Đờn ca tài tử - Báu vật vùng đất phương Nam

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, báu vật vùng đất phương Nam, nó gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam.

Theo giới nghiên cứu thì đờn ca tài tử xuất hiện từ rất sớm, nhưng đến khi Cao Văn Lầu viết bài “Dạ cổ hoài lang” tại tỉnh Bạc Liêu năm 1919 thì nhiều học giả cho rằng, từ lúc này đờn ca tài tử Nam Bộ mới bài bản. Vì vậy, nhiều người lý giải, đờn ca tài tử có nguồn gốc từ tỉnh Bạc Liêu. Đờn ca tài tử thường chơi đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn độc huyền (hay đờn bầu) và song lang (nhạc cụ bằng gỗ dùng chân gõ nhịp) hoặc cả đờn guitar phím lõm.

Đờn ca tài tử - Báu vật vùng đất phương Nam - 1

Ngày 5/12/2013, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cần có những không gian văn hóa di sản đờn ca tài tử

Trung tuần tháng Tư, không gian đờn ca tài tử Nam Bộ nằm trong khuôn khổ của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 với chủ đề “Hồn Việt Phương Nam” đã diễn ra tại quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Không chỉ có những nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử mà hàng triệu người dân đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cũng được sống trong không gian văn hóa di sản đờn ca tài tử, bất tận. 

Lần đầu tiên, những người mộ điệu đờn ca tài tử được sống trong không gian di sản, được thỏa sức đem lời ca tiếng hát biểu diễn, giao lưu, phục vụ công chúng tự do như vậy.

Đờn ca tài tử - Báu vật vùng đất phương Nam - 2

Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đúng, đơn vị Đờn ca tài tử tỉnh Long An cho biết, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia là sân chơi lớn của giới tài tử cả nước, nhất là 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trở vào) có hoạt động đờn ca tài tử. Các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đều mong chờ có những sân chơi lớn để được đứng chân biểu diễn. Thế nhưng, cái chính là họ muốn được cống hiến, đem lời ca tiếng hát phục vụ, góp phần làm cho phong trào đờn ca tài tử ngày một vươn xa, bay cao, chứ không nặng tính thi thố, thắng thua. 

Nữ tài tử Cẩm Giang, đơn vị TP Cần Thơ cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của mình là khi vẫn còn được đem lời ca tiếng hát phục vụ người thưởng ngoạn. Mỗi năm, Cẩm Giang đều dõi theo và tham gia các sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp như Trần Hữu Trang, liên hoan đờn ca tài tử khu vực, Chuông vàng vọng cổ… “Nhưng cái chính là để học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân để niềm đam mê ca hát trọn vẹn hơn chứ có bao nhiêu giải thưởng cũng không được hài lòng hay tự mãn”.

Soạn giả Kim Phượng, TP Cần Thơ bày tỏ vui mừng khi Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 được tổ chức tại Cần Thơ. Đặc biệt là tổ chức không gian đờn ca tài tử Nam Bộ đã giúp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử khắp nơi có dịp ngồi lại với nhau thổ lộ tiếng tơ lòng qua câu hò, điệu lý. 

Theo soạn giả Kim Phượng, chương trình thi diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần này, mỗi đơn vị chỉ có 35 phút trình diễn. Với những nghệ sĩ, tài tử thì khoảng thời gian “khiêm tốn” trên sân khấu thi diễn đó, họ luôn cố gắng để phần thi hoàn thành tốt nhất, nhưng thật sự chưa đủ. Chính vì hiểu được những công sức tập luyện rất công phu, dài ngày để đem các tiết mục đến cuộc thi nhưng chỉ được gói gọn trong thời gian ít ỏi, Ban Tổ chức đã tạo nên không gian đờn ca tài tử Nam Bộ để các tài tử có thêm “đất dụng võ”. 

“Khi đã bước chân lên sân khấu thì trong tâm trí người tài tử chỉ là nghĩ đến việc như thế nào để lời ca tiếng hát, làn điệu ấy được chuyển tải đến người xem, thưởng ngoạn tốt nhất, hay nhất. Đã là tài tử thì đam mê và mục tiêu lớn nhất là được ca diễn phục vụ người xem, chứ thắng thua, thi thố đâu quan trọng”, soạn giả Kim Phượng nói.

