đồng Văn, tôi tìm cách liên lạc điện thoại với các anh em cũ của Hội Doanh nghiệp Hà Giang. Gọi tất cả những số điện còn lưu trong máy đều nhận được thông báo là không có số này. Cuối cùng may mắn có một số có tín hiệu hoạt động. Sau một hồi giới thiệu nhắc lại chuyện công tác Hội, anh bạn đầu máy đằng kia đã nhận ra tôi. Tôi hỏi thăm anh em bạn cũ thì được biết đa phần các doanh nghiệp hồi đó giờ đã phá sản, anh nào nhanh chân chuyển vùng hoạt động về Hà Nội thì còn trụ được. Cả anh chàng Với hai vợ cũng thế nốt, sau khi nhảy vào lĩnh vực bất động sản tên tuổi nổi lên như cồn, được tôn vinh là người giàu Top 3 của tỉnh, thì đùng một cái thị trường bong bóng nổ tung, nhà cửa không bán được, lãi ngân hàng như cái lưỡi hái gọt sạch vốn liếng, tòa án vào cuộc, ngân hàng siết nợ thành ra tay trắng lại hoàn tay trắng. Tôi hỏi thăm về cái trang trại cây ăn quả và rừng cây thuốc thì được biết, rất may là Với đã chuyển tất cả tên chủ sở hữu cho bố mẹ vợ từ lâu nên hiện vẫn còn giữ được. và nghe đâu bây giờ vợ chồng con cái và cả cái đại gia đình anh đều sống dựa vào cái trang trại đó…
*
Thế rồi chuyến du khảo nhiều ấn tượng của đoàn nhà văn Hà Nội cũng đến lúc phải kết thúc, và trên chuyến xe mã hồi về xuôi mấy ngày sau đó, những cảnh cũ trên đường dọc ngang cao nguyên đá lại một lần tái hiện trong tôi. Những thân ngô xơ xác bạc màu ruộng đá, những người dân gò lưng cõng gùi liêu xiêu trên đường, những nếp nhà nhỏ bé tiêu điều chênh vênh vách núi… tất cả, tất cả cứ loang loáng lướt qua. Tôi chưa một lần được trông thấy vườn quả, vườn cây thuốc của anh bạn doanh nhân trẻ trên Đồng Văn, thế mà trong tiếng xe gầm gừ với những cú xóc nảy đom đóm từ những ổ gà ổ voi, hình ảnh lam lũ trên đường bỗng cứ nhòa dần, nhòa dần để hòa vào màu xanh vườn quả vườn cây thuốc, hòa vào màu áo hoa rực rỡ và tiếng khèn véo von những chàng trai cô gái H’Mông dập dìu phố thị và những phiên chợ ngạt ngào mùi hương tả pí lù bay lên từ chảo thắng cố.
Nằm trên cao nguyên LangBiang có độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt tươi,...
Bình luận