Hoa bưởi - Vương vấn một tình yêu

(Arttimes) - Khi sắc trắng của hoa sưa dần phai, giữa độ giao thời Xuân - Hạ, màu trắng tinh khôi của hoa bưởi lại xuất hiện, viết tiếp câu chuyện vẻ đẹp của các loài hoa. Sắc trắng ấy cứ hẹn lại đến, nở từng chùm thơm ngát trước ngõ nhà bà tôi. Một năm qua, hai năm đi, ba năm cũng chẳng ở lại… hoa bưởi đã len lỏi vào tim tôi nhẹ nhàng, thầm lặng mà sâu lắng...

Tháng Giêng hoa đào nở 

Đón xuân khoe sắc hồng tươi 

Tháng hai hoa ban ngập tràn 

Tiễn biệt những gương mặt phố 

Tháng ba bất chợt một ngày 

Trắng tinh hoa sưa về đây 

                                     (Hà Nội 12 mùa hoa) 

Màu hồng thắm của hoa đào mới qua chưa lâu, trên cành cây bưởi đã xuất hiện những chiếc nụ xinh xinh, xanh thẫm, chẳng mấy ai để ý. Ngày qua ngày, nó được tắm nắng, uống sương đêm, hội tụ tinh hoa của đất trời. Nụ hoa nhỏ bé cố gắng cựa mình, từ xanh lá chuyển dần màu trắng. Từng cánh hoa mỏng manh đang hé mở, đón lấy tia nắng ấm áp của ông mặt trời. Để rồi một buổi sáng nọ, ta mới thật ngỡ ngàng làm sao! Từng chùm hoa trĩu trịt, nở bung, trắng xóa cả cành bưởi. Hương thơm dìu dịu, đằm thắm cứ thế lan cả mảnh vườn, thấm vào đầu lưỡi ta. Cánh hoa mềm mịn cứ bung dần, để lộ nhị vàng, nhụy xanh, như hòn ngọc nhỏ được ấp ủ lâu ngày, đây cũng là thời gian mà hoa bưởi thơm nhất. 

Màu hoa trắng tinh khôi, trắng riêng của nó chứ không như hoa sữa, hoa sưa. Một màu trắng dịu dàng, duyên dáng đến lạ thường. Chẳng hiểu sao tôi lại thích cái sắc trắng ấy vô cùng. Nó như gợi cho tôi đến tà áo dài thướt tha của thiếu nữ đôi mươi, thật tươi trẻ, thật nhẹ nhàng! Một màu trắng thuần khiết, dịu dàng tựa tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Tuy nhiên, sắc trắng ấy chẳng hề mong manh như ta tưởng. Dù là năm nào, thời tiết có ra sao, cây bưởi vẫn cứ cho ra những chùm hoa thơm ngan ngát ấy. Đâu cần màu mè, đâu cần rực rỡ, cũng chẳng cầu kì, người ta vẫn cứ thích hoa bưởi đấy thôi! Thích cũng chính bởi những thứ ẩn sau nó.

Hoa bưởi - Vương vấn một tình yêu - 1 Hoa bưởi - vương vấn một tình yêu 

Đặc trưng của Hà Nội là hoa sữa, vậy hoa bưởi có phải không? Tất nhiên là phải chứ! Hãy tưởng tượng xem, bỗng một ngày, tháng ba sắp hết rồi, bạn vẫn không thấy những gánh hàng rong, những bà cụ mang từng chùm hoa bưởi tươi còn đọng sương mai, lấp lánh như hòn ngọc bích, ngồi bên lề đường, vỉa hè, chào các chị, các mẹ. Thiếu vắng hình ảnh ấy, có buồn không? Buồn chứ. Vui làm sao được khi không còn thứ hương mộc mạc, giản dị của hoa bưởi, thiếu vắng hình ảnh mái tóc đen điểm xuyết vài bông hoa trắng. Thứ hoa ấy đã trở thành một nét đẹp yên bình giữa lòng Thủ đô phồn hoa, náo nhiệt. nó như một vật hoài cổ, chứa chan bao kỉ niệm từ thời ông bà ta. Tôi trân trọng hình ảnh bà tôi hái chùm hoa bưởi từ trên cây, đặt lên bàn thờ tổ tiên với lòng thành kính. Tôi yêu hình ảnh người con gái nào cũng phải hít hà, xuýt xoa trước cái hương thơm của hoa bưởi. Tôi thích hình ảnh lũ trẻ con thích thú, xin bằng được vài bông hoa cho riêng mình. Tất cả những điều ấy cứ tự nhiên thấm nhuần vào con người tôi. Tôi yêu nét đẹp hiện đại nhưng phần nào đấy đầy thơ mộng của Hà Nội, trong đó có hoa bưởi.

"Hoa bưởi ơi,

Hoa bưởi.

Sao mà thơm đến thế?

Sao mà xinh đến vậy?

Trắng mộc mạc,

Mà đẹp đến lạ thường.

Nhị vàng tươi,

Xen giữa cánh hoa mỏng.

Thơm từng con hẻm,

Lưu luyến không thôi.

Nét bình yên, giản dị

Giữa phồn hoa.

Nhớ Hà Thành,

Một mùa hoa bưởi nở.

Một tình yêu,

Nhen nhóm trong tim tôi…"

Loài hoa tôi yêu chỉ thế thôi. Không cần rực rỡ như phượng vĩ, violet, không cầu kì, kiêu sa như cẩm tú cầu, hồng nhung. Song, hoa bưởi đã đóng một vai trò cao cả, thiêng liêng không loài hoa nào thay thế được.

Hương hoa bưởi cứ ngát hương dù Hà Nội có thay đổi, dù có hiện đại thế nào đi chăng nữa thì, hoa bưởi đã in sâu trong trái tim từng con người, từng cảnh vật nơi đây mất rồi…

Vương Thế Quỳnh Phương / Tin Nhanh Online

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ

Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ

“Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” – là 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ trên giấy C120 của Họa Sĩ Trịnh Lữ trong hơn một trăm ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ.