Hồ Chí Minh với triết lý giáo dục phổ thông giản dị, hiện đại

Khi nói về những bức thư Bác Hồ gửi cho học sinh, chúng ta thường nhớ bức thư Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1945, tuy vậy vẫn còn bức thư khác Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1955. Tại đây, Người xác định “Bốn trụ cột” của Giáo dục phổ thông Việt Nam.

Bức thư thứ 2 gửi học sinh ngày khai trường

Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành tình cảm và quan tâm đến vấn đề trồng người. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, đó là triết lý giáo dục được tổ chức UNESCO đánh giá rất cao và đó cũng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

Sự thật, trong quá trình lãnh đạo đất nước, bên cạnh những bài nói chuyện, những sắc lệnh… Bác đã viết nhiều bức thư cho ngành giáo dục. Trong trí nhớ của mọi người, hầu hết đều biết đến bức thư Bác gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945. Song còn một lá thư khác Bác cũng gửi cho học sinh nhân ngày khai trường mà ít người biết. Đó là bức thư Bác gửi học sinh “Nhân dịp mở trường” vào năm 1955, tức là thời điểm mà miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

Hồ Chí Minh với triết lý giáo dục phổ thông giản dị, hiện đại - 1

Ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhiHồ Chí Minh với triết lý giáo dục phổ thông giản dị, hiện đại - 2

Vẫn trên tư tưởng đã khẳng định mục tiêu như trong lá thư Bác gửi tháng 8/1945 là xây dựng “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học, bức thư thứ 2 này Bác dành riêng cho giáo dục phổ thông, thư được Báo Nhân dân số 600, ngày 24/10/1955 với bút danh CB. Bên cạnh các nội dung khác, điểm quan trọng mà Bác Hồ xác định, trong nội dung lá thư này là bốn trụ cột của việc học theo quan điểm rất hiện đại.  Người viết: “Đối với các em, việc giáo dục gồm có:

- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công, (5 cái yêu).*

Cần nói thêm rằng các cường quốc giáo dục cũng thường xây dựng những trụ cột giáo dục của họ. Những trụ cột này chi phối mục tiêu của nền giáo dục hàng ngàn năm. Ví như Trung Quốc, 4 trụ cột của họ trong thời kỳ quân chủ cách đây 2500 năm là: Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ. 

Vào những thập niên cuối thế kỷ 20 tổ chức UNESCO xây dựng mô hình theo tinh thần thế giới đang có xu hướng hội nhập, theo đó 4 trụ cột là: Học để hiểu biết/ Học để hành động/ học để cùng chung sống/ học để làm người. 

Nếu so sánh với các triết lý giáo dục trên, dễ thấy quan điểm của Hồ Chủ tịch về vấn đề giáo dục phổ thông không hề mang màu sắc lý luận bác học, ngược lại nó được diễn ngôn rất cụ thể giàu tính nhân bản và gắn với đặc điểm học sinh phổ thông Việt Nam và mục tiêu giáo dục phù hợp. Các trụ cột này, chính là phẩm chất cần giáo dục để hình thành nên thế hệ người Việt Nam mới.

Bốn “trụ cột” của việc học  

Sau này để cho thuận phát ngôn, chúng ta thường nói tắt bốn yếu tố giáo dục này là “Đức, Trí, Thể, Mỹ”. Cách dùng nói tắt của chúng ta vô hình chung đã làm sai lệch trật tự quan trọng của từng yếu tố mà Bác đã có chủ định sắp xếp theo một logic. Theo đó yếu tố đầu tiên và quan trọng mang tính chi phối toàn diện các yếu tố còn lại là sức khỏe.

Con người sống và phát triển đương nhiên cần phải tiếp nhận các tri thức. Song như vậy chưa đủ, một con người có thể hình lực sĩ, có bộ óc thông minh sẽ chỉ là người khổng lồ không có trái tim; bởi thế con người cần có thông minh cảm xúc để nhận biết cái đẹp, phân biệt cái xấu. Và tất cả những phẩm chất này sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được soi sáng bằng một nền tảng đạo đức hàm ẩn chất nhân văn cao đẹp.

Trong thời kỳ mở cửa, do sự chi phối của cơ chế kinh tế thị trường (cả mặt trái lẫn mặt phải), con người lao vào “cơn lũ kim tiền”, đã có không ít những người bị nó nhấn chìm. Thế hệ trẻ lao vào học tập và sự thật đã có nhiều người đạt những dỉnh cao về trí tuệ, phần lớn thế hệ học sinh được trang bị tri thức để trở thành “Lực lượng lao động trình độ cao”; song đáng tiếc không ít trong số này dùng trí tuệ chỉ để kiếm tiền. Với họ, cái đẹp của tâm hồn không được chú ý bồi đắp, thậm chí nền tảng đạo đức cũng bị coi nhẹ, tình yêu Tổ quốc dân tộc bị xếp xuống thứ yếu sau cái “tôi”, nét đẹp và niềm tự hào về văn hoá truyền thống không được cảm nhận. 