Trong cuộc trò chuyện tại không gian đờn ca tài tử Nam Bộ, các nghệ nhân, tài tử nhắc về cố Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ ngân nga trong bài vọng cổ “Hoa tím bằng lăng” của tác giả Linh Châu: “… Con rạch cái Thia chảy “dìa” Tắc Cậu, con sáo sang sông con sáo đậu… hiên nhà”. Đó mới là đờn ca tài tử. Cái chất mộc mạc của người miền Tây sông nước được tác giả lột tả đến chân phương ở cái chữ “dìa”, thay vì “về”. Đây là một trong ba bài vọng cổ đình đám sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 

Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả - NSND Viễn Châu, qua giọng ca Út Trà Ôn, hẳn sẽ ngất ngây trước giọng hát ngọt ngào pha chút ưu tư cùng những thanh âm mộc của cây đờn kìm như ru hồn lãng đãng trên màn sương của dòng sông Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Đơn giản vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, “Tình anh bán chiếu” đã làm say lòng bao thế hệ. Và cũng nhờ “Tình anh bán chiếu” mà chợ nổi Ngã Bảy trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Đưa đờn ca tài tử trở thành sản phẩm du lịch

TP Hồ Chí Minh đang có hai địa chỉ thực hiện việc kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác, nhằm đưa loại hình này trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vào ngày Rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài Việt Nam (thành phố Thủ Đức) tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu… Qua hai lần thử nghiệm, số lượng khách tham dự đã tăng lên đáng kể. Sắp tới, Bảo tàng sẽ đưa đờn ca tài tử vào kết hợp các phiên chợ quê để tổ chức vào các dịp cuối tuần. Ngoài việc xem biểu diễn, khách còn có thể hát chung với các nghệ sỹ hoặc học hát đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử - Báu vật vùng đất phương Nam - 3

Tương tự, Khu Du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) cũng đưa đờn ca tài tử kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần. Hoạt động này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách khi đến tham quan tại đây.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, năm 2020, tại thành phố có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số 3.017 thành viên, trong đó có bốn Nghệ nhân Ưu tú, hai Nghệ nhân Nhân dân. Vấn đề nhân lực là điều không thiếu để phát triển đờn ca tài tử tại TP.HCM nhưng việc tập hợp được những người có đủ năng lực, đam mê, nhiệt huyết để cùng phát triển lại khá nan giải. Với đa số các nghệ nhân, đờn ca tài tử chỉ là đam mê hoặc nghề tay trái. Nghệ nhân Út Châu - người hiện đang cộng tác với Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho biết, do đờn ca tài tử không mang lại thu nhập, anh chỉ có thể tham gia biểu diễn vào buổi tối hoặc những khi có thời gian.

Theo Nghệ nhân Út Châu, để xây dựng các mô hình đờn ca tài tử, cần giữ đúng giá trị của loại hình này trong việc đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Các địa phương vùng ven TP.HCM có không gian, bối cảnh khá phù hợp. Tuy nhiên, du lịch sông nước, vùng ven thành phố vẫn chưa phải là điểm đến thú vị nên không nằm trong danh sách ưu tiên của du khách khi tham quan. Ngoài ra, các địa điểm du lịch sinh thái cuối tuần quen thuộc của người dân thành phố tại huyện Củ Chi, Nhà Bè hay Cần Giờ đều có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch gắn với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử.

Ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) cho rằng, chất xúc tác cần có là làm thế nào để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Trong đó, việc hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam bộ thông qua đờn ca tài tử cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của du lịch thành phố cũng như vùng sông nước Nam Bộ.

TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, các không gian phù hợp với đờn ca tài tử có thể là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Bên cạnh đó, cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh. Đơn cử như tại trung tâm thành phố, khu đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), nên dành một không gian cho đờn ca tài tử để các câu lạc bộ hoạt động luân phiên, cũng là cách làm tăng sự nhận diện.

Ngoài ra, thành phố có thể xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật, lấy đờn ca tài tử làm chất liệu chính để phục vụ ở các không gian trung tâm. Thực tế, một số chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội đã từng có những tiết mục đờn ca tài tử được dàn dựng rất công phu, hoành tráng, có thể là nguồn chất liệu tốt để tiếp tục khai thác.

Muốn có lợi nhuận từ đờn ca tài tử buộc các đơn vị phải đầu tư nhưng hiện tại không nhiều nơi mặn mà với loại hình này. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cho biết, không khó hiểu khi các đơn vị khai thác du lịch không dám mạnh tay do việc phát triển đờn ca tài tử tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu chiến lược, thiếu sự liên kết khiến cho các hoạt động bị rời rạc. Để phát triển, cần xác định phát triển mô hình này với mục tiêu gìn giữ di sản chứ chưa thể nghĩ đến lợi nhuận. Nếu đơn vị tư nhân thực hiện cần kiên trì, bình tĩnh và phải thực sự có tâm huyết.

