Không chỉ ở Mẫu Sơn

Tất cả những gì thuộc về của chung nói trên đều đẹp. Chính vì đẹp nên mới bị đánh cắp. Đánh cắp cái đẹp mà lẽ ra mọi người cùng được thưởng lãm thành của riêng nhà mình là một hành vi thiếu văn hóa.

Những ngày qua, trong lúc nhiều gia đình ở vùng cao các tỉnh phía Bắc tìm cách giúp gia súc chống chọi với giá rét thì không ít nam thanh nữ tú lẫn những “cụ” trung niên đánh xe hơi đời mới lên tận Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để được trải nghiệm về băng tuyết với tất cả sự háo hức, đợi chờ.

Cũng chẳng có gì đáng trách nếu như không có dăm bảy người trong số đó bẻ “cành tuyết” mang về. Hành vi phản cảm này đã được tung lên mạng xã hội kèm với những chỉ trích nặng nề.

Phải gọi là “cành tuyết” vì không rõ nó là cây gì, chỉ thấy tuyết bu bám xung quanh. Nhưng cây gì thì khi tuyết tan, ắt nó sẽ cho lá, cho hoa nếu là cây có hoa. Ấy thế mà, chỉ vì muốn biến chúng thành của nhà mình, các du khách đã không ngần ngại chặt cây mang về, khoe cả lên Facebook nữa! Không rõ liệu số tuyết bu bám thân cây kia có về tới nhà họ không hay lại tan chảy dọc đường.

Không chỉ ở Mẫu Sơn - 1 Ngôi nhà trong đêm những ngày tuyết rơi. Ảnh: Lưu Minh Dân/Vnexpress.net

Không biết tự bao giờ, một thói quen rất xấu của không ít người Việt là muốn biến cái chung thành của riêng. Ra đường, hễ thấy cái gì “vừa mắt” là chôm ngay, mang về nhà mình để… tự thưởng thức. Có người rất “tự hào” khi sở hữu của quý hiếm ấy, dù là của… ăn cắp.

Chuyện ấy đâu chỉ xảy ra ở Mẫu Sơn. Còn nhớ hồi đầu năm 2017, một du khách làm đến chức Phó Giám đốc của một sở ở Bình Thuận lên Đà Lạt ngắm hoa anh đào. Tiện thể, người này bẻ nguyên một cành hoa để làm của riêng. Vụ việc được đưa lên mạng, “bà quan” nọ được một phen hứng gạch đá của cư dân mạng.

Hồi tháng 5/2020, trên 3.000 cây hoa giấy được một doanh nghiệp trồng dọc theo 17 km quốc lộ 19, đoạn từ Quy Nhơn đi huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng bị kẻ trộm nhổ sạch. Hy vọng về một con đường hoa giấy rực rỡ đón chào quý khách đến thăm Quy Nhơn bỗng chốc tiêu tan chỉ vì sự ích kỷ của đám người thiếu văn hóa này.

Mùa hè năm ngoái đây, tại một khu du lịch nổi tiếng ở Măng Đen (Kon Tum), một tài xế chạy xe mang biển số xanh đàng hoàng, sau khi ghé thăm khu du lịch, liếc ngang liếc dọc không thấy ai, anh ta mở cốp sau xe, bỏ lên đó mấy chậu cây kiểng.

Xui rủi cho anh tài xế nọ, ngay lúc anh ta vừa chôm chậu kiểng bỏ lên xe thì chị bảo vệ xuất hiện, bắt quả tang. Anh tài xế “lái xe Nhà nước” nọ một phen năn nỉ trối chết chị bảo vệ tha tội. Toàn bộ sự việc trên được đưa lên mạng xã hội. Những người quen biết anh tài xế này, xem xong clip ấy chỉ có nước độn thổ thôi. 

Chưa hết, cũng mới đây thôi, sau khi phát hiện những khối san hô có hình thù kỳ lạ ở Gành Yến xã Bình Hải huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), du khách lại ùn ùn kéo đến để xem và chụp ảnh selfie. Thấy chưa “đã”, một số người còn dùng xà beng, đào dăm ba cành san hô về làm của nhà mình! Báo hại, toàn bộ vùng này nằm trong không gian Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh đang trình UNESCO công nhận.

Chúng ta không chỉ lên án những kẻ tham lam này mà pháp luật cũng nên xử lý thật nghiêm chứ không thể xem đó chỉ là “chuyện nhỏ” và chỉ nhắc nhở phê bình mà thôi.

Theo Giáo dục và Thời đại

Nguồn giaoducthoidai.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.