Người Việt thời mở cửa ít để tâm trau dồi nuôi dưỡng văn hoá, lịch sử dân tộc. Một bộ phận sính và sùng ngoại thành căn bệnh không dễ chữa. Đây là một nguy cơ! Đi qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc, đương đầu với bao cuộc chiến tranh xâm lược chúng ta không mất nước, nhưng sức mạnh của mặt trái của cơ chế thị trường nếu không ngăn chặn hiệu quả sẽ làm băng hoại tâm hồn đạo đức dân tộc Việt.

Con người Việt Nam mới sẽ trở thành giàu có, nhưng sẽ ra sao nếu chỉ có tâm hồn thô lậu? Sẽ ra sao nếu chỉ trần trụi xác thịt trong thế giới vật chất? Nếu vậy nước ta sẽ chỉ có những “tầng dân số” chứ rất ít “Người”!  Thậm chí người Việt còn có thể quên cả nói hai tiếng “Nước ta” với niềm tự hào truyền thống hàm ẩn núi sông, và những chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh chống “kẻ thù 2 chân và 4 chân” 4000 năm gắn với quốc hiệu Việt Nam.

Hồ Chí Minh với triết lý giáo dục phổ thông giản dị, hiện đại - 3

Ảnh tư liệu 

Nói vậy để thấy rằng, tính chất logic của các phẩm chất thuộc về con người mà trong bức thư  Hồ Chí Minh viết là tối quan trọng. Bên cạnh đó, một điều cần bàn khác là: khi chỉ nói ”Đức, Trí, Thể, Mỹ”, chúng ta bỏ qua một tiếng rất quan trọng trong cấu tạo từ ở đây, đó là tiếng “Dục”, như chính Bác viết “Đối với các em, việc giáo dục gồm có” tức các yếu tố này sẽ được tạo nên bởi chính quá trình giáo dục, chứ nó không nằm rời rạc để chỉ biểu hiện nghĩa của chính nó. Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education” - con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn.

Như vậy, mục tiêu của giáo dục phổ thông Việt Nam cần đạt bao hàm bốn yếu tố, những yếu tố này gắn với các chỉ số con người hiện đại bao gồm: Chỉ số về sức khỏe và đam mê (PQ), chỉ số về thông minh tiếp nhận các tri thức (IQ), chỉ số thông minh cảm xúc (EQ), chỉ số nền tảng đạo đức (MQ).

Thật tuyệt vời, những vấn đề tố chất cần giáo dục cho con người Bác đề cập từ năm 1955, thì ở cuối thế kỷ 20 các nhà khoa học mới nhận diện được bản chất và đặt tên khoa học cho nó.  Làm theo bốn trụ cột của việc học như lời Bác dạy, nền giáo dục Việt Nam sẽ đào tạo được những con người Việt Nam mới, với nhân cách hội đủ các phẩm chất căn cốt của một con người hiện đại?

Hồ Chí Minh với triết lý giáo dục phổ thông giản dị, hiện đại - 4Bốn trụ cột của việc học theo quan điểm Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ XX, vẫn là những yếu tố quan trọng và mang tính hiện đại cho đến ngày nay. Triết lý giáo dục phổ thông này bổ sung và góp phần hoàn thiện cả một triết lý sâu sắc và rộng lớn về giáo dục Việt Nam của Người.

Trong không khí đổi mới giáo dục hiện tại, để thực hiện hội nhập với thế giới văn minh, nền giáo dục Việt Nam đang có những dự định cải cách mới để phù hợp. Sẽ có thêm những yếu tố giáo dục mới được bổ sung, những phẩm chất mới của con người Việt Nam được đưa thành mục tiêu giáo dục. Điều này là cần thiết, hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người; nhưng một điều chắc chắn, bốn trụ cột giáo dục trong bức thư Bác viết gửi học sinh ngày khai trường năm 1955 vẫn là tư tưởng giản dị mà hiện đại nhân văn và mang bản sắc Việt Nam mà các nhà giáo dục cần trân trọng sử dụng.

*Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, tr 80-81

Thạc sĩ Nguyễn Đình Minh

Tin liên quan

Tin mới nhất