Ngoài công tác xây dựng, không gian, việc tuyên truyền, quảng bá cũng là vấn đề cần được coi trọng; để quảng bá, trước tiên phải có sản phẩm tốt. Về vấn đề này, ThS Phạm Thái Bình,  hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cán bộ Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển đờn ca tài tử cần có đơn vị đầu tư, có kế hoạch, huy động các nguồn lực.

Phát triển câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, tỉnh hiện có khoảng 100 câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử tại 15 huyện, thành phố với hơn 1.500 người tham gia sinh hoạt. Hoạt động nghệ thuật này góp phần giữ gìn, tôn vinh nghệ thuật truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao giá trị của đờn ca tài tử gắn với nét sinh hoạt ở cộng đồng dân cư, tạo sinh khí vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.

Đờn ca tài tử - Báu vật vùng đất phương Nam - 4

Qua 3 năm (2018-2020) thực hiện đề án bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, phong trào này đã có bước phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các huyện An Biên, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá là những địa phương có phong trào đờn ca tài tử hoạt động tốt.

Đờn ca tài tử xuất hiện với tần suất nhiều trong các hoạt động văn hóa tinh thần của người dân Kiên Giang. Số câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động đờn ca tài tử ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên được củng cố, trở thành sân chơi bổ ích có khả năng quy tập hầu hết các tài tử trên địa bàn để tập dượt và sinh hoạt. Lực lượng trẻ tuổi tham gia loại hình nghệ thuật này khá đông. Nhiều gia đình có truyền thống đờn ca tài tử, cha truyền con nối, tâm huyết và yêu thích đờn ca. Đây là lợi thế trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Kiên Giang.

Hàng năm, ngành Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử vào các dịp lễ, Tết phục vụ nhân dân, đồng thời kết nối và mở rộng không gian sinh hoạt đờn ca tài tử với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh…

Theo đó, nhiều huyện, thành phố của tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho những người yêu thích tại cộng đồng địa phương. Điển hình như mô hình đờn ca tài tử huyện An Biên được củng cố, kiện toàn theo hệ thống mạng lưới từ huyện đến xã và ấp. Các ấp có các nhóm đờn ca tài tử và nhiều nhóm gom lại thành lập câu lạc bộ xã. Hàng tháng, các câu lạc bộ sinh hoạt xoay vòng tập trung mỗi xã một lần để tạo điều kiện cho tài tử giao lưu với nhau, học tập kinh nghiệm và nâng cao chất lượng về nhịp, giọng, điệu, bài bản….

Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã xây dựng được các mô hình mới, hiệu quả trong hoạt động đờn ca tài tử như: Thành lập Câu lạc bộ Ban Chủ nhiệm đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang và Đội đờn ca tài tử gồm những nghệ nhân tiêu biểu trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Đờn ca tài tử là một hoạt động âm nhạc mang tính đặc thù của vùng đất Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những người chơi đờn ca tài tử thường chỉ để giải trí, gửi gắm tâm sự riêng hay cùng với bạn đồng điệu đờn, ca cho người mộ điệu thưởng thức. Vì vậy, họ luyện tập rất công phu, tập từng chữ nhấn, chữ chuyển, phải rao sao cho mùi, sắp chữ lời ca sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng".

Bài bản đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn là 20 bài bản Tổ, gồm: 6 bài Bắc với “Tây thi”, “Cổ bàn”, “Lưu thủy trường”, “Phú lục chấn”, “Bình bán chấn”, “Xuân tình chấn”; 3 bài Nam với “Nam xuân”, “Nam ai”, “Nam đảo” (đảo ngũ cung); 4 bài Oán với “Tứ đại oán”, “Phụng cầu”, “Giang nam”, “Phụng hoàng”; 7 bài nhạc “Lễ với Xàng xê”, “Ngũ đối thượng”, “Ngũ đối hạ”, “Long đăng”, “Long ngâm”, “Tiểu khác”, “Vạn giá”.

"Ở Rạch Giá (Kiên Giang), khoảng năm 1935 sản sinh ra một trường phái diễn tấu bài vọng cổ theo phong cách độc nhất vô nhị, đó là “Dây đờn Rạch Giá” từng làm say mê giới đờn ca tài tử khắp vùng Tây Nam bộ một thời. Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kiên Giang", ông Nguyễn Thiện Cẩn chia sẻ.

Hoài Nhân

Tin liên quan

Tin mới nhất